Cách mạng Tháng Mười Nga và bài học lớn về xây dựng Ðảng

Ngày đăng: 07/11/2012 - 20:11

Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và  sự sụp đổ của Liên Xô năm 1991 là hai sự kiện lịch sử làm chấn động không chỉ  nước Nga mà cả thế giới trong thế kỷ  20.

Dù ở góc nhìn nào, không thể  không thừa nhận một sự thật hiển nhiên là: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười năm 1917 và sự  nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô trong hơn 70 năm sau đó, cùng với những tác  động sâu sắc của những thắng lợi ấy đến các phong trào cách mạng trên thế giới, đã thật sự  làm thay đổi số phận của nước Nga và nhiều dân tộc khác, đánh dấu một bước tiến lớn của nhân loại trong tiến trình lịch sử.

Và cũng không thể không nhìn thấy một mặt khác của sự thật: Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô  và các nước Ðông Âu, kéo theo thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế vào cuối thế kỷ 20 lại là một bước lùi, dù đó là tạm thời.

Từ những sự kiện ấy, những người cộng sản chúng ta có thể rút ra rất nhiều bài học. Nổi lên hàng đầu là bài học lớn về vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản và về công tác xây dựng Ðảng.

Sở dĩ Cách mạng Tháng Mười và  sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội  ở Liên Xô thành công to lớn và có ý  nghĩa lịch sử trọng đại đến như vậy, đó chính là nhờ sự lãnh đạo đúng đắn và  sáng tạo của lãnh tụ thiên tài V.I. Lê-nin và Ðảng Bôn-sê-vích Nga, sau này là Ðảng Cộng sản Liên Xô. Với sự đúng đắn ấy, Ðảng của những người cộng sản đã động viên hàng trăm triệu con người nhất tề đứng lên làm cách mạng lật đổ chế  độ cũ, xây dựng chế độ mới, và vào những lúc lâm nguy đã không ngần ngại hy sinh của cải và tính mệnh để bảo vệ Tổ quốc và chế độ. Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, đánh sập chủ nghĩa phát-xít là một minh chứng hùng hồn.

Còn trong sự sụp đổ đã diễn ra, sở dĩ cách mạng gặp thất bại to lớn  đến như vậy, điều trước tiên không thể không nói đến vẫn là sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Liên Xô. Ở đây, vào những thập niên cuối thế kỷ 20, Ðảng đã phạm nhiều sai lầm về đường lối chính trị, tư tưởng cũng như tổ chức, nhất là sai lầm trong cải tổ, đã đẩy đất nước vào tình trạng trì trệ kéo dài. Ðảng xa rời những mục tiêu và nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội, xa rời nhân dân, buông lỏng vai trò lãnh đạo. Cho nên vào thời điểm lâm nguy, Ðảng đã không hiệu triệu được quần chúng nhân dân, còn quần chúng nhân dân thì tỏ ra thờ ơ, mất phương hướng.

Bài học lớn rút ra được là ở  nước nào cũng vậy, muốn cho Ðảng Cộng sản thật sự  là lực lượng lãnh đạo và là đội ngũ  tiên phong chiến đấu của cách mạng thì Ðảng phải nắm vững ngọn cờ tư tưởng của chủ  nghĩa xã hội khoa học, vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận Mác - Lê-nin vào điều kiện cụ thể, tìm ra đường lối, hình thức và  phương pháp cách mạng đúng đắn để giành thắng lợi. Ðảng phải xây dựng sự vững mạnh của mình về  cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ  chức, thật sự phấn đấu vì lợi ích của nhân dân và dựa vào sức mạnh của nhân dân, phát huy sức sáng tạo của nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thường xuyên thông qua công tác xây dựng Ðảng mà tăng cường năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, khắc phục mọi biểu hiện suy thoái về chính trị, tư tưởng và đạo đức, nhất là bệnh quan liêu, xa dân, tham nhũng và lãng phí, những nguy cơ đe dọa sự mất còn của Ðảng, của chế độ.

Ở nước ta, trong quá trình lãnh đạo cách mạng kể từ ngày thành lập đến nay, Ðảng ta luôn coi trọng nhiệm vụ xây dựng Ðảng. Nhờ đó mà trong các bước thăng trầm của cách mạng, Ðảng ta đều giữ vững được ngọn cờ tiên phong, lãnh đạo nhân dân ta liên tiếp giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám, trong kháng chiến cứu nước cũng như trong xây dựng chủ nghĩa xã hội ngày nay. Không ai có thể tự cho mình là hoàn thiện, toàn mỹ. Ðảng ta cũng vậy. Trong hoạt động của mình, bên cạnh những thành tựu to lớn, vào những thời điểm và trên những mặt công tác nhất định, Ðảng cũng đã phạm sai lầm, khuyết điểm, trong đó có những sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng. Nhưng đặt lợi ích của cách mạng, của nhân dân lên trên hết, Ðảng ta đã trung thực và dũng cảm tự phê bình và phê bình về các sai lầm, khuyết điểm đó, tự chịu trách nhiệm trước nhân dân, cam kết sửa chữa, nhờ đó đã được nhân dân đồng tình ủng hộ, tìm cách khắc phục để vượt qua khó khăn và thử thách.

Trong sự nghiệp đổi mới mấy chục năm qua, Ðảng ta chủ trương lấy phát triển kinh tế làm nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Ðảng làm nhiệm vụ then chốt. Then chốt vì chỉ có thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng Ðảng thì mới có điều kiện thực hiện tốt các nhiệm vụ khác. Nếu không sẽ ngược lại. Trong xây dựng Ðảng, Ðại hội VI chủ trương Ðảng phải đổi mới về nhiều mặt: đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế; đổi mới tổ chức và cán bộ; đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác. Cương lĩnh Ðại hội VII khẳng định: "Ðể đảm đương được vai trò lãnh đạo, Ðảng phải vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ, năng lực lãnh đạo...". Nhằm khẳng định bản chất cách mạng của Ðảng, đồng thời đề cao trách nhiệm của Ðảng trước nhân dân và dân tộc, từ Ðại hội X qua Ðại hội XI, Ðảng ta đã thay đổi cách diễn đạt về Ðảng: "Ðảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam". Mục tiêu và nội dung chủ yếu của công tác xây dựng Ðảng được xác định là: Phát huy truyền thống cách mạng, bản chất giai cấp công nhân và tính tiên phong của Ðảng; xây dựng Ðảng thật sự trong sạch vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; đoàn kết nhất trí cao, gắn bó mật thiết với nhân dân, có phương thức lãnh đạo khoa học, có đội ngũ cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất và năng lực. Tám nhiệm vụ cơ bản xây dựng Ðảng mà Ðại hội XI nêu lên là theo tinh thần ấy.

Với quyết tâm "tạo chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng Ðảng trong thời gian tới", Nghị quyết Hội nghị T.Ư 4, khóa XI "nêu lên ba vấn đề cấp bách" đòi hỏi toàn Ðảng phải "tập trung cao độ để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt", trong đó vấn  đề cấp bách nhất là "Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư  tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ  phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Ðảng, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Ðảng". Một đợt tự phê bình và phê bình đã được tiến hành trong các cấp lãnh đạo của Ðảng từ trên xuống, bắt đầu từ cấp cao nhất là Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Nghị quyết T.Ư 4 thể hiện mạnh mẽ tinh thần chỉnh đốn Ðảng. Ðợt tự phê bình và phê bình được coi như bước đột phá đầu tiên. Những kết quả đạt được là tích cực, nhưng mới là bước đầu. Ðể thực hiện đầy đủ tinh thần và nội dung của Nghị quyết T.Ư 4 và nói rộng hơn, của Nghị quyết Ðại hội XI về xây dựng Ðảng, chúng ta còn phải làm rất nhiều việc và cần nhiều thời gian hơn nữa.

Thường xuyên chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, thường xuyên tiến hành tự phê bình và phê bình trong nội bộ, thường xuyên rèn luyện để nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức (mà nay cần hết sức nhấn mạnh đạo đức), đó là những công việc phải làm của một đảng cách mạng chân chính. "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân"(*).

Ðó là lời cảnh tỉnh mà Bác Hồ đã nêu lên từ cách đây 44 năm cho mọi tổ chức đảng và cho mỗi đảng viên khi trở thành người cầm quyền.

(*) Hồ Chí Minh toàn tập, t 12, tr 557, 558.

Theo Báo Nhân dân

Bình luận