Phong phú ẩm thực tài lộc ngày Tết
Ở hầu hết các dân tộc trên thế giới, vào ngày Tết, các gia đình đều soạn sửa những món ăn ngon để cùng thưởng thức. Những món ăn ngày Tết thường là những thực phẩm mang tính biểu tượng, được quan niệm sẽ mang lại ấm no, hạnh phúc, may mắn và thành đạt quanh năm. Tùy phong tục, truyền thống mỗi nơi mà người dân sử dụng các loại rau quả, thịt cá hay bánh trái đón Xuân, song đều nhờ sự rực rỡ, thơm tho, bùi ngậy mà lĩnh hội sức khỏe, niềm vui, tài lộc.
Những thực phẩm mang lại may mắn, hạnh phúc, đủ đầy
Trong bữa cơm tất niên và đầu năm mới, người dân các nước trên thế giới thường dùng những món ăn có màu sắc sặc sỡ với mong ước bước sang năm mới, mọi thứ được rực rỡ, tốt đẹp.
Tại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước châu Á, vào ngày 30 Tết vẫn có truyền thống ăn những món có màu vàng do đây là màu tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng. Trong khi người Việt ăn xôi vò - xôi đậu, nem, chả rán vàng thì người Hoa lại ăn bánh cải, sủi cảo rán; người Nhật ăn mỳ dài, trứng cá trích, khoai lang, hạt dẻ nghiền. Tại Pêru, các gia đình luôn dùng món khoai tây rưới nước sốt tadillo, bởi họ xem mỗi lát khoai như một lát vàng, và sốt tadillo là những bột vàng óng ánh. Ngày Tết, người Mỹ ăn bánh ngô bởi bánh ngô có hình tròn vàng rượi và để kích thích vượng khí, người ta thường trộn những đồng xu vàng, bạc vào bánh.
Người dân cũng ăn món có màu đỏ do màu đỏ biểu thị cho sự may mắn, quyền lực. Người Việt có khá nhiều món đỏ như xôi gấc, thịt quay, sườn xào, hạt dưa, bánh, mứt, kẹo. Ở Inđônêxia, còn có canh dấm đỏ, bánh gạo đỏ xếp đa tầng rất hấp dẫn. Một số nước như Áo, Đức, Hunggari, Bồ Đào Nha, Ôxtrâylia, Cuba, người dân thường ăn thịt lợn quay. Riêng người Áo, Đức còn uống loại rượu hoa quả màu hồng để tăng vận hội. Tương tự, người Braxin thường uống nước lựu. Đặc biệt có khá nhiều nơi ăn đậu đỏ, chẳng hạn như Áchentina, với niềm tin để gìn giữ công việc và kiếm được nghề nghiệp ưng ý.
Món “xanh” cũng được ưa dùng vì đó là màu tượng trưng cho sự phát triển, tài lộc. Người Việt có bánh chưng xanh, canh cải nấu với thịt cá, rau xào, rau sống ăn mát dạ. Người Nhật cũng có món cải luộc chấm nước tương ohitashi, mù tạt xào thịt lợn và tỏi mizuna cùng đậu ván trộn với hạt vừng horenso gomaea. Xingapo lại có món xa lát hei yee sang gồm cá, dưa chuột, cải bắp, hành lá, cà rốt, chanh, vừng, lạc…
Để quanh năm ngọt ngào, viên mãn, trong những ngày Tết, người dân cũng thường ăn các đồ ăn ngọt, đa vị, tròn trịa. Người châu Á thường ăn bánh ngọt, bánh làm từ gạo có độ dẻo, dính với quan niệm gia tăng sự thân mật, gắn bó trong gia đình. Ngoài bánh khô còn có bánh chan nước, chè kho, chè nước. Việt Nam có bánh chưng, bánh dày, bánh gai, bánh cốm, bánh trôi, chè đậu, chè lam. Hàn Quốc có bánh tteok, gyeongdan. Nhật Bản có bánh mochi. Đa phần bánh đều được xoe tròn, tượng trưng cho một cuộc sống no đủ, vẹn toàn. Ở phương Tây, bánh ngọt thường là bánh mỳ khô, xốp, dễ sẻ chia. Hy Lạp có bánh vasilopita, Bungari là banitsa, Hà Lan là oliebollen, Mêhicô là rosca de reyes, Pháp là gateau và galette des rois, Đan Mạch, Na Uy là kransekage… Chúng cũng có hình tròn nhưng bên trong thường có thêm những đồng bạc, với quan niệm ngoài hạnh phúc còn mang tới của cải, tài lộc. Đặc biệt, bánh oliebollen luôn có dạng cục, nhiều nhân, làm từ bột trộn nho khô, đổ vào chảo sâu, rắc đường, về đại thể khá giống với bánh rán trưng đường của Việt Nam, khi ăn sẽ cảm nhận rất rõ độ ngọt bùi của bột lẫn với độ ngọt thanh của nho, biểu trưng cho một gia đình giàu có, đông vui. Bánh kransekage thường có hình tháp, gồm nhiều vòng chồng lên một chai rượu và tạo ra những nấc thang thành tựu. Vào thời khắc trước thềm năm mới, mọi người trong nhà đều quây quần quanh đĩa bánh, gia chủ sẽ cắt ra chia cho mọi người, ai nhận được phần bánh lẫn nhiều đồng bạc thì cả năm sẽ no đủ, giàu có.
ÂÂ
Hoa quả cũng là một loại thực phẩm được ưa chuộng trong ngày Tết. Ở Trung Quốc, Đông Nam Á, người ta thường ăn bưởi, cam, quýt bởi chúng có vị ngọt lịm và tinh dầu thơm mát. Đặc biệt người Việt rất thích dưa hấu, thanh long, mãng cầu vì những quả này có màu xanh, đỏ, tím, vàng đẹp mắt, lại chi chít hạt cho niềm vui, của cải. Tại Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Vênêxuêla, Cuba và nhiều nước Trung Mỹ, có phong tục nuốt 12 quả nho vào đêm 30 Tết, tượng trưng cho 12 tháng ngọt lành. Trong bữa ăn cuối năm và ngày Tết ở Philíppin cũng có những giỏ hoa quả tròn, và người dân cũng ăn 12 quả gồm các loại dưa, cam, nho… để cả năm đề huề, sung túc.
Quanh năm lao động vất vả nên vào dịp Tết, ai nấy cũng bồi bổ bằng những món giàu đạm, béo ngậy như thịt, cá, đậu.
Phần lớn các dân tộc đều xem lợn là hình tượng của sự phú quý, tăng trưởng, tiến đạt do khi kiếm ăn con vật luôn dũi mõm về phía trước, ăn nhiều, ngủ tốt, cơ thể núc ních, nên vào dịp Tết đều dùng thịt lợn nhằm lĩnh hội phú quý. Người Thụy Điển thường ăn móng lợn trong khi người Đức lại ăn thịt lợn rán, xúc xích; người Italia, Braxin và Mỹ ăn dăm bông và thịt lợn nấu với hạt đậu. Ngoài lợn, một số nước như Việt Nam, Hàn Quốc, Ôxtrâylia còn ăn thịt bò. Một số nước chăn thả cừu thì ăn cừu. Trong mâm cỗ chiều 30 Tết của người Hàn Quốc luôn có một bát canh nóng dok gook làm từ bánh gạo, thịt bò, bổ dưỡng đến nỗi ăn xong người lớn phổng phao. Trong mâm cỗ của người Hy Lạp thì có cừu quay với những tảng thịt lớn, ăn đến đâu thì cắt tới đó.
Người phương Tây thường kiêng ăn gà vì nó bới đất giật lùi, cũng ít ăn trứng vì có hình dạng số 0, song người phương Đông lại thích gà bởi họ quan niệm con vật đem tới ngày mới và sự thanh bình. Người Trung Quốc ăn gà quay, vịt quay, chim quay kết hợp với nhiều gia vị thuốc bắc để có sức khỏe dẻo dai. Một số dân tộc châu Mỹ như người Bôlivia cũng ăn thịt gà tây vì nó là con vật lớn nhất. Người Pháp cũng ăn gà tây song họ chuộng ngỗng hơn, và gan ngỗng là món ăn rất nổi tiếng của Pháp.
So với các loại thủy sản, cá là thực phẩm phổ biến nhất trong ngày Tết ở cả năm châu, do cá được coi là biểu tượng của phúc, hỷ, tài. Cá luôn bơi hàng đàn, tiến về phía trước, thậm chí bay lên, vảy lại tròn xoe giống đồng tiền, lấp lánh như vàng. Cá cũng có thể tích trữ ăn dần cho sự dư thừa. Người Việt vào ngày Tết luôn có món cá kho, cá rán, canh cá, với niềm tin ăn cá vào ngày xuân không những giúp con người tràn trề sinh lực, mà còn thuận đường công danh, sự nghiệp. Người Malaixia cũng có cá hấp, cá sốt để nguyên con khi chế biến và thưởng thức cho một năm mới dồi dào sức khỏe, tiền bạc. Nhật Bản từ xưa đã có truyền thống ăn cá sống, làm sushi, sashimi và đặc biệt là trứng cá trích do chứa nhiều quả trứng nhỏ li ti tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển. Người Ba Lan, Thụy Điển, Đức cũng ăn cá trích bởi nó có màu ánh bạc, và ngày 30 Tết thường ăn cá muối chua với sốt kem và hành lá đậm đà. Từ Giáng sinh tới Tết, người Đan Mạch lại ăn cá tuyết luộc, người Italia ăn cá tuyết kho và thổ dân Mỹ ăn cá hồi nướng mềm. Trái với cá, tôm cua thường bị tránh trong ngày Tết do tôm có lưng gù, bơi giật lùi còn cua thì có vỏ cứng, lụ khụ, bò ngang. Dù vậy, người Nhật rất thích ăn tôm. Trong các món ăn ngày Tết luôn có món tôm luộc hồng, là một lời chúc thân nhân sống lâu mạnh khỏe, đến khi râu dài - lưng gù. Họ cũng ăn tôm vì tôm ngọt, độ ngọt có khi còn gấp nhiều lần cá.
Do nhiều đạm, lâu bền, mọc nhanh, sai quả nên vào ngày Tết, rất nhiều quốc gia từ Ấn Độ tới Mỹ đều ăn đậu. Ăn nhiều nhất là người Italia với đậu lăng và Mỹ với đậu mắt đen. Người Italia ăn đậu lăng vì từ thời La Mã chúng đã được xem như những đồng tiền. Họ thường làm món đậu ninh nhừ ăn với dăm bông, có tác dụng chiêu tài, phát tướng, bên trên thường rắc mùi tây vừa tăng độ thơm ngon vừa xua đuổi tà ma. Đậu mắt đen lại quen thuộc ở Mỹ, làm ra món Hoppin John (John nhảy lò cò). Nó cũng giống đậu lăng song có thêm một đốm đen, và cũng là những “đồng xu” giúp thăng tiến. Người Mỹ thường nấu đậu này với thịt hun khói, thịt lợn muối, đôi khi với cải vì lá cải có màu xanh, thuôn dài như tờ tiền đô la.
Các nghi lễ liên quan đến thực phẩm cầu may
Không chỉ ăn uống, nhiều dân tộc còn thực hiện các nghi lễ liên quan đến thực phẩm cầu may. Tại các nước có tục thờ tổ tiên, trước thềm năm mới, thường làm lễ cúng trời đất, cúng gia tiên với nhiều nguyên liệu và món ăn ngon lành. Người Việt thường có một mâm cỗ rất lớn cúng ngoài trời, trên đó bao giờ cũng thấy một cặp bánh chưng/bánh tét - bánh dày, gà/lợn luộc, xôi, chè, canh măng, canh miến, nem, giò, chả, rượu bia, trà, nước, ngũ quả cùng hai cây mía đôi bên. Cúng xong thì vảy rắc gạo, muối, rượu khắp nơi để làng xóm thái hòa quanh năm.
Vào Giáng sinh, người Hy Lạp luôn treo trước cửa một cành lựu do trái cây này biểu thị cho hạnh phúc, thịnh vượng, và sang năm mới thì treo một bó hành cho sự sinh sôi, nảy nở, đồng thời bóp một quả lựu để những hạt lựu văng ra, mang tới sự sống tuôn tràn. Người Thụy Sĩ lại “hẩy” một miếng kem to lên sàn nhà cho cả năm tươi trẻ. Còn người Ireland thì gõ cửa bằng bánh mỳ để 12 tháng luôn có cái ăn. Người Pêru thậm chí còn rắc đậu ván trong giày để giúp tiền nhiều vô số và đặt chanh ở góc nhà cho quanh năm thơm lành. Người Nhật cũng rắc đậu vào từng phòng, để ai cũng đỗ đạt, thành công. Trong khi chế biến thức ăn, nông dân Rumani thường bóc 12 củ hành để xem màu vỏ dự đoán thời tiết năm mới.
Vào ngày tất niên, phụ nữ chưa chồng ở Bêlarút thường chất những đống ngô giữa vườn và thả một con gà trống ra, xem nó đậu ở đâu trước thì người ấy sẽ lấy chồng trước. Phụ nữ đã có chồng lại giấu một cái nhẫn và vài mẩu bánh mỳ quanh nhà, để bạn bè độc thân đi tìm, nếu ai tìm thấy nhẫn sẽ lấy được chồng đẹp, còn thấy bánh thì lấy được chồng giàu có. Ở Mỹ, khi cả nhà đã ngồi vào bàn ăn thì trẻ con sẽ chạy nhảy xung quanh món đậu nhằm kêu gọi tài lộc, bởi vậy món súp Hoppin John có tên là John nhảy lò cò. Ở Xingapo cũng vậy, khi gia đình đã họp mặt đông đủ thì bố mẹ, con cái bắt đầu tranh nhau gắp thịt trên mâm cỗ. Họ quan niệm, nếu ai gắp được cao hơn, người ấy sẽ thành công hơn.
Người ta cũng kết hợp giữa ăn uống với việc thăm nhà và tặng quà trong dịp năm mới như một lời chúc và nghĩa cử tốt đẹp. Tại Xcốtlen có tục đêm 30 Tết, nam giới sẽ tới xông đất, mang theo một ổ bánh mỳ hoặc bánh hoa quả và rượu whiskey đến nhà cha mẹ, bạn hữu. Ở Xingapo, khách khứa khi đến chơi sẽ tặng hai quả cam cho gia chủ, và khi ra về cũng được tặng lại cam. Theo truyền thống, đêm 30 Tết, người Ireland sẽ nướng những cái bánh thật lớn, bóp vụn ăn dần cho quanh năm no đủ. Không chỉ muốn bản thân ấm bụng, sang mồng một Tết, họ còn đặt bánh mỳ đã phết bơ ở cửa nhà hàng xóm, giúp ai cũng có cái ăn. Tại Đan Mạch, Na Uy còn có tục ném thức ăn vào cửa nhà láng giềng, mong sang năm có thêm bạn bè…
Chu Mạnh Cường
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực