Giáo sư Trần Đức Thảo - nhà triết học yêu nước

Ngày đăng: 09/02/2018 - 13:02

Có một con người, một cuộc đời ít hào nhoáng, ca tụng và có cả những nỗi buồn man mác; trong nước có thể không quá nhiều người biết đến, nhưng lại có nhiều người biết đến ở phương Tây. Đó là nhà triết học Việt Nam - triết gia Trần Đức Thảo. Cuộc đời và sự nghiệp của ông được đánh dấu bằng những sự kiện tinh thần và chính trị đặc biệt.

Trong Từ điển các nhà triết học - một công trình đồ sộ dày 2.725 trang, giới thiệu thân thế và sự nghiệp các nhà triết học nổi tiếng trên thế giới từ thời cổ đại đến nay, có những tên tuổi chỉ được dành mấy dòng để giới thiệu, nhưng triết gia Trần Đức Thảo được dành tới ba trang để giới thiệu cuộc đời và các tác phẩm của ông. Trong một cuộc hội thảo ở Paris, một trí thức lớn đã ca ngợi ông như một ngôi sao sáng trên bầu trời triết học. Những năm vắng ông ở châu Âu, nhiều người viết thư, đăng báo hỏi, nóng lòng được biết những tư duy mới của ông. Chỉ có điều, chưa mấy người Việt Nambiết về ông. Giáo sư Nguyễn Đình Chú đã từng viết về triết gia Trần Đức Thảo: “Một con người siêu việt của Việt Namđã đành, mà còn đáng cho nền văn hóa Pháp tự hào. Con người đó cũng có phần cấu thành của chung nhân loại”1.

*

*    *

Triết gia Trần Đức Thảo từng được mệnh danh là người phát ngôn cho khát vọng dân chủ, dân tộc của 24 nghìn kiều bào Việt Nam ở Pháp. Ông sinh ngày 26-9-1917 tại làng Song Tháp, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình viên chức nhỏ. Đỗ tú tài vào loại xuất sắc, học Đại học Luật tại Hà Nội một thời gian, rồi được nhận học bổng sang Pháp để thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm phốUlm. Đây là một trong số ít “trường lớn” của nước Pháp tuyển sinh rất khó, học bổng rất cao. Nhiều chính khách nổi tiếng, nhiều nhà bác học lỗi lạc lấy làm tự hào nếu mình là cựu sinh viên trường này. Năm 1939, Trần Đức Thảo đỗ rất cao vào trường này. Năm 1943, ông tốt nghiệp thủ khoa với luận văn Hiện tượng học Husserl. Lúc bấy giờ, một số tờ báo ở Pháp và Đông Dương đã coi đó là một sự kiện nổi bật, một biểu hiện rực rỡ của tài năng thiên phú. Ngay sau đó, ông đăng ký làm luận án tiến sĩ về hiện tượng học của Husserl.

Năm 1973, Nhà xuất bản Xã hội ở Paris in cuốn sách chuyên khảo Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức của ông. Trong lời giới thiệu, nhà xuất bản này cho biết: Nhà triết học Việt Nam Trần Đức Thảo đã để lại dấu ấn trong “cả một thế hệ trí thức Pháp qua những bài giảng của ông ở Trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm cũng như qua cuốn sách in năm 1951”2. Ngay tại nước Đức, đất nước của triết học, cũng có nhiều triết gia tự nhận là môn đệ của Trần Đức Thảo.

Cuộc đời triết gia Trần Đức Thảo là cuộc đời của một trí thức yêu nước, một nhà triết học uyên thâm, một người mácxít thủy chung xác tín. Ông sống một cuộc đời thanh bạch, giản dị, không màng đến những nhu cầu vật chất và hạnh phúc riêng tư, cống hiến cả cuộc đời cho triết học, cho dân tộc. Bằng nỗ lực không ngừng tìm kiếm “triết học” ngay trong cuộc sống hiện tại trên quê hương, ông đã tạo dựng được nền tảng triết lý chắc chắn của môn khoa học vừa khó khăn, vừa đặc biệt “quý tộc”- khoa học triết học.

Tinh thần yêu nước nồng nàn ở Trần Đức Thảo

Là người có tri thức uyên bác, ngôi sao sáng trên bầu trời triết học, được đào tạo bài bản ở phương Tây, được tiếp thu tinh hoa của nhân loại mà đặc biệt là nước Pháp; nhưng triết gia lại là nhà triết học Việt Nam có lòng yêu quê hương, đất nước nồng nàn. Sự căm ghét chính sách xâm lược thuộc địa của thực dân Pháp luôn trào dâng trong ý thức và tâm hồn của triết gia.

Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, triết gia Trần Đức Thảo tích cực tham gia vào các hoạt động yêu nước và đau đáu hướng về Tổ quốc. Ông phát truyền đơn ủng hộ Việt Minh ở những quảng trường, đường phố đông người nhất Paris. Trong một cuộc họp báo tại Paris, một nhà báo hỏi triết gia: “Những người Đông Dương sẽ làm gì khi quân đội viễn chinh đổ bộ?”3. Triết gia trả lời ngắn gọn và đanh thép: “Phải nổ súng!”. Câu trả lời đó đã phần nào nói lên chí khí, khí phách, tinh thần yêu nước của nhà triết học ViệtNam. Và với câu trả lời đanh thép đó, ông đã bị cầm tù từ đầu tháng 10 đến cuối tháng 12-1945 vì “mưu hại an ninh nước Pháp, trong lãnh thổ có chủ quyền”. Những tháng ngày nằm trong xà lim khiến ông thấm thía nhiều điều. Ra tù, ông liên tiếp viết bài cho các báo Pháp, bác bỏ những luận điệu vu khống đối với Mặt trận Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương.

Càng tiến triển trên con đường vinh quang, gặp gỡ nhiều tầng lớp trí thức, triết gia càng nhận rõ số phận đất nước, quê hương của mình. Ông tích cực dạy tư cho nhiều nhóm sinh viên du học người Việt về những tư tưởng triết học tiến bộ trên thế giới. Bên cạnh đó, ông tham gia nhiệt tình vào Hội kiều dân Đông Dương, kêu gọi giới trí thức và nhân dân tiến bộ châu Âu nhận rõ thực chất của chủ nghĩa đế quốc. Đồng thời, bằng những sự thực lịch sử hùng hồn, ông đập tan những luận điệu bôi nhọ, xuyên tạc về Mặt trận Việt Minh. Năm 1944, trong Đại hội kiều dân họp ở Avignon (Pháp), Trần Đức Thảo đã trình bày cương lĩnh đấu tranh đòi thiết lập nền dân chủ ở Đông Dương. Ông tự mình viết rất nhiều truyền đơn và tổ chức họp báo vận động, kêu gọi kiều dân, dư luận xã hội Pháp ủng hộ cuộc cách mạng chính nghĩa ở Việt Nam. Năm 1945, ông cùng với Lê Viết Hường thay mặt Hội kiều dân Đông Dương làm việc với Maurice Thorez - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp tại trụ sở Đảng về tình hình Đông Dương. Nhận thấy những hoạt động của ông tố cáo trực tiếp những lợi ích bẩn thỉu của chế độ thực dân, nhà cầm quyền lập tức bắt Trần Đức Thảo. Nhưng trước sự lên tiếng của nhiều nhà khoa học Pháp, Báo Nhân đạo, Báo Thời hiện đại đòi trả tự do cho Trần Đức Thảo và cuối cùng, nhà cầm quyền Pháp phải trả tự do cho ông nhưng không quên giám sát chặt chẽ.

Năm 1946, trong thời gian Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Pháp, ông bày tỏ với Chủ tịch nguyện vọng sẽ trở về nước tham gia cách mạng ngay sau khi viết xong luận án tiến sĩ. Và ông đã làm đúng như vậy. Tháng 8-1951, cuốn Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng dày 386 trang của ông được Nhà xuất bản Minh Tân in ở Pari, thì mấy tháng sau, khi kết quả nghiên cứu tại nước ngoài của ông đang bước đến một đỉnh cao vinh quang, ông rời nước Pháp trở về Việt Nam khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của ta đang bước vào giai đoạn quyết liệt.

Trở về Việt Nam, triết gia đã cầm vũ khí triết học chia lửa cùng quê hương trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Lý tưởng của một triết gia chân chính và lương tâm của một trí thức yêu nước đã giúp ông có nghị lực từ giã thủ đô hoa lệ của phương Tây trở về Việt Bắc - cái nôi của cách mạng, để cùng ăn rau tàu bay chấm muối với chiến sĩ và cùng run những cơn sốt rét rừng,... một cách nhẹ nhàng, thanh thản.

Ông yêu nước theo kiểu của mình, kiểu của những trí thức tầm cỡ thế giới nhưng lại rất dung dị và gần gũi nhân dân. Khi một hội nghị lớn về những nhà triết học nổi tiếng của thế kỷ XX tổ chức tại Washington (Mỹ) mời ông tham dự để bàn về những vấn đề triết học rất “xa xăm” của nhân loại, ông đã từ chối bằng cách đi chiếc xe đạp của mình vào Bưu điện Bờ Hồ, đánh một bức điện bằng tiếng Anh: “Kính gửi Ngài Tổng thống Mỹ Washington D.C. Tôi không thể đến dự Hội nghị ở một đất nước mà từ đó người ta đã ra lệnh cho các phi cơ đến ném bom lên đầu nhân dân tôi. Ký tên Trần Đức Thảo”4.

Giữa triết học kinh viện và cuộc đời thực có khoảng cách lớn nhưng Trần Đức Thảo, người được coi như triết gia biện chứng duy vật lịch sử xuất sắc của Việt Nam thế kỷ XX, đã hy vọng một ngày nào đó tìm thấy chân lý ngay trong đời sống thực. Và niềm hy vọng đó đã được trả lời trong những tác phẩm triết học uy tín của ông trên thế giới. Điều kỳ diệu là ông đã viết chúng bằng chất liệu rút ra từ đời sống thực ngay chính trên Tổ quốc thiêng liêng của mình. Khước từ “chủ nghĩa kinh viện” trong nghiên cứu, Trần Đức Thảo thực sự muốn “phải làm cho cuộc sống nhất trí với triết học”. Chính vì vậy mà tinh thần của ông “nhập thế”, lao động với những vấn đề cốt yếu nhất mà xã hội đặt ra.

Trần Đức Thảo đến với chủ nghĩa Mác

Là một nhà triết học mácxít kiên định, một người cộng sản ngoài đảng cộng sản, triết gia đã bảo vệ một cách kiên quyết sự đúng đắn toàn vẹn, vô song của chủ nghĩa Mác. Ông đứng trên lập trường mácxít để tranh luận với nhà triết học nổi tiếng của Pháp là J.P. Sartre và được dư luận cho là thắng cuộc. Ông được đánh giá là: sau khi từ giã triết học duy tâm, triết học hiện sinh đã trở thành người trung thành và kiên trì bảo vệ chủ nghĩa Mác. Trần Đức Thảo đã làm tốt điều mà V.I. Lênin đã từng nói: “muốn hiểu chủ nghĩa Mác thì không thể đóng khung trong những gì Mác đã viết và đấu tranh, mà phải nghiên cứu sâu sắc đến tận nguồn gốc, thực chất những khuynh hướng triết học không mácxít và ngoài chủ nghĩa Mác. Chỉ biết Mác không thôi, thì không thể là nhà mácxít, càng không thể xác định được vị trí của chủ nghĩa Mác trong thời đại của Mác và trong thời đại ngày nay, và như vậy thì không thể bảo vệ được chủ nghĩa Mác - Lênin”5.

Với tác phẩm nổi tiếng Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng được ông viết bằng tiếng Pháp ngay trên đất Pháp, công bố năm 1951, đến năm 2004 được xuất bản bằng tiếng Việt do tác giả Đinh Chân dịch, trong phần II của tác phẩm, ông đã đề cập đến phép biện chứng của sự vận động hiện thực. Ở đây, tác giả đã vận dụng phép biện chứng mácxít để xem xét những vấn đề mà hiện tượng học nêu ra, đặc biệt chú trọng phân tích bản chất của cảm tính và phép biện chứng của sự tiến hóa xã hội loài người như sự hình thành của lý tính. Tác giả kết luận: Chủ nghĩa Mác là giải pháp duy nhất có thể nghĩ đến đối với các vấn đề của chính hiện tượng học nêu ra6. Tác giả đã giải quyết các vấn đề một cách đầy đủ trong phương pháp luận của chủ nghĩa Mác. Tác phẩm là một sự khẳng định vững chắc lập trường mácxít trong tư duy triết học của triết gia Trần Đức Thảo. Tuy nhiên, triết gia lại rất khiêm tốn cho rằng: công trình này mới đi đến thềm của chủ nghĩa Mác, chưa đi vào chủ nghĩa Mác. Có thể khẳng định, quá trình nghiên cứu triết học của triết gia Trần Đức Thảo là đi từ hiện tượng luận của Husserl sang chủ nghĩa hiện sinh, rồi đến chủ nghĩa duy vật biện chứng và cuối cùng đạt tới chủ nghĩa duy vật lịch sử. Ông đã từ khuynh hướng triết học nổi tiếng của thế kỷ XX để đi sâu nghiên cứu triết học Mác - Lênin và đã phát hiện ra được cơ sở lý luận để giải thích mọi hiện tượng, phương pháp tiếp cận chân lý và vận dụng vào cuộc sống.

Trong những năm 1958-1965, ông tập trung nghiên cứu các sách kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, và trở thành chuyên viên cao cấp của Nhà xuất bản Sự thật, nay là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Trong những nghiên cứu của mình, Giáo sư Trần Đức Thảo khẳng định, chỉ có chủ nghĩa xã hội khoa học do C. Mác và Ph. Ăngghen sáng lập mới giải phóng toàn diện con người. Ông phê phán một cách triệt để những khuynh hướng theo chủ nghĩa xã hội không tưởng, chủ nghĩa xã hội cơ hội, vị kỷ cá nhân, vị kỷ dân tộc. Dù trong hoàn cảnh nào, làm việc ở Việt Nam cũng như ở nước ngoài, Giáo sư luôn thể hiện là một nhà khoa học chân chính, tuyên truyền và bảo vệ những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác, nhất là về triết học mácxít và vận dụng phương pháp luận mácxít vào thực tiễn cuộc sống của đất nước.

*

*    *

Cuộc đời, sự nghiệp, tình yêu nước, sự chung tình với triết học Mác của triết gia Trần Đức Thảo rất đáng để mọi người suy ngẫm, bởi ông “đến với chủ nghĩa Mác từ những năm trẻ trung sôi nổi nhất, và rồi, trong những năm khó khăn của đời mình, vẫn không vì thế quay ra “đốt cháy” những gì mà mình đã “tôn thờ” thời trẻ, trái lại, vẫn đào sâu, nghiền ngẫm toàn bộ các tác phẩm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin, kiên trì đấu tranh bảo vệ các nguyên lý mácxít”7. Với thế giới, đặc biệt tại Pháp, Giáo sư Trần Đức Thảo được đánh giá như một nhà triết học lỗi lạc. Ở Việt Nam, các công trình khoa học của ông từ trước đến nay tuy chưa được biết đến nhiều, nhưng những gì ông đã để lại sẽ là những chỉ dẫn hết sức quý báu, khích lệ, thôi thúc cho những người nghiên cứu triết học hăng say, miệt mài hơn trên con đường tìm kiếm tri thức của mình.

Không chỉ hôm nay, ngày mai mà còn rất lâu nữa, người ta vẫn luận bàn, lý giải và vận dụng những tư tưởng triết học mà ông đã để lại và nâng nó lên một tầm cao mới trong tư duy triết học của nhân loại. Triết gia Trần Đức Thảo mãi là niềm tự hào của giới trí thức, của những người nghiên cứu và giảng dạy triết học ở Việt Nam.

 

TS. NGUYỄN THỊ THỌ

Khoa Triết học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

 

1, 2, 3, 4, 5, 7. Phạm Thành Hưng, Trần Ngọc Hà (Đồng chủ biên): Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2006, tr. 75, 108, 166, 73, 64-65, 109.

6. Xem Trần Đức Thảo: Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004.

Bình luận