Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Hiện thực hóa chủ trương của Đảng: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào"
Cách đây tròn 50 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu và giành thắng lợi lớn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Thắng lợi đó đã giáng đòn quyết định làm phá sản cơ bản chiến lược "chiến tranh cục bộ", buộc đế quốc Mỹ phải từng bước xuống thang chiến tranh, rút quân về nước và chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pari (13-5-1968) để cuối cùng đi tới ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973). Với việc ký kết Hiệp định Pari, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã giành thắng lợi có tính chất quyết định, đánh bại ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải rút quân viễn chinh về nước, mở ra thời cơ và điều kiện thuận lợi cho ta tiến lên "đánh cho ngụy nhào", giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 bắt nguồn từ đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy được sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, được sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới.
Năm mươi năm đã trôi qua, càng giúp chúng ta nhận thức sâu sắc về điều đó.
1. Nhìn lại lịch sử, sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết. Nhưng đế quốc Mỹ đã trắng trợn phá hoại Hiệp định, nhảy vào miền Nam, thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ. Trong suốt hơn 10 năm đầu chiến tranh (1954-1965), nhất là 4 năm thực hiện chiến lược "chiến tranh đặc biệt", mặc dù đã bỏ ra rất nhiều tiền của, công sức, thực hiện nhiều thủ đoạn thâm độc nhằm dập tắt phong trào cách mạng miền Nam, nhưng chúng không đạt được mục tiêu và ngày càng sa lầy, bị động. Trước tình thế đó, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược "chiến tranh cục bộ", ồ ạt đưa quân viễn chinh và chư hầu vào tham chiến ở miền Nam Việt Nam, đồng thời sử dụng không quân, hải quân mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam.
Trước âm mưu và thủ đoạn mới của kẻ thù, vấn đề hạ quyết tâm đánh Mỹ, tìm ra cách đánh Mỹ, thắng Mỹ trở thành một đòi hỏi rất bức thiết. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 11, khóa III họp tháng 3-1965, Đảng ta đã đề ra nhiệm vụ: "Tập trung lực lượng của cả nước giành thắng lợi quyết định ở miền Nam trong thời gian tương đối ngắn, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đối phó và quyết thắng cuộc chiến tranh cục bộ ở miền Nam nếu địch gây ra"[1]. Hội nghị cũng đề ra yêu cầu đẩy mạnh kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh quân sự và ngoại giao. Đấu tranh quân sự ngày càng giữ vị trí, vai trò quan trọng theo phương hướng: Tập trung đánh những trận tiêu diệt quân chủ lực cơ động ngụy, làm suy yếu chỗ dựa về bình định của địch, đồng thời khẩn trương xây dựng quyết tâm; chuẩn bị chu đáo, đánh thắng những trận phủ đầu quân Mỹ, tiếp tục đẩy chúng vào tình thế bị động.
Quán triệt tư tưởng chỉ đạo chiến lược thắng Mỹ ngay từ đầu của Hội nghị Trung ương 11, với quyết tâm "dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn"2, quân và dân miền Nam đã nỗ lực phát huy sức mạnh chính trị và quân sự, tiến công và nổi dậy, anh dũng chiến đấu và đánh thắng quân Mỹ ngay từ những trận đầu. Đó là trận Núi Thành (Quảng Nam, 5-1965), Vạn Tường (Quảng Ngãi, 8-1965), chiến dịch Plâyme (từ ngày 19-10 đến ngày 26-11-1965), chiến thắng Đất Cuốc, Bầu Bàng. Từ kết quả thực tế, sau những trận thắng phủ đầu quân Mỹ, chúng ta đã tìm ra cách đánh Mỹ và thắng Mỹ, "Ta sẽ bắt quân Mỹ phải đánh theo cách đánh của ta, nên ta nhất định thắng"3.
Từ kết quả đấu tranh thực tế trên cả hai miền Nam - Bắc; trên cơ sở đánh giá đúng bản chất, âm mưu và hành động của kẻ thù; đánh giá lực lượng so sánh đôi bên với quan điểm cách mạng và khoa học; bám sát diễn biến thực tế của tình hình chiến trường trong nước, khu vực và thế giới; tin tưởng vào sức mạnh to lớn của nhân dân, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 (khóa III) tháng 12-1965 đã hạ quyết tâm chiến lược: "... kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất cứ tình huống nào"1. Đây là điều có ý nghĩa hết sức quan trọng trước thử thách sống còn của dân tộc, thể hiện tư tưởng chiến lược tiến công của Đảng và ý chí quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Theo đó, phương hướng chiến lược chung được xác định: "Trên cơ sở tiếp tục quán triệt và vận dụng phương châm đánh lâu dài, chúng ta cần phải cố gắng đến cao độ, tập trung lực lượng của cả hai miền để tranh thủ thời cơ giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam"2. Đặc biệt vấn đề "Ta sẽ thắng như thế nào" được Hội nghị Trung ương 12 thảo luận kỹ lưỡng. Đảng ta chủ trương: "giành thắng lợi quyết định" không bao hàm ý nghĩa tiêu diệt toàn bộ lực lượng quân sự địch, mà đó là: "đè bẹp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ", tiến tới thực hiện mục tiêu thống nhất nước nhà"3.
Tư tưởng chỉ đạo nói trên của Hội nghị Trung ương 12 đã trở thành ý chí, hành động cách mạng của nhân dân và các lực lượng vũ trang trên cả nước. Trên chiến trường miền Nam, quân và dân ta đã làm thất bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô năm 1965-1966 và 1966-1967 của Mỹ - ngụy. Hai gọng kìm "tìm diệt" và "bình định" bị bẻ gãy, các cuộc hành quân chiến lược như Xêđaphôn, Gianxơnxiti lần lượt bị thất bại thảm hại. Ở miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại của không quân, hải quân Mỹ bị quân và dân ta trừng trị thích đáng.
Chiến công của quân và dân ta ở cả hai miền Nam, Bắc đã tạo ra thế và lực mới cho cuộc Tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam.
Tháng 5-1967, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị họp đánh giá tình hình, xem xét dự thảo kế hoạch chiến lược Đông - Xuân 1967-1968. Trong hai ngày 30-6 và 1-7-1967, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp, xác định khả năng giành thắng lợi quyết định bằng tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Bộ Chính trị cho rằng, thời cơ tốt nhất là Đông - Xuân 1967-1968 và Hè 1968 hoặc sớm hơn; đồng thời cũng cần chuẩn bị kế hoạch cho những năm tiếp theo với tư tưởng kiên trì đánh lâu dài.
Nắm bắt chặt chẽ diễn biến, đồng thời nhận định chính xác khả năng phát triển của chiến tranh cách mạng ở miền Nam cũng như cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của miền Bắc, nhìn thấy rõ sự lúng túng "tiến thoái lưỡng nan" của giới cầm quyền Mỹ, tháng 8-1967, khi họp bàn về kế hoạch chiến lược của Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận định, điều kiện kinh tế và chính trị của nước Mỹ cho thấy đã đến lúc Mỹ phải kết thúc chiến tranh. Vì vậy, ta phải đánh cho chúng thua để rút ra khỏi miền Nam Việt Nam. Bộ Tổng Tham mưu phải lập kế hoạch đầy đủ hơn, chỉ đạo linh hoạt, chuẩn bị hậu cần tại chỗ chu đáo.
Tại Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (từ ngày 20 đến ngày 24-10), bản kế hoạch (sau khi đã được góp ý và sửa chữa bổ sung) được đưa ra thảo luận và thông qua thành Nghị quyết về tổng công kích - tổng khởi nghĩa (lúc này được mang mật danh "Quyết tâm chiến lược mùa Thu"). Yêu cầu đặt ra trong cuộc tổng tiến công chiến lược là "kiên quyết tổng công kích - tổng khởi nghĩa đánh đổ Mỹ - ngụy, giành chính quyền về tay nhân dân; tiêu diệt bộ phận quan trọng sinh lực và cơ sở vật chất kỹ thuật của Mỹ, cô lập chúng buộc chúng phải chịu thua và rút khỏi miền Nam, chấm dứt oanh tạc miền Bắc; kiên quyết tiêu diệt và làm tan rã căn bản ngụy quân, ngụy quyền, các tổ chức phản động"[2].
Bám sát và phân tích chính xác động thái chiến trường, tình hình nước Mỹ và thế giới, Hội nghị Bộ Chính trị đầu tháng 12-1967 đã quyết định: "Chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định", "dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định" nhằm "đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc, còn ta thì bảo vệ được miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đạt được những mục tiêu trước mắt của cách mạng miền Nam là độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà"[3]. Bộ Chính trị xác định cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa sắp tới sẽ là một giai đoạn, một quá trình tiến công chiến lược rất ác liệt và phức tạp.
Để giữ bí mật ý đồ chiến lược, tháng 1-1968, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp tại Kim Bôi, Hòa Bình, thảo luận và thông qua Nghị quyết Bộ Chính trị tháng
12-1967. Hội nghị Trung ương chỉ rõ: "Cuộc kháng chiến của nhân dân ta đến thời điểm này cần phải và có thể tạo một chuyển biến lớn, nhảy vọt bằng cách đánh mới, táo bạo vào tất cả các thành phố, thị xã, mà hướng hiểm yếu, trọng điểm là Sài Gòn - Huế - Đà Nẵng"[4].
Ngày 18-1-1968, Bộ Chính trị họp, trọng tâm bàn về thời điểm tổng công kích, tổng khởi nghĩa. Ngày 19-1-1968, sau khi rà soát lại chủ trương, quyết tâm, kế hoạch và phân tích tình hình mọi mặt, Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định trên chiến trường miền Nam trong năm 1968. Thời gian phối hợp hành động toàn miền Nam được chọn là Tết Mậu Thân 1968 làm mốc tổng tiến công đồng loạt cho các chiến trường trọng điểm. Đây là thời gian có yếu tố bất ngờ nhất.
Như vậy, quá trình hình thành quyết tâm tổng tiến công chiến lược Xuân Mậu Thân đã diễn ra suốt hai năm 1966-1967. Trong thời gian này, biện pháp chiến lược nhằm thực hiện quyết tâm giành thắng lợi quyết định của Trung ương được thảo luận nhiều lần, ở nhiều cấp. Quá trình thảo luận để hình thành quyết tâm chiến lược Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân ở miền Nam ngày càng rõ và cụ thể thêm; đồng thời, phương hướng quyết tâm cũng xác định cụ thể hơn, cao hơn. Trong suốt quá trình đó, những thông tin từ tình báo chiến lược, từ thực tế chiến trường, nhất là việc Mỹ tăng quân cho thấy đế quốc Mỹ đang tìm kiếm một thắng lợi lớn để giành ưu thế và thoát ra khỏi tình thế bị động chiến lược. Bộ Tư lệnh quân viễn chinh Mỹ đang trù tính một cuộc phản công chiến lược lần thứ ba vào mùa khô 1967-1968, cùng với đó là bước leo thang đánh phá miền Bắc nhằm giành lợi thế quân sự, hòng tiến tới đàm phán trên thế mạnh, làm cơ sở cho việc tái tranh cử của L. Giônxơn trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1968.
Quán triệt và thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quân và dân ta trên khắp các chiến trường khẩn trương chuẩn bị mọi mặt cho tổng tiến công và nổi dậy. Đến cuối năm 1967 đầu năm 1968, mọi công tác chuẩn bị về cơ bản đã hoàn thành. Cả dân tộc đã sẵn sàng bước vào trận đánh quyết định nhằm tạo ra bước ngoặt quyết định trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
2. Đêm 30 rạng ngày 31-1-1968, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy được phát động trên khắp miền Nam từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau. Quân và dân ta đã đồng loạt tiến công địch ở 4/6 thành phố, 37/44 thị xã và hàng trăm thị trấn, quận lỵ, chi khu quân sự, kho tàng. Hàng triệu quần chúng đã nổi dậy diệt ác, phá kìm, giành quyền làm chủ ở những mức độ khác nhau. Hầu hết các cơ quan đầu não của địch từ trung ương đến địa phương đều bị tiến công. Các lực lượng vũ trang và nhân dân ta đã tiêu diệt và làm tan rã 15 vạn quân, trong đó có 4 vạn quân Mỹ, 600 ấp chiến lược, giải phóng trên 100 xã với 1,6 triệu dân. Đặc biệt, trận đánh thẳng vào Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu, Đài Phát thanh của địch ở Sài Gòn và 25 ngày làm chủ thành phố Huế... đã gây chấn động lớn trong giới cầm quyền Mỹ, làm rúng động xã hội Mỹ, nhân dân Mỹ bàng hoàng, khuynh hướng muốn chấm dứt chiến tranh trở thành áp đảo ở nước Mỹ.
Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên quy mô lớn, đánh vào hầu hết các vị trí, đặc biệt là các cơ quan đầu não địch ở Mậu Thân 1968 là một nét độc đáo, sáng tạo, một sáng kiến lịch sử của Đảng ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Đó là kết quả của cả một quá trình tìm tòi công phu, bằng tư duy độc lập, sáng tạo trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm thực tiễn cách mạng nước ta và thế giới để Đảng ta tìm ra cách đánh Mỹ và đánh thắng quân Mỹ ở miền Nam, bảo vệ được miền Bắc, không làm cho chiến tranh lan rộng ra.
Những kinh nghiệm nắm bắt thời cơ giành thắng lợi trong cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, kinh nghiệm luồn sâu, đánh thẳng vào lòng địch trong kháng chiến chống Pháp và bài học đánh địch bằng 2 chân, 3 mũi, 3 vùng ở miền Nam trong những năm đầu thập kỷ 60 của thế kỷ XX, cũng như kinh nghiệm đánh đế quốc Mỹ của một số nước trên thế giới được Đảng ta suy ngẫm, chắt lọc. Đảng ta đã nung nấu và có sự chuẩn bị kỹ càng, toàn diện cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: từ chủ trương lớn đến các biện pháp, mục tiêu cụ thể cũng như mức độ kết quả. Toàn bộ quá trình chuẩn bị kế hoạch cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 diễn ra một thời gian dài, được đặc biệt giữ bí mật. Chính vì vậy trong một thời gian tương đối ngắn, chúng ta đã đưa cuộc chiến đấu quy mô lớn vào tận sào huyệt của địch, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề về sinh lực, phương tiện chiến tranh và cơ sở hậu cần, "khi cuộc tiến công và nổi dậy đồng loạt nổ ra, Mỹ và chính quyền ngụy hoàn toàn bị bất ngờ về quy mô, tính chất, địa điểm, mục tiêu, lực lượng và thời điểm tiến công"[5].
So với mục tiêu ban đầu, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 chưa đạt được đạt được khả năng cao nhất, nhưng đã xoay chuyển được cục diện tình hình mà trước đó ta chưa bao giờ tạo được, đó là buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh. Từ chỗ cho rằng có thể chiến thắng về quân sự, đè bẹp sự kháng cự của quân và dân ta bằng việc ồ ạt đưa hàng chục vạn quân vào miền Nam, giới cầm quyền Mỹ nhận thấy có thể sẽ thua nếu tiếp tục kéo dài chiến tranh. Kết quả thăm dò dư luận ngày 25-3-1968 cho thấy: "80% người Mỹ coi cuộc tấn công Tết là một đòn làm thất bại những mục tiêu của Mỹ ở Việt Nam. Tướng Oétmolen cũng phải thừa nhận: "Đây là khúc ngoặt của cuộc chiến tranh. Lẽ ra là khúc ngoặt đi đến thành công nhưng đây lại là khúc ngoặt đi đến thất bại"[6].
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã tác động trực tiếp đến đời sống chính trị, tinh thần nước Mỹ, làm cho làn sóng đấu tranh phản đối chiến tranh của Mỹ trong nhân dân Mỹ lên cao chưa từng thấy - một cuộc chiến tranh trong lòng nước Mỹ, như chính giới Mỹ thừa nhận. Nước Mỹ chia rẽ sâu sắc. Ngày 31-3-1968, L. Giônxơn thông báo quyết định đơn phương ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận đàm phán với ta tại Pari và tuyên bố không ra ứng cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai - chấm dứt cuộc đời chính trị của Tổng thống
L. Giônxơn - "Tổng thống lâm nạn" - theo cách gọi của truyền thông Mỹ.
Thắng lợi to lớn và quan trọng nhất trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của chúng ta là đã tạo ra một sự thay đổi đột biến của cục diện chiến tranh trên cả ba mặt về thế chiến lược, về lực lượng và về chính trị; mở ra một giai đoạn mới trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta - giai đoạn "vừa đánh vừa đàm" - đi tới kết thúc cuộc chiến tranh theo truyền thống quân sự Việt Nam. Đúng như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng khẳng định: thắng lợi này "đã đảo lộn thế chiến lược của địch, làm phá sản chiến lược "chiến tranh cục bộ", làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào đàm phán với ta tại Hội nghị Pari"[7].
Trải qua 5 năm đấu trí, đấu lực quyết liệt, kết hợp với tiến công quân sự, chính trị trên chiến trường là chính, đặc biệt là qua chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không 1972" của quân, dân miền Bắc, chính quyền Mỹ đã buộc phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (ngày 27-1-1973).
Quyết định rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam sau khi ký Hiệp định Pari, cũng đồng nghĩa với việc Mỹ trút gánh nặng chiến tranh sang chính quyền tay sai ngụy - lực lượng vốn đã bại trận trước khi quân Mỹ tham chiến và ngày càng phụ thuộc vào sự hiện diện của quân Mỹ. Về thực chất, số phận cuộc chiến giữa giới cầm quyền Mỹ và chính quyền tay sai ngụy với nhân dân Việt Nam đã được định đoạt. Và hai năm sau, khi lính Mỹ cuối cùng rút khỏi Việt Nam (cuối tháng 3-1973), chính quyền tay sai ngụy mặc dù vẫn được Mỹ viện trợ, song đã không thể tồn tại.
Mỹ buộc phải cút, ngụy ắt phải nhào. Bước vào đầu Xuân năm 1975, thời cơ lớn giải phóng miền Nam đã mở ra với dân tộc ta. Bằng bốn chiến dịch tiến công như vũ bão: Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế, Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các lực lượng vũ trang và nhân dân ta đã đập tan mọi kháng cự của địch, chính quyền tay sai ngụy sụp đổ hoàn toàn ngày 30-4-1975 chỉ sau 55 ngày đêm kể từ khi Quân giải phóng miền Nam bắt đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.
Ngày 30-4-1975 trở thành ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam - một mốc son vàng trong lịch sử, đánh dấu thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vẻ vang của nhân dân ta; hoàn thành chủ trương chiến lược hai bước của Đảng và mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 để lại cho chúng ta nhiều bài học lịch sử quý báu. Đó là bài học về kiên định lập trường, tư tưởng cách mạng tiến công, quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bài học về sự chủ động, sáng tạo, sắc bén trong lãnh đạo, chỉ đạo trên từng địa bàn cụ thể, về chọn thời cơ và thời điểm phát động tổng tiến công và nổi dậy, về đánh giá khả năng và sức mạnh của kẻ thù; về xác định mục tiêu, phương thức và sử dụng lực lượng tiến công...
Kỷ niệm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là dịp chúng ta tiếp tục khẳng định tầm vóc và ý nghĩa lớn lao của sự kiện; khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tôn vinh và tri ân những cống hiến, hy sinh to lớn của quân và dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đây cũng là dịp để chúng ta phát huy truyền thống cách mạng, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí độc lập, tự chủ, truyền thống đoàn kết; kế thừa, phát huy và vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 để hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước yêu cầu mới.
- Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản
3. Xem Nguyễn Chí Thanh - Người cộng sản kiên trung mẫu mực, nhà lãnh đạo tài năng, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013.
[2]. Trần Trọng Trung: Từ Hang Cốc Pó đến Dinh Độc Lập, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2010, tr.463.
[4]. Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, tập V - Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2013, tr.44.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực