Biến động chính trị - xã hội tại Bắc Phi - Trung Đông và những tác động tới Việt Nam

Ngày đăng: 13/01/2016 - 13:01

Tình hình tại Trung Đông những năm gần đây sục sôi với những diễn biến phức tạp. Sự đối đầu từ bên trong và bên ngoài đã biến khu vực này thành một "điểm nóng" khiến cả thế giới phải dõi theo. Hàng loạt các cuộc biểu tình chống chính phủ liên tiếp diễn ra ở nhiều quốc gia trong khu vực, đẩy Bắc Phi - Trung Đông lâm vào tình trạng khủng hoảng và hỗn loạn. Mức độ ảnh hưởng của nó ngày càng trở nên nghiêm trọng không chỉ đối với các nước trong khu vực mà cả nhiều nước trên thế giới. Cuốn Biến động chính trị - xã hội tại Bắc Phi - Trung Đông và những tác động tới Việt Nam do tác giả PGS, TS. Nguyễn Thanh Hiền làm chủ biên cung cấp nhiều thông tin bổ ích, giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tình hình rối ren ở Bắc Phi - Trung Đông cũng như những tác động của nó đến khu vực, đến thế giới nói chung và đến Việt Nam nói riêng trong những năm gần đây.

Cuốn sách đã đưa ra một số vấn đề lý thuyết liên quan đến biến động chính trị - xã hội tại Bắc Phi - Trung Đông, đồng thời phân tích, bình luận, đánh giá nguyên nhân, diễn biến dẫn đến biến động chính trị - xã hội, tác động và các giải pháp ứng phó của chính phủ các nước Bắc Phi - Trung Đông nói riêng, các nước lớn trên thế giới nói chung từ năm 2011 đến nay. Trên cơ sở đó dự báo, đánh giá những biến động sẽ xảy ra ở Bắc Phi - Trung Đông trong thời gian tới, đồng thời rút ra những bài học và kiến nghị chính sách cho Việt Nam từ thực tế tình hình ở khu vực này và trên thế giới.

biendong121

Cuốn sách dày 468 trang, được chia thành 5 chương:

Chương 1: Các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến biến động chính trị - xã hội ở khu vực Bắc Phi - Trung Đông

Chương 2: Biến động chính trị - xã hội tại khu vực Bắc Phi - Trung Đông

Chương 3: Phản ứng và điều chỉnh chính sách của các nước lớn do tác động của biến động Mùa xuân Arập

Chương 4: Đánh giá tác động của biến động chính trị - xã hội tại Bắc Phi - Trung Đông và bài học cho sự phát triển bền vững, ổn định của Việt Nam

Từ khi biến động chính trị, xã hội với tên gọi phong trào Mùa xuân Arập bùng nổ tại khu vực Bắc Phi - Trung Đông vào cuối năm 2010, đầu năm 2011 và nhanh chóng lan rộng từ Tuynidi sang nhiều quốc gia khác như Ai Cập, Libi, Xyri, Baren, Yêmen,... là một thay đổi to lớn nhất của khu vực này kể từ mấy chục năm qua. Những thay đổi đó ở Bắc Phi - Trung Đông thực sự là bước ngoặt lớn, bước chuyển quan trọng theo hướng dân chủ hóa chính trị - xã hội. Cuộc khủng hoảng này diễn ra bởi: các nguyên nhân liên quan đến vấn đề kinh tế; sự bất bình đẳng trong phân phối của cải, tình trạng thất nghiệp, nghèo đói trong nội bộ các quốc gia Trung Đông. Song song với nó là những vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực chính trị như sự thống trị theo hình thức gia tộc, sự độc tài, độc đoán và tình trạng tham nhũng nặng nề trong giới quyền lực, sự tàn bạo của cảnh sát; mâu thuẫn tôn giáo, sắc tộc… Bên cạnh đó, sự tác động từ bên ngoài, đặc biệt là của Mỹ và các nước châu Âu cũng là một trong những nhân tố thúc đẩy các mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm.

Việc nghiên cứu tổng thể, khách quan và toàn diện về biến động chính trị - xã hội Mùa xuân Arập sẽ có cơ sở để nhìn nhận và đánh giá một cách khoa học sự kiện lịch sử quan trọng này của khu vực Bắc Phi - Trung Đông; giúp hiểu thấu đáo hơn tình hình mới tại đây; để từ đó thấy được những khó khăn, thách thức mà khu vực này phải đối mặt khi cần giải quyết hàng loạt những vấn đề mới, mâu thuẫn mới, xung đột mới trên hành trình tìm kiếm con đường phát triển và khẳng định bản sắc riêng của mình.

Biến động Mùa xuân Arập tại khu vực Bắc Phi - Trung Đông gây ra nhiều tác động, cả trực tiếp lẫn gián tiếp, đa chiều, đa cấp độ, đa màu sắc đối với thế giới nói chung và đối với nhiều quốc gia nằm ngoài khu vực nói riêng, mà Việt Nam không phải là trường hợp ngoại lệ. Do vậy, việc nghiên cứu biến động chính trị - xã hội ở khu vực Bắc Phi - Trung Đông cũng giúp Việt Nam định hướng rõ ràng xu thế phát triển của khu vực này, vai trò và sự can thiệp của các nước lớn trong biến động chính trị - xã hội ở một số nước trong khu vực hiện nay và trong tương lai, cách thức tiếp cận và giải quyết những điểm nóng khu vực của các nước lớn; đồng thời đánh giá quan điểm và chính sách của các nước Bắc Phi - Trung Đông trong quan hệ chính trị và kinh tế quốc tế; để từ đó xác định những quốc gia, lĩnh vực, ngành mà chúng ta có thể hợp tác lâu dài và hiệu quả ở khu vực này đến năm 2020 và các năm tiếp theo.

Thực tế cho thấy biến động Mùa xuân Arập nổ ra khiến chính quyền nhiều nước ở khu vực này cũng như chế độ quân chủ và cộng hòa chuyên chế bị lật đổ như: Tuynidi, Ai Cập, Libi, Yêmen... Do vậy việc tập hợp lực lượng trong khu vực vốn đã có nhiều chia rẽ và hạn chế nay càng trở nên khó khăn hơn. Mặt khác, quá trình dân chủ hóa đang được đẩy nhanh đã gây ra sự biến động lớn trong tình hình chính trị của khu vực này, có thể dẫn đến quá trình tái thiết, hình thành nên những nhà nước mới, gây xáo trộn không nhỏ trên bản đồ chính trị khu vực… Đặc biệt, biến động Mùa xuân Arập đang dẫn tới sự hình thành các ma trận quyền lực trong khu vực Bắc Phi - Trung Đông. Và nhiều khả năng tiến trình hòa bình ở Bắc Phi – Trung Đông sẽ diễn biến ngày càng khó khăn, phức tạp hơn. Không chỉ tác động đến tình hình chính trị, xảy ra khủng hoảng mà còn làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp và tỷ lệ thất nghiệp cao. Từng nguyên nhân cụ thể, cũng như những diễn biến của cuộc biến động ở Bắc Phi và Trung Đông sẽ được mổ xẻ, phân tích, bình luận khá sâu sắc với những lập luận chặt chẽ sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ về tình hình chiến sự ở khu vực này.

biendongcht121

Biến động chính trị - xã hội ở khu vực Bắc Phi - Trung Đông

Có thể nói, biến động chính trị - xã hội ở khu vực Bắc Phi - Trung Đông đã tác động to lớn đối với toàn thế giới, ảnh hưởng đến thị trường năng lượng, tài chính và thương mại toàn cầu, làm chậm quá trình phục hồi nền kinh tế thế giới sau cuộc khủng hoảng... Hơn bất cứ một khu vực nào khác trên thế giới, Bắc Phi - Trung Đông luôn là nơi tranh giành ảnh hưởng và lợi ích ở mức cao giữa các thế lực bên ngoài, đặc biệt là các nước lớn như: Mỹ, Nga, Trung Quốc và Liên minh châu Âu. Điều này đã khiến các nước lớn này phải có những phản ứng và điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình đối với khu vực nhằm đạt được mục tiêu lợi ích cao nhất. Vậy các nước lớn và các nước trong khu vực ở Bắc Phi - Trung Đông đã phải đối mặt và có những thay đổi, giải pháp như thế nào để ứng phó với điều đó? Biến động này sẽ diễn biến ra sao? Tương lai sẽ đi về đâu? Trước những biến động đó mối quan hệ giữa Việt Nam với khu vực Bắc Phi - Trung Đông có ảnh hưởng gì không và Việt Nam cần rút ra những bài học kinh nghiệm gì?

Tất cả những vấn đề này sẽ được các tác giả phân tích, bình luận khá cụ thể trong cuốn sách. Đặc biệt có nhiều vấn đề liên quan đến tình hình biến động ở Bắc Phi - Trung Đông được các tác giả tổng hợp có chọn lọc từ một số nhận định của các chuyên gia bình luận, từ đó giúp bạn đọc có cơ sở để nhìn nhận đánh giá một cách khoa học sự kiện lịch sử quan trọng này của khu vực và thế giới, giúp hiểu thấu đáo hơn tình hình mới tại Bắc Phi - Trung Đông.

Với nội dung thiết thực, mang tính thời sự, cách khai thác tư liệu khoa học, hợp lý, có chiều sâu, chắc chắn cuốn sách sẽ mang đến cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích, đặc biệt là với các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách, chiến lược cũng như bạn đọc quan tâm đến vấn đề này.

Bội Thu


Bình luận