Sau hơn 20 năm đổi mới, vào những năm cuối thập niên đầu của thế kỷ XXI, Việt Nam đặt bước chân đầu tiên vào nhóm những nước có thu nhập trung bình thấp, thoát khỏi trạng thái kém phát triển. Tuy nhiên, theo lời cảnh báo của một số chuyên gia kinh tế, hiện nay nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với vấn đề "bẫy thu nhập trung bình".
Bẫy thu nhập trung bình là thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng "mắc kẹt" của nhiều quốc gia đã thoát nghèo nhưng "không giàu nổi". Và cảnh báo này không phải không có cơ sở, bởi Việt Nam từ sau khi đạt ngưỡng thu nhập trung bình thấp (1.000 USD/năm) vào năm 2008, đến nay, nền kinh tế đang ngày càng bộc lộ sự tăng trưởng chậm, năng suất sản xuất chưa cao, đồng vốn đầu tư bỏ ra lớn nhưng hiệu quả thu về không cao, tỷ lệ tăng lương cao hơn nhiều so vứi mức tăng năng suất lao động đẩy tình trạng chi phí sản xuất trở nên đắt đỏ hơn, khả năng dịch chuyển cơ cấu thấp...
Vậy phải chăng "bẫy thu nhập thu nhập trung bình" đã gõ cửa Việt Nam? Cuốn sách Bẫy thu nhập trung bình - Bài học cho Việt Nam sẽ làm rõ vấn đề kinh tế đầy thời sự này.
Cuốn sách gồm bài viết của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực kinh tế ở trong và ngoài nước. Cuốn sách cung cấp cái nhìn đầy đủ và rõ nét hơn về bẫy thu nhập trung bình, khái niệm, bản chất và các vấn đề cơ bản của bẫy thu nhập trung bình, những nguy cơ và đặc điểm khiến Việt Nam có thể vướng vào bẫy thu nhập trung bình. Đồng thời, nghiên cứu các nước trong khu vực Đông Nam Á bị đánh giá là mắc phải bẫy thu nhập trung bình, xác định nguyên nhân vướng "bẫy", mổ xẻ bài học kinh nghiệm của các nước đã thành công trong quá trình thoát khỏi bẫy trung bình để phát triển thành nước tiên tiến, cũng như đề xuất quan điểm, chủ trương và giải pháp giúp Việt Nam có thể tránh, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và phát triển bền vững.
Đặc biệt, phần Phụ lục cuốn sách tập hợp các thông tin, số liệu chiến lược phát triển dài hạn của các bộ: Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư... Đây là những tài liệu mới được công bố, thu hút sự quan tâm nghiên cứu của các chuyên gia kinh tế, các giảng viên đại học, viện nghiên cứu kinh tế và những độc giả quan tâm.