Vì một Việt Nam ngày càng thịnh vượng!
Năm 2017 có thể nói là một năm “bội thu” của Việt Nam với nhiều cải thiện mạnh mẽ nhất trong xếp hạng chỉ số và chỉ tiêu kinh tế - xã hội quốc gia và quốc tế. Đây là năm đầu tiên trong hàng chục năm qua, cả nước đạt và vượt tất cả 13 chỉ tiêu kế hoạch về kinh tế - xã hội đã được Quốc hội thông qua, với tăng trưởng GDP đạt 6,81%, là cú hat-trick đầy ngoạn mục của nền kinh tế Việt Nam năm 2017. Quy mô nền kinh tế năm 2017 của Việt Nam là 5 triệu tỉ đồng, tương đương 223 tỉ USD. GDP bình quân đầu người ước đạt 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016. Tăng trưởng kinh tế khởi sắc ở hầu hết các lĩnh vực, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu đã có mức tăng trưởng đột phá. Lạm phát được kiểm soát hợp lý, đạt 3,53%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra.
Tính chung cả năm 2017, cả nước ghi nhận một loạt chỉ số đạt mức cao nhất từ trước đến nay: về tổng thu hút FDI đăng ký mới, mở rộng và góp vốn, mua cổ phần; về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động; về chỉ số chứng khoán quốc gia; về số lượt khách du lịch quốc tế; dự trữ ngoại tệ cũng như kim ngạch xuất khẩu rau quả vượt cả dầu mỏ và gạo,…Những chỉ số trên cho thấy, nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phát triển mạnh mẽ, niềm tin, sự hứng khởi và tinh thần đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp đang lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội.
So với cùng kỳ năm trước, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,00% (ngành công nghiệp tăng 7,85%; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 14,40%, cao nhất trong 7 năm gần đây; trong khi ngành khai khoáng giảm 7,10%). Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đã có sự phục hồi đáng kể, với mức tăng 2,90% (cao hơn mức tăng 1,36% của năm 2016), đặc biệt khởi sắc trong xuất khẩu rau củ quả (đạt khoảng 3,6 tỉ USD, tăng 43,1%); ngành thủy sản có mức tăng cao nhất với 5,54%; chăn nuôi trâu, bò và gia cầm ổn định. Riêng chăn nuôi lợn còn gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ chưa có nhiều chuyển biến, giá thịt lợn vẫn ở mức thấp khiến quy mô đàn lợn tiếp tục có xu hướng giảm. Khu vực dịch vụ tăng 7,44% (riêng tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,14%, cao nhất trong 7 năm qua).
Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện chiếm tỷ trọng 15,34%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,34%; khu vực dịch vụ chiếm 41,32%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.934,2 nghìn tỉ đồng, tăng 10,9% so với năm trước.
Tính đến thời điểm 20-12-2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 14,19% so với cuối năm 2016; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 14,5%; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 16,96%. Mặc dù có sự chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động vốn, nhưng thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn ở mức ổn định. Lãi suất huy động trong năm tương đối ổn định. Nhìn chung, cơ cấu tín dụng tiếp tục theo hướng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh được ưu tiên, các dự án lớn trọng tâm, trọng điểm theo chủ trương của Chính phủ nhằm hỗ trợ có hiệu quả cho tăng trưởng kinh tế.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện năm 2017 theo giá hiện hành ước tính đạt 1.667,4 nghìn tỉ đồng, tăng 12,1% so với năm 2016 và bằng 33,3% GDP. Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP giảm từ 38,4% giai đoạn 2007-2011 xuống 31,9% giai đoạn 2012-2017, chủ yếu do giảm tỷ lệ vốn từ nguồn đầu tư công.
Tính đến ngày 15-12-2017, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.104 nghìn tỉ đồng, bằng 91,1% dự toán năm. Tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 1.219,5 nghìn tỉ đồng, bằng 87,7% dự toán năm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với bình quân năm 2016, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2017 tăng 1,41% so với bình quân năm 2016.
Về du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 29,1% so với năm trước (tăng 2,9 triệu lượt khách). Năm 2017, Việt Nam cũng bổ sung 6 nước, gồm: Ôxtrâylia, Các tiểu vương quốc Arập thống nhất, Canađa, Ấn Độ, Hà Lan, Niu Dilân vào danh sách những nước có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử khi nhập cảnh vào Việt Nam (tổng cộng hiện có 46 nước).
Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam năm 2017 đạt mức kỷ lục, vượt 213,77 tỉ USD, tăng 21,1% so với năm trước, đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm qua. Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất của Việt Nam. Tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước đạt 211,1 tỉ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 84,7 tỉ USD, tăng 17%. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất. Cả nước xuất siêu hàng hóa 2,7 tỉ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 26,1 tỉ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 28,8 tỉ USD.
