ASEAN trong chiến lược nước lớn (Xuất bản lần thứ hai)

Ngày đăng: 10/11/2021 - 17:11

ASEAN trong chiến lược nước lớn là cuốn sách do Viện Chiến lược Công an, Bộ Công an biên soạn. Cuốn sách gồm 9 chuyên đề: Chuyên đề 1: Châu Á - Thái Bình Dương trong thế kỷ XXI, cho thấy châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có giá trị địa - chiến lược đặc biệt quan trọng trên bản đồ an ninh, chính trị, kinh tế của thế giới. Trong cục diện mới, địa vị “trung tâm” trên toàn cầu của khu vực này càng được khẳng định cả về mặt tích cực và tiêu cực. Theo đó, sự chuyển hướng chính sách nước lớn về khu vực này là một xu hướng tất yếu, khách quan. Chuyên đề 2: Chiến lược của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương: Từ “tái cân bằng” đến “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, phân tích mục tiêu của Mỹ trong triển khai chính sách, xây dựng cấu trúc an ninh châu Á - Thái Bình Dương là nhằm duy trì vị thế, cường quốc số 1 thế giới, ngăn ngừa bất cứ quốc gia hoặc thế lực nào nổi lên thách thức vai trò lãnh đạo của mình. Chuyên đề 3: Điều chỉnh chính sách khu vực của Trung Quốc từ sau Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc, luận giải vấn đề sau hơn 40 năm cải cách, mở cửa kinh tế, quốc lực của Trung Quốc đã tăng nhanh và đặt nước này vào vị trí siêu cường đang lên, sức mạnh mới tạo tâm thế mới để Trung Quốc tự tin điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình nói chung và chính sách đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng. Chuyên đề 4: Châu Á - Thái Bình Dương: Nhìn từ chính sách đối ngoại của Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và Ôxtrâylia, làm rõ vấn đề trong hai thập niên qua, ngoài hai siêu cường là Mỹ và Trung Quốc, các cường quốc khu vực khác như Nhật Bản, Nga, Ấn Độ và Ôxtrâylia cũng tham gia tích cực vào cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng và đều điều chỉnh theo hướng đặt châu Á - Thái Bình Dương vào vị trí quan trọng hơn trong chính sách khu vực của mình. Chuyên đề 5: Đông Nam Á: Tâm điểm cạnh tranh chiến lược của các nước lớn tại châu Á - Thái Bình Dương, nêu bật vấn đề với xu hướng chuyển dịch quyền lực từ Tây sang Đông, Đông Nam Á tiếp tục là tâm điểm thu hút sự quan tâm của nhiều cường quốc trên thế giới; trở thành nơi giao thoa xung đột, cạnh tranh gay gắt trong đại chiến lược của một số nước lớn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó đáng chú ý nhất là cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung. Chuyên đề 6: ASEAN: Bản sắc tạo nên giá trị, luận giải vấn đề trước sự chững lại của toàn cầu hóa với những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy, biệt lập nổi lên tại Mỹ và châu Âu - vốn là những trung tâm văn minh, hiện đại của thế giới và sự trỗi dậy với tham vọng to lớn của Trung Quốc, cộng đồng ASEAN đang trải qua một thời kỳ mới với nhiều cơ hội và lợi thế đan xen, nhiều thách thức và khó khăn để bảo vệ các nguyên tắc và giá trị tích cực của mình. Chuyên đề 7: Một số vấn đề nội khối ASEAN: Rào cản đối với hợp tác và phát triển làm rõ, trải qua chặng đường hơn 50 năm, ASEAN đã trở thành Cộng đồng chung gắn kết 10 quốc gia Đông Nam Á, là nhân tố không thể thiếu đối với hợp tác, hòa bình và an ninh khu vực. Bên cạnh yếu tố thuận lợi và thành tựu đạt được, ASEAN cũng phải đối mặt với những khó khăn không nhỏ, tác động trực tiếp đến vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực, trong đó đáng chú ý là các vấn đề nội tại của chính tổ chức này. Chuyên đề 8: ASEAN - Ưu tiên trong chính sách đối ngoại của các cường quốc, nêu bật vấn đề trong quan hệ với các nước lớn, ASEAN là đối tác quan trọng hàng đầu, nhất là trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực phát triển năng động, trỗi dậy mạnh mẽ trong thế kỷ XXI. Chuyên đề 9: Vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực và triển vọng đến năm 2030, phân tích, làm rõ vai trò quan trọng ở khu vực đem lại cho ASEAN vị trí cao hơn trong tính toán chiến lược của các nước đối với châu Á - Thái Bình Dương, có điều kiện để phát huy vai trò trung tâm của mình trong cân bằng cạnh tranh nước lớn. Tuy nhiên, khi sự cạnh tranh này trở nên gay gắt, ASEAN cần xác định nắm thời cơ nằm ở vị trí quan trọng để chủ động đưa ra các sáng kiến thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực.

Cuốn sách ASEAN trong chiến lược nước lớn 

Trên cơ sở xây dựng, luận giải, phân tích làm rõ 9 chủ đề trên, cuốn sách phác họa bức tranh sống động trong quan hệ quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương với những toan tính, điều chỉnh chính sách, cọ xát chiến lược của các nước lớn tại khu vực này, những bước đi cần thiết cho một “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”... Cuốn sách giúp độc giả có những hiểu biết sâu sắc, toàn diện hơn về vị thế của ASEAN, cũng như những nỗ lực tập thể cần có để tạo nên một vị thế đáng kể trong cán cân lực lượng khu vực, xây dựng môi trường an ninh khu vực phù hợp với lợi ích của các quốc gia.

Bình luận