Kết hợp quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Ngày đăng: 26/03/2018 - 08:03

Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, những vấn đề lý luận về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa đã được Đảng ta nghiên cứu, đưa ra chủ trương và triển khai thực hiện trên các lĩnh vực; trở thành tư tưởng và hành động xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.

Quan điểm chủ động giữ nước trong thời bình được xác lập lần đầu tiên trong văn kiện Đại hội XII của Đảng, đó là: “có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa”(1). Quan điểm này ra đời là một quá trình đấu tranh gian khổ trong nhận thức và trải nghiệm thực tiễn; là sự kế thừa, phát huy truyền thống “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, là sự quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh “bất kỳ hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, thấy trước, chuẩn bị trước”(2). Quan điểm “có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa” yêu cầu các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại cần chủ động hơn nữa để phòng ngừa, phát hiện sớm và triệt tiêu các nhân tố bất lợi từ bên trong lẫn bên ngoài có thể gây ra đột biến, nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ Tổ quốc.

Trong thực tế, có thời điểm nhận thức của chúng ta về bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa chưa thật đầy đủ, sâu sắc. Các phương thức chủ động kết hợp giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên một số lĩnh vực, địa bàn có lúc, có nơi được triển khai còn chậm, chưa chặt chẽ. Việc quán triệt, triển khai thực hiện của một số cấp ủy, chính quyền có nơi, có lúc chưa kiên quyết, thiếu triệt để, còn bị động, bất ngờ; thiếu các giải pháp mang tính chiến lược, tổng thể... Vì vậy, việc chính thức xác lập quan điểm này của Đảng trong Đại hội XII là hết sức cần thiết, nhằm thống nhất nhận thức tư tưởng và hành động chủ động giữ nước trong thời bình.

Trên thế giới ngày nay, các quốc gia đều chủ động ứng phó, xử lý, bảo vệ độc lập, chủ quyền, lãnh thổ, lợi ích quốc gia trước những vấn đề toàn cầu, an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống. Tùy theo thế, lực và hoàn cảnh, các quốc gia chủ động phòng ngừa bên trong hoặc theo hướng giải quyết các vấn đề đến từ bên ngoài; liên kết, hợp tác về mọi mặt để tăng cường sức mạnh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, quyết liệt thực hành phương châm chủ động phòng vệ và tăng cường hợp tác an ninh quốc tế, nỗ lực chủ động chiến lược trong đấu tranh quốc phòng, quân sự, ứng phó vững vàng với tình huống khó khăn nhất, phức tạp nhất...

Để triển khai có hiệu quả quan điểm “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”, cần nhận thức đầy đủ và thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau:

Trước hết, nhận thức rõ “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” là sự kế thừa và phát huy truyền thống chủ động giữ nước trong thời bình của cha ông. Tổng thể các hoạt động của Đảng, Nhà nước, nhân dân, các hoạt động quốc phòng, an ninh, đối ngoại phải được diễn ra một cách chủ động, thường xuyên, ở trong nước và ở ngoài nước, nhằm sớm phát hiện, ngăn chặn, vô hiệu hóa mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch hòng chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia; giữ vững hòa bình, ổn định, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Mục tiêu của kế sách này hướng đến thực hiện mục tiêu chung của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, chủ động giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và phát triển; không để bị động, bất ngờ trước mọi hành động chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo, lợi ích quốc gia, dân tộc; sớm phòng ngừa, phát hiện, triệt tiêu các nhân tố bất lợi, nhất là các nhân tố có thể gây ra đột biến.

Phạm vi “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” là một không gian ba chiều của hành động chủ động giữ nước. Không gian thuộc chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển, đảo và lợi ích quốc gia, dân tộc Việt Nam ở trong nước và trên thế giới, lẫn không gian quản lý, điều hành của từng lĩnh vực, từng chủ thể của Tổ quốc, ở cả tầm vĩ mô lẫn vi mô trên mọi phương diện, yếu tố hợp thành Tổ quốc. Trong mọi yếu tố thuộc không gian chủ quyền, lợi ích quốc gia, quá trình xây dựng, củng cố, phát triển cũng là quá trình triển khai các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ, tự bảo vệ từ trước. Đi liền với các chiến lược xây dựng, phát triển của mọi lĩnh vực, ngành, vùng, tổ chức, con người là các chiến lược bảo vệ, tự bảo vệ bên trong; phòng, chống, ngăn ngừa, triệt tiêu các nhân tố phá hoại, mất ổn định cả bên trong lẫn bên ngoài.

Về thời gian, tất cả các yếu tố, nội dung bảo vệ Tổ quốc đều được chủ động tiến hành từ sớm, từ trước, duy trì thường xuyên, liên tục trong thời bình. Chủ động bảo vệ trước về mặt thời gian bao hàm ưu tiên, tập trung bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, lãnh thổ quốc gia, bảo vệ Đảng, chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích quốc gia - các nhân tố quyết định bản chất của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, các mục tiêu trọng tâm của công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước.

Thứ hai, các lĩnh vực quốc phòng, an ninh và đối ngoại phải chủ động phối hợp chặt chẽ trong hoạch định các chiến lược, sách lược và kiên quyết thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.

Đây là biện pháp rất quan trọng, thể hiện ý chí, quyết tâm chủ động bảo vệ Tổ quốc. Hiệu quả thực hiện đường lối tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế, ảnh hưởng của đất nước tùy thuộc vào tinh thần tích cực, chủ động, trách nhiệm của mỗi chủ thể, mỗi lĩnh vực. Trước sự biến đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, việc hoạch định các chiến lược, sách lược, kế sách “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” của mỗi cấp, mỗi ngành, lĩnh vực và mọi chủ thể là vô cùng cần thiết, là biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay.

Cần nghiên cứu, hoàn thiện các chiến lược tự bảo vệ; khai thác, phát huy hơn nữa mọi lợi thế của từng lĩnh vực, thực hiện phối hợp giữa các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại một cách chặt chẽ hơn, có cơ chế rõ ràng, kịp thời hơn, nhanh chóng và hiệu quả hơn. Chú ý các biện pháp ngăn ngừa, phát hiện từ sớm, hạn chế từ trước, giảm thiểu các nguy cơ từ “quyền lực mềm”, “biên giới mềm” gây tổn hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc.

Thiết lập, duy trì, mở rộng khuôn khổ các quan hệ đối tác phải trên cơ sở nghiên cứu dự báo chiến lược, lợi ích bền vững, lâu dài của ngành, của đất nước; phòng ngừa mọi áp đặt, cạm bẫy, thủ đoạn “câu nhử” lợi ích trước mắt. Luôn đề cao và bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Tạo ra ưu thế chiến lược giữ vững hoà bình, ổn định của đất nước phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; nỗ lực chủ động chiến lược trong xây dựng, phát triển, bảo vệ lợi ích đất nước. Đẩy mạnh nghiên cứu dự báo, tham mưu chiến lược; có phương án sẵn sàng, chuẩn bị nguồn lực đủ mạnh để ứng phó chủ động, vững vàng trước các tình huống khó khăn, phức tạp hoặc tình huống bất ngờ gây nên. Hành động có phương lược rõ ràng, theo kế sách thống nhất định sẵn, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại...

Thứ ba, ưu tiên bảo vệ các nhiệm vụ trọng yếu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Giữ vững vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; không ngừng củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; gắn phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đây là các nội dung đặc biệt quan trọng cần tập trung thực hiện, cụ thể hoá quan điểm “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”; là phương châm hành động chỉ đạo toàn diện các hoạt động của mỗi ngành, mỗi lĩnh vực và đất nước mà mỗi chủ thể trong phạm vi, quyền hạn của mình phải tiến hành. Thực hiện tổng thể, đồng bộ các nội dung này là thể hiện tinh thần “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc”(3); không để một nhiệm vụ, nội dung nào đi chệch định hướng xã hội chủ nghĩa.

Giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp quốc phòng, an ninh, đối ngoại là nguyên tắc hàng đầu bảo vệ Tổ quốc. Chủ động, kiên quyết đấu tranh với những tư tưởng và hành động sai trái, thù địch, hạ thấp, xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh là yếu tố then chốt, là cơ sở chính trị - pháp lý của công cuộc giữ nước hiện nay. Tập trung sức mạnh của hệ thống chính trị vào xây dựng Đảng và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, quản lý sự nghiệp quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực sự là nền tảng vững chắc của sức mạnh bảo vệ Tổ quốc. Nâng cao tinh thần chủ động, tham gia tích cực của mọi tổ chức, lực lượng, nhân dân, đồng bào các dân tộc, trong và ngoài nước, các tôn giáo dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự vận động, hướng dẫn của Mặt trận Tổ quốc; huy động mọi lực lượng tham gia, nêu cao cảnh giác và làm thất bại mọi âm mưu, hành động chống phá, xâm lược, không để bị động, bất ngờ. Chủ động kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong mọi yếu tố phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, nâng cao ảnh hưởng quốc tế ra khu vực và thế giới phải trên cơ sở bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc; gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại.

Cùng với quốc phòng, an ninh, trong thời bình mặt trận đối ngoại phải trở thành mặt trận hàng đầu của công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Mục tiêu hoạt động đối ngoại là “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc, trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi”. Đây là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta. Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và đạt hiệu quả cao là thực tiễn sinh động để chúng ta nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về tầm quan trọng của lợi ích quốc gia, dân tộc. Với ý nghĩa đó, yêu cầu kết hợp quốc phòng - an ninh - đối ngoại hiện nay cần phải hướng đến đạt cho được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Đó vừa là mục tiêu, vừa là phương châm chỉ đạo, lãnh đạo kết hợp quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Lợi ích quốc gia - dân tộc là thống nhất, không thể tách rời. Đó là những mục tiêu mà Việt Nam theo đuổi nhằm bảo đảm quyền tồn tại và phát triển của mình, trong đó độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa là những nội hàm cốt lõi. Lợi ích quốc gia, dân tộc của Việt Nam được xác định trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi. Bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc là nguyên tắc tối cao và là mục tiêu tối thượng của mọi hoạt động quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong tình hình mới.

Hoạt động đối ngoại phải chú trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, an toàn về mọi mặt cho sự phát triển của đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc là tất yếu, nhưng hoạt động đối ngoại phải góp phần bảo đảm ở mức cao nhất để cuộc đấu tranh này không dẫn đến đối đầu, cô lập, bất ổn, xung đột vũ trang hoặc chiến tranh. Để đạt được yêu cầu trên, cùng với việc thực hiện hai phương châm cơ bản (tận dụng tối đa sự giúp đỡ, ủng hộ quốc tế và kiên quyết, kiên trì), cả lý luận và thực tiễn cho thấy, hoạt động đối ngoại phải kiên trì hai nguyên tắc lớn: 1- Việt Nam không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào, nhưng sẵn sàng hợp tác với các nước vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế và khu vực; 2- Khéo kết hợp đối ngoại song phương và đa phương (chú trọng đa phương) trong giải quyết các bất đồng, tranh chấp. Trên cơ sở mục tiêu tối cao, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Đại hội XII của Đảng đặt ra những nội dung mới trong việc kết hợp quốc phòng, an ninh, đối ngoại, đó là: kết hợp quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong giữ vững chủ quyền biển, đảo, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Đại hội XII nhấn mạnh: kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ vững chắc biên giới và chủ quyền biển, đảo, vùng trời của Tổ quốc. Chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, trong đó có các vùng biển, đảo là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Quan điểm “kiên quyết, kiên trì” thể hiện rõ ý chí quyết tâm chiến lược, sự nhất quán của Đảng, Nhà nước, nhân dân và lực lượng vũ trang của ta, trước mắt cũng như lâu dài, thuận lợi cũng như khó khăn, là bằng mọi cách phải bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Quan điểm này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao; cùng với đó là phương thức kết hợp linh hoạt, sáng tạo. Đây là một nội dung quan trọng của nhiệm vụ kết hợp quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong tình hình mới. Hiện nay, vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển, đảo và các thách thức an ninh phi truyền thống diễn ra ngày càng gay gắt, quyết liệt, đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Do vậy, cần chú trọng hơn nội dung kết hợp quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo không phải là nhiệm vụ của riêng ngành nào, mà là nhiệm vụ chung, trước hết của quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Đặt kết hợp quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong tổng thể các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội nhằm tạo cơ sở và nền tảng vững chắc, đạt hiệu quả ngày càng cao hơn. Đây là đòi hỏi cao hơn về cấp độ của quá trình kết hợp. Việc kết hợp không dàn đều mà có trọng tâm, trọng điểm.... bởi biển, đảo là những địa bàn còn khó khăn về kinh tế - xã hội và hết sức nhạy cảm về quốc phòng, an ninh, nơi mà các thế lực thù địch đang tập trung chống phá và cũng là nơi mà hiện nay việc gắn kết giữa quốc phòng, an ninh, đối ngoại còn có chỗ chưa chặt chẽ, thiếu giải pháp, cơ chế chính sách đồng bộ. Đây cũng là nội dung rất quan trọng và là tiền đề vững chắc cho hoạt động kết hợp quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Rõ ràng, nếu kết hợp giữa ba lĩnh vực không gắn liền với tổng thể các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội sẽ không thể phát huy được sức mạnh tổng hợp bảo vệ Tổ quốc.

Thứ tư, kết hợp quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân bền vững.

Đại hội XII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh xây dựng “thế trận lòng dân” trên cấp độ cao hơn, rộng hơn. Đây là luận điểm quan trọng và cũng là yêu cầu đặt ra đối với việc kết hợp quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Thực chất xây dựng nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân bền vững là xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần không chỉ ở trong nước mà còn chú ý xây dựng “thế trận lòng dân” trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (khoảng 4,5 triệu người) để khơi dậy, quy tụ và phát huy nhân tố chính trị - tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, dù sống nơi đâu trên trái đất này, trong một thế trận quốc phòng, an ninh chung. Đây là nét đặc sắc trong nghệ thuật đoàn kết dân tộc để giữ nước, chống ngoại xâm của dân tộc ta, phản ánh sâu sắc bản chất sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng; ngăn chặn những hành động phá hoại, mưu toan thôn tính, xâm lược từ bên ngoài. Tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ là yêu cầu và biện pháp quan trọng để tạo ra “thế trận lòng dân” vững chắc; đây cũng là một nội dung cơ bản kết hợp quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong tình hình mới. Việc cần làm hiện nay là thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, khắc phục các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để lấy lại lòng tin của nhân dân.

Thứ năm, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hành động xâm phạm chủ quyền, biển, đảo, lợi ích quốc gia, các hoạt động chống phá chế độ; tỉnh táo, cảnh giác với “quyền lực mềm”.

Mọi ngành, trong đó có quốc phòng, an ninh, đối ngoại, cần đề ra phương châm và hành động chủ động đấu tranh với nhiều hình thức, nội dung sáng tạo, linh hoạt, cụ thể trong chiến lược tổng thể bảo vệ đất nước. 

Đấu tranh kinh tế, ngoại giao - pháp lý, quốc phòng, an ninh, chính trị, văn hoá, tư tưởng, thông tin, nhất là “chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch; ngăn chặn, phản bác những thông tin và luận điệu sai trái”(4)... là các hình thức, nội dung cần được phát huy, thể hiện rõ ràng.

Đấu tranh trên cơ sở gia tăng hợp tác, thúc đẩy phát triển, giữ vững hòa bình, ổn định đất nước; tránh xung đột, đối đầu, mắc mưu các thế lực cường quyền, thù địch; gắn lợi ích của đối tác với lợi ích tổng thể của đất nước, nhưng không được coi nhẹ, hạ thấp lợi ích đất nước; thực hành tư tưởng “thêm bạn, bớt thù”, vì lợi ích chung của các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các hành động xâm phạm chủ quyền, lãnh thổ, biển, đảo, xâm phạm an ninh, lợi ích quốc gia, xâm hại tính mạng, tài sản của nhân dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, cần tỉnh táo, cảnh giác với các biện pháp xâm lấn bằng “quyền lực mềm” thông qua các khu kinh tế xuyên biên giới, các hành lang kinh tế, các sáng kiến phát triển kinh tế, nhằm lôi kéo, làm cho đất nước ta lệ thuộc nặng nề vào nước ngoài, chịu ảnh hưởng, chi phối của cách thức quản lý xã hội và công nghệ lạc hậu, tụt hậu so với trình độ phát triển chung của khu vực và thế giới.

Quan điểm “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” thể hiện tầm nhìn chiến lược mới của Đảng ta về quốc phòng, an ninh, đối ngoại trong thời kỳ mới. Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa là nhiệm vụ của toàn dân, của tất cả các ngành, các cấp, trong đó các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại cần phối hợp với nhau chặt chẽ hơn, nắm tình hình thế giới, khu vực, đất nước sâu sát hơn, thống nhất cao hơn trong nhận định, dự lường các xu hướng phát triển và hành động hiệu quả, thiết thực cao hơn trong thời gian tới.

Nguyễn Hồng Quân

Thiếu tướng, PGS, TS, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng, Bộ Quốc phòng

-----------------------------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 149.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 7, tr. 317.

(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr. 148.

(4) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.148.


Bình luận