"Người anh cả" Nguyễn Đức Cảnh và những dấu mốc tiên phong

Ngày đăng: 02/02/2018 - 16:02

dong chi nguyen duc canh 2018Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những người tham gia sáng lập chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Việt Nam (3-1929), thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng và trở thành người lãnh đạo đầu tiên của Tổng Công hội đỏ Bắc Kỳ (7-1929), rồi được bầu làm Bí thư xứ ủy Bắc Kỳ (2-1930), trực tiếp làm Bí thư tỉnh bộ Hải Phòng. Ông là vị lãnh tụ xuất sắc với nhiều dấu mốc tiên phong với tư tưởng tiến bộ khi sớm nhận ra sức mạnh của giai cấp công nhân, có đóng góp đáng kể trong hoạt động lý luận cách mạng của Đảng…

1. Hành trình đến với phong trào công nhân

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh sinh ngày 2-2-1908 tại làng Diêm Điền, tổng Hộ Đội, huyện Thụy Anh (nay là thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy), tỉnh Thái Bình trong một gia đình nhà nho giàu truyền thống yêu nước. Vốn chịu ảnh hưởng tư tưởng chống Pháp từ cha, nên ngay từ những ngày còn học ở trường Thành chung, Nam Định, Nguyễn Đức Cảnh đã tích cực tham gia các phong trào đòi thả Phan Bội Châu (1925), để tang Phan Chu Trinh (1926), bãi khóa của học sinh... Sau các cuộc đấu tranh đó, Nguyễn Đức Cảnh bị mật thám theo dõi và đuổi học.

Không còn điều kiện tiếp tục đến trường học, cuối năm 1926, Nguyễn Đức Cảnh rời quê hương lên Hà Nội. Từ đây, Nguyễn Đức Cảnh đã quen và trở thành bạn của những người yêu nước, cũng từ đây, con đường cách mạng đã gắn chặt cuộc đời ông.

Khi về làm Bí thư Tỉnh bộ Thanh niên Hải Phòng và được bầu vào Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ, phụ trách trực tiếp thành phố Hải Phòng và khu mỏ Hồng Gai, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chính thức trở thành người thợ ở nhà máy sửa chữa tàu Ca-rông. Do được làm việc và tiếp xúc với những người công nhân nên đồng chí thấu hiểu được những tâm tư, nỗi niềm của những người thợ nơi đây, đồng thời cũng thấy rõ cảnh sống tối tăm u buồn, lam lũ cực khổ của những người công nhân vùng mỏ. Tất cả họ như đang nén chịu và như luôn sẵn sàng vùng lên. Càng hiểu, Nguyễn Đức Cảnh như càng thấy rõ một sức mạnh tiềm tàng lớn lao ở khối người cần lao đó. Gần gũi họ, hiểu được họ, Nguyễn Đức Cảnh nghĩ, để sớm đưa phong trào lên một tầm cao mới thì cần phải mở ngay những lớp đào tạo huấn luyện hạt nhân cho phong trào của thợ thuyền. Nghĩ là làm, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã bàn bạc và cùng các đồng chí trong lãnh đạo Tỉnh bộ Thanh niên tiến hành mở lớp.

2. Ngọn lửa nhiệt huyết của người anh cả

Trong cuộc đời hoạt động của mình, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là người nghiên cứu sâu sát về giai cấp công nhân, là người truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin và phong trào công nhân, có nhiều đóng góp cho công tác tư tưởng, tổ chức của Đảng. Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã kết hợp đúng đắn công tác tư tưởng với công tác tổ chức, nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề tư tưởng và tăng cường bản chất công nhân trong Đảng, thường xuyên tổ chức giáo dục, bồi dưỡng lập trường quan điểm, ý thức cho giai cấp công nhân; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên theo quan điểm của giai cấp công nhân; trung thành với chủ nghĩa quốc tế vô sản.

Nhiều hoạt động của Nguyễn Đức Cảnh gắn với phương châm tự thân vận động mà kim chỉ nam chính là Đường Kách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chỉ lối. Càng sống, càng gần gũi, Nguyễn Đức Cảnh càng hiểu thêm, hiểu sâu, hiểu kỹ về những người thợ, vì vậy, ông càng thấy quý mến, thân thương vô cùng những người thợ của Hải Phòng. Chính bởi tình cảm mãnh liệt mà Nguyễn Đức Cảnh tự nhủ sẽ sống mãi và đóng góp cho phong trào thợ thuyền Hải Phòng. Nhờ họ, ông cảm thấy mình cũng đã lột dần được cái vỏ, mở được cái nhìn của một trí thức tiểu tư sản.

Thời gian hoạt động ở Hải Phòng với biết bao thăng trầm, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh luôn đau đáu với bao hoài bão muốn xây dựng Hải Phòng trở thành bước đột phá của phong trào cách mạng. Ông đã ý thức được rất sớm rằng, phong trào vô sản giai cấp ở Hải Phòng, Hồng Gai yêu cầu có một sự lãnh đạo hoàn chỉnh hơn, rộng lớn hơn. Phong trào thợ thuyền đất Cảng, đất Mỏ cũng là tiền đề để lập ra tổ chức hoàn bị hơn: Một Đảng của vô sản giai cấp. Nó phù hợp với quan điểm đã chỉ rõ trong Đường Kách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc: “Kách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng Kách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”.

Nguyễn Đức Cảnh và các đồng chí lãnh đạo phong trào đã thi hành chủ trương “vô sản hóa” của Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Sống, hoạt động trong thợ thuyền Hải Phòng, rồi quãng đời thợ đầu tiên trong đời khiến đồng chí Nguyễn Đức Cảnh thấy không thể hoạt động đấu tranh nếu không là một người vô sản. Bên cạnh đó, chỉ có vô sản hóa mới đưa chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân, giáo dục họ đứng vào hàng ngũ cách mạng. “Vô sản hóa Hải Phòng” dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã được xây dựng mạnh mẽ bằng tư tưởng giai cấp công nhân cho đội ngũ cán bộ thanh niên hiện có. Phong trào đã tuyên truyền, giáo dục quần chúng, xây dựng tổ chức cách mạng trong công nhân. Qua nhiều hoạt động ở các nhà máy Hải Phòng, vô sản hóa đã làm đòn bẩy thúc đẩy phong trào cách mạng từ đó ăn sâu và vươn lên mạnh mẽ.

Tuy tuổi đời còn rất trẻ, song đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được những người thợ, những người công nhân ở đây luôn coi là anh cả trong cuộc sống thường ngày cũng như trong lãnh đạo phong trào. Họ trân quý, mến mộ và nhất nhất theo ông.

3. Tình yêu đặt trọn nơi đất Cảng

Hải Phòng vốn là cái nôi của phong trào đấu tranh cách mạng. Vì vậy, trong thời gian hoạt động tại Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh luôn quan tâm, gắn bó với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Bản thân ông vừa trực tiếp làm thợ ở nhà máy Ca-rông, vừa lãnh đạo phong trào và viết tài liệu tuyên truyền cách mạng; tổ chức đưa nhiều hội viên của hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào nhà máy, bến cảng để rèn luyện, lãnh đạo và tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin trong công nhân. Cũng từ thực tiễn đó, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã có những đóng góp quý báu trong việc giúp đồng chí Trần Phú khởi thảo luận cương chính trị của Đảng năm 1930, và sau này khi bị địch bắt, trong xà lim, đồng chí đã dồn sức lực, tâm trí viết nhiều tài liệu như: Gia đình và Chủ nghĩa Cộng sản, Nói chuyện với nước Tàu và đặc biệt là đã hoàn thành cuốn Công nhân vận động để bổ sung vào kho tàng kinh nghiệm của Đảng ta.

Ngày 28-7-1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tổ chức và chủ trì hội nghị đại biểu Công đỏ miền Bắc tại Hà Nội. Ngày 30 tháng 7, Điều lệ Công hội đỏ được thông qua. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - Ủy viên Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng trực tiếp lãnh đạo phong trào. Đại hội còn quyết định xuất bản báo Lao động làm cơ quan thông tin, tuyên truyền và Tạp chí Công hội đỏ làm cơ quan lý luận, truyền bá quan điểm, chủ trương công tác của Công hội đỏ trong công nhân. Giữa những ngày lửa tranh đấu bùng lên từ Xi Măng, Máy Chai, Máy Dệt… Hải Phòng sang xe lửa, mở Hồng Gai xe kéo Kiến An rồi Sở Ươm, Máy Gạch, A-vi-a… Hà Nội và Máy Điện, Máy sợi Nam Định… thì phái viên hải ngoại của Đông phương bộ quốc tế cộng sản do Nguyễn Ái Quốc phụ trách về Hải Phòng. Qua tiếp xúc, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh được biết lãnh tụ đặt vấn đề triệu tập ở Hương Cảng một hội nghị để thống nhất ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam.

Sau khi Nguyễn Đức Cảnh cùng các đồng chí lập ra Đông Dương Cộng sản Đảng thì Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội cũng quyết định cải tổ bộ phận còn lại để thành lập An Nam Cộng sản Đảng và ra tờ báo Bôn-sơ-vích. Trong tình hình ấy, Tân Việt Cách mạng Đảng cũng không thể duy trì, trừ tổ chức cũ và cải tổ thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Cuối cùng đã “thống nhất Đảng”, cả nước Việt Nam và rộng ra là cả bán đảo Đông Dương này chỉ có một Đảng Cộng sản, một tổ chức chân chính của vô sản giai cấp. Đó thật là bước ngoặt lớn của cách mạng Việt Nam.

Đóng góp của Nguyễn Đức Cảnh cho mảnh đất Hải Phòng còn ở những sự sâu sát đến các vấn đề chính trị một cách kịp thời. Đầu năm 1930, khi phong trào ở Hải Phòng đang lên cao, để “đáp lại” những luận điệu xuyên tạc của đốc lý Hải Phòng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã viết một cuốn sách nhỏ lấy nhan đề là Trả lời Krô-téc-me, được Thành ủy Hải Phòng in và kịp thời phổ biến rộng rãi để vạch trần bộ mặt của bọn thực dân cướp nước. Với những lời lẽ đanh thép và những luận chứng cụ thể, ông đã bẻ gãy những luận điệu ngụy biện và đập tan những luận điệu vu khống của bọn thực dân. Cuốn sách đã làm cho bọn cầm quyền thực dân phong kiến như phát điên lên, chúng ra chỉ lệnh săn lùng ráo riết, bắt bằng được ông bằng bất cứ giá nào.

Khi phong trào công nhân Hải Phòng đang được đẩy lên cao thì ngày 9-4-1931, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh bị địch bắt và kết án tử hình. Khi chánh án hỏi có xin ân xá gì không, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã trả lời khẳng khái: “Đánh đuổi quân cướp nước, giành độc lập cho Tổ quốc, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Việt Nam là không có tội. Đã không có tội, cần gì ân xá?”.

Ngọn lửa đấu tranh mà đồng chí Bí thư trẻ Nguyễn Đức Cảnh nhóm lên và soi đường, đã quy tụ và đưa phong trào công nhân lên một tầm cao mới. Ông ra đi khi công việc vẫn còn đang dang dở và bề bộn, nhưng chí hướng và tinh thần của ông vẫn có sức lan tỏa và khơi dậy những cuộc đấu tranh mạnh mẽ. Đến nay, đã gần một thế kỷ trôi qua, những dấu ấn mà vị lãnh tụ trẻ tuổi để lại vẫn ngời sáng và trở thành tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập và noi theo.

MINH QUÂN

Nhà xuất bản Quân đội nhân dân

Bình luận