Báo chí với việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc

Ngày đăng: 02/12/2015 - 10:12

Trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay, mỗi quốc gia, dân tộc đều có cơ hội và điều kiện để phát triển, nhưng cũng đứng trước không ít thách thức, đặc biệt là trong việc bảo tồn, giữ gìn bản sắc và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu và hội nhập quốc tế. ko gian cong chieng

(Không gian Cồng chiêng Tây Nguyên, ảnh: Internet)

Trước những yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế, Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII (1998) đã ra Nghị quyết về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết khẳng định: “Bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa tốt đẹp của dân tộc, sáng tạo nên những giá trị văn hóa mới xã hội chủ nghĩa, làm cho những giá trị ấy thấm sâu vào cuộc sống của toàn xã hội và mỗi con người, trở thành tâm lý và tập quán tiến bộ, văn minh...”(1).

Di sản văn hóa Việt Nam chính là tài sản quý giá của cộng đồng 54 dân tộc sinh sống trên đất nước Việt Nam từ hàng nghìn năm, là cốt lõi của bản sắc dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại. Di sản văn hóa tồn tại dưới dạng vật thể và phi vật thể. Luật Di sản văn hóa (2001) quy định: Di sản văn hóa vật thể là sản phẩm vật chất, bao gồm những di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia. Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần, bao gồm tiếng nói, chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân ca, lối sống, nếp sống, lễ hội, bí quyết về nghề thủ công truyền thống, tri thức về y dược học cổ truyền, về văn hóa ẩm thực, về trang phục truyền thống dân tộc, và những tri thức dân gian khác(2).

Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có hơn 40 nghìn di tích đã được kiểm kê, trong đó đã xếp hạng 7.848 di tích cấp tỉnh, 3.174 di tích cấp quốc gia, 34 di tích cấp quốc gia đặc biệt và 7 di sản được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Chúng ta đã thống kê lập hồ sơ 13.440 di sản văn hóa phi vật thể; trong đó, 35 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 6 di sản được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 2 di sản được UNESCO đưa vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (Ca trù và Hát Xoan); 3 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới của UNESCO(*). Đó là những báu vật của dân tộc ta, là niềm tự hào của nhân dân ta, một dân tộc có nền văn hóa vô cùng phong phú, đặc sắc, lâu đời và phát triển bền vững.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Luật Di sản văn hóa, các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề án bảo tồn, giữ gìn, khai thác và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc; các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đã bám sát đời sống văn hóa của đất nước, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về đề tài văn hóa dân tộc; tích cực, chủ động tuyên truyền, giải thích các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc. Thông tin trên báo chí đã góp phần tạo sự chuyển biến về nhận thức, nâng cao trách nhiệm và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể trong hệ thống chính trị và của mỗi người dân ở trong nước cũng như người Việt Nam ở nước ngoài trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc. Báo chí là kênh thông tin phản ánh đa chiều về các sự kiện, các hoạt động liên quan đến việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc, để từ đó giúp cho các cơ quan chức năng và những người làm công tác quản lý, nghiên cứu về văn hóa có thêm thông tin hữu ích. Mặt khác, báo chí còn chủ động đóng góp vào việc xây dựng, hoàn thiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa.

Hiện nay, cả nước có 838 cơ quan báo in, 67 đài phát thanh, truyền hình, 92 báo, tạp chí điện tử và 01 hãng thông tấn quốc gia. Với vai trò là phương tiện thông tin nhanh nhạy, kịp thời và rộng khắp, công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về đề tài bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc được đẩy mạnh ở tất cả các loại hình báo chí của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương. Cùng với việc thông tin kịp thời các tin tức, sự kiện liên quan đến các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, đặc biệt là các di sản văn hóa được UNESCO vinh danh, báo chí còn phản ánh chân thực, có chiều sâu nét đẹp văn hóa trong các phong tục, tập quán, các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc; các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc; các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc (tuồng, chèo, cải lương, múa rối nước, ca trù...); các ngành nghề cổ truyền; món ăn ẩm thực; các nghi thức, nghi lễ truyền thống; các hương ước, quy ước của bản, làng, dòng họ gắn liền với tín ngưỡng, tâm linh trong đời sống hằng ngày, mang đặc trưng riêng của từng dân tộc, từng dòng họ. Qua đó, đã góp phần khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, làm cho nét đẹp văn hoá truyền thống lan rộng trong đời sống xã hội.

Ngày nay, du lịch được coi là một trong những phương tiện hàng đầu để trao đổi, giao lưu văn hóa, là động lực tích cực trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa. Do đó, việc thông tin, tuyên truyền, quảng bá về du lịch trên báo chí đã giới thiệu với người dân ở mọi miền đất nước cũng như bạn bè quốc tế về những di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, các lễ hội truyền thống, các loại hình nghệ thuật truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của từng dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; giáo dục truyền thống lịch sử và lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước, cũng như hạn chế đến mức thấp nhất những tác động xấu đối với di sản văn hoá từ hoạt động du lịch.

Thông qua việc tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các di sản văn hóa dân tộc đã làm cho bạn bè quốc tế thấy được những đóng góp to lớn của nền văn hóa Việt Nam vào kho tàng văn hóa nhân loại, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc trong giao lưu, hội nhập về văn hóa với các quốc gia, dân tộc trên thế giới. Thông qua tuyên truyền, quảng bá trên báo chí mà các cơ quan, tổ chức và người nước ngoài biết đến giá trị của các di sản văn hóa Việt Nam, giúp cho quá trình giao lưu, trao đổi các hoạt động văn hóa giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế được tăng cường nhiều hơn; đồng thời các cơ quan, tổ chức, các nhà quản lý, chuyên gia về văn hóa có thêm cơ hội, điều kiện và kinh nghiệm để tăng cường sự hợp tác trong việc bảo tồn, gìn giữ các di sản văn hóa dân tộc.

Báo chí cũng tham gia rất tích cực trong việc phát hiện, tôn vinh những tài năng có nhiều công lao phát triển các loại hình nghệ thuật dân tộc, cũng như phát hiện, tôn vinh những người đang lưu giữ, bảo tồn những loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một; tôn vinh những cơ quan, tổ chức và cá nhân có những đóng góp quan trọng vào việc bảo tồn, giữ gìn và phát triển những loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Báo chí cũng tập trung tuyên truyền, phản ánh việc đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong nước và ngoài nước đóng góp kinh phí để tu bổ di tích, hiến tặng hiện vật cho bảo tàng nhà nước.

Bên cạnh việc tuyên truyền giá trị của các di sản văn hóa, báo chí thông tin những mặt trái, những nguy cơ đe dọa hủy hoại môi trường tài nguyên di sản văn hóa; kêu gọi cộng đồng bảo vệ, giữ gìn giá trị của di sản văn hóa cũng như sự ứng xử của con người đối với công tác bảo vệ môi trường cảnh quan xung quanh di sản văn hóa.

Thực tế những năm qua cho thấy, hầu hết các báo, đài đều xây dựng chuyên trang, chuyên mục về đề tài văn hoá, trong đó ít nhiều đề cập đến nội dung bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá, đồng thời cũng phê phán, lên án mạnh mẽ những hành vi xâm hại đến di sản văn hoá. Nhờ có báo chí phát hiện, lên tiếng kịp thời mà chính quyền, các cơ quan quản lý về văn hóa quan tâm hơn đến việc bảo vệ, đầu tư phục hồi những di tích bị hư hỏng, xuống cấp hoặc bị mất hiện vật, cũng như những vụ việc xâm hại đến di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Báo chí cũng lên tiếng phê phán mạnh mẽ những hiện tượng lợi dụng lễ hội truyền thống để hoạt động mê tín, dị đoan, đồng thời tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn nhân dân tham gia lễ hội một cách lành mạnh, bài trừ các tệ nạn xã hội trong các lễ hội.

2012-08-28.03.22.24-muaroi1

Ảnh minh họa

Báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc đấu tranh bảo vệ các giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc trước sự tấn công, du nhập của các trào lưu văn hóa, lối sống phương Tây xa lạ với truyền thống văn hóa dân tộc; tuyên truyền, giáo dục lòng yêu nước, tình đoàn kết, tính nhân văn, nhân đạo, cách ứng xử nhân ái giữa con người với con người đối với các thế hệ người Việt Nam. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số cơ quan báo chí chưa thực sự quan tâm đến chủ đề này mà chạy theo những tin, bài về văn hóa “thời thượng” giật gân, câu khách, những phát ngôn “sốc” về văn hóa... tác động xấu đến các giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc. Không ít phóng viên, biên tập viên do kiến thức, sự hiểu biết về văn hóa dân tộc còn hạn chế nên khi viết các tin, bài về chủ đề văn hóa dân tộc đã thông tin sai lệch. Vô hình trung, họ đã “tiếp tay” cho việc làm mai một di sản văn hóa dân tộc, làm lu mờ bản sắc văn hóa dân tộc. Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xử lý nghiêm khắc một số cơ quan báo chí theo quy định của Luật Báo chí, đình bản một số tờ báo, thu hồi thẻ nhà báo đối với một số phóng viên đã có những bài viết hoặc cho đăng những bài viết về chủ đề văn hóa vi phạm đạo đức, lối sống, thuần phong mỹ tục của dân tộc, bị dư luận xã hội phê phán, lên án mạnh mẽ.

Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc là trách nhiệm của tất cả các ngành, các cấp và của toàn thể nhân dân ở trong nước cũng như người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có trách nhiệm rất lớn của báo chí.

Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” tiếp tục khẳng định quan điểm: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là: “Xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu, phục vụ giáo dục truyền thống và phát triển kinh tế; gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển du lịch. Phục hồi và bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một. Phát huy các di sản được UNESCO công nhận, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam...”(3)

Để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc, cũng như đưa Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về văn hóa và Luật Di sản văn hóa vào cuộc sống, cần tiếp tục phát huy những ưu thế của các loại hình báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền về văn hóa. Để nâng cao hiệu quả của báo chí trong việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa dân tộc, cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Trước hết, các cơ quan chỉ đạo, cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa cần tăng cường sự chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin để báo chí tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các ngành, các cấp và của người dân đối với việc bảo tồn, giữ gìn, khai thác và phát huy giá trị tốt đẹp của các di sản văn hóa dân tộc trong việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong các cuộc giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương liên quan có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan cho báo chí những vấn đề, vụ việc liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa được dư luận xã hội quan tâm để kịp thời tuyên truyền, định hướng.

Thứ hai, tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan quản lý về văn hóa, các cơ quan nghiên cứu về văn hóa, các hội văn hóa - nghệ thuật chuyên ngành với các cơ quan báo chí về các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án, dự án bảo tồn di sản văn hóa dân tộc; các kết quả nghiên cứu về di sản văn hóa dân tộc; tôn vinh các nghệ sĩ, nghệ nhân nắm giữ và có công phổ biến nghệ thuật truyền thống, bí quyết nghề nghiệp có giá trị đặc biệt; công tác xã hội hóa trên lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa dân tộc... Chẳng hạn, đối với những di sản đang nghiên cứu, khảo sát, thống kê, lập hồ sơ bảo tồn, nhất là đối với những di sản phi vật thể có nguy cơ bị mai một hoặc liên quan đến những nghệ nhân cao tuổi, cần được các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý về văn hóa thông tin rộng rãi trên báo chí để vận động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước cung cấp tư liệu, nguồn lực phục vụ cho công tác này.

Thứ ba, các cơ quan báo chí phải thường xuyên đổi mới nội dung thông tin, tuyên truyền, quảng bá, tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc, người xem, người nghe hình thành nhận thức, thái độ và hành vi ứng xử văn hóa đối với các di sản văn hóa dân tộc, khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân trong các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, đồng thời giữ gìn được truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc trong từng gia đình, làng, bản, thôn, xóm. Đối với những địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, các cơ quan báo chí địa phương cần xây dựng chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc; tuyên truyền cho đồng bào dân tộc biết tự hào và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, phát huy các giá trị tốt đẹp đó trong cuộc sống; chú ý trong các bài viết, các chương trình phát thanh, truyền hình ưu tiên sử dụng ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số.

Thứ tư, đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí cần phải nắm vững các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa, đặc biệt là các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI và các quy định trong Luật Di sản văn hóa. Cán bộ quản lý, phóng viên các báo, đài cũng cần được trang bị đầy đủ những kiến thức, hiểu biết cơ bản về các di sản văn hóa dân tộc. Vì vậy, các cơ quan báo chí cần tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý về văn hóa, các cơ quan nghiên cứu về văn hóa, các hội văn hóa - nghệ thuật chuyên ngành, các chuyên gia đầu ngành về văn hóa - nghệ thuật để tổ chức các đợt tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên những kiến thức cơ bản về lĩnh vực văn hóa nói chung và lĩnh vực di sản văn hóa dân tộc nói riêng.

TS. Trương Minh Tuấn

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

 (Theo Tạp chí Thông tin Lý luận điện tử)

_________________

 1. Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16-7-1998 của Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

2. Luật Di sản văn hóa được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa X, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29-6-2001; đã được sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 18-6-2009.

3. Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

(*) 7 di sản được UNESCO vinh danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới là: Quần thể di tích Huế, Vịnh Hạ Long, Khu phố cổ Hội An, Khu di tích Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, Thành Nhà Hồ; 6 di sản được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại gồm: Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Việt Nam, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ và Đàn ca tài tử Nam Bộ; 3 di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức thế giới của UNESCO là Mộc bản triều Nguyễn; Bia đá các khoa thi tiến sĩ triều Lê - Mạc (1442 - 1779) tại Văn Miếu -  Quốc Tử Giám (Hà Nội) và Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm.

 

Bình luận