Bảo đảm quyền học tập của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam - Thực trạng và những kiến nghị

Ngày đăng: 10/06/2020 - 17:06

Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến quyền học tập của người dân, trong đó có quyền học tập của người dân tộc thiểu số. Trong những năm qua, quyền học tập của người dân tộc thiểu số ở nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên việc bảo đảm quyền học tập của người dân tộc thiểu số hiện nay vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, cần phải được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện trong thời gian tới.

Thực trạng công tác bảo đảm quyền học tập của người dân tộc thiểu số ở nước ta

Việt Nam có 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm đa số với tỷ lệ 85,3% (82.085.729 triệu người), còn lại là 53 dân tộc thiểu số với tỷ lệ 14,7% (14.123.255 triệu người)(1). Xác định “giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu”; quyền học tập là một trong những quyền quan trọng nhất của con người, trong những năm qua, thông qua các chủ trương, chính sách, Đảng và Nhà nước đã hỗ trợ, đầu tư đặc biệt cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều này được thể hiện trong Hiến pháp và hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật, như Luật Phổ cập giáo dục tiểu học, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học... Nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Nhà nước ban hành, như nhóm chính sách về nội dung, chương trình giáo dục; nhóm chính sách phát triển mạng lưới, quy mô các trường chuyên biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nhóm chính sách đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số; nhóm chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nhóm chính sách ưu tiên đối với người học là người dân tộc thiểu số... Bên cạnh các chính sách của Trung ương, chính quyền địa phương các tỉnh có học sinh dân tộc thiểu số còn ban hành các chính sách hỗ trợ riêng từ ngân sách tỉnh.

Những kết quả đạt được

Hiện nay, 100% số xã có trường tiểu học, trung học cơ sở, trong đó 84,6% trường và lớp học được xây dựng kiên cố, không còn tình trạng “xã trắng” về giáo dục, các lớp mẫu giáo cũng bước đầu được hình thành và phát triển ở các xã vùng cao; 100% xã đã đạt chuẩn phổ cập tiểu học, nhiều nơi đã đạt chuẩn phổ cập trung học cơ sở; các trung tâm giáo dục thường xuyên được thành lập ở các tỉnh và huyện; trung tâm học tập cộng đồng được thành lập ở hầu hết các xã(2), tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận với kiến thức văn hóa, khoa học - kỹ thuật. Việc chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp Một được các địa phương chú trọng, quan tâm.

Hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú những năm gần đây được đặc biệt quan tâm. Năm học 2017 - 2018, cả nước có 315 trường phổ thông dân tộc nội trú ở 49 tỉnh, thành phố với tổng số 109.245 học sinh; có 40% số trường phổ thông dân tộc nội trú đạt chuẩn quốc gia; 28 tỉnh vùng dân tộc thiểu số có 1.097 trường phổ thông dân tộc bán trú với 185.671 học sinh bán trú; 15,2% số trường phổ thông dân tộc bán trú được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Tính trung bình, học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú có tỷ lệ học lực giỏi, khá trên 60%; học lực trung bình trên 30%; học lực yếu, kém khoảng 2,3%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở của các trường phổ thông dân tộc nội trú hằng năm đạt trên 97%. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông của các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 90%. Tỷ lệ học sinh bán trú cấp tiểu học hoàn thành cấp học đạt 98,9%, học sinh bán trú cấp trung học cơ sở hoàn thành cấp học đạt 92%(3).

Cả nước chính thức triển khai dạy và học 06 thứ tiếng dân tộc thiểu số (có chương trình và sách giáo khoa do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành): tiếng Mông, Chăm, Khơ-me, Gia Rai, Ba Na, Ê-đê, với quy mô 715 trường; 4.812 lớp; 113.231 học sinh. Các tỉnh có số lượng lớn đồng bào dân tộc thiểu số đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, biên soạn nhiều tài liệu, sách giáo khoa bằng tiếng dân tộc thiểu số đưa vào giảng dạy cho học sinh địa phương. Hiện nay, việc bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số và bồi dưỡng phương pháp dạy học tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai cho học sinh dân tộc thiểu số được các cơ sở giáo dục, đào tạo triển khai tích cực. Bên cạnh chương trình đào tạo theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông, học sinh người dân tộc thiểu số còn được tham gia các hoạt động giáo dục chuyên biệt, như giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp... và được chăm sóc sức khỏe nhằm mục tiêu phát triển toàn diện.

Cả nước có 4 trung tâm đại học ở các khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Hệ thống trường đào tạo nghề, trường cao đẳng được củng cố và phát triển. Toàn quốc có 4 trường dự bị đại học, 1 trường phổ thông dân tộc nội trú trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo có đào tạo hệ dự bị đại học dân tộc và 3 khoa dự bị đại học dân tộc thuộc các trường Đại học Tây Nguyên, Đại học Cần Thơ, Đại học Trà Vinh với quy mô hơn 5.000 học sinh dự bị/năm. Các trường, khoa dự bị đại học đã và đang thực hiện tốt việc đào tạo sinh viên là người dân tộc thiểu số ở các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đáp ứng yêu cầu bức thiết về đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số.

Việc thực hiện chế độ cử tuyển học sinh dân tộc thiểu số vào các trường đại học, cao đẳng đã tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh dân tộc thiểu số được tiếp cận với các chương trình giáo dục trình độ cao và tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số tương lai. Trong những năm qua đã có hàng nghìn con em đồng bào các dân tộc thiểu số được cử đi học tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trên cả nước. Với chính sách cử tuyển, nhiều dân tộc thiểu số, như các dân tộc Hà Nhì, Cờ Lao, Pà Thẻn, Kháng, Bố Y, Lào... lần đầu tiên có học sinh được cử đi học các trường trung cấp, cao đẳng, đại học.

Các tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, như cấp miễn phí sách giáo khoa, vở học sinh, đồ dùng học tập, bảo hiểm y tế, cấp học bổng, tín dụng cho học sinh, sinh viên, ưu tiên trong tuyển sinh, đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Các chính sách hỗ trợ con em các gia đình nghèo thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, chế độ phụ cấp đã tạo điều kiện cho nhiều con em đồng bào dân tộc thiểu số được học tập, góp phần tăng tỷ lệ các em đến trường. Con em các dân tộc thiểu số đều có người học đại học, cao đẳng và các trường dạy nghề, nhiều em đã có những nỗ lực và đạt thành tích cao trong học tập. Năm 2018, Ủy ban Dân tộc đã tuyên dương 166 học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số xuất sắc, tiêu biểu, trong đó có 17 em đạt giải trong cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia năm 2018; 94 em là học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; 2 học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng với số điểm từ 27 điểm trở lên; 11 học sinh dân tộc thiểu số rất ít người tốt nghiệp trung học phổ thông và trúng tuyển vào đại học; 42 sinh viên dân tộc thiểu số tốt nghiệp các trường, học viện, đại học, cao đẳng loại xuất sắc.

Hiện cả nước có trên 13 nghìn người dân tộc thiểu số có trình độ trên đại học, đại học, cao đẳng; hơn 78 nghìn người có trình độ trung học chuyên nghiệp,...; đã thực hiện cơ bản sự nghiệp xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở.

Những hạn chế và khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc bảo đảm quyền học tập của người dân tộc thiểu số hiện nay vẫn đang đối diện với một số khó khăn, thách thức:

Nhìn chung, mặt bằng giáo dục, trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung cả nước. Chất lượng học tập của học sinh dân tộc thiểu số còn thấp; có sự chênh lệch lớn về giáo dục giữa học sinh người dân tộc thiểu số và học sinh người Kinh. Khuôn khổ pháp luật về thực hiện quyền học tập của người dân tộc thiểu số mặc dù đã từng bước được hoàn thiện nhưng vẫn chưa đồng bộ.

Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là ở một số trường chuyên biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Một số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa có trường mầm non. Trẻ em người dân tộc thiểu số còn chưa thông thạo tiếng mẹ đẻ nên càng khiến các cháu gặp rất nhiều khó khăn khi học tiếng phổ thông. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số đi học đúng độ tuổi còn thấp (khoảng 70% tính cả tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông). Ở một số nhóm dân tộc, như Brâu, Xtiêng, Gia Rai, Mạ, Mnông, Lô Lô có tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi bình quân ở mức dưới 60%, trong đó, có chưa đến 10% học sinh của các nhóm dân tộc thiểu số trên đi học đúng độ tuổi ở cấp trung học phổ thông(4).

Hiện nay, người dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết tiếng phổ thông chưa cao, có nhiều dân tộc có hơn một nửa dân số mù chữ. Trung bình chỉ có 79,2% người dân tộc thiểu số biết đọc, biết viết tiếng phổ thông. Sự chênh lệch này khá lớn giữa các dân tộc. Tổng số người dân tộc thiểu số mù chữ trong độ tuổi từ 15 - 60 hiện nay là 676.873 người, chiếm 45,8% tỷ lệ người mù chữ trong toàn quốc. Một số tỉnh có tỷ lệ người trong độ tuổi lao động không biết chữ rất cao, như Lai Châu, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Ninh Thuận, Kon Tum, Gia Lai, Sóc Trăng, Trà Vinh, An Giang... Điều này cho thấy việc xóa mù chữ ở người trưởng thành là thách thức rất lớn với các dân tộc thiểu số.

Lực lượng lao động đã qua đào tạo có tỷ lệ rất thấp trong nhóm dân tộc thiểu số và có sự phân hóa cao giữa các dân tộc thiểu số khác nhau. Trung bình 6,2% tỷ lệ lực lượng lao động đã qua đào tạo, bằng 1/3 so với tỷ lệ trung bình của lực lượng lao động cả nước. Nhóm thấp nhất có tỷ lệ trung bình dưới 2%, trong khi chỉ số này ở nhóm cao nhất đạt tỷ lệ trung bình trên 7%(5).

Chương trình sách giáo khoa, phương pháp giáo dục và dạy học; chính sách đối với giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục vẫn còn những bất cập. Đội ngũ giáo viên thường thiếu và yếu, chính sách sử dụng, đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên dạy ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất hợp lý, chưa tạo động lực về vật chất và tinh thần để khuyến khích, thu hút giáo viên yên tâm công tác và cống hiến.

Việc triển khai một số chính sách có lúc, có nơi còn chậm trễ, thiếu đồng bộ, thực hiện chưa tốt(6); một số chính sách vẫn còn hạn chế, bất cập về đối tượng được hưởng, định mức, thời gian hưởng, phương thức hỗ trợ(7). Việc thực hiện một số chính sách đặc thù như cử tuyển hay đào tạo theo địa chỉ, mặc dù rất thiết thực nhưng hiệu quả triển khai chưa đáp ứng yêu cầu.

Hầu hết các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ hộ nghèo cao, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nên mặc dù đã được ưu tiên nhưng do nguồn lực ngân sách có hạn nên chưa đáp ứng được nhu cầu kinh phí đầu tư thực hiện các mục tiêu giáo dục và đào tạo. Những hạn chế đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc bảo đảm quyền học tập của người dân tộc thiểu số.

Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực thi quyền học tập của người dân tộc thiểu số

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò của giáo dục, về quyền học tập, nâng cao ý thức tự học của người dân tộc thiểu số.

Triển khai và nâng cao các hoạt động tuyên truyền, vận động trong toàn xã hội về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về vai trò của giáo dục; về quyền học tập của người dân tộc thiểu số với công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao tri thức, nâng cao chất lượng cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Theo đó, phát triển bền vững phải trên cơ sở nền giáo dục - đào tạo toàn diện, tiên tiến luôn luôn được đổi mới, quyền học tập của người dân luôn được bảo đảm.

Trong xu thế phát triển như vũ bão của khoa học - kỹ thuật trên thế giới, đặc biệt là sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự học tập, tự đào tạo của người dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, xây dựng xã hội học tập.

Hai là, rà soát các chính sách, pháp luật về quyền học tập của người dân tộc thiểu số; điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Tiếp tục thực hiện đầy đủ và kịp thời chính sách, pháp luật hiện hành về bảo đảm quyền học tập của người dân tộc thiểu số. Rà soát lại chính sách, pháp luật hiện hành, trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách, pháp luật bảo đảm quyền học tập của người dân tộc thiểu số giai đoạn mới phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Ba là, tăng cường đầu tư, phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số. 

Tập trung đầu tư nguồn lực sớm kiên cố hóa, chuẩn hóa cơ sở vật chất trường, lớp ở tất cả các cấp học đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Trước mắt, cần ưu tiên đầu tư xây dựng trường học mới cho các xã chưa có trường mầm non, khắc phục tình trạng trường học xuống cấp, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất các điểm trường lẻ để tăng quy mô huy động trẻ đến lớp; ưu tiên nguồn vốn để từng bước hoàn thiện mạng lưới các trường học phổ thông, bảo đảm đáp ứng nhu cầu đi học của học sinh trong độ tuổi. Thực hiện các chính sách huy động, khuyến khích các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng bước giảm sự chênh lệch về phát triển giáo dục giữa các vùng, miền. Thực hiện tốt các chính sách ưu tiên, hỗ trợ cho học sinh dân tộc thiểu số, gia đình chính sách, các hộ nghèo...

Bốn là, xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo.

Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, nhà giáo phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục. Nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ, cán bộ, giáo viên là người dân tộc thiểu số ở các cấp quản lý giáo dục và trong các cơ sở giáo dục; làm tốt công tác cử tuyển; gắn đào tạo với sử dụng, bảo đảm đúng số lượng, cơ cấu, ngành nghề, trình độ, chức danh theo địa chỉ, bảo đảm yêu cầu công tác, xây dựng đội ngũ giáo viên là người dân tộc thiểu số đạt chuẩn. Thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho giáo viên và cán bộ quản lý, đặc biệt là phải ưu tiên tối đa cho các nhà giáo đang công tác tại vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn để họ yên tâm với nghề nghiệp, gắn bó với sự nghiệp “trồng người”.

Năm là, đổi mới chương trình giáo dục các cấp học và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.

Tập trung nghiên cứu, cải tiến phương pháp, nội dung, chương trình học và các bộ sách giáo khoa phù hợp với đối tượng người dân tộc thiểu số. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo hướng chuyển mạnh từ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất của người học. Xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục.

Sáu là, phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, khắc phục các rào cản tập quán

Tiếp tục thực hiện xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào dân tộc thiểu số, trọng tâm là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa - đây là điều kiện tiền đề để người dân tộc thiểu số thụ hưởng quyền học tập. Đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào khắc phục các rào cản tập quán, tâm lý; nâng cao nhận thức về vai trò của việc tiếp cận giáo dục trong xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội./.

-------------------------------

(1) Kết quả Tổng điều tra dân số Việt Nam ngày 01/4/2019
(2) Ủy ban Dân tộc: Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật về lĩnh vực dân tộc, năm 2017
(3) Bộ Giáo dục và Đào tạo: Đánh giá thực hiện chính sách giáo dục và đào tạo đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Báo cáo Hội thảo, năm 2019
(4) Ủy ban Dân tộc: Tổng quan thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số, năm 2017, tr. 18, xem www.undp.org › vietnam › docs › Publications › Bao cao 53 dan toc
(5) Ủy ban Dân tộc: Tổng quan thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số, Sđd, tr. 18
(6)Ví dụ: Năm 2015 là năm kết thúc Đề án phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015 (được ban hành theo Quyết định số 2123/QĐ-TTg, ngày 21/11/2010, của Thủ tướng Chính phủ), nhưng hiện nay, chính sách tiếp tục hỗ trợ về giáo dục đối với đối tượng học sinh này từ năm 2016 chưa được ban hành
(7) Ví dụ: Thông tư liên tịch số 109/2009/TTLT-BTC-BGDĐT, ngày 29/5/2009, của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính, về hướng dẫn một số chế độ tài chính đối với học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú và các trường dự bị đại học dân tộc quy định: học sinh đang học tại các trường trên được hưởng học bổng chính sách bằng 80% mức lương cơ sở của Nhà nước và được hưởng 12 tháng trong năm. Mức trợ cấp như vậy là thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu về ăn ở và sinh hoạt của học sinh hiện nay. Học sinh lưu ban chỉ được hưởng 50% suất học bổng, quy định này có tác dụng trong việc khuyến khích học sinh chăm chỉ và tập trung học tập để đạt được kết quả học tập cao, song đối với học sinh nội trú nhà nghèo khi lưu ban, nếu được hưởng 50% học bổng thì cuộc sống sẽ khó khăn dễ dẫn đến bỏ học giữa chừng. Đối với trường phổ thông dân tộc bán trú, với mức hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP, ngày 18/7/2016, của Chính phủ quy định chính sách mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm/học sinh là quá thấp

Theo Tạp chí Cộng sản

Bình luận