Vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh trong tình hình mới

Ngày đăng: 08/02/2018 - 16:02

van dung 201812jpgTrong thời đại ngày nay, việc xây dựng đường lối đối ngoại của Đảng và chính sách ngoại giao của Nhà nước trong tình hình trong nước và quốc tế diễn biến hết sức phức tạp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng hàng đầu của nước Việt Nam độc lập. Vì vậy, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh là việc hết sức cấp thiết để mở rộng quan hệ đối ngoại, đồng thời thực hiện tốt hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với ý nghĩa đó, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh trong tình hình mới. Cuốn sách được biên soạn bởi tập thể tác giả hiện đang công tác tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, do PGS. TS Trần Minh Trưởng chủ biên.

Với kết cấu gồm bốn chương, nội dung cuốn sách trình bày một cách hệ thống các cơ sở hình thành tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh; nội dung cơ bản của tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh; sự vận dụng và phát triển tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh trong quá trình đổi mới đất nước 30 năm qua. Thông qua đó, các tác giả cũng phân tích những yếu tố tác động, ảnh hưởng đến ngoại giao Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động ngoại giao trong tình hình mới theo tư tưởng, ngoại giao Hồ Chí Minh.

Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh là một bộ phận cấu thành tư tưởng Hồ Chí Minh, được hình thành và phát triển cùng với quá trình nghiên cứu lý luận, khảo sát thực tiễn, tích lũy tri thức, đồng thời gắn liền với hoạt động cách mạng của Người. Để làm rõ tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, trước hết các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số khái niệm quan trọng. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng trình bày các yếu tố ảnh hưởng đến cơ sở hình thành tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh bao gồm: truyền thống văn hóa dân tộc; truyền thống đạo đức nhân văn Việt Nam; truyền thống ngoại giao Việt Nam. Song song với sự ảnh hưởng đó, tư tưởng ngoại giao của Người còn tiếp thu các giá trị tinh hoa của văn hóa thế giới; quan điểm lý luận và những nguyên tắc trong quan hệ quốc tế của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập kinh nghiệm của nền ngoại giao Xôviết,... Trên cơ sở đó, các tác giả khẳng định, truyền thống văn hóa Việt Nam được hình thành từ hàng ngàn năm lịch sử, được hun đúc, kết tinh cùng với quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta đã nuôi dưỡng và góp phần hình thành nên tư tưởng Hồ Chí Minh, trong đó có tư tưởng ngoại giao của Người. Với hành trang là tri thức về giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, cùng với trí tuệ của một thiên tài, Người đã tiếp thu tinh hoa văn hóa của các nền văn minh thế giới, tạo nên tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh.

Bằng lối viết khoa học, khúc chiết, lập luận cuốn sách đã cho thấy tư tưởng ngoại giao của Người có nội dung vô cùng phong phú, điều đó được thể hiện qua các vấn đề: xây dựng và thực thi đường lối ngoại giao độc lập, tự chủ, luôn đặt quyền lợi của quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết; mở rộng quan hệ hợp tác với tất cả các nước trên nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, bình đẳng cùng có lợi; ưu tiên phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng và khu vực; ngoại giao phải có thực lực và “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Từ những nội dung cơ bản trên có thể thấy tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao của Người thể hiện sự vững vàng về đường lối, kiên định về nguyên tắc; mềm dẻo, linh hoạt trong sách lược; quán triệt tinh thần tiến công, nhưng biết nhân nhượng, giành thắng lợi từng bước, phù hợp với tương quan lực lượng cách mạng và điều kiện thực tiễn. Bên cạnh đó, để vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh được hiệu quả, cuốn sách cũng phân tích một cách cụ thể ngoại giao Việt Nam thời kỳ cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội; tình hình quốc tế tác động trực tiếp đến ngoại giao Việt Nam cũng như đường lối, chiến lược, chính sách đối ngoại của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Có thể nói, từ sau khi giành được chính quyền năm 1945 đến nay, ngoại giao Việt Nam đã góp phần làm nên những thành tựu và có ý nghĩa lịch sử dân tộc. Đảng đã vận dụng sáng tạo tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh, đề ra đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa; đề ra chiến lược, sách lược linh hoạt, phù hợp với mỗi giai đoạn lịch sử của dân tộc. Đặc biệt, trong bối cảnh quan hệ quốc tế hiện nay, ưu thế hòa bình, ổn định, hội nhập và phát triển đang chiếm ưu thế, Việt Nam đã xây dựng được mối quan hệ hợp tác trên những nguyên tắc quan hệ và hợp tác mang tính phổ biến được cộng đồng quốc tế thừa nhận, góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, phát triển đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi là vô vàn thử thách, khó khăn, yêu cầu đặt ra cho công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại và ngoại giao nhân dân phải có chiến lược, sách lược mới, kịp thời đáp ứng những đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc. Nghiên cứu tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh để vận dụng vào thực tiễn, nhằm tăng cường hoạt động ngoại giao đa phương, mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế hiệu quả. Đó là những vấn đề lớn, cấp bách và phức tạp nhưng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi vậy, cùng với những vấn đề được đề cập đến, tác giả có đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động ngoại giao như: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân phải kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa, hỗ trợ thúc đẩy lẫn nhau, phát huy sức mạnh tổng hợp của Việt Nam trên trường quốc tế; phối hợp chặt chẽ các trụ cột ngoại giao chính trị, kinh tế, văn hóa, an ninh,…đồng bộ, hiệu quả, toàn diện; đổi mới, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ngoại giao.

Cuốn sách Vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh trong tình hình mới là một trong những tài liệu quý, góp phần vào việc xây dựng đường lối đối ngoại của Đảng và chính sách ngoại giao của Việt Nam. Việc nghiên cứu, vận dụng đúng các tư tưởng, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh trong tình hình thực tế hiện nay có ý nghĩa thiết thực, nhằm tăng cường hoạt động ngoại giao đa phương, mở rộng quan hệ và hợp tác quốc tế hiệu quả.

Bình luận