Bình luận của các nhà quân sự và dư luận quốc tế về trận "Điện Biên Phủ trên không"
Bước sang năm 1972, tình hình nước Mỹ “rối như tơ vò”, chiến tranh Việt Nam đã “dìm” xã hội Mỹ vào cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng, nạn thất nghiệp tăng, nội bộ mâu thuẫn sâu sắc. Tiếp đó, những cuộc đấu tranh công khai và bí mật giữa Chính phủ Việt Nam và Mỹ vẫn diễn ra quyết liệt trong các tháng 8, 9, 10 năm 1972. Ngày 8-10-1972, ta đưa ra bản dự thảo Hiệp định mà mỗi bên đều chấp nhận được và thống nhất ký tại Hà Nội vào ngày 22-10-1972 và tại Pari ngày 31-10-1972.
Xác máy bay B52 bị bắn rơi trên đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội ngày 27-12-1972
Thế nhưng, tháng 12-1972, cuộc đàm phán hòa bình lại bế tắc. Để bảo đảm đi tới một Hiệp định cho phép Mỹ rút quân khỏi cuộc chiến tranh “trong danh dự”, Nixon đe dọa sẽ tiến hành một cuộc ném bom hủy diệt lớn. Sau khi đơn phương hoãn ngày ký Hiệp định, sức ép của Quốc hội và nhân dân Mỹ càng tăng đối với Nixon và Chính phủ của ông ta, dẫn đến sự chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp Mỹ.
Nội tình trong nước như vậy, còn trên bàn đàm phán, Mỹ bị ta phản ứng quyết liệt, nên “Tổng thống Nixon đã ra lệnh tiến hành chiến dịch ném bom Bắc Việt Nam từ ngày 18 đến ngày 29-12-1972, dưới tên gọi Linebacker II với mục đích là đưa cuộc đàm phán hòa bình ở Pari đi đến kết thúc”1. Vì sao Nixon lại hành động điên cuồng đến như vậy dù biết chắc chắn rằng sẽ vấp phải sự phản đối dữ dội cả trong nước và quốc tế? Các tính toán của Nixon đã lộ rõ: sử dụng B52 với quy mô, cường độ cao, đánh phá ác liệt vào thủ đô và hải cảng quan trọng nhất của đối phương nhằm thay đổi một số điều trong dự thảo Hiệp định tháng 10-1972 theo hướng có lợi cho Mỹ, ngụy; đồng thời nhằm biểu dương sức mạnh bằng không quân trong việc hủy diệt các mục tiêu của đối phương bằng vũ khí thông thường; đe dọa sử dụng con bài này trong tương lai nếu chế độ ngụy gặp nguy kịch. Nhưng bao trùm lên tất cả là thông điệp của Nixon: Mỹ đã nói là làm.
Joseph Amter, tác giả cuốn Lời phán quyết về Việt Nam cho thấy: “Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã ném bom Hà Nội, Hải Phòng với sự tàn bạo hơn bao giờ hết trong lịch sử chiến tranh Việt Nam”2.
Khi chiến sự xảy ra, giới báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà nhiếp ảnh và nhất là các phóng viên truyền hình đã đổ xô đến Hà Nội. Một số tác giả thu lượm rất nhanh những thông tin cần thiết qua các buổi thông báo hàng ngày được gửi tới SAC (Bộ chỉ huy Không quân chiến lược Mỹ) và Lầu Năm góc. Tin tức được chuyển tải rất nhanh về tòa soạn hoặc đài truyền hình trong khi chiến sự còn đang tiếp diễn, điều đó đã kịp thời cung cấp cho công chúng Mỹ và nhân dân thế giới những hình ảnh ghê tởm nhất việc đế quốc Mỹ sử dụng bom B52 rải thảm tại Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương khác ở Bắc Việt Nam.
Hành động chiến tranh tàn bạo của Mỹ đã gây xúc động sâu sắc lương tri của nhân dân tiến bộ. Dư luận thế giới phản ứng mạnh mẽ, từ người đứng đầu các chính phủ, tổ chức xã hội, chính khách, văn nghệ sĩ, nhà khoa học, đến người lao động bình thường, kể cả nước đồng minh với Mỹ và ở ngay nước Mỹ. Chỉ một ngày sau khi đế quốc Mỹ sử dụng bom B52 bắn phá miền Bắc Việt Nam (19-12-1972), Thông tấn xã Liên Xô đã lên tiếng mạnh mẽ: “Nhân dân Liên Xô căm phẫn tố cáo các hành động kẻ cướp mới đó của giới quân phiệt Mỹ, đòi chúng phải ngừng ngay hành động này và đòi Mỹ phải nhanh chóng ký kết Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”3.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, nếu Chính phủ Mỹ bất chấp nguyện vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam, nhân dân Mỹ và nhân dân toàn thế giới, một mực theo đuổi chiến tranh xâm lược, thì nhân dân Trung Quốc sẽ trước sau như một “kiên quyết thi hành nghĩa vụ quốc tế của mình, dốc sức ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam cho tới thắng lợi hoàn toàn”4.
Chính phủ các nước biểu thị sự phản đối mạnh mẽ, sự lên án nghiêm khắc nhất đối với chính sách tàn phá và hủy diệt trên quy mô lớn mà Nixon mưu toan dùng để ép Việt Nam phải chấp nhận tối hậu thư của chúng, hòng chia cắt lâu dài đất nước và duy trì chính quyền bù nhìn Nguyễn Văn Thiệu. Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Mỹ G. Hôn khẳng định rõ ràng: “Kết quả việc Mỹ ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam là uy tín của Mỹ trên thế giới tụt xuống mức thấp chưa từng có. Phản ứng trên khắp thế giới sẽ càng thêm gay gắt”5.
Tại Pháp, phong trào đấu tranh ủng hộ Việt Nam rầm rộ. Đảng Cộng sản Pháp liên tiếp có những bài phát biểu đanh thép trên truyền hình vạch rõ cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam. Xã luận báo Nhân đạo (Pháp) không chỉ kiên quyết ủng hộ Việt Nam dưới mọi hình thức mà còn vạch trần sự trở mặt của Mỹ, sự dối trá của Nixon và khẳng định: “Mỹ có biện bạch như thế nào đi nữa, cũng không gì có thể bào chữa được cho việc tiếp tục và tăng cường sự tàn sát. Và kẻ nào muốn làm nhẹ tội cho Nixon đều là đồng lõa”6.
Trước những hành động tội ác của đế quốc Mỹ gây ra cho Bắc Việt Nam, Đảng xã hội Áo nghiêm khắc yêu cầu: “Chính phủ Mỹ hãy chấm dứt lập tức những cuộc ném bom giết người này đối với một nước nhỏ đã được thử thách bằng một cuộc chiến tranh kéo dài hàng chục năm, hãy ký Hiệp định ngừng bắn”7.
Bức thư đầy tâm huyết của Dante Cruz, một thành viên trong chính quyền địa phương Bologna ở Italia gửi đến Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Pari bày tỏ: “Chúng tôi luôn ở bên cạnh các đồng chí trong những giờ phút khủng khiếp này… Cách đây 3 ngày, hàng chục nghìn người đã biểu tình tuần hành dưới trời mưa như trút nước… Dân tộc Việt Nam tuyệt vời mãi mãi ở trong trái tim chúng tôi”. Sự thật về tội ác và sự lật lọng của đế quốc Mỹ được phơi bày, càng làm cho dư luận thế giới đứng về phía Việt Nam.
Sau 12 ngày đêm bắn phá bằng B52, Mỹ chịu sự tổn thất rất lớn về quân sự, hàng loạt máy bay các loại, kể cả những máy bay hiện đại đã bị bắn rơi, cùng với sức ép của dư luận tiến bộ trên khắp thế giới, buộc Nixon phải ngừng cuộc ném bom, nối lại bàn đàm phán. Một nhân vật có thế lực ở Mỹ là Nêgrôpôn thú nhận sự thật: “Chúng ta ném bom Bắc Việt để rồi chính chúng ta chấp nhận nhượng bộ” và “Những điều khoản trong Hiệp định về thực chất vẫn giống như những điều cộng sản đề nghị vào tháng 5-1969”8. Còn với H. Kissinger, trong cuốn hồi ký của mình luôn lảng tránh và thanh minh rằng, ông ta không đóng vai trò gì trong những chuyện “tồi tệ” như vậy. Ông tỏ ra bất bình trước thái độ, hành động của Nixon và các tay chân thân cận của Nixon, cho đó là: “Một sự can thiệp bẩn thỉu và bất hợp pháp”.
Các cơ quan truyền thông, báo chí, các hãng thông tấn trên khắp thế giới đã dồn dập đưa tin về chiến thắng vang dội của ta và phơi bày sự thất bại thảm hại của đế quốc Mỹ. Hãng UPI ngày 31-12-1972 đưa ra bình luận: “12 ngày trở lại ném bom vùng Hà Nội, Hải Phòng được coi là cuộc ném bom dữ dội nhất trong chiến tranh đã làm cho Mỹ bị thiệt nặng nề nhất về người và trang bị”. Hãng tin Pháp AFP cùng ngày cũng đưa tin: “Chưa bao giờ lực lượng B52 của Mỹ lại vấp phải một hệ thống phòng không có hiệu lực đến như thế và bị thiệt hại nhiều máy bay đến như thế trong một khoảng thời gian ngắn như thế”.
Trong những trang hồi ký kể về trận “Điện Biên Phủ trên không”, một số phi công tham gia chiến đấu như: Trung tướng James R. Me Cathy, Đại tá Robert E. Ray field và Trung tá George B. Allison luôn ca ngợi sự trưởng thành nhanh chóng của quân đội Việt Nam: “Tổ hợp mục tiêu Hà Nội - Hải Phòng là một trong số các khu vực có lưới lửa phòng không khủng khiếp nhất thế giới. Tổng số các tên lửa đất đối không, máy bay chiến đấu và súng cao xạ bao quanh khu vực mục tiêu đã vượt quá mọi cái mà người ta đã từng trải qua”. Thượng tướng, Giáo sư A.I. Hiupennen, trong bài viết: “Máy bay chiến thuật và máy bay từ tàu sân bay của Mỹ tham gia chiến dịch Linebacker II” đăng trên Tạp chí Lịch sử quân sự Nga tháng 4-2005, cho rằng: “Toàn bộ chiến dịch Linebacker II, nếu có thực hiện được phần nào các nhiệm vụ quân sự nhưng không thể trở thành đòn quyết định giúp Nhà Trắng đạt mục tiêu chính trị”9. Còn theo Đại tá, cựu chiến binh Liên Xô N. Sherhnev, Giáo sư Đại học Không quân Kharkov (Ucraina), trong bài đăng trên báo Cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam số ra tháng 7-8 năm 2006 thì khẳng định: “Trong cuộc chiến tranh công nghệ cao đầu tiên của thế giới, sự trưởng thành rất nhanh chóng của bộ đội phòng không, không quân đã giúp Việt Nam chiến thắng”10.
Khi thất bại, người Mỹ thường hay đổ lỗi cho nhau, báo cáo lưu tại Trung tâm Quân sự Hoa Kỳ về trận ném bom của Mỹ ở Bắc Việt Nam tháng 12-1972, đã chỉ ra nguyên nhân chính là phía Mỹ không lập ra được bộ máy các quan chức quân sự ở cấp cao có khả năng điều hành công việc. Bởi vậy, Bộ Quốc phòng, Cố vấn An ninh quốc gia và Chủ tịch Hội đồng liên quân, Giám đốc CIA không có sự theo dõi sát sao và chỉ đạo kịp thời dẫn đến thất bại. Cũng nói về nguyên nhân thất bại của cuộc tập kích, tướng Eđơ - Tham mưu Phó Không quân Mỹ ở châu Âu đã nói: “Chúng tôi cho rằng, Bắc Việt Nam đã phát triển được các lực lượng phòng không dày kinh nghiệm hơn bất kỳ nước nào”11. Cuối cùng, đế quốc Mỹ cũng phải thừa nhận những điểm yếu của mình và “sửng sốt vì thất bại tại Hà Nội, Hải Phòng nhưng lại rất khó tiên đoán và kiểm soát được kết quả của các cuộc tham chiến bằng quân sự với quy mô lớn”.
Về phía ta, để chiến thắng “pháo đài bay” B52 của Mỹ, trước hết, ta có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và công phu, không lúng túng mà bình tĩnh đánh trả quyết liệt. Chiến thắng B52 của ta trên bầu trời Hà Nội là một bất ngờ đối với Mỹ, bởi trong những “bộ óc điện tử” của người Mỹ thì việc sử dụng loại vũ khí chiến lược B52 có thể đè bẹp được ý chí chiến đấu của quân và dân ta. Điều này hoàn toàn trái ngược với nhận định của một học giả Nhật Bản, khi họ đi sâu nghiên cứu về chiến thắng của người Việt Nam trong 12 ngày, đêm: “Không phải vũ khí mà là con người quyết định kết quả chiến đấu. Như thế không có nghĩa xem nhẹ vũ khí. Người Việt Nam rất coi trọng vũ khí… họ đã độc lập sử dụng những vũ khí mới nhất. Kết quả cố gắng của họ thấy rõ trong việc bắn rơi máy bay hiện đại nhất, trong đó có máy bay B52”12.
Nguyên nhân thứ hai trực tiếp lý giải vì sao Việt Nam lại chiến thắng Mỹ trong cuộc đọ sức này. Đó là chiến thắng B52 không chỉ khẳng định sức mạnh thế trận chiến tranh nhân dân trong việc đối đầu với một loại vũ khí hiện đại nhất của Mỹ mà còn chứng tỏ tài nghệ, sức sáng tạo của con người Việt Nam trong việc khai thác, làm chủ vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại; tinh thần đoàn kết chiến đấu chống lại kẻ thù, bên cạnh đó có sự ủng hộ rất to lớn của anh em, bè bạn quốc tế.
Sau này, nhiều chuyên gia quân sự Mỹ còn phân tích, mổ xẻ để tìm ra rất nhiều sai lầm của Mỹ trong chiến dịch Linebacker II tháng 12-1972. Tuy nhiên, có một điều mà ít người thừa nhận, đó là tinh thần phi công Mỹ khủng hoảng đến mức suy sụp. Hiện tượng phản chiến đã xuất hiện bằng các hình thức cáo ốm, từ chối không nhận nhiệm vụ. Nhiều phi công viết đơn phản kháng. Các câu lạc bộ sĩ quan ở Guam và Utapao trở thành những nơi thổ lộ và trút tâm trạng thất vọng, sợ hãi của các phi công Mỹ.
Chiến thắng lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” đã kết thúc cách đây 40 năm, song hậu quả của cuộc chiến tàn khốc do Mỹ gây ra còn ảnh hưởng lâu dài. Quá khứ đau thương chưa thể “khép lại”, nó tác động đến các thế hệ người Mỹ và người Việt Nam. Theo cách nói của một số nhà nghiên cứu quân sự Mỹ thì chiến dịch Linebacker II đã: “không đem lại gì ngoài những thiệt hại to lớn, không đáng có về người và của cho cả hai phía trong cuộc chiến”. Tác giả Adrian Eward, người đã từng đến Việt Nam, có bài viết đăng trên Tạp chí Far Easten Economic Reven nhấn mạnh: “Cho đến nay, dư luận ngày càng đông đã đánh giá cuộc chiến ấy - cuộc chiến của Mỹ là một lỗi lầm bi thảm, là điều xấu xa nhất, và đó là một tội ác chống nhân loại”.
Đối với ta, chiến thắng cuộc tập kích chiến lược đường không tháng 12-1972 của đế quốc Mỹ đã đập tan âm mưu “đàm phán trên thế mạnh” của Nixon, buộc đế quốc Mỹ phải xuống thang và trở lại Hội nghị Pari, ký vào Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đó là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân trong chiến tranh hiện đại; thắng lợi của ý chí và trí tuệ Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Thắng lợi đó không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta mà cả trên trường quốc tế.
Trung tá, TS. TRƯƠNG MAI HƯƠNG
Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
1. Encyclopedia of the Vietnam War (Bách khoa thư về cuộc chiến tranh Việt Nam), New York, Simon & Schuster, 1996, tr. 287.
2. Joseph Amter: Lời phán quyết về Việt Nam, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, tr. 417.
3. Tuyên bố của Thông tấn xã Liên Xô ngày 19-12-1972.
4. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngày 20-12-1972.
5, 7. Báo Nhân dân, số ra ngày 28-12-1972 và ngày 1-1-1973.
6. Báo Nhân đạo, Pháp, số ra ngày 21-12-1972.
8. Jeriold L.Shecter - TS. Nguyễn Tiến Hưng: Từ tòa Bạch ốc đến dinh Độc lập, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr. 399, 365.
9. Thượng tướng, Giáo sư A.I. Hiupennen: “Máy bay chiến thuật và máy bay từ tàu sân bay của Mỹ tham gia chiến dịch Linebacker II”, Tạp chí Lịch sử quân sự Nga, N.0/4, 2005, tr. 54.
10. http://www. Wa.ogr/veteran/0606/Ukraine. Html.
11. Air force, tháng 6-1993, Edgan Ubramer: “Những bài học của chiến tranh không quân ở Đông Nam Á”.
12. Shingo Shibata: “Chiến tranh Việt Nam và cách mạng khoa học kỹ thuật”. Dẫn theo: Đặc trưng công nghệ vũ khí trang bị kỹ thuật các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994, tr. 143-144.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực