Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Tổng Bí thư của Đảng - Tiểu sử tóm tắt
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ngày 19-5-1890 ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, trong một gia đình nhà nho yêu nước.
Ngày 5-6-1911, Người rời Tổ quốc đi sang phương Tây để tìm đường giải phóng dân tộc.
Từ năm 1912 đến năm 1917, Người đến nhiều nước ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Phi khảo sát cuộc sống và phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng nhân dân lao động bị áp bức.
Cuối năm 1917, Người từ Anh trở lại Pháp hoạt động trong phong trào Việt kiều, phong trào công nhân Pháp.
Năm 1919, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, Người thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp gửi tới Hội nghị Vécxây bản yêu sách đòi quyền tự do cho nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa.
Tháng 12-1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp và bỏ phiếu tán thành việc Đảng gia nhập Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản), trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.
Năm 1921, cùng với một số người yêu nước của các thuộc địa Pháp, Nguyễn Ái Quốc sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa.
Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Liên Xô và làm việc trong Quốc tế Cộng sản.
Tháng 11-1924, với tư cách là Uỷ viên Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản và Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc).
Năm 1925, Người thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, ra tuần báo Thanh niên, tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 5-1927, Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu đi Mátxcơva (Liên Xô), sau đó đi Béclin (Đức), qua Pháp, rồi đi Brúcxen (Bỉ), tham dự phiên họp mở rộng của Đại hội đồng Liên đoàn chống chiến tranh đế quốc, sau đó đi Italia và từ đây về châu Á.
Từ tháng 7-1928 đến cuối năm 1929, Người hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước ở Xiêm (Thái Lan), tiếp tục chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ ngày 6-1 đến trước ngày 8-2-1930, Người chủ trì Hội nghị thành lập Đảng, họp tại Cửu Long - Hồng Kông (Trung Quốc), mở ra một bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam.
Tháng 6-1931, Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Anh bắt giam tại Hồng Kông, đến đầu năm 1933 mới được trả tự do.
Từ năm 1934 đến năm 1938, Người học ở Trường Quốc tế Lênin, rồi công tác tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa tại Mátxcơva.
Tháng 10-1938, Người rời Liên Xô về Trung Quốc, bắt liên lạc với tổ chức Đảng chuẩn bị về nước.
Ngày 28-1-1941, Người về Pác Bó (Cao Bằng) trực tiếp lãnh đạo cách mạng sau hơn 30 năm xa Tổ quốc.
Tháng 5-1941, Người triệu tập Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng, quyết định đường lối cứu nước trong thời kỳ mới, thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (Việt Minh), tổ chức lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn cứ địa cách mạng, tích cực chuẩn bị tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Tháng 8-1942, lấy tên Hồ Chí Minh, Người sang Trung Quốc tìm sự liên minh quốc tế chống phát xít. Nhưng vừa sang Trung Quốc, Người đã bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt, giam cầm ở nhiều nhà lao của tỉnh Quảng Tây.
Tháng 9-1944, Người về Pác Bó. Tháng 12-1944, Người chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân ViệtNam.
Tháng 5-1945, Người rời Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang), triệu tập Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân (8-1945) quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Người đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mở ra một kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc.
Trước hành động xâm lược của thực dân Pháp, đêm 19 rạng ngày 20-12-1946, Người ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước đứng lên bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (2-1951), Người được bầu làm Chủ tịch Đảng.
Trong chín năm kháng chiến gian khổ, Người đã cùng Trung ương Đảng đề ra những quyết sách lớn, lãnh đạo cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngày 15-10-1954, Người về Thủ đô Hà Nội, cùng Trung ương Đảng lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng cuối tháng 9 đầu tháng 10-1956, Người được cử kiêm chức Tổng Bí thư của Đảng thay đồng chí Trường Chinh.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960), Người được bầu lại làm Chủ tịch Đảng.
Năm 1964, trước hành động leo thang chiến tranh ra miền Bắc của đế quốc Mỹ, Người đã triệu tập Hội nghị chính trị đặc biệt, khẳng định quyết tâm đánh Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn.
Ngày 17-7-1966, Người ra Lời kêu gọi cả nước chống Mỹ, cứu nước.
Ngày 2-9-1969, Người qua đời, để lại cho dân tộc ta bản Di chúc lịch sử, kết tinh trí tuệ, tâm huyết của một vĩ lãnh tụ vĩ đại suốt đời vì dân, vì nước.
Với những cống hiến to lớn trên nhiều lĩnh vực, năm 1987, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được UNESCO tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người.
TỔNG BÍ THƯ TRẦN PHÚ
Đồng chí Trần Phú sinh ngày l-5-1904, quê xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Mồ côi cha khi mới hơn 4 tuổi, Trần Phú sớm có ý thức tự lập, vượt khó để vươn lên theo tấm gương của cha mẹ. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trần Phú đã dồn hết tâm trí cho học tập, tham gia "Hội Thanh niên tu tiến" để giúp đỡ bạn bè cùng chí hướng và nuôi dưỡng tinh thần yêu nước. Sau khi đỗ đầu kỳ thi thành chung ở Huế năm 1922, Trần Phú được bổ nhiệm làm giáo viên Trường tiểu học Cao Xuân Dục tại Vinh. Trong những năm làm giáo viên ở Vinh, Trần Phú nổi tiếng là một giáo viên dạy giỏi, yêu trò, đoàn kết các đồng nghiệp, khơi dậy trong thế hệ trẻ tinh thần yêu nước, yêu quê hương và lòng căm thù giặc. Tiếp nhận những tư tưởng yêu nước và cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc qua sách báo bí mật, Trần Phú đã tham gia sáng lập Hội Phục Việt, lãnh đạo phong trào làm đơn lấy chữ ký đòi thực dân Pháp trả lại tự do cho Phan Bội Châu, tổ chức lễ truy điệu Phan Châu Trinh, mở các lớp dạy quốc ngữ cho quần chúng lao động.
Năm 1926, Trần Phú được cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Tại đây, Trần Phú đã gặp Nguyễn Ái Quốc, dự lớp huấn luyện chính trị do Người giảng dạy. Trần Phú được Nguyễn Ái Quốc tin cậy, kết nạp vào Cộng sản đoàn, với tên gọi Lý Quý và được Người giới thiệu sang học tại Trường đại học Phương Đông ở Mátxcơva. Với kết quả học tập tốt, đầu năm 1927 đồng chí được giới thiệu vào Đảng Cộng sản Liên Xô, tham gia nhóm cộng sản Việt Nam của sinh viên Trường đại học Phương Đông thuộc chi bộ trường.
Tháng 11-1929, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Phương Đông, Trần Phú rời Mátxcơva bắt đầu cuộc hành trình trở về nước hoạt động cách mạng.
Đầu năm 1930, Trần Phú gặp Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông và được Người phân công về hoạt động ở Bắc Kỳ.
Tháng 7-1930, Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời. Đồng chí đã khẩn trương xúc tiến việc tổ chức các cuộc trao đổi với các đồng chí lãnh đạo trên các lĩnh vực, các vùng và nghiên cứu khảo sát thực tế tại Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Hòn Gai, Thái Bình để hoàn thành bản Dự án Luận cương chánh trị của Đảng.
Ngày 18-4-1931, đồng chí bị địch bắt ở Sài Gòn. Trong điều kiện hết sức nghiệt ngã của nhà tù đế quốc, Trần Phú luôn luôn bình tĩnh, sáng suốt, truyền niềm tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng đến các đồng chí cùng bị giam. Trần Phú đã cùng với các đồng chí khác tổ chức nhiều cuộc đấu tranh vạch mặt chế độ lao tù dã man, vô nhân đạo của kẻ thù, tổ chức những buổi huấn luyện chính trị ngay trong nhà tù của đế quốc Pháp.
Do sự tra tấn và đày ải dã man của kẻ thù, ngày 6-9-1931, đồng chí đã hy sinh tại nhà thương Chợ Quán. Trước lúc trút hơi thở cuối cùng, Trần Phú nhắn gửi đồng chí, đồng bào lời nói bất hủ: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu".
Đồng chí Trần Phú, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực, người con ưu tú của Đảng và dân tộc ta suốt đời chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, đồng chí Trần Phú đã có những đóng góp to lớn trong việc xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Dự án Luận cương chánh trị của Đảng do đồng chí khởi thảo đã vạch ra nhiều vấn đề chiến lược, định hướng con đường phát triển của cách mạng ViệtNam.
TỔNG BÍ THƯ LÊ HỒNG PHONG
Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại làng Đông Thôn, tổng Thông Lãng, phủ Hưng Nguyên, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
Sau khi học xong sơ học, Lê Hồng Phong rời làng ra thành phố Vinh - Bến Thuỷ làm thuê kiếm sống.
Đầu năm 1924, cùng với Phạm Hồng Thái và 15 người khác, Lê Hồng Phong được Vương Thúc Oánh bí mật tổ chức xuất dương sang Xiêm (Thái Lan). Sau khi đến Xiêm một thời gian, Lê Hồng Phong cùng một số bạn bè tìm đường sang Quảng Châu, Trung Quốc, tham gia nhóm Tâm Tâm xã, tích cực vận động cách mạng. Tại đây, Lê Hồng Phong được gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và được Người kết nạp vào tổ chức Cộng sản đoàn vào đầu năm 1925.
Tháng 6-1925, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được thành lập. Lê Hồng Phong trở thành một trong những hội viên đầu tiên của Hội.
Tháng 8-1924, Lê Hồng Phong vào học Trường Quân sự Hoàng Phố, sau đó chuyển sang học Trường Hàng không Quảng Châu. Tại đây, tháng 2-1926, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Tháng 10-1926, với sự nỗ lực của bản thân và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giới thiệu, Lê Hồng Phong được Chính phủ Quảng Châu cử sang Liên Xô học tập. Sau một năm học tập, Lê Hồng Phong đã tốt nghiệp Trường Lý luận quân sự không quân ở Lêningrát rồi học tiếp Trường Đào tạo phi công quân sự tại Bôrítxgơlépxcơ. Học chưa xong khoá, đồng chí được cử về học ở Trường đại học Phương Đông. Tại đây, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô và tham gia trong Uỷ ban tổ chức nhóm học viên Đông Dương.
Tháng 5-1931, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Phương Đông, Lê Hồng Phong được cử về nước hoạt động. Đồng chí đã tích cực chắp nối liên lạc, khôi phục lại các cơ sở đảng trong và ngoài nước, triển khai Chương trình hành động của Đảng để định hướng phát triển cho phong trào cách mạng.
Tháng 3-1934, Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng được thành lập, có chức năng như một Ban Trung ương lâm thời của Đảng gồm ba người do Lê Hồng Phong làm Thư ký.
Tháng 3-1935, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng họp tại Ma Cao (Trung Quốc). Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 13 uỷ viên. Đồng chí Lê Hồng Phong được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Tháng 7-1935, Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản được triệu tập, họp tại Mátxcơva, đã bầu Lê Hồng Phong làm Uỷ viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.
Ngày 26-7-1936, Lê Hồng Phong triệu tập một cuộc hội nghị Trung ương tại Thượng Hải (Trung Quốc), bàn thảo nhiều vấn đề quan trọng về công tác tổ chức và đường lối đấu tranh của Đảng trong tình hình mới.
Trong hai ngày 29 và 30-3-1938, tại Hóc Môn, Gia Định, Hội nghị Trung ương Đảng họp, đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương gồm 11 người. Lê Hồng Phong được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và là Uỷ viên Thường vụ Trung ương.
Tháng 6-1939, Lê Hồng Phong bị mật thám Pháp bắt tại Sài Gòn, kết án sáu tháng tù giam và ba năm quản thúc. Hết hạn tù, chúng trục xuất đồng chí về quê nhà ở Nghệ An để quản thúc và giám sát.
Năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Đầu năm 1940, thực dân Pháp bắt giam Lê Hồng Phong tại quê, rồi giam vào Khám Lớn Sài Gòn. Cuối năm 1940, chúng đày đồng chí ra Côn Đảo. Bị kẻ thù hành hạ đến kiệt sức, ngày 6-9-1942, đồng chí đã vĩnh viễn ra đi.
Đồng chí Lê Hồng Phong là một người cộng sản kiên cường, bất khuất, một chiến sĩ quốc tế mẫu mực. Trên cương vị đứng đầu Ban Chỉ huy ở ngoài rồi Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã góp phần quan trọng khôi phục hệ thống tổ chức đảng và phong trào quần chúng, chuẩn bị mọi mặt cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng, đưa cách mạng Việt Nam vượt qua bước thoái trào, chuyển sang một thời kỳ phát triển mới.
TỔNG BÍ THƯ HÀ HUY TẬP
Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24-4-1906 tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo, Hà Huy Tập đã sớm thể hiện tư chất thông minh, hiếu học. Năm 1919, Hà Huy Tập đã học xong bậc tiểu học và thi tiếp vào bậc trung học. Sau bốn năm miệt mài đèn sách, Hà Huy Tập đã tốt nghiệp hạng ưu Trường Quốc học Huế. Vì hoàn cảnh nhà nghèo không thể tiếp tục học lên bậc cao, Hà Huy Tập xin làm giáo viên tiểu học ở thành phố Nha Trang.
Từ năm 1923 đến năm 1926, Hà Huy Tập dạy học ở Nha Trang. Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng yêu nước, Hà Huy Tập đã sớm bước vào cuộc đời hoạt động cách mạng từ năm 1925.
Do những năm hoạt động tại Nha Trang, Hà Huy Tập đã bị chính quyền thực dân theo dõi và trục xuất khỏi Nha Trang vào giữa năm 1926. Không thể hoạt động ở Nha Trang, Hà Huy Tập chuyển về thành phố Vinh dạy học ở Trường tiểu học Cao Xuân Dục và tham gia hoạt động trong Hội Phục Việt, một tổ chức bí mật của những người yêu nước được thành lập ở Vinh, sau đó đổi thành Hội Hưng Nam rồi Tân Việt Cách mạng Đảng.
Nhận thấy sự nguy hiểm của Hội Hưng Nam và những hoạt động cách mạng của Hà Huy Tập, chính quyền thực dân ở Nghệ An đã sa thải đồng chí.
Tháng 3-1927, Hà Huy Tập chuyển vào Sài Gòn hoạt động và xin dạy học ở trường tư thục An Nam học đường để vừa che mắt địch, vừa kiếm sống và hoạt động cách mạng.
Tháng 6-1928, Hà Huy Tập bị sa thải khỏi An Nam học đường vì lý do "kích động học sinh bãi khóa nhiều lần".
Tháng 12-1928, để tránh sự khủng bố gắt gao của thực dân Pháp, cùng với hai đồng chí được Tổng bộ Tân Việt Cách mạng Đảng cử sang Quảng Châu thương lượng với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên bàn việc hợp nhất, Hà Huy Tập lên đường sang Trung Quốc hoạt động.
Tháng 6-1929, thông qua Tổng lãnh sự Liên Xô ở Trung Quốc, Hà Huy Tập sang Liên Xô học tại Trường đại học Phương Đông. Sau một thời gian học tập, Hà Huy Tập được kết nạp vào Đảng Cộng sản Liên Xô.
Tháng 4-1933, Hà Huy Tập rời Liên Xô lên đường về nước qua đường Trung Quốc. Tại Ma Cao, tháng 3-1934, Hà Huy Tập đã cùng với Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Dựt thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng do Lê Hồng Phong làm Thư ký.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng, tháng 3-1935, Hà Huy Tập được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ.
Ngày 26-7-1936, Hội nghị Trung ương đã bầu Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư của Đảng. Sau Hội nghị, Hà Huy Tập bí mật về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng, tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương.
Ngày 1-5-1938, do có nội phản chỉ điểm, Hà Huy Tập bị địch bắt giam. Hết hạn tù, đồng chí được trả tự do và bị quản thúc ở quê nhà.
Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, ngày 30-3-1940, thực dân Pháp ra lệnh bắt Hà Huy Tập, đưa về giam ở Khám Lớn Sài Gòn.
Tháng 11-1940, khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ, cùng với nhiều đồng chí khác, Hà Huy Tập bị buộc phải "chịu trách nhiệm tinh thần" về cuộc khởi nghĩa và bị xử tử hình theo luật đặc biệt thời chiến không cần chứng cớ. Ngày 28-8-1941, đồng chí bị địch xử bắn ở Hóc Môn (Gia Định).
Đồng chí Hà Huy Tập là một chiến sĩ cộng sản kiên trung, nhà lý luận xuất sắc của Đảng và cách mạng ViệtNam. Trên cương vị là Trưởng ban chỉ huy ở ngoài rồi Tổng Bí thư của Đảng trong một giai đoạn lịch sử đầy thử thách và biến động, Hà Huy Tập đã có công lao to lớn trong việc khôi phục tổ chức đảng và phong trào quần chúng, tạo tiền đề đưa cách mạng giải phóng dân tộc tiếp tục tiến lên.
TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN CỪ
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ sinh ngày 9-7-1912, trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước ở làng Phù Khê, tổng Nghĩa Lập, phủ Từ Sơn, nay là xã Phù Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là hậu duệ đời thứ 17 của Anh hùng dân tộc, đại thi hào Nguyễn Trãi.
Kế thừa truyền thống yêu nước, hiếu học của dòng họ, lớn lên trên mảnh đất “địa linh nhân kiệt” của xứ Kinh Bắc, ngay từ nhỏ, Nguyễn Văn Cừ đã thể hiện tư chất thông minh và bản lĩnh kiên cường, bất khuất.
Năm 1927, sau khi học xong Trường kiêm bị Pháp - Việt ở Bắc Ninh, được một người họ hàng đỡ đầu, Nguyễn Văn Cừ thi vào Trường Bảo hộ, còn gọi là Trường Bưởi. Tại đây, Nguyễn Văn Cừ đã giác ngộ cách mạng và được kết nạp vào Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên vào đầu năm 1928. Do hoạt động chống đối, đả kích bọn giám thị nhà trường, Nguyễn Văn Cừ bị mật thám bắt giam 5 ngày, thẩm vấn liên tục và bị nhà trường đuổi học.
Về quê, Nguyễn Văn Cừ tiếp tục hoạt động cách mạng, chắp nối liên lạc với các đồng chí trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, xây dựng cơ sở cách mạng. Bị địch bắt lần thứ hai, giam giữ 12 ngày rồi được trả tự do. Theo quyết định của Tỉnh bộ Thanh niên Bắc Ninh, đồng chí đã đi "vô sản hoá" ở vùng mỏ Hòn Gai để thâm nhập thực tiễn và giác ngộ công nhân đấu tranh.
Ngày 17-6-1929, Hội nghị thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng được triệu tập. Hội nghị quyết định tuyển lựa những người tiên tiến nhất, tích cực nhất của Thanh niên để kết nạp vào Đảng. Sau Hội nghị, Nguyễn Văn Cừ được công nhận là đảng viên cộng sản.
Giữa lúc phong trào cách mạng ở vùng mỏ đang phát triển mạnh, ngày 15-2-1931, Nguyễn Văn Cừ bị bắt lần thứ ba và bị Hội đồng đề hình Hà Nội kết án chung thân, đày ra Côn Đảo.
Sau gần sáu năm bị cầm tù, cùng với nhiều tù chính trị khác, Nguyễn Văn Cừ được ân xá, theo sắc lệnh ngày 29-9-1936 của Tổng thống Pháp. Tháng 11-1936, đồng chí được trả tự do, nhưng phải về sống và chịu sự quản thúc của chính quyền nơi cư trú.
Bất chấp lệnh quản thúc của chính quyền thực dân, về quê được vài ngày, đồng chí lại ra Hà Nội tiếp tục hoạt động.
Đầu năm 1938, Nguyễn Văn Cừ bí mật vào Sài Gòn dự hội nghị Trung ương và được hội nghị bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Trên cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nguyễn Văn Cừ đã lặn lội ra Bắc vào Nam, vượt qua sự truy lùng gắt gao của địch, có mặt ở những nơi sóng gió, chỉ đạo sát sao các cuộc đấu tranh, kịp thời uốn nắn những lệch lạc, đưa phong trào cách mạng phát triển đúng hướng.
Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp tăng cường đàn áp Đảng Cộng sản và phong trào cách mạng Đông Dương. Trước sự biến chuyển nhanh chóng của thời cuộc, tháng 11-1939, Nguyễn Văn Cừ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ sáu, quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu.
Ngày 17-1-1940, Nguyễn Văn Cừ bị địch bắt tại Sài Gòn. Tại phiên toà ngày 25-3-1941, đồng chí bị địch kết án tử hình với tội danh "chủ trương bạo động" đe dọa quyền lợi của “mẫu quốc” ở Đông Dương, "chịu trách nhiệm tinh thần" về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ.
Ngày 26-8-1941, cùng với một số đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nguyễn Văn Cừ đã bị thực dân Pháp đem đi xử bắn tại Hóc Môn (Gia Định).
Đồng chí Nguyễn Văn Cừ là một nhà lãnh đạo xuất sắc, một nhà lý luận mácxít sáng tạo của Đảng và cách mạng ViệtNam. Cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí là một tấm gương sáng chói về đạo đức cách mạng, chí công vô tư, "tự chỉ trích" trên tinh thần cộng sản cao cả. Cùng với nhiều đảng viên cộng sản kiên trung, đồng chí đã biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng, tự trang bị cho mình lý luận Mác - Lênin, trưởng thành cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất và trí tuệ.
TỔNG BÍ THƯ TRƯỜNG CHINH
Đồng chí Trường Chinh, tên thật là Đặng Xuân Khu, sinh ngày 9-2-1907 ở làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định.
Năm 1925, đồng chí tham gia cuộc vận động đòi đế quốc Pháp ân xá cho nhà yêu nước Phan Bội Châu và năm 1926, đồng chí tham gia lãnh đạo cuộc bãi khóa để truy điệu nhà yêu nước Phan Châu Trinh ởNamĐịnh.
Năm 1927, đồng chí gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên.
Năm 1929, đồng chí tham gia cuộc vận động thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương ở Bắc Kỳ.
Năm 1930, đồng chí được chỉ định vào Ban Tuyên truyền cổ động Trung ương của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm đó, đồng chí bị đế quốc bắt và kết án 12 năm tù cấm cố, đày đi Sơn La.
Cuối năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp và do phong trào đấu tranh của nhân dân ViệtNamđòi quyền tự do dân chủ và thả chính trị phạm, đồng chí được trả lại tự do.
Từ cuối năm 1936 đến năm 1939, đồng chí là Uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ và đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương trong Uỷ ban Mặt trận dân chủ Bắc Kỳ.
Năm 1940, đồng chí là chủ bút báo Giải phóng, cơ quan của Xứ ủy Bắc Kỳ. Tại Hội nghị lần thứ bảy của Trung ương Đảng, đồng chí được cử vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Năm 1941, tại Hội nghị lần thứ tám của Trung ương Đảng, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương, kiêm Trưởng ban Tuyên huấn kiêm chủ bút báo Cờ giải phóng và Tạp chí Cộng sản, cơ quan Trung ương của Đảng, Trưởng ban Công vận Trung ương.
Tháng 8-1945, đồng chí được Hội nghị toàn quốc của Đảng cử phụ trách Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc.
Năm 1951, tại Đại hội II của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, là Tổng Bí thư của Đảng đến tháng 10-1956.
Năm 1958, đồng chí làm Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Nhà nước.
Năm 1960, tại Đại hội III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và Uỷ viên Bộ Chính trị, phụ trách công tác Quốc hội và công tác tư tưởng của Đảng.
Năm 1976, tại Đại hội IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương. Đồng chí là Uỷ viên Bộ Chính trị, là Trưởng ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương và Trưởng ban Lý luận của Trung ương.
Năm 1976, đồng chí được bầu làm Chủ tịch Uỷ ban dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam.
Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khoá VII. Từ khoá II đến khoá VI, đồng chí là Chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Năm 1981, đồng chí được Quốc hội bầu làm Chủ tịch Hội đồng Nhà nước và Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ViệtNam.
Tháng 3-1982, tại Đại hội V của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và là Uỷ viên Bộ Chính trị.
Tháng 7-1986, tại Hội nghị đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Tháng 12-1986, tại Đại hội VI của Đảng, đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban soạn thảo Cương lĩnh và Chiến lược kinh tế kiêm Trưởng Tiểu ban soạn thảo Cương lĩnh của Đảng.
Đồng chí từ trần ngày 30-9-1988 tại Hà Nội.
Đồng chí Trường Chinh là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, khiêm tốn, mẫu mực, một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng và cách mạng ViệtNam. Trên cương vị đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng ở những thời điểm bước ngoặt của cách mạng, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
TỔNG BÍ THƯ LÊ DUẨN
Đồng chí Lê Duẩn sinh ngày 7-4-1907, quê ở làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Xuất thân từ một gia đình lao động có truyền thống yêu nước, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng.
Năm 1928, đồng chí tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và năm 1930 trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của Đảng.
Năm 1931, đồng chí là Uỷ viên Ban Tuyên huấn Xứ uỷ Bắc Kỳ và cũng trong năm đó, đồng chí bị địch bắt tại Hải Phòng, bị kết án 20 năm tù cấm cố và lần lượt bị giam ở các nhà lao Hà Nội, Sơn La và Côn Đảo. Tại các nhà tù này, đồng chí tham gia các cuộc đấu tranh chống chế độ giam cầm hà khắc và tổ chức việc học tập chính trị.
Năm 1936, do cuộc đấu tranh của nhân dân ta và thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp, chính quyền thực dân ở Đông Dương buộc phải trả tự do cho nhiều chiến sĩ cách mạng ViệtNam, trong đó có đồng chí Lê Duẩn. Ra khỏi nhà tù, đồng chí ra sức hoạt động cách mạng ở các tỉnh miền Trung, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương nhằm động viên, tập hợp quần chúng đấu tranh chống bọn phản động thuộc địa, chống nguy cơ phátxít và chiến tranh.
Năm 1937, đồng chí được cử làm Bí thư lâm thời rồi Bí thư Xứ uỷ Trung Kỳ (1938) và từ đó đến năm 1939, hoạt động tích cực của đồng chí góp phần quan trọng đưa tới cao trào đấu tranh sôi nổi trong cả nước.
Năm 1940, đồng chí bị địch bắt ở Sài Gòn, bị kết án mười năm tù và đày đi Côn đảo lần thứ hai cho đến Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đồng chí được Đảng và Chính phủ đón về đất liền, tham gia cuộc kháng chiến ở Nam Bộ.
Năm 1946, đồng chí ra Hà Nội làm việc, góp phần cùng Trung ương Đảng chuẩn bị cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược. Cuối năm đó, đồng chí được Bác Hồ và Trung ương Đảng cử vào lãnh đạo cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tháng 2-1951, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Từ năm l946 đến năm 1954, đồng chí làm Bí thư Xứ uỷ, rồi Bí thư Trung ương Cục miềnNam.
Từ năm 1954 đến 1957, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, đồng chí trở lại miềnNamlàm Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ.
Tháng 4-1957, đồng chí ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Tại phiên họp đặc biệt của Bộ Chính trị vào ngày 7-10-l957, đồng chí được cử giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh điều hành công việc hằng ngày của Ban Bí thư và chủ trì Bộ Chính trị. Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, giữ chức Bí thư thứ nhất.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (l2-1976) và lần thứ V (3-1982) của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được cử vào Bộ Chính trị, giữ chức Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đồng chí là đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khoá VII.
Đồng chí từ trần ngày 10-7-1986.
Suốt 26 năm trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí cùng với Bộ Chính trị và Trung ương Đảng kiên định đường lối độc lập, tự chủ, tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ và đoàn kết quốc tế, sáng suốt lãnh đạo nhân dân và các lực lượng vũ trang cách mạng đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đồng chí Lê Duẩn là một nhà lãnh đạo lỗi lạc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam, đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đặc biệt là trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN VĂN LINH
Đồng chí Nguyễn Văn Linh, tên thật là Nguyễn Văn Cúc, sinh ngày 1-7-1915 trong một gia đình công chức tại Hà Nội, quê ở xã Giai Phạm, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí đã tham gia Học sinh đoàn do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên lãnh đạo, từ lúc 14 tuổi. Ngày 1-5-1930, khi rải truyền đơn chống đế quốc, đồng chí bị địch bắt, kết án tù chung thân và đày đi Côn Đảo.
Năm 1936, do thắng lợi của Mặt trận nhân dân Pháp, đồng chí được trả tự do. Ra tù, đồng chí tiếp tục hoạt động trong công nhân lao động ở Hải Phòng, Hà Nội và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1939, đồng chí được Đảng điều động vào công tác ở Sài Gòn, tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố. Cuối năm 1939, đồng chí được Trung ương cử ra miền Trung công tác nhằm lập lại Xứ ủy Trung Kỳ.
Đầu năm 1941, đồng chí bị địch bắt ở Vinh, chúng đưa về Sài Gòn xử án 5 năm tù và đày ra Côn Đảo lần thứ hai.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được đón về Nam Bộ hoạt động ở miền Tây, sau đó lên Sài Gòn - Chợ Lớn trực tiếp lãnh đạo kháng chiến với các chức vụ Bí thư Thành ủy, Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Gia Định.
Năm 1947, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Xứ ủy Nam Bộ, năm l949, đồng chí tham gia Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ.
Từ năm 1957 đến năm l960, đồng chí là quyền Bí thư Xứ ủy Nam Bộ.
