Trong những năm qua, công tác hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã mang lại hiệu quả tích cực, với ý nghĩa là một biện pháp truyền thống để giải quyết các tranh chấp trong đời sống xã hội, hòa giải đã và đang chứng minh được vai trò của mình trong việc giúp các bên tranh chấp tự nguyện giải quyết với nhau trên cơ sở phù hợp với pháp luật và đạo đức xã hội góp phần ngăn ngừa những tranh chấp phức tạp; qua đó nhằm tiết kiệm được thời gian, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến Tòa án, chi phí của Nhà nước và của nhân dân, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Cuốn sách gồm 4 phần:
Phần I: Pháp luật về hòa giải ở cơ sở và kỹ năng hòa giải ở cơ sở, tập trung trình bày những nội dung cơ bản của pháp luật về hòa giải ở cơ sở như: khái niệm, đặc điểm, phạm vi, nguyên tắc hòa giải ở cơ sở... và những kỹ năng trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Phần II: Kiến thức pháp luật cơ bản dành cho hòa giải viên ở cơ sở, cung cấp những kiến thức pháp luật cơ bản trong lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình mà hòa giải viên cần nắm được. Đây là những lĩnh vực thường xuyên có phát sinh tranh chấp trong đời sống và cần được hòa giải.
Phần III: Những tình huống hòa giải ở cơ sở thường gặp, giới thiệu những tình huống hòa giải điển hình, thường gặp trong đời sống và gợi ý cách xử lý những tình huống này.
Phần IV, Phụ lục, bao gồm một số câu ca dao, tục ngữ thường được vận dụng trong hoạt động hòa giải ở cơ sở và danh mục tập quán lạc hậu về hôn nhân và gia đình cần vận động xóa bỏ hoặc cấm áp dụng.
Cuốn sách trang bị những kiến thức pháp luật xoay quanh những tình huống mà các hòa giải viên thường gặp phải; là cẩm nang hữu ích, giúp bạn đọc, đặc biệt là các hòa giải viên trong công tác áp dụng, tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tại địa bàn cơ sở và nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở.