An ninh môi trường - một trụ cột của tăng trưởng bền vững
Môi trường là không gian sinh tồn, nơi cung cấp nguồn tài nguyên cần thiết phục vụ các nhu cầu vật chất, tinh thần của con người. Môi trường đồng thời lại nhận về, phân hủy các chất thải do cuộc sống con người sinh ra. Cần bảo đảm an ninh môi trường để cho “hành tinh xanh” của chúng ta mãi mãi xanh, sạch, đẹp, đa dạng sinh học, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người.
Mối quan tâm toàn cầu
An ninh môi trường là sự ổn định, vận động bình thường theo quy luật vốn có của môi trường, giữ cho môi trường không biến thành hiểm họa đối với con người và sinh giới là vấn đề rất quan trọng. An ninh môi trường không chỉ là vấn đề thời sự cấp bách mà còn là vấn đề thường xuyên, lâu dài, liên quan đến toàn nhân loại và mỗi quốc gia, ảnh hưởng đến cuộc sống từng gia đình và mỗi cá nhân.
Do tác động của con người, an ninh môi trường hiện đang bị đe dọa nghiêm trọng. Môi trường sống ngày càng ô nhiễm nặng cả về không khí, nguồn nước và đất đai. Các chất độc hại thải ra trong sinh hoạt và trong hoạt động sản xuất, dịch vụ của con người là nhân tố chủ yếu gây nên thảm cảnh đó. Nền kinh tế nếu được ưu tiên phát triển “nóng” có thể mang lại kết quả về bề nổi, song cũng kéo theo nguy cơ khai thác cạn kiệt tài nguyên và định hướng sai lầm, sẵn sàng hy sinh các lợi ích môi trường lâu dài vì lợi nhuận trước mắt.
Trước những hiểm họa và thách thức lớn đó, 155 lãnh đạo nhà nước, chính phủ trên thế giới đã ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Rio de Janeiro, Braxin vào tháng 6-1992. Cho đến nay, đã có 189 nước trên thế giới phê chuẩn, phê duyệt, chấp nhận hoặc gia nhập công ước này.
Xác định bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững là mục tiêu, là sự nghiệp của toàn xã hội, Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15-11-2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước khẳng định: “Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững… Khắc phục tư tưởng chỉ chú trọng phát triển kinh tế - xã hội mà coi nhẹ bảo vệ môi trường. Đầu tư cho bảo vệ môi trường là đầu tư cho phát triển bền vững”1. Thể chế hóa quan điểm của Đảng, Luật bảo vệ môi trường nêu rõ: “Bảo vệ môi trường phải gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế và bảo đảm tiến bộ xã hội để phát triển bền vững đất nước; bảo vệ môi trường quốc gia phải gắn với bảo vệ môi trường khu vực và toàn cầu”, “Bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội, quyền và trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân”2.
Bức tranh còn nhiều mảng tối
Quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa ở ViệtNamdiễn ra nhanh chóng trong những năm gần đây đang làm biến đổi mạnh các điều kiện môi trường và tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt tại các đô thị, khu công nghiệp. Trên cả nước, chúng ta đã có hơn 100 khu công nghiệp, khu chế xuất lớn, hàng trăm cụm công nghiệp nhỏ và khoảng 2.000 làng nghề rải rác ở nhiều địa phương, nhưng hầu hết đều chưa có hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường đáp ứng yêu cầu và hệ thống xử lý chất thải rắn, nước thải và khí thải. Đó là chưa kể đến một khối lượng lớn rác thải sinh hoạt đô thị, chất thải y tế phải xử lý hằng ngày; thuốc bảo vệ thực vật và chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam vẫn tồn lưu trong môi trường ở nhiều nơi còn phải tích cực xử lý trong nhiều năm.
Ô nhiễm môi trường tại lưu vực các dòng sông lớn đang diễn ra một cách nghiêm trọng do nước thải công nghiệp từ các hoạt động sản xuất, nước thải sinh hoạt từ các đô thị chưa qua xử lý đổ thẳng vào lưu vực. Ở nhiều nơi, ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề cấp bách, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của cộng đồng, ảnh hưởng nhiều mặt đến kinh tế - xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của cả các vùng xung quanh.
Cùng với quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu là sự chuyển dịch ô nhiễm xuyên biên giới. Vấn đề này càng quan trọng đối với ViệtNamdo nước ta có bờ biển dài, nhiều dòng sông bắt nguồn từ nước ngoài. Xu hướng chuyển dịch chất thải công nghiệp, chuyển những công nghệ, dây chuyền sản xuất lạc hậu, kém hiệu quả, gây ô nhiễm từ một số nước có nền kinh tế phát triển sang những nước kém phát triển hơn cũng đang đặt các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, trước nguy cơ trở thành những bãi thải công nghiệp (và cả công nghệ) trên thế giới.
Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác để bảo vệ an ninh môi trường, chúng ta đã phải xử lý không ít những hành vi phạm tội, vi phạm hành chính, vi phạm dân sự, vi phạm kỷ luật, xâm hại nghiêm trọng đến an ninh môi trường. Tuy vậy, việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay vẫn rất phổ biến. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 70% khu công nghiệp không có hệ thống xử lý nước thải đủ tiêu chuẩn; hơn 90% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không xử lý nước thải; hơn 4.000 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; khoảng 55-70% số doanh nghiệp không chấp hành quy định về lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường; 98% doanh nghiệp có hành vi vi phạm về xả nước thải không đạt tiêu chuẩn môi trường theo quy định; 100% doanh nghiệp thải khí không có thiết bị xử lý chất độc hại.
Áp lực ô nhiễm môi trường ngày càng tăng do sự gia tăng việc tiêu thụ nguyên, nhiên, vật liệu trong khi kết cấu hạ tầng, công nghệ để bảo vệ môi trường của chúng ta còn lạc hậu. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng địa điểm nhà xưởng không theo quy hoạch, xen kẽ trong khu dân cư, gần trường học, bệnh viện đã gây ô nhiễm không khí, nước thải, tiếng ồn cho cả cộng đồng dân cư xung quanh. Tình trạng nhập khẩu chất thải (thậm chí cả rác thải) dưới danh nghĩa phế liệu vào Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là việc nhập khẩu các loại phế liệu độc hại (ắc quy chì, tàu cũ) để phá dỡ tận dụng làm nguyên liệu sản xuất, mặc dù đã bị nghiêm cấm nhưng một số doanh nghiệp vẫn vi phạm. Việc săn bắt, buôn bán động vật quý hiếm, chặt phá rừng vẫn diễn ra ở nhiều địa phương…
Công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm về môi trường của chúng ta gặp nhiều khó khăn, phức tạp do cơ chế, chính sách và nguồn nhân lực phục vụ cho công tác phòng, chống vi phạm pháp luật, tội phạm về môi trường còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đang nóng bỏng. Một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường, qua triển khai thực tế đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi phải sớm có những điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Chế tài xử lý do Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính quy định còn thiếu, mức xử phạt về môi trường còn thấp nên chưa đủ mạnh để răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, ý thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường còn thấp. Tư tưởng ưu tiên cho phát triển kinh tế, vì lợi ích trước mắt, bất chấp các hậu quả về môi trường vẫn còn in đậm trong một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý, một số doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Nhiều địa phương đã xem nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường, cho phép nhập về và sử dụng công nghệ lạc hậu không đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường. Công tác quản lý nhà nước về môi trường của chúng ta còn nhiều yếu kém, phân công, phân cấp trách nhiệm chưa rõ ràng; một số bộ, ngành, địa phương thiếu tích cực, chủ động, thậm chí không quan tâm đến việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường thuộc trách nhiệm quản lý. Nhiều vụ việc nghiêm trọng có tính chất hình sự nhưng việc xử lý của các cơ quan chức năng chủ yếu chỉ dừng lại ở mức độ xử phạt hành chính. Thậm chí có những doanh nghiệp được giao nhiệm vụ bảo vệ môi trường lại vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường.
Xã hội hóa và tăng cường hợp tác quốc tế để bảo vệ môi trường
Việc đảm bảo an ninh môi trường trong chiến lược phát triển bền vững tổng thể cần có sự đầu tư hợp lý, cân bằng giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, chú trọng kết hợp đầu tư phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Có như vậy, các trụ cột của phát triển mới bền vững, nhu cầu của các thế hệ hiện tại được đáp ứng ngày càng tốt hơn nhưng cũng tạo (để dành) cơ hội cho sự phát triển của các thế hệ tương lai.
Trong việc bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh môi trường, từ trước đến nay, chúng ta chưa chú ý thỏa đáng đến việc thiết lập các cơ chế để phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân... trong hệ thống chính trị. Phải coi bảo vệ môi trường là sự nghiệp của toàn xã hội. Nhà nước cần nhanh chóng xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực trong xã hội để bảo vệ môi trường. Ở mỗi cấp, mỗi ngành cần xây dựng chương trình hành động bảo vệ môi trường cụ thể với những nội dung thiết thực đưa vào kế hoạch công tác hằng năm của các đơn vị; phân công, bố trí cán bộ làm công tác bảo vệ môi trường để tham mưu cho lãnh đạo các cấp giải quyết các vấn đề môi trường của đơn vị cũng như vận động quần chúng nhân dân tại khu vực, trên địa bàn quản lý, tích cực tham gia công tác bảo vệ môi trường; đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, chính sách về bảo vệ môi trường cho cộng đồng hướng tới mục đích nâng cao ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp và từng cơ sở sản xuất, kinh doanh đối với việc bảo vệ môi trường. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tăng cường tham gia giám sát công tác bảo vệ môi trường. Chính quyền các cấp cần phối hợp và hỗ trợ để đa dạng hóa các loại hình hoạt động, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thực hiện các dịch vụ bảo vệ môi trường; khuyến khích thành lập các tổ chức đánh giá, tư vấn, giám định về bảo vệ môi trường. Trước mỗi quyết định phát triển, phải bảo đảm việc đánh giá môi trường chiến lược (phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển trước khi phê duyệt nhằm bảo đảm phát triển bền vững) cùng với việc đánh giá tác động môi trường (phân tích, dự báo các tác động đến môi trường của dự án đầu tư cụ thể để đưa ra các biện pháp bảo vệ môi trường khi triển khai dự án đó).
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy lực lượng cảnh sát môi trường - lực lượng chủ lực nòng cốt đấu tranh với các loại tội phạm về môi trường - nâng cao trình độ nghiệp vụ, kiến thức pháp luật và khoa học - kỹ thuật cho cán bộ, chiến sĩ đồng thời đầu tư trang thiết bị phương tiện chuyên dụng đáp ứng yêu cầu điều tra các vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường để phát hiện và xử lý kịp thời tội phạm về môi trường theo pháp luật. Trong công tác này, một điều không thể thiếu là phải nâng cao hiệu quả quan hệ phối hợp giữa lực lượng cảnh sát môi trường với các cơ quan chức năng của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương và các cơ quan chức năng khác. Qua đấu tranh cần kịp thời xác định nguyên nhân, điều kiện vi phạm về bảo vệ môi trường để tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành các quy chế, đề xuất biện pháp giải quyết kịp thời những vướng mắc trong công tác phòng, chống tội phạm về môi trường.
Trên bình diện quốc tế, chúng ta cần tăng cường và mở rộng nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, phối hợp hoạt động với các cơ quan chức năng của các nước trong khu vực và trên thế giới (các nước láng giềng: Trung Quốc, Lào, Campuchia; các tổ chức cảnh sát quốc tế: Interpol, Aseanapol) trong công tác bảo vệ môi trường, nắm vững và vận dụng đúng quy định của luật pháp quốc tế, các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia để bảo vệ môi trường và đấu tranh có hiệu quả với tội phạm quốc tế về môi trường, đồng thời tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài (về kinh phí, trang bị và đào tạo cán bộ).
Tăng cường truyền thông trong bảo vệ môi trường
Càng hiểu biết về môi trường, con người càng có ý thức đúng đắn về bảo vệ môi trường. Trên lĩnh vực nhận thức, truyền thông là công cụ quan trọng để tác động làm thay đổi thái độ, hành vi của con người, từ đó thúc đẩy họ tự nguyện tham gia bảo vệ môi trường và lôi cuốn người khác cùng tham gia.
Các loại hình báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử đã đóng góp lớn trong công tác truyền thông bảo vệ môi trường, cập nhật, cung cấp thông tin phong phú, thường xuyên về môi trường và bảo vệ môi trường, giúp công chúng lĩnh hội và nắm bắt được nhiều kiến thức, từ đó mỗi người nâng cao được ý thức và sẵn sàng hơn trong việc tham gia bảo vệ môi trường. Đề tài phản ánh về môi trường được báo chí thể hiện khá đa dạng, bám sát những hoạt động trọng tâm, các kinh nghiệm điển hình, mô hình tiên tiến trong bảo vệ môi trường của cộng đồng, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ “sạch”, công nghệ “xanh” thân thiện với môi trường trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, các hoạt động hợp tác quốc tế, đầu tư cho bảo vệ môi trường, các phong trào bảo vệ môi trường, các tấm gương tích cực tham gia giữ gìn, bảo vệ môi trường... Đặc biệt, từ khi có báo điện tử, thông tin được cập nhật thường xuyên, đem lại cho độc giả thông tin nhanh nhất về những vấn đề môi trường nóng bỏng đang nhức nhối. Báo chí đã phản ánh sinh động, chân thực các vụ tiêu cực liên quan đến môi trường, gây ô nhiễm môi trường, tác động xấu đến sức khỏe người dân. Với chức năng dự báo, nhiều bài báo cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn của ô nhiễm môi trường, giúp các địa phương, cơ quan chức năng kịp thời điều chỉnh, hoạch định đúng đắn chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội nhưng vẫn bảo đảm giữ gìn tốt môi trường. Những con số về nồng độ bụi, độ ô nhiễm, độc hại vượt quá tiêu chuẩn cho phép, những hành vi vi phạm Luật bảo vệ môi trường được “vạch mặt chỉ tên” với những con người, đơn vị cụ thể được đăng tải trên các cơ quan báo chí có tác động cảnh báo, răn đe lớn.
Bảo vệ môi trường là công việc đầy khó khăn, phức tạp, là cuộc đấu tranh lâu dài giữa lợi ích cộng đồng với lợi ích cục bộ, lợi ích lâu dài và trước mắt. Với ưu thế của mình, các phương tiện thông tin đại chúng đã đóng góp to lớn trong việc đẩy mạnh truyền thông sâu rộng, xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường. Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông về môi trường, làm cho cả xã hội và từng cá nhân quan tâm hơn nữa đến việc bảo vệ môi trường. Các cơ quan hữu quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông, nhất là trong quá trình phát hiện các vụ việc chống tiêu cực liên quan đến môi trường.
Bảo vệ, giữ gìn môi trường cùng với tăng trưởng kinh tế và bảo đảm công bằng xã hội là ba trụ cột của sự phát triển bền vững. Bài học kinh nghiệm một số nước cho thấy, nếu hy sinh các lợi ích lâu dài về môi trường vì các mục tiêu kinh tế trước mắt, con người sẽ phải trả giá đắt cho việc khắc phục hậu quả môi trường do chính mình gây ra.
TS. NGÔ VƯƠNG ANH
BÁO NHÂN DÂN
1. Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15-11-2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2. Luật bảo vệ môi trường năm 2005 (song ngữ Việt - Anh), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tr.13.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực