Báo in trong thời đại công nghệ số

Ngày đăng: 30/10/2013 - 10:10

   bao in 2 Công nghệ số ra đời và phát triển đã làm xuất hiện nhiều loại hình báo chí mới, trong đó có báo điện tử. Sự phát triển nhanh chóng của báo điện tử với phương thức đưa tin, truyền tin kiểu mới dường như đã làm cho báo in không còn giữ được vị thế như trước. Việc nhiều tờ báo in vốn rất hấp dẫn đối với người đọc nay phải giảm số lượng phát hành đang đặt ra một số vấn đề cần giải quyết, và trên thực tế, loại hình báo chí truyền thống này đang đi tìm sự thích nghi mới...

   Trên thế giới, nỗi quan ngại về sự "hết thời" của báo in đã được đặt ra cách đây đã lâu, khi sự khủng hoảng số lượng phát hành lan tới cả các "đại gia" báo in của nước Mỹ, như: New York Times, Washington Post, Los Angeles Times... thậm chí tờ báo đã có 80 năm tuổi là Newsweek cũng phải đình bản in để chuyển hoàn toàn sang báo điện tử. Theo một nghiên cứu của Hiệp hội báo in Hoa Kỳ (NNA), vào năm 2005, số người đọc báo qua mạng vượt trội hẳn so với số người đọc báo in theo tỷ lệ không những gấp đôi mà thậm chí còn gấp sáu lần: New York Times: 12.8 triệu/5 triệu; Washington Post: 7.8 triệu/1.8 triệu, Los Angeles Times: 4.3 triệu/2.4 triệu... Cũng giống như thị trường báo chí Mỹ, báo in ở Pháp cũng rơi vào khủng hoảng khi nhiều báo lớn đều phải cắt giảm nhân sự, giảm đáng kể lợi nhuận và phải chuyển sang báo điện tử để tiếp tục duy trì hoạt động. Ðiển hình như tờ nhật báo Lemonde, đã có phiên bản điện tử ngay từ những năm 1990 và đến nay, trở thành tờ báo điện tử có uy tín bậc nhất nước Pháp cũng như thế giới. Tây Ban Nha cũng không nằm ngoài cuộc khủng hoảng khi tờ nhật báo hàng đầu là El Pais đã phải cắt giảm tới 129 nhân sự trong năm 2012 và lượng phát hành thì tụt xuống còn 455.666 bản mỗi ngày so với thời hoàng kim cách đó 10 năm là một triệu bản. Lượng phát hành giảm kéo theo doanh thu giảm xuống còn 194 triệu euro so với 453 triệu euro năm 2005. Sau thất bại của tờ báo in, El Pais tìm cách lấy lại uy tín cũng như doanh thu bằng cách chuyển hướng sang báo điện tử.

      Tại Giải thưởng Pulitzer năm 2012, báo điện tử tiếp tục lên ngôi khi được vinh danh ở hai thể loại. Tại lễ trao Giải thưởng này, phóng viên David Wood của báo điện tử The Huffington Post chiến thắng ở hạng mục tin bài trong nước. David Wood đã có một loạt bài viết về những nỗi đau tinh thần cũng như thể xác mà những người lính Mỹ bị thương tại I-rắc, Áp-ga-ni-xtan đã phải chịu đựng trong suốt 10 năm diễn ra chiến tranh. Ở một thể loại khác là tranh biếm họa, tờ báo điện tử Politico cũng được vinh danh khi họa sĩ Matt Wuerker giành chiến thắng với tác phẩm miêu tả cuộc chiến giữa Ðảng Dân chủ và Ðảng Cộng hòa thông qua hình ảnh biếm họa cuộc chiến giữa "con lừa" và "con voi". Pulitzer là giải thường niên, được đánh giá là danh giá nhất trong lĩnh vực báo chí ở Mỹ. Việc có hai tờ báo điện tử được xướng tên để nhận giải cho thấy tầm ảnh hưởng cũng như sức mạnh của loại hình báo chí hiện đại này.

   Ở Việt Nam, báo điện tử cũng tạo ra một bước ngoặt trong hoạt động báo chí, với sự gia tăng không ngừng số lượng các tờ báo, trang tin điện tử. Thống kê cho thấy đến hiện tại, cả nước có 77 tờ báo điện tử và gần 200 trang tin điện tử với lượng thông tin dày đặc mỗi ngày. Và báo in cũng phải đối diện với cuộc cạnh tranh khốc liệt khi các báo điện tử không chỉ mang đến một cách đọc tin mới mà còn mang đến những cách tiếp cận thông tin mới mẻ, phù hợp tâm lý của đông đảo công chúng hiện đại. Nhiều tờ báo in cũng đã có một số dấu hiệu "lùi bước" khi phải cắt giảm phóng viên, nhân viên, vì sự suy giảm phát hành và quảng cáo đã làm cho nguồn thu giảm nghiêm trọng. Quả thực, báo mạng với những tiện ích mà báo in khó có thể sánh được đã bùng nổ mạnh mẽ, khiến một số báo in không còn cách nào khác là phải giảm số lượng phát hành và ngậm ngùi nhường vị trí áp đảo cho báo mạng. Không chỉ báo in, ngay cả hệ thống truyền hình và phát thanh cũng khó cạnh tranh với báo mạng bởi tính nhanh nhạy,  tính tương tác và không gian không hạn định của loại hình báo chí này.

   Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, sự ra đời của báo điện tử có thể ảnh hưởng tới số lượng phát hành báo in nhưng chưa hẳn là sẽ đẩy báo in tới bờ vực thẳm như có người nói. Nhất là sau thời kỳ phát triển rầm rộ, nhanh chóng, đến nay báo điện tử như đã bước vào giai đoạn bão hòa, với sự ra đời hàng trăm tờ báo, trang tin na ná nhau. Ðây là thời điểm để báo in lấy lại đà phát triển dựa trên những lợi thế nhất định.

   Một trong những lợi thế của báo in là chất lượng thông tin được bảo đảm. Việc kiểm duyệt, biên tập được thực hiện chặt chẽ kỹ lưỡng, khiến các thông tin trên báo in được bảo đảm về tính chính xác, tính chính thống, tính khách quan. Các vấn đề của đời sống, kinh tế, văn hóa,... được bàn giải chuyên sâu, có chọn lọc với những bài chuyên luận sâu sắc. Công chúng hiện đại với tri thức và quan niệm sống lành mạnh, có thói quen đọc báo trên thiết bị công nghệ cao như điện thoại thông minh (smart - phone), ipad,... sẽ khó chấp nhận các báo điện tử mà tin bài chủ yếu là "sốc - sex - sến". Ðiều đó hoàn toàn có thể làm cho uy tín của loại hình báo chí này có nguy cơ giảm sút. Như ở Việt Nam hiện tại, sự tồn tại đôi khi khá nhập nhèm của một số trang tin điện tử với số lượng tin - bài giật gân, câu khách, dễ dãi và thiếu cân nhắc, khai thác lại của nhau, thậm chí khai thác và sửa chữa theo ý mình, đã khiến nhiều bạn đọc mất niềm tin ở một số trang báo, trang tin điện tử. 

    Hơn nữa, với số lượng tin - bài được cập nhật hàng giờ, nhiều trang báo điện tử rơi vào tình trạng xuất bản ẩu. Tình trạng đua nhau đưa tin trước, đưa tin giật gân, câu khách mà một số báo mạng và trang tin có xu hướng chụp giật thông tin, không kiểm chứng, nội dung sai lạc.  Rồi lỗi chính tả xuất hiện rất nhiều, tiếng Việt bị méo mó, không ít bài có nội dung nhảm nhí, xuyên tạc, đặt "tít" sai lệch hẳn so với nội dung tin - bài, chạy theo loại tin - bài để câu "view"... Có thể nhận thấy điều này qua việc người đọc bày tỏ sự khó chịu bằng các bình luận (comment) phản đối trên chính các trang báo đó. Ðáng tiếc là tình trạng trên không mới, đã bị cảnh báo, song xuất hiện ngày càng nhiều với những chiêu trò ngày càng đa dạng với mục đích tăng lượng người đọc. Và chính những cách làm theo kiểu "ăn xổi" như thế, một số trang báo, trang tin điện tử đã và đang đánh mất uy tín trước độc giả.

bao 3

   Một trong những lợi thế khác không chỉ của báo điện tử mà báo in hoàn toàn có thể tận dụng hiệu quả là đội ngũ nhà báo công dân (citizen journalist) rộng khắp. Một thí dụ điển hình về việc sử dụng hiệu quả mạng lưới các nhà báo công dân là hãng tin CNN. CNN là một trong những hãng tin đầu tiên trên thế giới kêu gọi và sử dụng thông tin từ các cộng tác viên ở khắp nơi trên thế giới. Dịch vụ iReport (dịch vụ nhận tin tức của độc giả) của hãng này hiện có khoảng 1,3 triệu cộng tác viên, tăng sáu lần từ khi bắt đầu vào năm 2008. Tại Việt Nam, khái niệm nhà báo công dân cũng không còn là khái niệm mới, được hiểu nôm na là những người không nằm trong sự quản lý của cơ quan báo chí nào nhưng lại tác nghiệp giống như một nhà báo. Họ chính là những nguồn cung cấp thông tin đa dạng, phong phú, thấm đẫm hơi thở cuộc sống. Nếu các tòa soạn báo tin tận dụng tốt nguồn thông tin này bằng các cách như: phản hồi nhanh chóng ngay khi nhận tin, chọn lọc và sử dụng thông tin, chế độ đãi ngộ tốt thì chắc chắn đây sẽ là một nguồn cung cấp thông tin hấp dẫn và chân thực.

    Một trong các lợi thế khác của báo in là khổ báo được chú ý hoàn chỉnh về khuôn khổ và hình thức sao cho phù hợp với thị hiếu của người đọc, giúp họ dễ dàng lật, giở tìm kiếm thông tin mà không gặp trở ngại. Ðể đáp ứng nhu cầu đó, nhiều tờ báo đã thay đổi kích cỡ tờ báo giúp người đọc có sự thuận tiện nhất định. Báo in sẽ là lựa chọn hàng đầu, ngay cả với những người ưa dùng các thiết bị công nghệ cao khi họ cần đọc để thư giãn sau nhiều giờ làm việc, đọc trên máy tính. Nhiều người đọc vẫn thừa nhận rằng, đọc báo in thấy thoải mái và được thư giãn hơn khi đọc tin trên các trang điện tử vì không mang đến cảm giác nhức mắt hay mệt mỏi. Bên cạnh đó, hiện nay nhiều tờ báo in còn chú trọng đổi mới cách thức trình bày, sinh động, đẹp mắt. Các bài báo không chỉ có phần chữ viết (text) mà nội dung còn được thể hiện qua nhiều hình thức khác như: biểu đồ, lược đồ, tranh, ảnh, box thông tin sao cho phù hợp cách đọc, cách tiếp nhận của nhiều đối tượng công chúng... Hơn nữa, báo in còn có nhóm độc giả trung thành là lớp người lớn tuổi. Ngay cả khi "người người đọc báo mạng, nhà nhà lướt web đọc tin" thì nhóm độc giả này vẫn say sưa tìm đọc báo in như một phần không thể thiếu trong các công việc thường ngày của họ.

    Với những ưu thế riêng, báo in vẫn còn "đất để sống" nếu mỗi tòa soạn có định hướng phát triển đúng đắn và phù hợp công chúng của mình. Ðó có lẽ là lý do giải thích cho việc vào thời kỳ báo in dường như không tìm được lối thoát thì ông trùm truyền thông Rupert Murdoch vẫn tin tưởng rằng "báo in sẽ vươn tới những đỉnh cao mới trong thế kỷ XXI" và theo ông, những ai cho rằng báo in đang dần bị giết chết là "những người thiếu suy nghĩ". Tất nhiên, ngành báo in thế giới cũng như Việt Nam còn nhiều việc phải làm nhưng với những thế mạnh hiện có cộng thêm các đổi mới phù hợp, hoàn toàn có thể tin tưởng ở một bước phát triển mới của báo in trong thời đại mới.

QUỲNH CHI

(Theo Nhân Dân)

 

Bình luận