Những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam

Ngày đăng: 25/01/2018 - 09:01

Tóm tắt: Được dự báo là một trong 5 nước đang phát triển bị tác động tồi tệ nhất trên thế giới trước nguy cơ biến đổi khí hậu, thực tế những năm qua cho thấy, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu: hạn hán, bão lũ liên tiếp hoành hành tại cả ba miền, gây thiệt hại nặng nề về người và của. Trước tình hình đó, cần nghiên cứu đưa ra các giải pháp trước mắt và lâu dài để đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu, chẳng hạn như: hạn chế/chấm dứt sử dụng than để sản xuất điện, tích cực sử dụng các nguồn năng lượng sạch, giảm lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt là ưu tiên lồng ghép công tác thích ứng với biến đổi khí hậu vào các chiến lược xóa đói giảm nghèo.

Từ khóa: biến đổi khí hậu, hạn hán, bão, lũ lụt, xóa đói giảm nghèo

12996ad9-b0a1-4051-b5b0-3655e466535d

Biến đổi khí hậu - những thông tin dự báo

Năm 2007, Ngân hàng Thế giới cho biết, trong số 33 thành phố có quy mô dân số 8 triệu người thì năm 2015, ít nhất 21 thành phố có nguy cơ cao bị nước biển nhấn chìm toàn bộ hoặc một phần. Mức độ rủi ro cao về lãnh thổ bị thu hẹp do nước biển dâng lên theo thứ tự là Trung Quốc, Ấn Độ, Bănglađét, Việt Nam, Inđônêxia, Nhật Bản, Ai Cập, Hoa Kỳ, Thái Lan và Philíppin.

Trong thỏa thuận lịch sử COP 21 ngày 14-12-2015 tại Pari (Pháp), các nhà khoa học cho rằng tăng: “20C là ngưỡng nguy hiểm của việc hành tinh xanh nóng dần lên. Vượt qua ngưỡng này, các hậu quả về sinh thái và môi trường là không thể vãn hồi. Cụ thể ở mức tăng 30C các đại dương sẽ giãn nở, băng tan chảy làm nước biển dâng cao 60cm, nhấn chìm nhiều khu vực ven biển. Ngoài ra, nhiệt độ trung bình của trái đất tăng ở mức này sẽ làm cho thời tiết trở nên khắc nghiệt, mùa đông lạnh giá hơn, mùa hè nóng bức hơn, thiên tai lũ lụt, La Nina, El Nino cũng sẽ diễn ra thường xuyên. Nhiệt độ tăng giới hạn nên chỉ 1,50C”. Theo thông tin từ Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 23), diễn ra ở Bonn (Đức) từ ngày 16 đến 17-11-2017, trên phạm vi thế giới trong 20 năm (1996-2016), thiên tai biến đổi khí hậu đã làm chết 520.000 người, gây thiệt hại kinh tế 3.160 tỉ USD.

Việt Nam được dự đoán là một trong 5 nước đang phát triển bị tác động tồi tệ nhất trên thế giới nếu khí hậu tăng lên 10C và nước biển dâng cao 1m. Những tác động xấu gây nên cho con người, đất nông nghiệp và GDP bao gồm:

- Thời tiết trở nên bất thường và khó dự báo hơn.

- Mực nước biển dâng cao 1m có thể làm mất 12,2% diện tích đất là nơi cư trú của 23% dân số.

- Ngày càng có nhiều cơn bão và mức độ tàn phá mạnh hơn.

- Nhiệt độ tăng cao và lượng mưa thay đổi sẽ làm ảnh hưởng lớn tới nông nghiệp và tài nguyên nước. Diện tích rộng lớn của đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và ven biển miền Trung bị ngập lụt do nước biển dâng. Nước biển dâng sẽ ảnh hưởng đến các vùng ngập nước ven biển Việt Nam, nhất là các khu vực rừng ngập mặn của Cà Mau, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu,Nam Định.

Những tác động trực tiếp đến Việt Nam

Không trái với dự báo, thực tế những năm qua cho thấy, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu: hạn hán liên tiếp hoành hành tại cả ba miền; lũ lụt, bão xảy ra thường xuyên hơn, gây thiệt hại lớn hơn về người và của. Cũng trong vòng 50 năm qua, ảnh hưởng của ENSO1 đến điều kiện thời tiết nước ta khá nặng nề.

Theo thống kê, trong vòng 45 năm (1956-2000) đã có 311 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam; số lượng trung bình là 6,9 cơn bão/năm. Mỗi năm, Chính phủ phải chi hàng ngàn tỉ đồng để khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra. Trong 10 năm gần đây, hạn hán đã hoành hành ở miền Trung và Tây Nguyên làm thiệt hại gần 3.000 tỉ đồng. Năm 2016, thiên tai đã làm 264 người chết và mất tích; 5.431 ngôi nhà bị đổ, sập, trôi; 364.997 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 828.661 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp; v.v.., tổng thiệt hại về kinh tế lên đến 39.726 tỉ đồng2. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2017, thiên tai đã làm 169 người chết và mất tích, 232 người bị thương; 1,6 nghìn ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và 233,8 nghìn ngôi nhà bị ngập, sạt lở, tốc mái; 66,1 nghìn ha lúa và 45,4 nghìn ha hoa màu bị ngập, hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trong 9 tháng ước tính gần 21,5 nghìn tỉ đồng3.

Không chỉ gây ra những thiệt hại nặng nề đối với đời sống kinh tế - xã hội, biến đổi khí hậu còn có ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe con người. Theo thống kê, từ năm 1977 đến 2000, tổng số người bị chết và mất tích do thiên tai là 14.962 người, trong đó xảy ra vào những năm ENSO chiếm 64% (El Nino 43%, La Nina 21%). Tỷ lệ số người mắc bệnh sốt xuất huyết trên 100.000 người trong thời kỳ 1976-1998 có quan hệ với hiện tượng El Nino với hệ số tương quan từ 0,4 - 0,6. Riêng đợt El Nino 1997-1998, cả nước có 51 tỉnh, thành phố có dịch sốt xuất huyết với tỷ lệ bình quân 306/100.000 người.

Biến đổi khí hậu cũng gây ra nhiều tác động tiêu cực đối với trữ lượng các bãi cá và nghề đánh cá trên các vùng biển nước ta. Cường độ mưa lớn làm cho nồng độ muối giảm đi trong một thời gian ngắn dẫn đến sinh vật nước lợ và ven bờ, đặc biệt là nhuyễn thể hai vỏ (nghêu, ngao, sò…) bị chết hàng loạt do không thích nghi với nồng độ muối thay đổi. Các loại cá nhiệt đới kém giá trị kinh tế tăng lên, các loài cá cận nhiệt đới có giá trị kinh tế cao bị giảm đi hoặc mất hẳn.

Do mưa lớn, hầu hết các hồ chứa ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và các hồ chứa nhỏ ở Nam Trung Bộ đã đầy nước. Cả nước hiện có 1.200 hồ chứa bị xuống cấp nghiêm trọng, trong đó có 350 hồ xung yếu, là những quả “bom nước” có thể vỡ bất cứ lúc nào.

Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, đợt mưa, lũ sau cơn bão số 12 năm 2017 khiến khoảng 19 tỉ m3 đổ xuống khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Khánh Hòa, Tây Nguyên. Đã xuất hiện lũ rất lớn ở Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Lũ trên sông Hương xấp xỉ trận lũ lịch sử năm 1999. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, cả nước xảy ra 18 sự cố về hồ. Ngoài các sự cố nói trên, còn có các sự cố ở Thái Nguyên (1 hồ), Hòa Bình (4 hồ), Thanh Hóa (3 hồ), Nghệ An (1 hồ), Hà Tĩnh (1 hồ), Phú Yên (2 hồ), Bà Rịa - Vũng Tàu (1 hồ). Hiện các hồ trên đã được xử lý khẩn cấp để bảo đảm an toàn trước mắt.

Chiều 8-11-2017, Văn phòng Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, Cục Cứu hộ cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, thống kê đến 17 giờ cùng ngày, mưa bão số 12 đã làm 106 người chết, 25 người mất tích, 197 người bị thương.

Mưa lũ lớn cũng làm nhiều địa phương bị ngập nặng: Thừa Thiên Huế có hơn 70.000 ngôi nhà ngập 0,2-0,8m; Đà Nẵng có trên 11.500 ngôi nhà bị ngập (chủ yếu ở khu vực Hòa Vang, Ngũ Hành Sơn); ở Quảng Nam là hơn 4.800 ngôi nhà; 53 xã (phường) thuộc 8 huyện, thành phố tại Quảng Ngãi bị ngập; Phú Yên có gần 7.800 ngôi nhà (chủ yếu ở huyện Tuy An và Đồng Xuân); Quảng Trị có hơn 760 ngôi nhà ngập 0,3-1m, có nơi ngập tới 2m (chủ yếu ở khu vực Hải Lăng, Triệu Phong, Quảng Trị).

Trước đó, sáng 4 tháng 11, bão số 12 (Damrey) chỉ trong phút chốc ập vào bờ biển Quy Nhơn (Bình Định) đã đánh đắm một lúc 8 con tàu hàng đang neo đậu, nhấn chìm gần 100 thuyền viên. Giữa tâm bão, 71 thuyền viên đã được cứu sống, 13 thuyền viên mất tích, sau đó tìm được 11 thi thể, 1 tàu hàng khác bị bão đánh dạt vào bờ mắc cạn, 15 thuyền viên may mắn sống sót. Trong số tàu bị đắm có một tàu chứa 130 tấn dầu, nếu dầu bị tràn thì đây sẽ là một thảm họa khó lường.

Chỉ sau một đêm, thủ phủ nuôi tôm hùm ở thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) đang nhộn nhịp, trù phú bỗng trở thành tan hoang, người nuôi tôm trắng tay, ngập trong nợ nần. Vào đầu thôn Vịnh Hòa, lồng bè nuôi tôm nằm la liệt chất chồng lên nhau, dày đặc bãi biển.

Năm 2008, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đưa ra khái niệm “nghèo do môi trường”, mà thực chất là đặt nghèo đói vào trong những khung cảnh nhất định, gắn liền với vùng sinh cảnh như là nguồn cung cấp các nguồn lực cơ bản cho sinh kế của người nghèo. ADB gọi cái nghèo trong những sinh cảnh (vùng) mà nguyên nhân chính là môi trường suy thoái là nghèo do môi trường và người nghèo sống trong những sinh cảnh (vùng) đó được gọi là người nghèo do môi trường. Trên cơ sở ý tưởng này, có thể quan niệm nghèo do biến đổi khí hậu là nghèo có nguyên nhân từ những tác động của biến đổi khí hậu và người nghèo sống trong những khu vực (sinh cảnh) bị tác động của biến đổi khí hậu được gọi là người nghèo do biến đổi khí hậu.

Biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

Trong ngày 17-11-2017 - ngày cuối cùng của COP 23, đã có nhiều cam kết tự nguyện được đưa ra. Đáng chú ý nhất là việc 20 nước quyết định không sử dụng than kể từ năm 2030 và sự ra đời của một liên minh chống sử dụng than đá. Theo đó, Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan, Pháp, Italia, Niu Dilân, Costa Rica, Fiji và khoảng 10 quốc gia khác đã cam kết chấm dứt dùng than để sản xuất điện vào năm 2030. Riêng Pháp, trong 3 năm nữa sẽ đóng cửa hoàn toàn các nhà máy nhiệt điện dùng than. Đặc biệt, trong số các thành viên tham gia liên minh này còn có nhiều bang của Mỹ, dù trước đó Washington đã tuyên bố ý định rút khỏi Thỏa thuận Pari - thỏa thuận đặt kỳ vọng cắt giảm lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính (CO2) để kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu. Tại COP 23, Cơ quan Năng lượng quốc tế cho rằng các nhà máy điện than sản sinh ra gần 40% điện năng toàn cầu làm cho ô nhiễm CO2 từ than trở thành một trong những yếu tố hàng đầu gây ô nhiễm không khí và gia tăng nhiệt độ trái đất. Hiện tại, Trung Quốc là nước tiêu thụ tới một nửa lượng than của toàn thế giới, kế tiếp là Mỹ, châu Âu, Ấn Độ.

Trưởng đoàn Việt Nam cũng chia sẻ với các bên về một sự kiện như là mốc quan trọng trong quá trình xây dựng khả năng thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Đó là vào tháng 9 vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị về chuyển đổi mô hình phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long, một trong những vùng trồng lúa gạo lớn nhất Đông Nam Á và chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi biến đổi khí hậu trên thế giới. Tại hội nghị, Việt Nam cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 8% lượng phát thải gây hiệu ứng nhà kính so với mức phát thải thông thường, sử dụng hiệu quả năng lượng sẵn có, phát triển nâng tỷ trọng năng lượng sạch nhằm giảm phát thải, tăng diện tích trồng rừng để tăng khả năng hấp thụ CO2...

Trong các giải pháp ứng phó với tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu thì vấn đề đói nghèo và người nghèo được lưu ý và quan tâm trong hành động của tất cả các quốc gia. Báo cáo phát triển con người với chủ đề “Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu: Đoàn kết nhân loại trong một thế giới phân cách” (do UNDP công bố năm 2007) đã kiến nghị các quốc gia “Cần ưu tiên lồng ghép nhiều hơn công tác thích ứng với biến đổi khí hậu vào các chiến lược xóa đói giảm nghèo”.

Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên - Môi trường nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 60/2007/NQ-CP của Chính phủ đã có yêu cầu “phân tích và đánh giá khía cạnh kinh tế của các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu”. Trên cơ sở này, cần thiết có một khung khổ tổng thể (Đề án tổng thể) về phân tích và đánh giá khía cạnh kinh tế các tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Trong khung khổ tổng thể như vậy, nhìn từ góc độ của vấn đề nghèo đói thì việc nghiên cứu, phân tích tác động của biến đổi khí hậu cần tập trung trước hết vào đối tượng người nghèo ở các vùng, khu vực, lĩnh vực chịu tác động của biến đổi khí hậu ở nước ta.

- Nghiên cứu cụ thể hóa nội dung phạm trù “nghèo do môi trường”, trong đó có do biến đổi khí hậu để trên cơ sở đó, kiến nghị với các cơ quan hoạch định chiến lược, chính sách chính thức đưa diện đối tượng này như là một đối tượng cần quan tâm trong hoạch định chiến lược, chính sách.

- Điều tra, khảo sát xây dựng cơ sở dữ liệu về nghèo đói gắn với những biến đổi khí hậu mà hiện nay do những bất cập trong hệ thống và phân công quản lý nhà nước còn đang thiếu hụt, chưa có cơ quan, tổ chức nào được phân công trách nhiệm bao quát cụ thể.

- Nghiên cứu các tác động về kinh tế đối với người nghèo ở các khu vực bị tác động của biến đổi khí hậu bên cạnh các nghiên cứu tác động về tự nhiên, môi trường, xã hội.

- Thích ứng là sự điều chỉnh trong hệ sinh thái, xã hội hoặc kinh tế nhằm ứng phó với những tác động thực tế hoặc dự báo của sự biến đổi khí hậu; là những thay đổi trong các hoạt động của con người nhằm giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu. Thích ứng là một chiến lược quan trọng được thực hiện đồng thời với các biện pháp cắt giảm khí nhà kính, nhằm đối phó với sự biến đổi khí hậu. Ví dụ, biến vùng ngập mặn thành thế mạnh nuôi tôm xuất khẩu.

- Kinh nghiệm quốc tế cho thấy rằng có nhiều biện pháp để giúp người nghèo đối phó với vấn đề biến đổi khí hậu. Nhưng lựa chọn trước tiên đó chính là cần phải lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu, đặc biệt là các nỗ lực thích ứng vào quá trình lập kế hoạch như quá trình xây dựng chiến lược xóa đói giảm nghèo, chiến lược phát triển bền vững. Sự lồng ghép này phải hướng tới người nghèo, giúp họ giảm thiếu được những tác hại do sự biến đổi khí hậu, duy trì được sinh kế, gia tăng được thu nhập để thoát nghèo.

PGS.TS. Nguyễn Đức Khiển

Nguyên Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ và Môi trường Hà Nội

1. ENSO là chữ viết tắt của các từ ghép El Nino Southern Oscillation (El Nino - Dao động Nam) để chỉ cả hai hiện tượng El Nino và La Nina và có liên quan với dao động của khí áp giữa 2 bờ phía Đông Thái Bình Dương với phía Tây Thái Bình Dương - Đông Ấn Độ Dương (được gọi là Dao động Nam) để phân biệt với dao động khí áp ở Bắc Đại Tây Dương.

2.http://www.tongcucthuyloi.gov.vn/Tin-tuc-Su-kien/catid/79/item/3147/tong-hop-tinh-hinh-thien-tai-nam-2016-va-cong-tac.

3. Tổng cục Thống kê: “Thông cáo báo chí tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2017”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

PGS. TS. Nguyễn Doanh Sơn: “Nghèo đói do biến đổi khí hậu, nhìn từ góc độ kinh tế trong kế hoạch phát triển”, Kỷ yếu hội thảo về môi trường, ngày 26-9-2009.

PGS. TS. Nguyễn Đức Khiển: An ninh môi trường, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2013.

“Thiên tai không chừa quốc gia nào”, báo Thanh niên, ngày 19-11-2017.

PGS. TS. Nguyễn Đức Khiển: Sử dụng hợp lý tài nguyên để phát triển bền vững, Nxb. Khoa học - Kỹ thuật, Hà Nội, 2014.

Bình luận