Cách mạng công nghiệp 4.0 và tương lai của ngành xuất bản

Ngày đăng: 19/01/2018 - 08:01

Thời gian qua, khi mà tần số các bài báo, chương trình truyền thông về chủ đề Cách mạng công nghiệp 4.0 xuất hiện càng ngày dày đặc, hàng loạt cuộc hội thảo được tổ chức ở các cấp với những quy mô khác nhau, và trên hết là thực tế hiện hữu về những gì mà cuộc cách mạng này sẽ mang lại, đã lôi cuốn sự quan tâm của hầu hết cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề ở Việt Nam. Họ chờ đón xem nó sẽ mang lại một sự phát triển nhảy vọt như thế nào, mở ra những cơ hội gì, nhưng cũng lo ngại trước những thách thức, nguy cơ khi phải đối mặt với nó, đặc biệt là nguy cơ tụt hậu về kinh tế. Tạp chí Nhịp cầu Tri thức đã có cuộc trò chuyện cùng TS. Đinh Việt Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia về tương lai của ngành xuất bản trước sự “tấn công” vũ bão của làn sóng thứ tư này.

cach mang4.012018

P.V: Thưa TS. Đinh Việt Hòa, anh nhìn nhận như thế nào về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0?

TS. Đinh Việt Hòa: Xét cho cùng, mỗi cuộc cách mạng trong lịch sử đều hướng tới hai mục đích chính, đó là lan tỏa tri thức và làm gia tăng nguồn vốn. Và những thay đổi đó đều bắt nguồn từ sự thay đổi trong nhận thức, tư duy của con người, để rồi những thành tựu của các cuộc cách mạng đó sẽ quay trở lại phục vụ cho sự phát triển của chính con người.

Trong tiến trình lịch sử của mình, nhân loại đã trải qua 4 làn sóng trong lĩnh vực công nghiệp, tương đương với 4 cuộc cách mạng.

Nhưng trước hết, hãy nhìn lại lịch sử một cách sâu xa hơn - từ khoảng 10.000 năm trước, từ những con người hoàn toàn bị động trước tự nhiên, thiên nhiên, không có tư duy tích trữ, không có tư duy tạo nên các nguồn vốn để phát triển xã hội, lần đầu tiên con người đã bước vào kỷ nguyên sáng tạo, thể hiện qua việc họ đã biết giữ những hạt giống và biết quy tụ, tổ chức nhau lại để cùng tạo nên những cánh đồng lúa lớn hơn. Đó chính là sự chia sẻ, lan tỏa tri thức, và điều đó tạo nên sự lớn mạnh của cộng đồng.

Sau này, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, con người đã biết dùng công cụ máy móc hiện đại thay thế cho sức lao động của con người. Vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX, cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên trên thế giới được bắt đầu ở nước Anh với việc phát minh ra máy hơi nước. Đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sự ra đời của động cơ điện và dây chuyền lắp ráp, sản xuất hàng loạt đánh dấu sự ra đời của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba diễn ra vào những năm 1970 với sự hình thành của sản xuất tự động dựa vào máy tính, thiết bị điện tử và Internet, tạo nên một thế giới kết nối. Đây có thể coi là cuộc cách mạng công nghiệp trong lĩnh vực thông tin.

Và ngày hôm nay, chúng ta đang được chứng kiến sự xuất hiện của làn sóng thứ tư - cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Xét về bản chất, cuộc cách mạng 4.0 này chính là sự hòa quyện giữa cuộc cách mạng công nghiệp và cuộc cách mạng thông tin. Nhắc đến Cách mạng 4.0, người ta hình dung chủ yếu tới kết nối vạn vật qua Internet, tới trí thông minh nhân tạo, tới sự liên kết giữa thế giới thực và ảo.

Nhưng đặc điểm nổi bật nhất của nó chính là biến những thứ hữu hình thành vô hình. Cuộc cách mạng này đã và đang ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ lên hầu hết tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

P.V: Theo anh, Cách mạng công nghiệp 4.0 có ảnh hưởng như thế nào tới ngành xuất bản?

TS. Đinh Việt Hòa: Cuộc cách mạng này thực sự có ảnh hưởng lớn đến ngành xuất bản. Sự tác động, ảnh hưởng đó mang tính hai chiều: mở ra những cơ hội và tiềm ẩn cả những nguy cơ, thách thức.

Về cơ hội, trước hết, xét một cách cơ bản, mục đích của xuất bản chính là truyền tải tri thức, lan tỏa, chia sẻ tri thức của một người, một nhóm người, một cộng đồng và của toàn nhân loại nhằm giữ gìn, bảo lưu các giá trị của tri thức. Mục đích đó sẽ được đáp ứng tối ưu nhất với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Bằng sự xóa nhòa mọi giới hạn, ranh giới về không gian, thời gian, Cách mạng 4.0 mở ra một bước ngoặt mới về tốc độ chia sẻ và lan tỏa. Những công đoạn của xuất bản truyền thống (sách in giấy) sẽ được giảm đi rất nhiều để đến được tay nhiều độc giả nhất, trong thời gian nhanh nhất.

Thứ hai, cùng với mở ra bước ngoặt trong việc truyền tải, lan tỏa tri thức, thì việc tiếp nhận thông tin “đầu vào” cho xuất bản cũng được mở ra những cơ hội mới. Thay vì lấy tác giả làm trung tâm như xuất bản truyền thống, tức là thông thường, tác giả có bản thảo sẽ tự tìm đến nhà xuất bản để xuất bản, thì nay, với những phương tiện hiện đại trong tay, được kết nối toàn cầu, các luồng thông tin trở nên vô cùng phong phú, những người làm xuất bản không còn thụ động “ngồi chờ” nguồn bản thảo nữa, mà họ có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của người đọc, hoặc chủ động tìm kiếm, khai thác đề tài rồi đặt các tác giả viết. Cũng chính nhờ sự phong phú, đa dạng của các nguồn thông tin mà ngày nay, các mảng đề tài được khai thác xuất bản ngày càng đa dạng hơn.

Bên cạnh đó, công tác biên tập cũng trở nên chuyên nghiệp hóa hơn khi biên tập viên có được nhiều nguồn thông tin để kiểm định, kiểm chứng và hệ thống thông tin được hệ thống hóa.

Thứ ba, trong tương lai, sự phát triển của trí thông minh nhân tạo sẽ giúp cho biên tập viên trong một số khâu công việc chẳng hạn như tổng hợp tất cả các nguồn thông tin về cùng một chủ đề trên toàn cầu, những robot sẽ thay thế bộ phận chế bản hay nhân công làm kỹ thuật in ấn, giúp nhà xuất bản tinh giản bộ máy; đồng thời còn giúp nhà xuất bản kiểm định được chất lượng bản thảo, kiểm soát được tình trạng đạo văn, ăn cắp ý tưởng, tiếp cận được sự tiến bộ nhanh chóng của khoa học và công nghệ...

Ngoài ra, Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp tiết kiệm chi phí lưu thông dẫn đến hạ giá thành sách, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, không gian lưu trữ... Với xuất bản sách giấy, nhà xuất bản chỉ có thể ước lượng nhu cầu của thị trường để quyết định số lượng bản in, nếu số bản tiêu thụ thực tế nhỏ hơn mức dự tính ban đầu thì sẽ dẫn đến tình trạng sách tồn kho, lãng phí một nguồn vốn đầu tư không nhỏ. Sách điện tử có thể khắc phục được mối lo ngại này.

Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, xuất bản trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng phải đối mặt với không ít thách thức.

Thứ nhất, trong điều kiện hệ thống thông tin trở nên vô cùng đa dạng, thì những thông tin thừa, thiếu chính xác, thậm chí là những thông tin mang tính xuyên tạc, mang mục đích, động cơ không lành mạnh cũng xuất hiện và tồn tại như một phần tất yếu. Phải “bơi” trong biển thông tin như vậy, cả những người làm xuất bản và độc giả đều sẽ rất khó khăn trong lựa chọn, chắt lọc thông tin.

Thứ hai, cuộc Cách mạng 4.0 cũng sẽ làm mất đi những yếu tố văn hóa trong phương thức đọc truyền thống. Đó là cảm xúc rất đặc biệt khi cầm trên tay một cuốn sách vuông vắn, nhỏ nhắn, lật giở từng trang sách, ngửi mùi thơm của giấy mới, hay ý nghĩa giá trị khi sử dụng cuốn sách như một món quà tặng để trao gửi tình cảm giữa con người với nhau.

