Bảo tồn di sản văn hóa trước biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu gây ra những hậu quả nghiêm trọng, làm cho các di sản văn hóa có nguy cơ bị biến dạng, những sáng tạo qua hàng ngàn năm của nhiều cộng đồng sẽ bị mai một, thậm chí sẽ vĩnh viễn mất đi, đặc biệt, đối với vùng ven biển, ven sông, những vùng đất thấp, tác hại của biến đổi khí hậu càng phức tạp và nặng nề hơn. Bảo tồn các di sản văn hóa trước tác động của biến đổi khí hậu nhằm giữ gìn những giá trị văn hóa của cha ông đang là vấn đề cấp bách, quan trọng.
Tháp Chàm Ninh Thuận
Biến đổi khí hậu - Mối quan tâm chung của nhiều quốc gia
Nếu thế kỷ thứ XIX và XX là những thế kỷ của phát minh thì thế kỷ XXI có thể được coi là “thế kỷ hưởng thụ”. Với vô số thiết bị và phương tiện tiện dụng như: máy tính, điện thoại, ô tô, máy bay, du thuyền, tàu cao tốc..., loài người đang “say sưa” hưởng thụ những thành quả phát minh mà cha ông đã tìm ra từ những thế kỷ trước. Tuy nhiên, tất cả các loại thiết bị, phương tiện công nghệ đã được phát minh đều cần năng lượng để chế tạo và vận hành mà nguồn năng lượng hóa thạch do “bà mẹ thiên nhiên” ban cho họ không phải là vô hạn với nhu cầu tiêu dùng và dân số gia tăng nhanh chóng của loài người.
Nguyên nhân của những thảm họa môi trường mà con người đã và đang phải gánh chịu đa số đều có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ chính những hành vi của con người - cho dù đó là các hành vi của các chính sách công của nhà nước hay hành vi ứng xử phi khoa học và thiếu văn hóa của người dân. Cùng với sự tiêu dùng quá mức nguồn nhiên liệu hóa thạch, loài người đang thải ra ngày càng nhiều khí CO2 - tác nhân gây hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu cùng các loại chất thải hữu cơ và vô cơ khác - tác nhân hủy hoại quỹ đất và nguồn nước.
Biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ còn là vấn đề lớn mang tính toàn cầu. Những tác động của nó đến môi trường sinh thái, đến đời sống kinh tế - xã hội nói chung và vấn đề an sinh của người dân ở mọi nơi cũng đã được các chuyên gia tiên lượng. Từ cuối thế kỷ XX, nhân loại đã nỗ lực tìm kiếm các chiến lược đối phó với vấn đề toàn cầu này. Một trong những thành quả mà nhân loại đạt được là Nghị định thư Kyoto - liên quan đến chương trình khung về biến đổi khí hậu mang tầm quốc tế của Liên hợp quốc với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải, nguyên nhân chính gây ra hiệu ứng nhà kính. Bản dự thảo nghị định này được ký ngày 11-12-1997 và chính thức có hiệu lực ngày 16-5-2005. Việt Nam đã tham gia ký Nghị định thư Kyoto vào tháng 12-1998 và chính thức phê chuẩn nghị định này vào tháng 9-2002. Để thực hiện các cam kết, năm 2007, Việt Nam đã công bố Chiến lược quốc gia về phòng chống, thích nghi và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; năm 2008, công bố Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu cùng nhiều chương trình cụ thể khác được triển khai trong thực tế.
Nguy cơ hiện hữu ở các lưu vực sông và các vùng đất thấp
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng sâu sắc đến mọi mặt của đời sống con người, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội... Tuy nhiên, mục tiêu các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam chủ yếu mới nhằm giảm thiểu tác hại của thiên tai, của biến đổi khí hậu lên năng suất mùa vụ và các vấn đề an sinh xã hội, chứ ít đề cập đến các di sản văn hóa đang bị đe dọa bởi tác động của biến đổi khí hậu.
Các loại hình di sản, di tích ở những vùng đất thấp đặc biệt dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu. Nhiều nơi đang phải đối mặt với nguy cơ mất đi nhiều địa danh văn hóa, di tích lịch sử, di sản thiên nhiên và cả những di sản văn hóa phi vật thể.
Các lưu vực sông, đặc biệt là các sông lớn (sông Hồng, sông Mêkông...) đã sản sinh và lưu giữ nhiều di sản văn hóa đặc sắc (cả văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể), nhiều di chỉ khảo cổ và di tích cổ. Các di sản văn hoá đó là sự kết tinh trí tuệ, tài năng và chứa đựng truyền thống từ hàng ngàn năm của biết bao thế hệ cư dân bản địa. Tuy nhiên, các di sản văn hóa đó đang đứng trước nhiều thách thức to lớn. Thiên nhiên diễn biến bất thường gây ra những hậu quả nghiêm trọng làm cho các di sản văn hóa có nguy cơ bị biến dạng, mai một, thậm chí bị phá hủy. Đặc biệt, đối với các di sản văn hóa ở vùng ven biển, ven sông, những vùng đất thấp, tác hại của biến đổi khí hậu càng phức tạp và nặng nề hơn. Mực nước biển dâng cao, bão xảy ra với tần suất dày hơn và cường độ lớn hơn, biển xâm thực... đang đe dọa tàn phá các công trình văn hóa. Thêm vào đó, những tác động trực tiếp khác như không khí bị ô nhiễm, mưa, lũ, các tác nhân hóa học (các loại khí gây môi trường axit) và sinh học (rêu, nấm mốc sinh sôi)… cũng là những hiểm họa khôn lường với các di sản văn hóa vật thể, đặc biệt là các di sản kiến trúc. Cần nhấn mạnh thêm rằng, ở Việt Nam, những di tích văn hóa khảo cổ đã và đang được nghiên cứu khai quật, thể hiện những chứng cứ vật chất của các nền văn hóa tiền đề cho việc hình thành các quốc gia cổ đại (Văn Lang - Âu Lạc ở phía Bắc, Chămpa ở Trung Bộ và Nam Trung Bộ, Phù Nam ở Nam Bộ) chủ yếu phân bố ở lưu vực các con sông, ven biển và vùng đồng bằng trũng nên dễ bị sụp đổ, cuốn trôi, xáo trộn, bồi lấp... nếu không kịp thời có những giải pháp bảo vệ hữu hiệu. Các di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt là các di tích kiến trúc, di tích khảo cổ sẽ bị xuống cấp và hư hỏng do bị ngập lâu trong nước hoặc tác động của nhiệt độ và độ ẩm cao trong thời gian dài, bị sụp đổ hoặc mất hoàn toàn do tác động vật lý của các hiện tượng thời tiết cực đoan, đặc biệt trong trường hợp có sự kết hợp của một vài hiện tượng (bão kết hợp thủy triều; lốc xoáy kết hợp mưa lớn…). Biến đổi khí hậu cũng sẽ làm cho các di sản văn hóa và thiên nhiên đồng thời là các tài nguyên du lịch phân bố trải dài ven biển và hệ thống gần 3.000 đảo ven bờ như các khu dự trữ sinh quyển ở Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), U Minh thượng (Kiên Giang), hệ sinh thái san hô, rừng ngập mặn, rừng nhiệt đới tại các vườn quốc gia, v.v.. thay đổi. Khi mực nước biển dâng cao, các di sản này dễ dàng bị nhấn chìm.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các cộng đồng người không chỉ phải nỗ lực thích nghi với những thay đổi bất thường của thời tiết khí hậu để mưu sinh mà còn phải gồng mình lên để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà tổ tiên đã chắt lọc và trao truyền qua rất nhiều thế hệ. Bởi vậy, họ phải/và là một trong những lực lượng trung tâm, là chủ thể chính trong công cuộc bảo tồn văn hóa trước những thách thức của biến đổi khí hậu.
Tại các vùng đất thấp, biến đổi khí hậu tác động mạnh mẽ và trực tiếp đến môi trường hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, các di sản văn hóa phi vật thể, tới hệ thống các biểu tượng và hoạt động văn hóa, đến các nghệ nhân - chủ nhân của các biểu tượng và hoạt động văn hóa đó, làm biến dạng, dịch chuyển, thậm chí thay đổi hẳn cấu trúc của các hoạt động đó. Nơi cư trú bị mất, môi sinh bị thay đổi, sản lượng lương thực bị suy giảm kéo theo những hệ lụy khác trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, văn hóa của toàn xã hội. Các cộng đồng cư dân là chủ nhân sáng tạo và sở hữu văn hóa tại nhiều khu vực sẽ phải di cư đến những vùng đất mới. Việc chuyển đổi sinh kế tại chỗ ở mới gắn liền với bao khó khăn, nảy sinh những thách thức lớn. Áp lực mưu sinh dồn ép khiến họ mất dần những tri thức, những kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt... vốn (đã) có. Việc thay đổi tập quán canh tác tất yếu kéo theo đời sống văn hóa cũng thay đổi. Ảnh hưởng tiêu cực cũng lan tới cả những nghệ nhân, nghệ sĩ - những người nắm giữ bí quyết, thực hành và truyền dạy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Ngay cả phong tục, tập quán cội nguồn cũng có thể sẽ dần chìm vào quên lãng trong ký ức hậu sinh.
Đánh giá đúng và phát huy vai trò của tri thức bản địa
Trong thời gian vừa qua, các nhà khoa học nhiều ngành đã tiến hành một số công trình nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu đến điều kiện tự nhiên, môi trường, kinh tế - xã hội. Trong đó, nhiều vấn đề đã được chú ý như: sự thay đổi trong sử dụng đất và thay đổi sinh kế cộng đồng; tác động của biến đổi khí hậu tới các hệ sinh thái vùng sông; ngập mặn đất đai, diện tích canh tác, đời sống của cư dân ở những vùng đất thấp dọc bờ sông và ven biển; tạo giống lúa thích nghi với biến đổi khí hậu, chịu ngập chìm và mặn... Những kết quả nghiên cứu này cần được triển khai ứng dụng nhanh trong thực tiễn. Bên cạnh đó, tri thức của cộng đồng trong việc thích ứng, chống chọi với thời tiết, thiên tai cần được chú ý. Sự tham gia của cộng đồng rất cần thiết cho các chương trình này để bảo vệ rừng, phát triển nông nghiệp và nông thôn; bảo tồn đất và nước; nâng cao năng suất và tăng cường khả năng phục hồi hệ sinh thái. Trong sự tham gia tích cực đó cần đánh giá đúng vai trò và tận/vận dụng tri thức bản địa (Local knowledge). Đó là hệ thống kiến thức truyền thống của một tộc người hoặc một cộng đồng tại một địa vực cư trú cụ thể, được hình thành từ thực tiễn quá trình sản xuất và ứng xử với môi trường tự nhiên - xã hội trong những hoàn cảnh nhất định của địa phương1. Tri thức bản địa bao gồm nhiều nội dung thể hiện trong các khía cạnh của đời sống sản xuất và tổ chức cộng đồng, nói lên khả năng thích ứng cao với môi trường riêng của cư dân ở từng địa phương, nơi đã hình thành và phát triển những tri thức đó. Đặc biệt, tri thức bản địa luôn gắn liền và hòa hợp với nền văn hóa, tập tục địa phương.
Trong quá trình sống lâu dài, các cộng đồng cư dân không chỉ sáng tạo nên nhiều di sản văn hóa đặc sắc cho nhân loại, họ còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm ứng phó và giảm thiểu hậu quả của thiên tai, thời tiết bất thường để bảo tồn cuộc sống và văn hóa của mình. Những kinh nghiệm, cách thức hợp lý của họ trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ đất đai, chống chọi với lũ lụt, bão, hạn hán... là vô cùng quý giá để có thể ứng dụng vào việc đối phó với biến đổi khí hậu hiện nay. Hơn thế, hiện nay các nhà khoa học, văn hóa học quốc tế đang hướng việc sử dụng tri thức bản địa vào việc tạo nên cơ chế tự ứng phó với biến đổi khí hậu cho các cộng đồng địa phương, hướng tới sự phát triển bền vững.
Ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vai trò của tri thức bản địa thể hiện trong nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp (kỹ thuật xen canh, phòng chống sâu bệnh, đa dạng cây trồng, chọn giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật nuôi cá và chăm sóc sức khỏe vật nuôi); chăm sóc sức khỏe con người (bằng các phương thuốc truyền thống); sử dụng và quản lý tài nguyên thiên nhiên (bảo vệ đất, thủy lợi và các hình thức quản lý nước khác); giáo dục (kiến thức truyền miệng, các ngôn ngữ địa phương). Trong những hoạt động liên quan đến ngư nghiệp, tri thức bản địa thể hiện qua: hoạt động đánh bắt thủy sản (lịch thời vụ, cách sử dụng ngư cụ, tri thức về các loài cá…); hoạt động nuôi trồng (cách chọn giống, chăn nuôi, sinh sản…); hoạt động chế biến, sản xuất sản phẩm ngư nghiệp; quản lý ngư trường, sản xuất ngư cụ; dự báo thời tiết, khí hậu; nhận biết không gian, thời gian, v.v..
Một minh chứng sinh động về giá trị dự báo của tri thức bản địa là trận lụt lịch sử năm 1999 ở vùng Thừa Thiên Huế. Kinh nghiệm của cư dân vùng đầm phá đã dự báo trước tới 10 ngày cơn hồng thủy này. Tuy nhiên, những dự báo của người dân đã bị bỏ qua và hậu quả của nó là rất nặng nề. Bài học đó càng nhấn mạnh rằng, những kinh nghiệm truyền thống của các cộng đồng, các tộc người trong việc bảo vệ di sản văn hóa đến nay vẫn rất hữu ích và cần được chia sẻ.
Tích cực hóa các hoạt động bảo tồn, bảo tàng
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu, vai trò của các bảo tàng được nhấn mạnh trong việc chủ động và sớm triển khai các hoạt động nhằm kịp thời cứu vãn, bảo tồn các di sản văn hóa. Các bảo tàng cũng góp phần từng bước làm sáng tỏ những tri thức dân gian của các cộng đồng trong việc ứng xử với môi trường tự nhiên cũng như kinh nghiệm cổ truyền để thích ứng với biến đổi khí hậu. Mỗi bảo tàng có thể tìm ra những cách làm thích hợp để tạo nên hiệu quả giáo dục đối với công chúng. Đặc biệt, các bảo tàng có thể tổ chức trưng bày và đưa những chương trình giáo dục của mình tới công chúng rộng rãi với các chủ đề cụ thể về căn nguyên gây ra biến đổi khí hậu, tác động của biến đổi khí hậu, những phương cách bảo vệ các di sản văn hóa (cả hữu hình và vô hình) trước nguy cơ từ biến đổi khí hậu...
Các bảo tàng còn (cần phải) góp sức vào việc xác định những vùng xung yếu, những trọng điểm cần ưu tiên trong việc lập danh mục các di sản hay các nhóm di sản có nguy cơ bị hủy hoại và biến mất. Các bảo tàng cần đánh giá một cách chi tiết về sự ảnh hưởng và những rủi ro tiềm ẩn do biến đổi khí hậu gây ra có thể tác hại trực tiếp và gián tiếp đối với các di sản văn hóa, từ đó đề xuất kế hoạch hành động phù hợp nhằm đối phó với biến đổi khí hậu. Những đánh giá này là cơ sở để soạn thảo những kế hoạch kết hợp hành động giữa chính quyền và người dân trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Bởi sự tồn tại của các di sản phụ thuộc vào ý thức con người cũng như chính sách bảo tồn di sản văn hóa của quốc gia. Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu để bảo vệ, bảo tồn di sản văn hóa cần được hiểu như một chiến lược dài hạn, nhưng các hoạt động ứng phó cần phải rất cụ thể ở các chặng thời gian ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Trong các hoạt động đó, còn cần nhấn mạnh rằng việc mở rộng hợp tác quốc tế là rất cần thiết để có thể tiếp thu được các tri thức, kinh nghiệm, tranh thủ được các nguồn nhân lực, nguồn tài chính và các nguồn vật chất khác.
Ngữ Thiên
1. Johnson, M. (1992), Lore: Capturing Traditional Environmental Knowledge, Ottawa, Dene Cultural Institute/IDRC.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực