Chúc Tết Mậu Thân - 1968

Ngày đăng: 17/02/2018 - 15:02

Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua,

Thắng trận tin vui khắp nước nhà.

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta!

TIẾN LÊN!
TOÀN THẮNG ẮT VỀ TA

Xuân Mậu Thân 1968 đã trở thành dấu mốc quan trọng, ghi nhớ của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước của dân tộc ta. Vào thời khắc giao thừa, phút chuyển từ năm cũ sang năm mới, đồng bào và chiến sĩ hai miền Nam, Bắc của cả nước hồi hộp, xúc động lắng nghe lời chúc mừng đầu năm của Bác Hồ. Đây là bài thơ tiếp nối những bài ca, những tin mừng thắng trận nở như hoa.

Bài thơ ngắn gọn, hàm súc, trang nghiêm mà cũng phóng khoáng vô cùng, gói gọn trong thể thơ truyền thống thất ngôn tứ tuyệt. Toàn bài thơ là khẳng định. Câu thơ mở đầu đã là khẳng định:

Xuân này hơn hẳn mấy Xuân qua

Xuân 1968, năm 1968 sẽ giành những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa quyết định. Tình hình diễn ra quả như vậy. Đêm 29 rạng ngày 30-1-1968, cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân nổ ra, tạo một bước ngoặt quyết định đối với công cuộc chống đế quốc Mỹ, cứu nước của dân tộc, làm nức lòng bạn bè gần xa, làm rung chuyển toàn bộ nước Mỹ. Mấy chục năm trôi đi mà vẫn còn là cơn ác mộng đối với đế quốc Mỹ. Theo Báo Quân đội nhân dân số 9564, ngày 9-1-1988, trích tờ Tạp chí Thời đại của Mỹ đã nêu sự kiện Tết Mậu Thân 1968: Vào đầu năm 1968, gần 16.000 người Mỹ đã bị giết và hơn 100.000 người Mỹ đã bị thương tại Việt Nam. Vào thời kỳ đó, cuộc chiến tranh tại Việt Nam đã trở thành điểm hội tụ trong cuộc sống của Mỹ. Lịch sử đã tuân theo cuộc chuyển động thứ ba của Niutơn, mỗi một hành động của Mỹ tại Việt Nam đều diễn ra một phản ứng dây chuyền tương tự tại nước Mỹ. Nước Mỹ đã nội chiến hóa cuộc chiến tranh như thể mình đang nuốt lửa.

Bác viết câu thơ, bài thơ vào đầu năm mà đúng cho cả năm, cả giai đoạn cách mạng. Nếu là dự báo thì dự báo chính xác, là tiên tri thì là tiên tri kỳ diệu. Vì Bác nắm vững tình thế cụ thể, nhận thức sáng suốt và biện chứng khả năng phát triển cách mạng, xác định đường lối, chiến lược đúng đắn, khoa học và táo bạo.

Ngày hội mừng xuân cũng là ngày hội mừng chiến thắng. Câu thơ thứ hai báo tin vui:

Thắng trận tin vui khắp nước nhà.

Tin vui thắng trận. Đối với người chiến sĩ, đối với dân tộc, đối với cách mạng thì có tin vui nào bằng tin vui thắng trận. Trước đây, trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, những tin thắng trận làm Bác rất vui, hay nói một cách chính xác hơn, niềm vui lớn của Bác là niềm vui thắng trận:

Chuông lầu chợt tỉnh giấc thu,

Ấy tin thắng trận Liên khu báo về.

(Tin thắng trận)[2]

Bác muốn san sẻ tin vui với mọi người, với bạn bè, bằng hữu:

Tin vui thắng trận dồn chân ngựa,

Nhớ cụ thơ xuân tặng một bài.

(Tặng cụ Bùi Bằng Đoàn)2

Và giờ đây, trong cuộc đụng đầu lịch sử, ta phải chống trả với một nước đế quốc khổng lồ bậc nhất thế giới, thì niềm vui thắng trận càng gấp bội. Từ quyết tâm chiến lược:

Chống Mỹ cứu nước, ta nhất định thắng

(Chúc Tết Bính Ngọ - 1966)

Đến:

Tin mừng thắng trận nở như hoa

(Chúc Tết Đinh Mùi - 1967)

thì năm 1968 là một bước chuyển, một bước ngoặt của sự nghiệp chống đế quốc Mỹ, cứu nước, một đỉnh cao chiến thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Không phải ngẫu nhiên, năm 1968, Bác viết một loạt ba bài thơ Không đề mà tư tưởng chủ đạo là chiến thắng:

Bỗng nghe vần “thắng” vút lên cao

(Không đề)[3]

Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn,

Một năm là cả bốn mùa Xuân.

(Không đề)[4]

Và:

Kháng chiến dân ta đang thắng lớn

Tiến bước ta cùng con em ta.

(Không đề)[5]

Không thể nào nói khác được. Làm chủ là nét thần của những bài thơ chúc Tết - mừng Xuân của Bác. Làm chủ cả niềm vui:

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Câu thơ mang phong vị của sức sống dân gian, dân tộc, toát lên một niềm lạc quan cách mạng đằm thắm và trở thành lẽ sống giản dị, phổ biến của mọi người. Hai tiếng nước nhà trong thơ xiết bao gần gũi, thân thuộc và thiêng liêng đến thế, cuốn hút, giục giã mọi người xông lên phía trước:

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Sự nghiệp chống đế quốc Mỹ, cứu nước đã trở thành công việc tự giác của mỗi người, của toàn dân tộc, trở thành niềm vui lớn. Người người thi đua, ngành ngành thi đua, ngày ngày thi đua; ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Miền Nam thắng lớn. Miền Bắc thắng to. Cả hai miền thi đua đánh giặc Mỹ. Hơn 3.200 máy bay Mỹ bị bắn rơi, hàng trăm tàu chiến bị nhấn chìm ở miền Bắc đã giáng một đòn quyết định, đánh thắng hoàn toàn cuộc “chiến tranh phá hoại”, buộc giặc Mỹ ngày 1-11-1968 phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và bắn phá trên toàn bộ lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chữ hơn hẳn Bác viết ở đầu bài thơ vào đầu xuân đã được minh họa hùng hồn bằng những sự kiện lịch sử trọng đại trong năm 1968. Bài thơ kết thúc là lời kêu gọi, là lệnh truyền trang nghiêm:

Tiến lên!

Toàn thắng ắt về ta!

Câu thơ được ngắt thành hai dòng. Nhịp thơ mạnh, xốc tới tràn đầy sức mạnh chiến đấu và chiến thắng. Câu thơ như một lời hịch, một tuyên ngôn: Toàn thắng ắt về ta.

Mở đầu bài thơ là hơn hẳn - một khẳng định, kết thúc bài thơ là ắt - một tất yếu. Đây là “nhãn tự” (chữ mắt) trong thơ. Toàn bài thơ là khẳng định. Khẳng định một thực tế, một quyết tâm, một tất yếu lịch sử mà điềm đạm, bình tĩnh, thoải mái, khoan thai của một hồn thơ hoàn toàn tự chủ, phóng khoáng.

Bài thơ đã được phổ nhạc vang lên giai điệu tự hào, sảng khoái và vui tươi thúc giục quân và dân ta xốc tới giành thắng lợi cuối cùng - mùa xuân 1975 lịch sử - mùa xuân toàn thắng.

Bài viết trích trong cuốn Thơ chúc Tết mừng Xuân của Bác Hồ
do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản



[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.417.

[2], 2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.665, 663.

[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.422.

[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.441.

[5]. Hồ Chí Minh thơ, Nxb. Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm nghiên cứu Quốc hội, 2000, tr.414.

Bình luận