ASEAN: 50 năm chung tay kết nối

Ngày đăng: 04/07/2017 - 09:07

Năm 2017 đánh dấu chặng đường 50 năm hình thành và phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nay là Cộng đồng ASEAN, với những thành tựu đáng tự hào, khẳng định vị thế của một tổ chức vững mạnh, liên kết sâu rộng và là đối tác không thể thiếu của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, ASEAN cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách. Để tiếp tục phát triển bền vững và lớn mạnh, đòi hỏi ASEAN phải đoàn kết, nỗ lực thu hẹp khoảng cách phát triển và không ngừng nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

25.6.2017 Lan ảnh ASEAN 50 năm chung tay kết nối

Chặng đường gắn kết, sẻ chia và trưởng thành

Năm 2017 là năm kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN và năm thứ hai hình thành Cộng đồng ASEAN với những kết quả tích cực trong thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể trên cả 3 trụ cột: Cộng đồng Chính trị - An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa - Xã hội. Trải qua nửa thế kỷ hình thành và phát triển, ASEAN được dư luận quốc tế đánh giá là tổ chức liên kết có hiệu quả, đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc chung của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Các đối tác đối thoại ngày càng coi trọng và chủ động thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với ASEAN thông qua nhiều chương trình, sáng kiến và biện pháp cụ thể; cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, tăng cường liên kết và kết nối khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển, ứng phó với các thách thức chung của khu vực và toàn cầu. Vai trò an ninh khu vực của ASEAN đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây nhờ có sự công nhận của cộng đồng quốc tế và sự ủng hộ của các đối tác đối thoại. Các cơ chế do ASEAN lãnh đạo đã được hình thành nhằm thúc đẩy đối thoại khu vực, xây dựng lòng tin và quan hệ đối tác. ASEAN hiện đang tiếp tục triển khai chương trình hành động giai đoạn 2016 - 2020 với các đối tác Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Hàn Quốc, Niu Dilân, Canađa, Liên hợp quốc và đang xây dựng các chương trình hành động với các đối tác đối thoại còn lại (Nhật Bản, Ôxtrâylia, Nga, Liên minh châu Âu)…

Mỹ, đối tác lớn của khu vực coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, cam kết tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, nhấn mạnh ASEAN là đối tác kinh tế quan trọng của Mỹ, tiếp tục triển khai Sáng kiến Kết nối ASEAN - Mỹ, khuyến khích tăng trưởng kinh tế bền vững và công bằng, khẳng định duy trì các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho thanh niên và phụ nữ ASEAN như Chương trình các nhà lãnh đạo trẻ Đông Nam Á (YSEALI), học bổng Fulbright. Ngược lại, các nước ASEAN cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ, hoan nghênh những bước đi gần đây của Mỹ tăng cường hợp tác với ASEAN trong đó có việc Tổng thống Mỹ D. Trump (Đ. Trăm) cam kết sẽ tham dự các sự kiện của khu vực như Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam, Hội nghị cấp cao ASEAN - Mỹ và Hội nghị cấp cao Đông Á tại Philíppin tháng 11-2017. Phó Tổng thống Mỹ M. Pence (M. Pen-xơ) cũng đã tới thăm Indonesia và gặp Tổng Thư ký ASEAN và Ủy ban các đại diện thường trực ASEAN…

Gần đây, ASEAN đã thể hiện rõ trách nhiệm hơn trong vấn đề Biển Đông, an ninh trên bán đảo Triều Tiên. ASEAN luôn quan tâm và thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng môi trường thuận lợi cho hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, trong đó có việc thúc đẩy thực hiện nghiêm túc, đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) và cùng Trung Quốc hướng tới sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Trong bối cảnh căng thẳng tiếp tục leo thang tại Bán đảo Triều Tiên, ASEAN đóng vai trò hòa giải, tạo diễn đàn để các bên đàm phán, ngăn ngừa cuộc chiến tranh có thể xảy ra.

Trong năm 2017, ASEAN đã và đang đẩy mạnh việc triển khai các kế hoạch hành động, các biện pháp ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; thúc đẩy tăng trưởng toàn diện và dựa trên sáng tạo, năng cao khả năng tự cường của ASEAN, đặc biệt các hoạt động hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm, nhằm đưa các ý tưởng, chính sách vào cuộc sống. Trên thực tế, ASEAN đã giúp không chỉ cho Cộng đồng mà cả các nước thành viên có được những thuận lợi, vị thế tốt mà nếu như đứng riêng lẻ sẽ không thể có được. Với việc nhấn mạnh yếu tố con người là trung tâm, các nước ASEAN tái khẳng định quyết tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân có cuộc sống chất lượng hơn về nhiều mặt, từ kinh tế, văn hóa, cho tới an ninh, trật tự xã hội, nhằm hướng tới xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh trên cả ba trụ cột chính trị - an ninh, kinh tế và văn hóa - xã hội. Để có được điều đó, ASEAN phải làm rất nhiều việc, trong đó trên hết là việc xây dựng các thể chế của Cộng đồng, xác định các kế hoạch hành động và các biện pháp triển khai. Năm 2016 (năm đầu tiên thành lập Cộng đồng), ASEAN đã hoàn thành khối lượng công việc lớn, đạt được những kết quả quan trọng.

Tăng trưởng kinh tế cũng là yếu tố rất quan trọng để góp phần làm tăng thu nhập và sự thịnh vượng của các quốc gia thành viên. Riêng đối với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các nước thành viên khẳng định cùng chung quyết tâm xây dựng môi trường phát triển lành mạnh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, coi sự phát triển của các doanh nghiệp này là động lực chính cho sự tăng trưởng toàn diện trong khu vực. Những năm gần đây, ASEAN đã đạt được những thành tựu đáng kể, kinh tế toàn khối tăng trưởng khoảng 5%/năm và tạo ra một tầng lớp trung lưu lớn (1). Đầu năm 2016, ASEAN đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới, và chỉ sau đó một năm, tức vào đầu năm 2017, ASEAN “tiến” thêm một bậc, lên vị trí thứ 6. Dự báo đến năm 2020, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 toàn cầu (2). Bên cạnh tỷ lệ tăng trưởng là chất lượng tăng trưởng. Chính phủ các nước ASEAN đang nỗ lực triển khai chính sách nhằm bảo đảm các kết quả công bằng hơn. Mặt khác, yếu tố nhân khẩu học, cơ cấu dân số trẻ đang mở ra “giai đoạn vàng”, thúc đẩy chi tiêu của khu vực, đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư để tận dụng nguồn lao động này. Ngoài ra, ASEAN tăng trưởng và lớn mạnh trùng hợp với giai đoạn Cách mạng công nghiệp lần thứ 3 được tạo dựng bởi sự ra đời của máy tính và công nghệ thông tin. Và giờ đây, khi ASEAN kỷ niệm 50 năm thành lập, thế giới đang đứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được tạo dựng bởi trí tuệ nhân tạo, robot, internet, di động và sự tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực di truyền, khoa học vật liệu và siêu tự động hóa giá rẻ. ASEAN hiện là thị trường internet phát triển nhanh nhất thế giới. Theo ước tính của Google và Temasek, dân số các quốc gia ASEAN truy cập trực tuyến đã tăng thêm 124.000 người/ngày và sẽ tiếp tục tăng với tốc độ này trong vòng 5 năm tới (3).

Để duy trì tốc độ tăng trưởng, ASEAN đã phải tập trung vào nhiều vấn đề quốc gia riêng lẻ như hạ tầng và giáo dục. ASEAN cũng có những lợi thế đáng kể để có thể cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế, nổi bật nhất là việc ra đời của AEC và hiện đang tích cực hoàn thiện các thủ tục pháp lý để trở thành một thị trường duy nhất với các cơ sở sản xuất tích hợp. Trong quá trình phát triển, ASEAN luôn đề cao sự phát triển một cách tiệm tiến từ thấp đến cao, từ không chính thức đến chính thức, linh hoạt và thỏa hiệp để bảo đảm sự thống nhất trong đa dạng, phù hợp với hoàn cảnh, khả năng và trình độ phát triển cũng như lợi ích của các quốc gia thành viên. Thực tế cho thấy, ASEAN đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ hòa bình, duy trì môi trường ổn định cho phát triển, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, hấp dẫn du lịch, phối hợp giải quyết những vấn đề chung. Đồng thời, ASEAN cũng đã trở thành hạt nhân trong tiến trình hợp tác khu vực. Các đối tác bên ngoài, khi tham gia các diễn đàn/cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt, luôn công nhận vai trò đầu tàu của ASEAN.

Việc hội nhập kinh tế sâu hơn là mấu chốt trong chiến lược của ASEAN hướng tới vai trò toàn cầu, tiếp tục duy trì xu hướng mở rộng quan hệ và can dự với phần còn lại của thế giới. Tuy nhiên, khi tiến hành chương trình nghị sự hội nhập kinh tế, ASEAN luôn cân nhắc, xem xét “mặt nhân văn” của AEC. Điều này là quan trọng bởi AEC là hiện thân, là biểu hiện của Cộng đồng ASEAN vốn được tạo nên từ người dân, và cần phải quan tâm, chú ý hơn nữa đến người dân. “Mặt nhân văn” của AEC thể hiện rõ nét trên hai khía cạnh:

Thứ nhất, việc bùng nổ, gia tăng tầng lớp trung lưu, những người ngày càng đòi hỏi sự phát triển cân bằng, minh bạch và trong sạch hơn từ phía chính phủ. Công nghệ hiện đại và truyền thông cũng đã góp phần giúp tiếng nói của người dân trở nên mạnh mẽ hơn, giúp họ tiếp cận sâu rộng hơn với các nhà hoạch định chính sách. Điều này đang làm thay đổi cách quản lý, điều hành đất nước của chính phủ các nước thành viên ASEAN, nâng cao sự kỳ vọng đối với cách hoạt động của chính phủ các nước. Thứ hai, là các nhóm dễ bị tổn thương trong ASEAN. AEC có thể tạo ra thêm nhiều triệu công ăn việc làm, tuy nhiên vẫn có những lo ngại ngày càng tăng rằng, khi AEC được thành lập, kết quả tích cực này sẽ không được chia sẻ, phân phối công bằng giữa các quốc gia thành viên hay giữa người dân với nhau. Sự lo ngại này đặc biệt diễn ra đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), các chủ trang trại nhỏ, người lao động làm việc trong lĩnh vực không chính thức, không giấy tờ hoặc những người lao động nhập cư trái phép. Một cộng đồng AEC nhân văn hơn là một cộng đồng trong đó người dân được quan tâm và được bảo hộ. Hội nhập kinh tế không chỉ hướng tới phát triển mà còn cần phải tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn, chất lượng hơn và phục vụ lợi ích rộng rãi trong toàn xã hội. Từ quan điểm này, các nhà lãnh đạo ASEAN cần phải bảo đảm rằng, những lợi ích của việc hội nhập kinh tế cần phải được phân bổ một cách công bằng. Việc đặt người dân ở vị trí trung tâm của việc hoạch định chính sách, những lợi ích của hội nhập kinh tế có thể sẽ khiến nhiều tầng lớp nhân dân hài lòng.

Đối mặt với thách thức

Bên cạnh những cơ hội phát triển hướng tới sự thịnh vượng chung của khối và khu vực, ASEAN cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Đã hơn một năm trôi qua kể từ khi Cộng đồng ASEAN được hiện thực hóa, nhìn nhận thực chất, đến nay những thành tựu của Cộng đồng ASEAN vẫn còn khá khiêm tốn. Việc thực hiện các mục tiêu kinh tế của AEC đã đạt được một số tiến bộ đáng kể, nhưng các mục tiêu an ninh - chính trị, văn hóa - xã hội vẫn còn nhiều việc phải làm.

Về vấn đề an ninh - chính trị, vấn đề chính của ASEAN hiện nay là còn thiếu chính sách đối ngoại chung đối với các nước lớn. ASEAN gặp khó khăn để đạt được bất kỳ sự đồng thuận nào trong một số vấn đề nhất định về an ninh và chính trị. Việc thực thi các thể chế khu vực dựa trên luật trị, đặc biệt là Hiến chương ASEAN, một tập hợp nguyên tắc cốt lõi để định hướng các mối quan hệ đối nội và đối ngoại, vẫn còn hạn chế. Sự đối đầu leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ đang khiến nhiều nước ASEAN phải đứng trước bài toán phải lựa chọn giữa bên này, hoặc bên kia, hoặc phải tìm cách để cân bằng. Nhìn chung, các nước thành viên ASEAN không mong muốn việc phải lựa chọn bên nào, nhưng nếu họ bị buộc phải làm vậy, sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN sẽ bị ảnh hưởng. Việc hiện thực hóa một cộng đồng chính trị và an ninh ASEAN thực thụ là điều rất khó khăn do sự khác nhau về hệ thống chính trị và giá trị, mức độ quản lý, các thể chế dân chủ và khoảng cách phát triển. Vai trò trung tâm của ASEAN không thể được duy trì nếu không có sự đoàn kết và thống nhất.

Lợi thế dân số trẻ cũng chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian nhất định. Dự tính, đến năm 2025, cơ cấu dân số tại hầu hết các quốc gia trong ASEAN sẽ bắt đầu già đi. Các chính phủ và nhà hoạch định chính sách phải bảo đảm theo đuổi các chính sách đúng đắn về nhân khẩu học để kịp thời ứng phó với quá trình già hóa dân số. Các chính phủ cần xác định những vấn đề phải giải quyết khi dân số dịch chuyển từ trẻ sang già, như vấn đề môi trường, quỹ lương hưu, chăm sóc y tế… Và nếu ASEAN muốn tiếp tục thành công, ASEAN phải giải quyết được những câu hỏi khó về việc làm thế nào để điều hướng tốc độ thay đổi công nghệ và sự gián đoạn công nghệ số. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể mang lại lợi ích to lớn cho khu vực, thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực tài chính, tiếp cận chăm sóc y tế với giá cả hợp lý, các hình thức giáo dục mới cũng như tạo ra các công ty mới và các ngành dịch vụ. Tuy nhiên, công nghệ cũng có thể mang lại nhiều thách thức. Các quốc gia ASEAN cần trang bị cho người dân kỹ năng về công nghệ thông tin cũng như các thành tựu của khoa học - công nghệ để có thể làm chủ được máy móc, vận hành các công nghệ hiện đại. Chính phủ các nước có thể xây dựng môi trường thích hợp cho việc kết nối, cho phép cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh.

Một số quốc gia hiện nay coi trọng việc bảo hộ kinh tế trong nước, không ủng hộ toàn cầu hóa cũng là những trở ngại lớn cho nỗ lực hội nhập khu vực và có thể phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. Hoạt động thương mại trong ASEAN đã bị trì trệ trong vòng vài năm trở lại đây, mặc dù việc loại bỏ các hàng rào thuế quan đã tạo được một điểm quan trọng trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, nhiều biện pháp chưa được thực hiện và các vấn đề mới phát sinh hiện đặt ra nhiều thách thức cho AEC. Trên khía cạnh kinh tế đối ngoại, ASEAN cũng phải đối mặt với không ít những thách thức kinh tế lớn, chẳng hạn như sự chi phối về kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc, vấn đề bảo hộ thương mại, ảnh hưởng của việc Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit), những chính sách chưa thể lường hết của chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống D. Trump… Trong khi đó, khoảng cách phát triển vừa là vấn đề an ninh, vừa là vấn đề kinh tế - xã hội. Một ASEAN hai tầng hoặc nhiều tầng rất dễ bị tan rã hoặc chia rẽ. Các nước thành viên kém phát triển của ASEAN sẽ lựa chọn con đường chiến lược của riêng mình nếu họ cảm thấy ASEAN không thể giúp họ bắt kịp với các thành viên khác. Cảm giác bị bỏ lại đằng sau sẽ buộc họ tìm cách xích lại gần hơn với các nước lớn vì sự sống còn và lợi ích. Đây thực sự là thách thức lớn của ASEAN.

Chủ nghĩa dân tộc vẫn còn tồn tại khá đậm nét ở các nước ASEAN. Các đảng phái chính trị theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân túy đã bám rễ sâu trong khu vực và xu hướng này có khả năng làm “trật bánh” các dự án khu vực đầy tham vọng của ASEAN. Trào lưu chính thống tôn giáo và chủ nghĩa cực đoan vẫn là mối đe dọa đối với hòa bình và ổn định của khu vực. Mặc dù khu vực Đông Nam Á không phải đối mặt với nhiều mối đe dọa khủng bố so với các khu vực khác, nhưng xã hội Đông Nam Á lại dễ bị tổn thương hơn trước các làn sóng cực đoan. Các giá trị hòa bình và giáo dục chưa được thực hiện đầy đủ. Viện Nghiên cứu Hòa bình và Hòa giải ASEAN hoạt động không hiệu quả do thiếu năng lực lãnh đạo và nguồn lực tài chính.

Hướng tới một ASEAN phát triển đồng đều, bền vững

Trong giai đoạn hiện nay, trước hàng loạt biến động, thách thức của thế giới cũng như khu vực đòi hỏi ASEAN phải có sự cải tổ, sẵn sàng thích ứng với tình hình mới để tiếp tục duy trì đà phát triển. Chủ động có các biện pháp ứng phó với những thách thức, ASEAN mới có thể đạt được một mức độ cao hơn trong hội nhập để duy trì đà phát triển. ASEAN cần phải cải tổ chính mình từ một cơ chế định hướng bằng phương pháp đến một cơ chế được định hướng bằng hành động cụ thể. Để làm được điều này, khu vực công cần phối hợp, cộng tác chặt chẽ với khu vực tư nhân và xã hội dân sự để giúp ASEAN cải thiện cuộc sống người dân của khối, thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm sao cho các lợi ích tăng trưởng kinh tế có được từ AEC sẽ được phân chia đồng đều, đến được với người dân của từng nước. Do đó, ASEAN phải nhấn mạnh giá trị cốt lõi và bản sắc cũng như mức độ tin cậy về chính trị và chiến lược… Bằng cách này, các nước ASEAN có thể tăng cường quan hệ nội khối và sẽ phải quyết tâm hơn để bảo vệ các giá trị cốt lõi và lợi ích của khối.

ASEAN cần phải tăng cường hợp tác khu vực và xây dựng năng lực. Các biện pháp xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, quản lý khủng hoảng và giải quyết xung đột nên được thúc đẩy đồng thời. ASEAN có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lòng tin thông qua đối thoại và ngăn ngừa xung đột leo thang. Tất cả các quốc gia thành viên ASEAN cần không ngừng nỗ lực, đoàn kết, thống nhất, phát huy những giá trị nền tảng để tăng cường liên kết ASEAN thực chất hơn, triển khai hiệu quả các kế hoạch hành động, mang lại lợi ích và tác động cụ thể, thiết thực cho đời sống của người dân khu vực, đưa vị thế ASEAN ngày càng cao.

Hiến chương ASEAN và Cộng đồng ASEAN đề ra các giá trị cốt lõi và tầm nhìn của ASEAN cũng như các kế hoạch hành động dài hạn. Tuy nhiên, việc thực hiện các giá trị này còn chưa tích cực. Hiến chương ASEAN cần được cập nhật và vạch ra các kế hoạch chi tiết để củng cố Cộng đồng ASEAN bao gồm các biện pháp thực thi có ràng buộc trách nhiệm. Các quốc gia thành viên cần phải có nhận thức rằng, nếu không xây dựng các giá trị cốt lõi, ASEAN sẽ khó trở thành một khối gắn kết và không thể đem lại lợi ích cho các nước thành viên.

Trên khía cạnh kinh tế, ASEAN cần chú trọng hơn đến vai trò của các SME. Thúc đẩy sự phát triển của các SME có thể là giải pháp hiệu quả và bền vững nhất, tạo ra sự phát triển rộng rãi, toàn diện hơn. Các SME tạo ra nhiều cơ hội trên nhiều khu vực địa lý và nhiều lĩnh vực, đồng thời tạo ra nhiều việc làm cho người lao động và là nguồn lực không thể thiếu của phát triển kinh tế. Do vậy, củng cố, tăng cường SME là chìa khóa để tiến tới một cộng đồng AEC “nhân văn hơn”. Bên cạnh đó, ASEAN cần nỗ lực chung nhằm đưa tiếng nói, quan điểm của người dân - đặc biệt là tầng lớp trẻ tuổi, lĩnh vực tư nhân - vào quá trình đưa ra các quyết định của ASEAN là rất cần thiết. ASEAN cũng có thể làm tốt hơn trong việc truyền tải, tuyên truyền những thành tựu, tầm nhìn và mục tiêu của khối đến với người dân.

Sau 50 năm hình thành và phát triển ASEAN, đây mới chỉ là một dấu mốc quan trọng của một chặng đường kéo dài nhiều thập niên, đã có những kết quả khả quan chứ chưa phải là thành quả cuối cùng. Tương tự như vậy, sự ra đời của Cộng đồng ASEAN không phải là điểm đến cuối cùng mà là khởi đầu cho một hành trình mới. ASEAN cần tiếp tục duy trì đoàn kết, phát huy vai trò trung tâm, nâng cao vị thế của mình, đồng thời đóng góp cho duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực. Khi các biện pháp trên được thực hiện một cách nhất quán và đồng thuận, ASEAN sẽ tiếp tục đà phát triển và vươn lên tầm cao mới./.

---------------------

(1), (2), (3) http://www.straitstimes.com/asia/se-asia/youth-technology-and-growth -will-determine-aseans-future, 09-05-2017

Minh Tâm

Theo Tạp chí Cộng sản

Bình luận