Năm 2017, Việt Nam ghi nhận sự bùng nổ về thành lập mới doanh nghiệp, tăng vốn và quay lại hoạt động; đồng thời, số doanh nghiệp dừng hoạt động chững lại, khiến sự chênh lệch giữa số doanh nghiệp đăng ký mới với số doanh nghiệp dừng hoạt động lên tới hơn 50%, tốt nhất trong nhiều năm qua. Tính chung cả năm 2017, cả nước có 126.859 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.295,9 nghìn tỉ đồng, tăng 15,2% về số doanh nghiệp và tăng 45,4% về số vốn đăng ký so với năm 2016; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,2 tỉ đồng, tăng 26,2%. Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong năm lên tới 153,3 nghìn doanh nghiệp. Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 60.553 doanh nghiệp.
Năm 2017 cũng là năm bùng nổ lịch sử trên thị trường chứng khoán, với chỉ số VN-Index có lúc đạt gần 1000 điểm, cao nhất trong vòng 10 năm qua, hàng loạt cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử, cùng với khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch ở mức kỷ lục. Đây là kết quả của sự cải thiện về ổn định vĩ mô, xử lý nợ xấu và coi trọng hơn khu vực kinh tế tư nhân.
Trong lĩnh vực tín dụng, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 14,5% so với tháng 12-2016, trong đó, tín dụng cho công nghiệp chế biến, chế tạo tăng gần 25%, chiếm tỷ trọng hơn 17%. Tăng trưởng tín dụng cả năm ước tính đạt khoảng 18-19%. Nợ xấu chỉ chiếm dưới 3% tổng dư nợ, xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường đang được cải thiện.
Tính đến 20-12-2017, cả nước thu hút 2.591 dự án FDI mới, với tổng vốn 21,3 tỉ USD, tăng 3,5% về số dự án và tăng 42,3% về vốn so với cùng kỳ năm 2016. Vốn FDI thực hiện năm 2017 ước đạt 17,5 tỉ USD, tăng 10,8% so với năm 2016. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 47,6% tổng vốn đăng ký mới và bổ sung; Thanh Hóa có số vốn FDI đăng ký lớn nhất, chiếm 14,8% tổng vốn đăng ký cấp mới của 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới. Nhật Bản là nhà đầu tư lớn nhất, chiếm 36,4% tổng vốn đăng ký cấp mới trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong năm 2017.
Bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng hồi đầu tháng 11-2017, đã có 121 thỏa thuận với trị giá hơn 20 tỉ USD được ký kết giữa các tập đoàn hàng đầu thế giới với các doanh nghiệp Việt Nam. Hiệu ứng từ APEC, nhất là từ các thỏa thuận đã ký kết (trong đó có việc 11 nước thành viên TPP cam kết sẽ thương lượng để giữ lại TPP dù đổi tên và không có Mỹ) sẽ là chất xúc tác quan trọng để đến năm 2018, Việt Nam tiếp tục thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài. APEC đã, đang và sẽ tiếp tục là nguồn động lực, là cơ hội kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam phát triển, bởi APEC hiện chiếm 40% dân số, gần 60% GDP và 49% giao dịch thương mại toàn cầu. Không những vậy, APEC cũng chiếm 78% FDI, 75% kim ngạch thương mại, 79% du khách quốc tế và 80% du học sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài. Trong APEC có tất cả các đối tác hàng đầu: từ nguồn cung cấp ODA lớn nhất (Nhật Bản); nguồn cung cấp FDI lớn nhất (Hàn Quốc); thị trường xuất khẩu và xuất siêu lớn nhất (Hoa Kỳ); thị trường nhập khẩu, nhập siêu lớn nhất của Việt Nam (Trung Quốc và Hàn Quốc). Có tới 13 thành viên APEC đang là đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện trong tổng số 16 đối tác chiến lược và 11 đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam trên thế giới.
Đặc biệt, mặc dù Việt Nam phải chịu nhiều hậu quả nặng nề của thiên tai nhưng cả nước chỉ có 181,4 nghìn hộ thiếu đói, giảm 31,7% so với năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi năm 2017 là 2,24% (năm 2016 là 2,30%; năm 2015 là 2,33%).
Tính đến hết tháng 6-2017, cả nước đã có 76,44 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế lên đến 82,19% dân số cả nước, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2016. Số người tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc là 13,17 triệu người, tăng 6,8%; 11,28 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, tăng 7,4%. Đồng thời, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam hiện là 74, cao hơn so với tuổi thọ trung bình của toàn thế giới là 71.
Việt Nam được Trung tâm Nghiên cứu Pew xếp hạng đứng đầu thế giới về sự thay đổi cuộc sống trong nửa thế kỷ qua: 88% người Việt được khảo sát cho rằng cuộc sống hôm nay tốt đẹp hơn 50 năm trước, cao hơn con số tương ứng của Ấn Độ (69%), Hàn Quốc (68%) và Nhật Bản (65%), Philíppin (43%) và mức trung bình 54% của châu Âu, đặc biệt là so với con số chưa tới 37% của Mỹ,…
Việt Nam cũng được đánh giá là một trong số ít quốc gia an toàn nhất thế giới, tuyệt đối không có tình trạng khủng bố đe dọa an ninh quốc gia trong 5 năm liên tiếp (từ năm 2012-2016) theo Báo cáo Chỉ số khủng bố toàn cầu (GTI) do Viện Nghiên cứu kinh tế và hòa bình Ôxtrâylia công bố cuối tháng 11-2017.
Còn theo kết quả của cuộc khảo sát trực tuyến Expat Insider 2016, được thực hiện bởi Internations - mạng lưới cộng đồng những người sinh sống và làm việc ở nước ngoài lớn nhất thế giới, công bố trong quý I-2017, Việt Nam xếp thứ 11/67 quốc gia đáng sống đối với người nước ngoài; đồng thời, có những tiến bộ vượt bậc trong các chỉ số về môi trường làm việc, khả năng ổn định và hòa nhập. Nhờ đó, cứ 1 trong 5 người nước ngoài ở Việt Nam cho biết, họ hài lòng với sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống ở đây. Nói cách khác, Việt Nam đang trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu cho người nước ngoài tới du lịch, sinh sống và làm việc.
Trong xếp hạng chỉ số môi trường kinh doanh của WB, năm 2017, Việt Nam đứng ở vị trí 68/190 nền kinh tế, tăng 14 bậc so với năm 2016 (riêng chỉ số tiếp cận điện năng tăng tới 32 bậc so với năm 2016 và tăng 92 bậc so với năm 2013). Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017-2018 đã đưa Việt Nam lên thứ hạng 55, tăng 5 bậc so với năm trước và 20 bậc so với cách đây 5 năm. Liên hợp quốc cũng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2017 của Việt Nam tăng 12 bậc so với năm trước và điều chỉnh Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam lên mức 68/157 quốc gia và vùng lãnh thổ (tăng 20 bậc so với năm 2016).
Đồng thời, hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s (Moody’s Investors Service) nâng mức đánh giá triển vọng từ “ổn định” lên “tích cực” trên cơ sở đánh giá nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang trên đà ổn định, cán cân thanh toán và vị thế đối ngoại được cải thiện, môi trường hoạt động của khu vực ngân hàng dần bình ổn.
Những thành công trên là kết quả của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, với những nỗ lực và đổi mới toàn diện trong nhận thức; sự chỉ đạo và hành động quyết liệt của các cấp lãnh đạo; sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước trên hành trình vượt qua chính mình và được quốc tế công nhận.
Chúng ta hiểu rõ rằng, thành công không đến với một dân tộc tự ti hay thụ động, chuộng ảo tưởng vay mượn hay chủ quan. Vì vậy, để tiếp tục đẩy nhanh sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường trong thời gian tới, Việt Nam cần quyết tâm và hành động thiết thực hơn nữa để khắc phục những khó khăn và bất cập trong đổi mới mô hình phát triển, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp; đồng thời, kiểm soát nợ công, nợ xấu, hàng giả, hàng nhái; kiểm soát an toàn thực phẩm, hóa chất độc hại; hạn chế ô nhiễm môi trường, khắc phục hậu quả thiên tai và biến đổi khí hậu; ngăn chặn bạo lực gia đình và bảo đảm an sinh xã hội,… Đặc biệt, để phát triển bền vững, Việt Nam cần phát huy sức mạnh toàn dân tộc dựa trên sự đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân; sự củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; sự hội tụ của các sáng kiến, sáng tạo tự do; nâng cao năng lực và sự nêu gương của lãnh đạo các cấp trong một chính phủ kiến tạo; sự hoàn thiện, nghiêm minh, hiệu lực thực tế của hệ thống pháp luật nhằm bảo vệ các giá trị chuẩn quốc gia, chống lại mọi sự vô cảm, nạn tham nhũng, sự hành xử méo mó và bất chấp luật pháp vì lợi ích nhóm và lợi ích cá nhân.
Mùa xuân mới đang về, vận hội và sức xuân mới đang mở ra một tương lai mới cho Việt Nam tiếp tục chuyển mình cùng thế giới, vì mục tiêu: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ngày càng thịnh vượng, độc lập, tự chủ; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đưa Việt Nam lên vị thế quốc tế xứng đáng, để mọi người dân Việt Nam đều tìm thấy hạnh phúc thực sự của mình trong hạnh phúc chung của toàn dân tộc.
TS. Nguyễn Minh Phong
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực