Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 - Sự thống nhật giữa ý Đảng, lòng dân
Từ giữa năm 1965, sau khi chiến lược "chiến tranh đặc biệt" thất bại, đế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược "chiến tranh cục bộ", ồ ạt đổ quân viễn chinh vào miền Nam Việt Nam. Thực hiện chiến lược này, Mỹ sử dụng hai gọng kìm "tìm - diệt" và "bình định nông thôn". Theo đó, chúng tiến hành hàng ngàn cuộc hành quân với quy mô lớn nhỏ khác nhau trên khắp chiến trường miền Nam, hòng tiêu diệt cơ quan đầu não, đơn vị chủ lực Quân giải phóng và cơ sở cách mạng của ta, gây nên biết bao hy sinh, mất mát, đau thương cho đồng bào và chiến sĩ miền Nam.
Trước tình hình trên, Bộ chính trị, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh thống nhất nhận định: Để đánh bại chiến lược "chiến tranh cục bộ" không thể dùng cách đánh thông thường, mà phải tìm cách đánh khác để đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, làm cho chúng hiểu rằng không thể thắng dân tộc Việt Nam bằng sức mạnh quân sự; đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy miền Nam, các bộ tư lệnh chiến trường rà soát tình hình, đánh giá điểm mạnh, điểm yếu của ta và địch; nắm ý đồ của Mỹ trong mùa khô 1967-1968, tạo thế chủ động trên chiến trường, tiến tới giành thắng lợi to lớn hơn.
Tại Hội nghị Trung ương 14 khóa III (1-1968), Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh: Để chuyển cách mạng và chiến tranh cách mạng sang thời kỳ mới, giành thắng lợi quyết định, phải tạo được bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh. Muốn vậy, không thể tiến từng bước, tuần tự... mà phải tạo bước nhảy vọt bằng chọn hướng chiến lược hiểm và dùng cách đánh mới, mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên chiến trường miền Nam, giáng đòn bất ngờ thật mạnh vào ý chí xâm lược của Mỹ,... Hội nghị chỉ rõ hướng tiến công lần này là các thành phố, thị xã, thị trấn và cơ quan đầu não chiến tranh, trung tâm chỉ huy, hậu cứ của địch, lấy ba thành phố lớn là Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng làm trọng điểm; kết hợp tấn công quân sự và nổi dậy của quần chúng trên cả ba vùng chiến lược, nhằm giáng đòn thật mạnh, bất ngờ, làm lung lay ý chí xâm lược của Mỹ, tạo sự thay đổi cơ bản cục diện chiến tranh có lợi cho ta,...
Để xây dựng quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, các cấp ủy đảng trong và ngoài quân đội, cơ quan chính trị các cấp đã chủ động làm tốt công tác tư tưởng ngay từ khi Mỹ đổ quân vào miền Nam, nhất là từ cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất. Công tác giáo dục đã tập trung khơi dậy lòng căm thù giặc, vạch trần tội ác của Mỹ và chính quyền Sài Gòn gây ra cho đồng bào miền Nam và bản chất hiếu chiến, xâm lược của chúng; khẳng định sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa, tất thắng của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến tranh này. Đồng thời cổ vũ truyền thống yêu nước, tinh thần quật khởi, ý chí quyết chiến, quyết thắng quân xâm lược; làm cho quân và dân ta thấm sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do"; "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi"[1].
Trong quá trình diễn ra cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, công tác tư tưởng còn chú trọng xây dựng quyết tâm chiến đấu và phục vụ chiến đấu cho từng lực lượng, từng hướng chiến trường; làm rõ thắng lợi, sự phát triển của ta và sự thất bại của địch trong hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966, 1966-1967. Nhờ đó, tinh thần "Cả nước ra trận", "Tất cả xuống đường", "Tất cả để chiến thắng",... đã trở thành khẩu hiệu hành động, tiếng gọi thiêng liêng thôi thúc mọi người hành động. Với ý chí quyết tâm ấy, nhiều phong trào thi đua giành danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ" đã nhanh chóng lan tỏa khắp chiến trường.
Phát huy thế trận chiến tranh nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân giải phóng đã huy động được lực lượng lớn đồng bào các tỉnh miền Đông Nam Bộ tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy. Nhiệm vụ của lực lượng này là vận chuyển vũ khí, lương thực, thực phẩm vào nội đô; cứu thương, tải thương khi chiến sự nổ ra. Thực hiện phong trào xây dựng "hũ gạo nuôi quân", trước Tết Mậu Thân 1968, mỗi gia đình để sẵn năm lon gạo đón chủ lực và mỗi tuần quyên góp một lần do Hội Phụ nữ phát động. Các huyện đều thành lập đội cung cấp, huy động lương thực, thực phẩm phục vụ Tổng tiến công và nổi dậy. Mỗi xã có ban quân lương, đội cứu thương, tải thương. Nhiều hộ gia đình đào hầm nuôi giấu thương binh, cất giấu vũ khí. Điển hình như gia đình bà Nguyên (Má Bảy) ở Trảng Bàng, đào hầm giấu 45 tấn vũ khí tại vị trí cách đồn Mỹ chỉ 1km. Đến đầu năm 1968, Quân giải phóng đã xây dựng được 19 lõm chính trị với 325 gia đình, 12 kho vũ khí, 400 điểm ém quân, phần lớn ở gần các mục tiêu dự kiến sẽ đánh chiếm. Tinh thần đó của đồng bào miền Nam đã được nhà sử học Nguyễn Hiến Lê viết trong hồi ký: "Khắp thế giới ngạc nhiên và phục "Việt cộng" tổ chức cách nào mà Chính phủ Việt Nam Cộng hòa không hay biết gì cả. Họ đã lén chở khí giới, đưa cán bộ vào Sài Gòn, Huế... từ hồi nào, chôn giấu, ẩn núp ở đâu? Chắc chắn dân chúng đã che chở họ, tiếp tay với họ, không ai tố cáo cho nhà cầm quyền biết. Trái lại mỗi cuộc hành quân lớn nhỏ nào của Việt Nam Cộng hòa họ đều biết trước ngày và giờ để kịp thời đối phó. Nội điểm đó thôi cũng đủ cho thế giới biết họ được lòng dân miền Nam ra sao và tại sao Mỹ thất bại hoài"[2].
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo và quyết tâm chiến lược của Đảng cùng phong trào nổi dậy rộng khắp của quần chúng, đêm 30, rạng ngày 31-1-1968 (đêm giao thừa), quân và dân miền Nam, từ Trị - Thiên đến Khu 5 và Nam Bộ đã đồng loạt tiến công và nổi dậy, hướng trọng điểm nhằm vào các thành phố, thị xã, nhất là ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, các căn cứ quân sự, sân bay, bến cảng, kho tàng, gây cho Mỹ và chính quyền Sài Gòn những tổn thất lớn về nhân lực, vật lực, choáng váng về tinh thần và bị động, lúng túng trên tất cả các vùng chiến lược trong nhiều ngày. Ở Huế, ta đã làm chủ hoàn toàn thành phố, tổ chức chính quyền cách mạng, chiếm giữ 25 ngày, đánh lui hàng trăm đợt phản kích của địch. Tại Sài Gòn - Gia Định, quân và dân ta đã đánh trúng nhiều mục tiêu đầu não, như: Tòa Đại sứ Mỹ, Dinh Gia Long, Bộ Tổng Tham mưu, Đài Phát thanh Sài Gòn,... đồng thời, làm tê liệt, ngưng trệ hệ thống giao thông, thông tin liên lạc của địch trong nhiều ngày, nhiều giờ. Phối hợp với các mũi tiến công quân sự, lực lượng chính trị của quần chúng ở nông thôn và thành thị đồng loạt nổi dậy, phá tan "ấp chiến lược", giành quyền làm chủ ở nhiều nơi, tạo điều kiện mở rộng vùng giải phóng, v.v..
Có thể nói, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là đòn đánh chí tử đối với quân xâm lược Mỹ, làm choáng váng nước Mỹ, làm cho chiến lược "chiến tranh cục bộ" của Mỹ ở miền Nam Việt Nam bị phá sản hoàn toàn. Tuy chưa mang lại thắng lợi trọn vẹn, thậm chí sau đó ta còn gặp những khó khăn, tổn thất nhất định khi địch tổ chức lực lượng phản kích, nhưng đây là một thắng lợi mang tầm vóc lịch sử; bước phát triển tất yếu trong chiến lược tiến công của cách mạng miền Nam. Thắng lợi này đã thể hiện ý chí quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ, khát vọng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, tạo bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn, đồng thời khẳng định sức mạnh của sự thống nhất giữa "ý Đảng" và "lòng dân". Càng trong lúc gian khổ, ác liệt, hy sinh, mối quan hệ này càng thể hiện rõ nét, trở thành bài học vô giá không chỉ trong giai đoạn lịch sử lúc đó, mà còn có giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp, khó lường. Đối với nước ta, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, song còn nhiều khó khăn, thách thức; các thế lực thù địch tập trung chống phá quyết liệt, thúc đẩy "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, "phi chính trị hóa", "dân sự hóa" quân đội. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện quan liêu, tham nhũng, xa rời quần chúng đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ. Điều đó đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Hơn bao giờ hết, chúng ta phải tiếp tục phát huy bài học về sự thống nhất giữa "ý Đảng, lòng dân" của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản sau:
Một là, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Thực tiễn của cách mạng Việt Nam và cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 chỉ ra rằng, "ý Đảng, lòng dân" luôn hòa quyện, thống nhất, gắn chặt với nhau, tạo nên sức mạnh vô địch của chủ nghĩa anh hùng cách mạng để chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Càng những lúc khó khăn, phức tạp thì "ý Đảng, lòng dân" càng được tăng cường và thống nhất với nhau. "Ý Đảng" được biểu hiện tập trung ở đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng phải đúng đắn, xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. "Lòng dân" được thể hiện ở niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và việc chấp hành đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng do Đảng lãnh đạo; mục tiêu, lợi ích cao nhất của Đảng là phục vụ nhân dân, vì mục tiêu, lợi ích của quần chúng nhân dân.
Để thực hiện điều đó, Đảng ta luôn tự đổi mới, chỉnh đốn, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Trên cơ sở nắm vững quy luật khách quan, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát thực tiễn và nguyện vọng chính đáng của nhân dân để đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế. Đảng tập trung lãnh đạo đẩy mạnh phát triển kinh tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh; nâng cao đời sống nhân dân, hướng tới mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Đồng thời, làm tốt công tác xây dựng Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự là "công bộc" của dân, "dĩ công vi thượng", gắn bó mật thiết với nhân dân; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và phong cách làm việc theo kiểu "quan cách mạng", xa dân, không bám nắm cơ sở, không hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Đảng đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi, như: Thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, mở rộng dân chủ ở cơ sở,... để nhân dân tham gia (trực tiếp hay gián tiếp) vào hoạch định đường lối và xây dựng Đảng, góp phần để công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước tiếp tục được đẩy mạnh, đạt được những thành tích quan trọng trong tình hình mới.
Hai là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, thực sự là của dân, do dân, vì dân. Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã quy định rõ: Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do đó, sự thống nhất giữa "ý Đảng, lòng dân" còn được thể hiện thông qua hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Vì thế, cần tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự trong sạch, vững mạnh, của dân, do dân, vì dân, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân. Theo đó, cần phải coi trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế kiểm tra, giám sát các hoạt động và quyết định của cơ quan công quyền theo hướng phục vụ tốt nhất cho người dân. Đặc biệt, cần coi trọng phát huy vai trò của Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, nhằm thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng, quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước, giải quyết những vấn đề bức xúc trong xã hội, như: Xóa đói, giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền và tầng lớp dân cư; tạo việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện an sinh xã hội,... tạo sự đồng thuận và niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là biểu hiện sinh động về sự thống nhất biện chứng "ý Đảng, lòng dân" trong thời kỳ đất nước hội nhập, phát triển. Đồng thời, giữ vững kỷ cương phép nước, nâng cao hiệu quả thực thi thượng tôn của pháp luật; quan tâm đến lợi ích chính đáng của nhân dân đi đôi với kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện lợi dụng quyền dân chủ, vi phạm pháp luật, có những hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ, xâm phạm quyền công dân, gây tổn hại lợi ích quốc gia, dân tộc. Tăng cường đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, nâng cao ý thức phục vụ, đấu tranh với những biểu hiện tiêu cực, tình trạng sách nhiễu, quan liêu, tham nhũng,... trong các cơ quan công quyền.
Ba là, đề cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong vận động, tập hợp nhân dân. Là thành viên trong hệ thống chính trị và là cơ sở chính trị của hệ thống chính quyền nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, vận động, giáo dục và thu hút các lực lượng xã hội vào thực hiện phong trào hành động cách mạng của Đảng, xây dựng "ý Đảng, lòng dân". Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc cần phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Tổ chức tốt phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, trọng tâm là các cuộc vận động: "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", "Ngày vì người nghèo" và "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam",... tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong tình hình hiện nay, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần chú trọng kiện toàn tổ chức, tích cực đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động theo phương châm "Hướng về cơ sở, bám cơ sở"; thường xuyên phối hợp, gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân, kịp thời tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm ngay từ cơ sở. Đồng thời, nâng cao chất lượng phản biện, giám sát xã hội, nhất là những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân; động viên toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, xóa đói, giảm nghèo và các hủ tục lạc hậu, v.v..
Bốn là, phát huy vai trò của quân đội trong tiến hành công tác dân vận, góp phần xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc. Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội cách mạng, có mối quan hệ máu thịt với nhân dân. Trong tình hình mới, quân đội cần phát huy vai trò "đội quân công tác", tích cực tiến hành công tác dân vận, góp phần quan trọng vào việc tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc, thống nhất giữa "ý Đảng, lòng dân". Trên cơ sở chương trình, nội dung hoạt động đã xác định, công tác dân vận trong quân đội cần đặt trọng tâm vào tham gia xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở; giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo và các chính sách xã hội. Đồng thời, tuyên truyền, vận động nhân dân đấu tranh chống "diễn biến hòa bình", không bị lôi kéo vào những luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ Đảng, Nhà nước, quân đội với nhân dân; nêu cao ý thức cảnh giác cách mạng, tích cực tham gia xây dựng "thế trận quốc phòng toàn dân", "thế trận an ninh nhân dân", thực hiện các phong trào, các cuộc vận động do Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội biên phòng, đơn vị kinh tế - quốc phòng hoạt động trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo cần đẩy mạnh công tác dân vận, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát huy sức mạnh của quần chúng nhân dân vào cuộc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, bài trừ hủ tục, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, v.v..
Kế thừa và phát huy bài học kinh nghiệm về sự thống nhất giữa "ý Đảng, lòng dân" trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vào thực tiễn hiện nay là vấn đề có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết. Thực hiện tốt điều đó, sẽ góp phần quan trọng tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân, làm cho Đảng hiểu dân, dân tin Đảng, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thượng tướng NGUYỄN TRỌNG NGHĨA*
Bài viết trích trong cuốn Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân mậu Thân 1968
- Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực