Một số vấn đề về thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay

Ngày đăng: 12/01/2018 - 10:01

Trong thực tế, mọi quốc gia đều tồn tại và vận hành trên cơ sở một thể chế chính trị nhất định. Song, không phải quốc gia nào cũng có một thể chế chính trị hữu hiệu. Muốn đánh giá một thể chế chính trị có hữu hiệu hay không thì người ta cần phải nhìn vào những thành tựu mà quốc gia đó đã đạt được dưới sự dẫn dắt, định hướng, điều hành và quản lý của thể chế ấy. Hơn nữa, lịch sử nhân loại cho thấy, không có một thể chế chính trị hữu hiệu và phù hợp với mọi chính thể. Bởi lẽ, mỗi thể chế chính trị bao giờ cũng được hình thành trên cơ sở và gắn liền với một cộng đồng xã hội nhất định, nghĩa là mỗi thể chế chính trị trong xã hội đều có tính lịch sử - cụ thể. Cho nên, thể chế chính trị của một cộng đồng xã hội nhất định sẽ không tồn tại bất biến, mà có sự vận động và phát triển theo cộng đồng xã hội ấy. Nếu ai đó cho rằng có một thể chế chính trị hữu hiệu với cộng đồng xã hội này thì tất cũng sẽ hữu hiệu với cộng đồng xã hội khác, hay xem xét sự tồn tại của một thể chế chính trị nhưng không đặt thể chế ấy trong mối tương quan với cộng đồng xã hội mà nó nảy sinh trên đó, thì đấy là một cách xem xét vấn đề phiến diện, siêu hình, không trong sự vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng. Trên tinh thần đó về thể chế chính trị, dưới đây, bài viết này đề cập đến một số nét cơ bản trong thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay.

1. Chế độ một đảng lãnh đạo trong thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay

Chế độ một đảng lãnh đạo này có nguồn gốc từ vai trò lãnh đạo nhân dân Việt Nam làm cách mạng giành độc lập, tự do vào những năm 30 của thế kỷ XX của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tính bạc nhược và dễ thỏa hiệp với chế độ phong kiến và thực dân đô hộ của giai cấp tư sản cùng đường hướng bế tắc, không nhận thức được đúng đắn về nhu cầu của dân tộc trong mối quan hệ với sự vận động của lịch sử nhân loại của nhiều đảng phái, phong trào yêu nước thời đó đã thôi thúc người dân Việt Nam tìm đến một chính đảng có ngọn cờ phù hợp và kiên định với nhu cầu độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc của mình. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam đã từng bước giải quyết thỏa đáng nhu cầu bức thiết đó của dân tộc Việt Nam trong một quá trình. Thành quả đầu tiên của quá trình đó là thắng lợi vang dội của Cách mạng Tháng Tám cùng sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và bản Tuyên ngôn độc lập vào năm 1945. Tiếp theo, đó là sự độc lập, thống nhất đất nước diễn ra sau đại thắng mùa Xuân năm 1975. Trong quá trình tái thiết đất nước sau chiến tranh, trăn trở với nhu cầu ấm no, giàu mạnh và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam, cuối năm 1986, với việc phát động công cuộc đổi mới toàn diện, Đảng Cộng sản Việt Nam đã đồng thời tự đổi mới bản thân cả về tư duy và hành động để tiếp tục cống hiến cho dân tộc Việt Nam.

Thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay không phải là sự "toàn trị" của Đảng Cộng sản Việt Nam. Người ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng, trong thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay có nhiều nhân tố cùng tồn tại và có sự tương tác chặt chẽ với nhau, là: Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam)[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ là một bộ phận trong thể chế chính trị ấy, "hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật"[2] Việt Nam và "chịu sự giám sát của nhân dân"3. Tinh thần thượng tôn pháp luật đó cũng được ghi rõ ràng trong Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam4 - hiện thân của thể chế quốc gia và được thường xuyên nhắc lại trong văn kiện các kỳ đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu thể chế chính trị ở Việt Nam thực sự là "độc đảng, toàn trị" thì, trước hết và chắc chắn, vấn đề thượng tôn pháp luật sẽ vắng bóng trong các văn kiện quan trọng mang tầm quốc gia.

Nếu thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay là "độc đảng, toàn trị" như những quan điểm sai trái, thù địch nêu thì vấn đề thể chế nói chung, vấn đề thể chế chính trị nói riêng sẽ là điều cấm kỵ trong xã hội Việt Nam. Song, trái lại, trong thực tế, vấn đề thể chế nói chung, vấn đề thể chế chính trị nói riêng lại đang được bàn luận sôi nổi và công khai trên nhiều diễn đàn, đồng thời được tiếp cận từ nhiều ngành, nhiều góc độ[3]. Và từ đó, nhiều ý kiến phản biện tích cực, giá trị về thể chế nói chung, thể chế chính trị nói riêng ở Việt Nam đã được nêu cũng như đã được tiếp thu phần nào vào các văn bản, chính sách quan trọng của đất nước. Đặc biệt, trong Thông điệp năm mới 2014 của người đứng đầu Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, quan điểm của Việt Nam về mối quan hệ giữa thể chế, dân chủ và tự do được nêu rất rõ ràng, cởi mở và đầy hứng khởi cho sự vận động và phát triển của đất nước trong bối cảnh lịch sử mới[4]. Nhiều vấn đề về thể chế cũng đã được đặt ra một cách thẳng thắn trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, như vấn đề mối quan hệ giữa dân chủ và thể chế, những tồn tại trong mối quan hệ giữa thể chế kinh tế thị trường với sự phát triển, v.v.. Một chính đảng không ngại đối diện với những vấn đề "nóng" của đất nước, không ngại nêu vấn đề nổi cộm để hoàn thiện bản thân như Đảng Cộng sản Việt Nam liệu có phải là một đảng "toàn trị" hay hướng đến một thể chế chính trị "toàn trị" không? Câu trả lời là không. Mà trái lại, cách đối diện với vấn đề thể chế nói chung, thể chế chính trị nói riêng, của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho thấy một môi trường tự do, dân chủ, công khai và tích cực ở Việt Nam trong việc bàn luận những vấn đề trọng đại của đất nước. Hơn nữa, đôi khi, tùy hoàn cảnh cụ thể của mỗi nước, sự lãnh đạo duy nhất của một đảng trong thể chế chính trị lại là cần thiết, vì nó đem lại môi trường chính trị - xã hội ổn định cho sự phát triển và thịnh vượng của đất nước.

2. Đặc điểm của thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay là tự do, dân chủ và đoàn kết dân tộc

Thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay tuy theo chế độ một đảng lãnh đạo, nhưng không phải là "toàn trị" và nhất là, thể chế ấy không hề "kìm hãm tự do, dân chủ" hay "chia rẽ dân tộc". Điều này thể hiện trước hết qua sự đa dạng trong cơ cấu đại biểu của Quốc hội Việt Nam - cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đồng thời là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trải qua 13 khóa, trong cơ cấu đại biểu các kỳ của Quốc hội Việt Nam không bao giờ vắng mặt thành phần đại biểu ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam và thành phần đại biểu là người dân tộc thiểu số1. Cơ cấu đại biểu trong Quốc hội Việt Nam không phải chỉ là những con số, mà hơn thế, đó chính là sự hiện hữu của tự do và dân chủ, của sự đoàn kết dân tộc trong thể chế chính trị ở Việt Nam.

Nếu thể chế chính trị ở Việt Nam "kìm hãm tự do, dân chủ" thì những vấn đề nóng của thực tiễn, như đối thoại về tự do, dân chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân quyền, dân chủ trong Đảng, dân chủ và pháp quyền, thể chế và vấn đề phòng, chống tham nhũng... sẽ không thể xuất hiện trong văn kiện các kỳ đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng trong thực tế, người ta có thể thấy những vấn đề này lại xuất hiện với mật độ tương đối dày, nhất là từ sau Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam - Đại hội của đổi mới. Thậm chí, trải qua các kỳ đại hội, những vấn đề này ngày càng được đề cập sáng rõ hơn, thẳng thắn hơn, cầu tiến hơn. Điều đó cho thấy, chính đảng lãnh đạo duy nhất ở Việt Nam luôn có tinh thần thẳng thắn, dân chủ, cởi mở, sẵn sàng đối thoại để giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách của đất nước vì sự phát triển của dân tộc Việt Nam, của đất nước Việt Nam. Tâm thế đó của Đảng Cộng sản Việt Nam về các vấn đề liên quan đến thể chế nói chung, thể chế chính trị nói riêng có thể khiến người ta e ngại về mặt trái của những vấn đề hiện tồn ấy trong quá trình phát triển của đất nước. Song, cũng qua đó, người ta có thể nhận thấy rất rõ một thái độ trung thực cùng một tinh thần không ngại đổi mới và tiếp thu các phản biện một cách tích cực để hoàn thiện bản thân và để phục vụ dân tộc, phục vụ đất nước tốt hơn của chính đảng đang lãnh đạo cách mạng Việt Nam - Đảng Cộng sản Việt Nam. Hơn nữa, đặc tính tự do, dân chủ và đoàn kết dân tộc của một thể chế chính trị không phải ở chỗ thể chế chính trị ấy là độc đảng hay đa đảng, mà là ở chỗ chính đảng lãnh đạo duy nhất ấy có xuất phát từ lợi ích của dân tộc và có vì dân tộc hay không. Nếu câu hỏi này đặt ra cho Đảng Cộng sản Việt Nam thì người ta có thể dễ dàng tìm thấy câu trả lời từ lịch sử ra đời vì dân tộc Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1930.

Nếu thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay là một thể chế "kìm hãm tự do, dân chủ" như nhận định của các thế lực thù địch thì đa số các quốc gia trong Đại hội đồng Liên hợp quốc đã không bỏ phiếu cho Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào ngày 12-11-2013 (nhiệm kỳ 2014-2016) với số phiếu tín nhiệm cao nhất (184/192) trong số 14 nước thành viên mới[5]. Tiếp nối thành công đó, sau một năm hoàn thành nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, gần đây, Việt Nam đã được các nước ASEAN tín nhiệm tái cử là Đồng Điều phối viên của ASEAN tại Hội đồng này[6]. Nói cách khác, chính việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu tín nhiệm cao nhất (184/192) trong số 14 nước thành viên mới cùng việc Việt Nam nhận được sự tán đồng, ủng hộ của các nước ASEAN là câu trả lời mang tầm quốc tế và toàn thế giới về tính đúng đắn, phù hợp và hữu hiệu của thể chế chính trị hiện thời ở Việt Nam.

3. Về vấn đề thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay "đưa đất nước lâm vào khủng hoảng toàn diện, ngày càng tụt hậu so với nhiều nước xung quanh"(?)

Thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay không phải là một thể chế chính trị đóng kín, mà trái lại, nó là một thể chế chính trị cởi mở. Điều này thể hiện qua quá trình đất nước Việt Nam - dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - đã nỗ lực gia nhập, được thừa nhận và đóng góp công lao với tư cách thành viên tích cực vào sự phát triển của nhiều tổ chức trong khu vực và trên thế giới. Đến nay, Việt Nam đã là thành viên của 63 tổ chức quốc tế và có quan hệ với hơn 500 tổ chức phi chính phủ trên thế giới[7]. Trải qua gần 30 năm đổi mới, với nhiều đổi mới không ngừng về thể chế nói chung, thể chế chính trị nói riêng, Việt Nam ngày càng thu hút được nhiều nguồn đầu tư nước ngoài, tuân thủ đầy đủ các cam kết hội nhập quốc tế, nhiều thể chế kinh tế mới mang tính thị trường hơn. Với những biến đổi tích cực như vậy, Việt Nam đã nhận được nhiều đánh giá cao từ các quốc gia đối tác, trong đó có không ít các cường quốc trên thế giới.

Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, đất nước Việt Nam không những đã có những bước tiến đáng kể trong quá trình tìm đường thoát khỏi khủng hoảng kinh tế thế giới, mà còn thường xuyên được các tổ chức uy tín trên thế giới đánh giá cao về những thành tựu đã đạt được và tiềm năng phát triển. Theo nhận định của Ngân hàng phát triển thế giới, Việt Nam "là một câu chuyện điển hình về phát triển thành công", đã hoàn thành được nhiều Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, đồng thời có những phát triển và thành tựu đáng ghi nhận cả về chỉ số lẫn môi trường thể chế[8]. Còn Giám đốc Điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde, đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong quá trình cải cách và phát triển[9]. Liên hợp quốc cũng đánh giá cao những kết quả mà công cuộc đổi mới của Việt Nam đem lại3.

*

* *

Thể chế chính trị ở Việt Nam hiện nay có thể chưa phải là một thể chế chính trị đã hoàn thiện. Song, đó là một thể chế chính trị cởi mở, dân chủ, luôn sẵn sàng đổi mới để hoàn thiện và phát triển vì dân tộc Việt Nam. Là một chính đảng luôn vì sự tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam, đã đưa Việt Nam vươn lên những tầm cao mới trong tương quan với các nước trên thế giới thì không có lý do gì mà Đảng Cộng sản Việt Nam lại không thể tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo duy nhất con đường phát triển của dân tộc Việt Nam. Tất nhiên, Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và do đó, thể chế nói chung, thể chế chính trị nói riêng còn có những vấn đề cần phải nghiên cứu sâu thêm về mặt lý luận, phải tiếp tục đổi mới và hoàn thiện về mặt thực tiễn. Trong quá trình hoàn thiện đó, việc học hỏi, tiếp thu, kế thừa những thành tựu lý luận và thực tiễn về thể chế nói chung, thể chế chính trị nói riêng mà nhân loại đã đạt được là điều cần thiết và tất yếu. Đó cũng là điều đương nhiên trong quá trình vận động và phát triển của bất kỳ một thể chế chính trị nào hiện tồn trên thế giới. Song, những vấn đề về thể chế nói chung, thể chế chính trị nói riêng đang được đặt ra ở Việt Nam hiện nay không đồng nghĩa với việc thể chế chính trị đa đảng nói chung, thể chế chính trị đa đảng như ở các nước châu Âu và Mỹ nói riêng có thể phù hợp, hữu hiệu và đáp ứng được nhu cầu tồn tại, vận động và phát triển của dân tộc Việt Nam - một dân tộc có quá nhiều đặc thù lịch sử và do đó, luôn cần có một thể chế chính trị đặc thù riêng để tồn tại và phát triển.


VŨ THỊ KIỀU PHƯƠNG*

Bài viết trích trong cuốn Phê phán các quan điểm sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng, cương lĩnh,
đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản

Chú thích:

* Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

[1]. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Chính trị học Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.213.

[2], 3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Sđd, tr.89.

[5]. Theo http://www.mofa.gov.vn/vi/nr040807104143/nr 040 807105001/ns131113175615/view.

[6]. Theo http://baodientu.chinhphu.vn/The-gioi-va-Viet-Nam/ Viet-Nam-tham-du-phien-hop-cap-cao-Hoi-dong-Nhan-quyen-LHQ/221339.vgp.

[7]. Dẫn theo http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinh phu/NuocCHXHCNVietNam/thamgiacactochucquocte

Bình luận