Thứ ba, với sự thay đổi trong phương thức xuất bản của thời đại công nghiệp 4.0, sức khỏe con người sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Việc đọc trên mạng, đặc biệt là nếu đọc một cuốn sách dày, đọc trong một khoảng thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến thị lực, ảnh hưởng đến não cùng nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Thứ tư, những nhà xuất bản truyền thống nếu không thích nghi, bắt kịp tốc độ phát triển của khoa học công nghệ, không ứng dụng kịp thời những thành tựu khoa học công nghệ cùng những lợi thế của xu hướng xuất bản điện tử vào quy trình xuất bản, không có điều kiện về nguồn vốn để thay thế máy móc, trang thiết bị hiện đại, sẽ trở nên yếu thế trong cuộc cạnh tranh quyết liệt của thị trường, dẫn đến nguy cơ phải giải thể.

Thứ năm, vai trò của nhà xuất bản trong quy trình xuất bản sẽ bị suy giảm do tính chủ động của độc giả trong thời đại số hóa được nâng cao hơn nhiều. Họ có khả năng lựa chọn loại hình truyền thông để tiếp nhận thông tin, có thể tiếp cận trực tiếp với các tác giả, thậm chí vừa là người truyền thông tin, vừa là người tiếp nhận thông tin.

P.V: Vậy thì, tương lai ngành xuất bản sẽ phát triển ra sao?

TS. Đinh Việt Hòa: Xuất bản có vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế tri thức, do vậy cần khẳng định ngay rằng ngành xuất bản sẽ không bao giờ “lụi tàn”. Ngược lại, trí tuệ của con người càng thăng hoa thì ngành xuất bản sẽ càng phát triển. Nó chỉ chuyển hóa từ dạng này sang dạng khác, nói cách khác là nó chuyển hóa từ hình thái chuyển tải này sang hình thái chuyển tải khác mà thôi. Điều này rất bình thường và nó luôn xảy ra kể từ khi con người sáng tạo ra chữ viết. Trải qua quá trình phát triển của xã hội, sách chưa bao giờ giới hạn ở một hình thái biểu hiện cụ thể là sách giấy mà đã biến đổi từ sách viết trên đá, thanh tre, gỗ, lá cây (thời cổ đại)… rồi sau này là xuất bản trên giấy, trên đĩa CD dưới dạng văn bản đơn thuần, đĩa CD đa phương tiện, còn bây giờ là xuất bản trên môi trường mạng. Thông tin tri thức không chỉ được chuyển tải bằng ký tự mà còn bằng âm thanh, hình ảnh, video…

Xu hướng trong thời gian tới là xuất bản sách giấy sẽ bị thu hẹp dần, bởi để xuất bản một đầu sách giấy phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi đầu tư về máy móc, nhân công, thời gian, chi phí để đưa đến độc giả. Nhưng xuất bản theo phương thức truyền thống vẫn tồn tại ở những môi trường nhất định như các trường đại học, các viện nghiên cứu. Các mảng sách vẫn sẽ được duy trì phiên bản giấy là sách giáo khoa, giáo trình, sách về khoa học, những vấn đề mang tính triết lý, sách nghiên cứu chuyên sâu, sách lịch sử…

Trong khi đó, xuất bản số sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời đại 4.0 bởi những đặc tính ưu việt của nó. Công nghệ 4.0 sẽ biến tất cả những thứ hữu hình thành vô hình, và vì vậy, nó phá vỡ mọi giới hạn không gian và thời gian, làm đa dạng hóa hình thức thể hiện. Nếu như sách giấy chủ yếu sử dụng chữ viết và hình ảnh để truyền đạt nội dung thì sách điện tử có thể truyền đạt nội dung một cách vô cùng đa dạng, từ chữ viết, hình ảnh cho đến âm thanh, hình ảnh động, rồi âm thanh, hình ảnh 3D. Trong khâu phát hành, ngoài việc giảm thiểu được không gian và chi phí lưu kho, thì hệ thống marketing online, chức năng bán sách online cũng như khả năng phát triển các dịch vụ chăm sóc khách hàng cũng sẽ là một thế mạnh đặc biệt của xuất bản mạng, giúp tiếp cận khách hàng một cách vô cùng nhanh chóng và đưa công tác tiêu thụ xuất bản phẩm trở nên hiệu quả hơn nhiều so với xuất bản truyền thống.

Nhưng sách điện tử sẽ không thể thay thế hoàn toàn được sách giấy, nó chỉ chiếm ưu thế ở thể loại sách mỏng, ít thể hiện bằng ngôn ngữ mà chủ yếu bằng hình ảnh, âm thanh, hoặc mảng sách công cụ hay sách chuyên ngành. Đối với các loại sách công cụ, người sử dụng có thể thông qua các công cụ tìm kiếm để tìm được nội dung cần thiết một cách nhanh chóng, thuận lợi. Còn đối với sách chuyên ngành, do có đối tượng độc giả rất hạn hẹp nên nếu xuất bản bằng sách giấy, số lượng tiêu thụ sẽ hết sức hạn chế. Điều này sẽ dẫn đến việc tăng chi phí, “đội” giá thành của xuất bản phẩm, hoặc dẫn đến tình trạng tồn kho nên lựa chọn xuất bản bằng sách giấy là rất khó khăn, trong khi xuất bản trên mạng sẽ không bị hạn chế bởi số lượng, thậm chí nó cho phép người ta chỉ cần xuất bản một bản duy nhất.

Tuy nhiên, có một điều đáng lo ngại là những sản phẩm của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chẳng hạn như những robot, người máy có khả năng sẽ quay trở lại kiểm soát con người, nó sẽ tự viết ra những tri thức, thông tin mà con người không thể kiểm soát được. Đây có thể sẽ là một thách thức lớn đối với ngành xuất bản trong tương lai.

P.V: Chúng ta, những người làm xuất bản, cần làm gì để hòa nhập được với những thay đổi mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại?

TS. Đinh Việt Hòa: Hiện nay, nhiều nhà xuất bản ở Việt Nam đã triển khai hình thức xuất bản điện tử song song với xuất bản sách giấy. Và có thể tự tin rằng, trong khoảng 40 năm nữa, nguồn khách hàng truyền thống vẫn sẽ được duy trì. Với trình độ, năng lực tiếp cận các ứng dụng công nghệ thông tin của người dân hiện nay, sách điện tử mới chủ yếu dành cho lớp trẻ.

Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang từng ngày tác động, ảnh hưởng mạnh mẽ tới lĩnh vực xuất bản, do vậy, chúng ta cần phải có những “động thái” nhằm tạo thế chủ động chuẩn bị sẵn sàng “đón” làn sóng thứ tư khi nó tràn vào:

- Nhà nước, Chính phủ cùng các cơ quan hữu quan cần quan tâm tới vấn đề giải quyết việc làm, xây dựng kế hoạch sắp xếp, bố trí việc làm mới cho những người sẽ bị mất việc do ảnh hưởng từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chẳng hạn những người làm công tác chế bản, công nhân in, nhân viên bán sách…

- Về phía các nhà xuất bản, cần: chuẩn bị đầy đủ điều kiện và năng lực để chuyển dần sang xuất bản số; nâng cao chất lượng bản thảo qua sự chủ động, tích cực tìm kiếm những đề tài đúng với “hơi thở” của thời đại, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người đọc; tăng cường năng lực ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ; đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác phát hành, marketing giỏi, năng động; lựa chọn những mảng xuất bản đặc thù để xây dựng thương hiệu riêng, độc đáo cho mình; tăng cường xây dựng các website, đẩy mạnh xây dựng hình ảnh, bộ nhận diện thương hiệu, chiến lược phát triển cho đơn vị mình.

- Bản thân mỗi cá nhân hoạt động trong ngành xuất bản cũng cần có sự chủ động, tích cực nâng cao trình độ, tăng cường tri thức, nâng cao khả năng thích nghi, dám đối mặt với thách thức. Ví dụ, trước sự tràn lan của thông tin trên mạng internet, lượng thông tin có thể trở thành đề tài xuất bản vô cùng hiếm hoi, nếu lựa chọn không đúng sẽ dẫn đến định hướng sai, do vậy, biên tập viên cần có năng lực phân biệt, chắt lọc thông tin để khai thác được những đề tài đúng và trúng. Đối với những cán bộ làm công tác in, chế bản, có thể xác định hai hướng đi, hoặc đầu tư cho việc học để có thêm tri thức, năng lực làm việc trong các ngành nghề khác, đảm đương được vị trí việc làm khác; hoặc bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề để trở thành những chuyên gia trong lĩnh vực công tác của mình.

P.V: Xin chân thành cảm ơn anh!

Bình luận