Tháng 9-1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương chỉ định làm Bí thư Trung ương Cục và sau đó là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Năm 1976, đồng chí được cử làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12-1976), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Từ tháng 4-1977, đồng chí thôi giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh để giữ các chức vụ Trưởng ban Cải tạo xã hội chủ nghĩa của Trung ương, Trưởng ban Dân vận - Mặt trận Trung ương, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam đến năm 1980. Từ cuối năm 1980 đến cuối năm 1981, đồng chí được phân công theo dõi thực hiện nghị quyết của Đảng và Chính phủ ở các tỉnh miềnNam.
Tháng 12-1981, đồng chí được phân công trở lại làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho đến tháng 6-1986.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (3-1982), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6-1985, tại Hội nghị Trung ương 8, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị.
Tháng 6-1986, đồng chí được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng và được phân công làm Thường trực Ban Bí thư.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (12-1986), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương và được Trung ương bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 6-1987, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VIII.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (6-1991) và lần thứ VIII (6-1996) của Đảng, đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đồng chí từ trần ngày 27-4-1998 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng chí Nguyễn Văn Linh là một nhà lãnh đạo kiên định và sáng tạo của Đảng và cách mạng ViệtNam. Là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đầu tiên của thời kỳ đổi mới, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã có nhiều đóng góp quan trọng, cùng Trung ương Đảng triển khai và đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, làm xoay chuyển tình thế, đưa đất nước tiếp tục tiến lên trên con đường xã hội chủ nghĩa.
TỔNG BÍ THƯ ĐỖ MƯỜI
Đồng chí Đỗ Mười, tên thật là Nguyễn Duy Cống, sinh ngày 2-2-1917 tại xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Là một thanh niên yêu nước sớm giác ngộ cách mạng, năm 19 tuổi, đồng chí đã tham gia hoạt động trong phong trào vận động dân chủ 1936-1939. Năm 1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1941, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm tù, giam tại Nhà tù Hỏa Lò - Hà Nội. Tháng 3-1945, đồng chí vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng, tham gia Tỉnh ủy Hà Đông, trực tiếp lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Đông.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông. Đầu năm 1946, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, đến cuối năm 1946, làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến - hành chính tỉnh Nam Định. Năm 1948, đồng chí làm Khu ủy viên Khu III kiêm Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình. Năm 1950, làm Phó Bí thư Liên khu ủy III kiêm Phó Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến - hành chính Liên khu III, Chính ủy Bộ Tư lệnh Liên khu III. Từ năm 1951 đến năm 1954, làm Bí thư Khu ủy Tả ngạn sông Hồng kiêm Chủ tịch Uỷ ban kháng chiến - hành chính và Chính ủy Bộ Tư lệnh Khu Tả ngạn sông Hồng.
Năm 1955, đồng chí là Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Uỷ ban quân chính thành phố Hải Phòng.
Tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa II (3-1955), đồng chí được bầu bổ sung làm Uỷ viên dự khuyết và tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960), đồng chí được bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ năm 1956 đến năm 1973, đồng chí đã giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Nội thương rồi Bộ trưởng Bộ Nội thương, Chủ nhiệm Uỷ ban Vật giá Nhà nước, Trưởng phái đoàn thanh tra Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Xây dựng.
Tháng 12-1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị, tiếp tục giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tháng 3-1982, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, tiếp tục giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Tháng 12-1986, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và sau đó được phân công làm Thường trực Ban Bí thư.
Tháng 6-1988, đồng chí được Quốc hội khóa VIII bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII và VIII của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa II, IV, V, VI, VII, VIII, IX.
Tháng 12-1997, đồng chí đã đề nghị chuyển giao chức vụ Tổng Bí thư và được Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) suy tôn làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong giai đoạn đầy khó khăn do những biến động tiêu cực ở Liên Xô và Đông Âu, đồng chí Đỗ Mười đã góp phần cùng Trung ương Đảng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi thử thách, cam go, đưa sự nghiệp đổi mới tiếp tục tiến lên.
TỔNG BÍ THƯ LÊ KHẢ PHIÊU
Đồng chí Lê Khả Phiêu sinh ngày 27-12-1931 tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá.
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, tích cực tham gia phong trào ở địa phương. Đồng chí được kết nạp vào Đảng ngày 19-6-1949, khi mới 18 tuổi.
Năm 1950, đồng chí được điều động vào quân đội và đứng trong quân ngũ gần 50 năm, trực tiếp cầm súng đánh giặc khắp các chiến trường Bắc - Trung -Namvà làm nhiệm vụ quốc tế.
Từ một người lính, được tôi luyện qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, đồng chí đã trở thành một cán bộ chính trị - quân sự dày dạn trận mạc, từng giữ nhiều trọng trách trong quân đội.
Từ năm 1954 đến năm 1967, đồng chí đã giữ các chức vụ phó chính trị viên, chính trị viên tiểu đoàn rồi Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 66, Phó Trưởng ban, Trưởng ban Tổ chức cán bộ Sư đoàn 304, sau đó là Phó Chính ủy, Chính ủy kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9 Sư đoàn 304.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, đồng chí đã chỉ huy Trung đoàn 9 Sư đoàn 304 tiến công làm chủ cố đô Huế và chốt giữ thành cổ suốt 26 ngày. Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy, đồng chí được đề bạt làm Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu Trị Thiên. Năm 1974, đồng chí được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn 2.
Năm 1978, đồng chí được điều động về làm Phó Bí thư Quân khu ủy, rồi Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị Quân khu 9.
Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới TâyNamvà giúp nhân dân Campuchia khỏi thảm hoạ diệt chủng, đồng chí được cử chỉ huy một đơn vị Quân tình nguyện Việt Nam. Những năm chiến đấu giúp bạn bảo vệ thành quả cách mạng, đồng chí lần lượt đảm đương chức Chủ nhiệm chính trị rồi Phó Tư lệnh chính trị Quân tình nguyện ViệtNamở Campuchia.
Đồng chí được phong thiếu tướng năm 1984, trung tướng năm 1988 và thượng tướng năm 1992.
Năm 1988, đồng chí được cử làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và từ năm 1991 làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 6-1991, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và tháng 6-1992 được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa VII cuối năm 1993 đầu năm 1994, đồng chí được bầu làm Uỷ viên Bộ Chính trị.
Đồng chí tiếp tục được Đại hội VIII (6-1996) bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, làm Thường trực Bộ Chính trị.
Ngày 26-12-1997, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng thay đồng chí Đỗ Mười.
Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa IX, X.
Trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong giai đoạn chuyển giao thế kỷ, đồng chí Lê Khả Phiêu đã có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đổi mới, nhất là trên lĩnh vực xây dựng Đảng, chống quan liêu, tham nhũng.
TỔNG BÍ THƯ NÔNG ĐỨC MẠNH
Đồng chí Nông Đức Mạnh sinh ngày 11-9-1940 tại xã Cường Lợi, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.
Từ năm 1958 đến năm 1961, đồng chí học tại Trường trung cấp Nông lâm Trung ương - Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp, đồng chí làm công nhân lâm nghiệp, kỹ thuật viên điều tra rừng Ty Lâm nghiệp Bắc Kạn (1962 - 1963), rồi Đội phó Đội khai thác gỗ Bạch Thông (1963 - 1965). Đồng chí được kết nạp vào Đảng ngày 5-7-1963.
Từ năm 1965 đến năm 1966, đồng chí học tiếng Nga tại Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Từ năm 1966 đến năm 1971, đồng chí là sinh viên Học viện Lâm nghiệp Lêningrát (Liên Xô).
Về nước, đồng chí được phân công giữ chức Phó ban Thanh tra Ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái (1972 - 1973), rồi Giám đốc Lâm trường Phú Lương, tỉnh Bắc Thái (1973 - 1974).
Năm 1974, đồng chí được cử đi học tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh) và hoàn thành khoá học hai năm sau đó.
Từ năm 1976 đến năm 1980, đồng chí là Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái kiêm Chủ nhiệm Công ty xây dựng lâm nghiệp, rồi Trưởng ty Lâm nghiệp tỉnh Bắc Thái. Từ năm 1980 đến năm 1983, đồng chí được bầu là Tỉnh ủy viên, giữ chức Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Thái.
Năm 1984, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, giữ chức Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Thái cho đến tháng 10-1986. Từ tháng 11-1986 đến tháng 2-1989, đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, đồng chí được bầu làm Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng và đến tháng 3-1989, đồng chí được Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Uỷ viên chính thức.
Tháng 8-1989, đồng chí được phân công làm Trưởng ban Dân tộc Trung ương. Tháng 11-1989, đồng chí được bầu bổ sung đại biểu Quốc hội khóa VIII và được bầu làm Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.
Tháng 6-1991, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và Uỷ viên Bộ Chính trị. Tháng 9-1992, đồng chí được bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội khóa IX.
Tháng 6-1996, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, đồng chí được bầu lại làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Uỷ viên Bộ Chính trị. Tháng 9-1997, đồng chí được bầu lại làm Chủ tịch Quốc hội khóa X. Tháng 1-1998, đồng chí được phân công làm Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (4-2001) và lần thứ X (4-2006) của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư của Đảng.
Trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nông Đức Mạnh đã góp phần quan trọng cùng Ban Chấp hành Trung ương đưa đất nước tiếp tục phát triển, vượt qua những khó khăn to lớn do tác động tiêu cực của khủng hoảng kinh tế thế giới, hội nhập sâu hơn vào đời sống kinh tế - chính trị quốc tế.
TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14-4-1944 tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Từ năm 1963 đến năm 1967, đồng chí là sinh viên Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội.
Tháng 12-1967, sau khi tốt nghiệp cử nhân văn chương, đồng chí được phân công về công tác tại Tạp chí Cộng sản, là cán bộ Phòng Tư liệu, rồi cán bộ biên tập Ban Xây dựng Đảng. Đồng chí được kết nạp vào Đảng ngày 19-12-1967.
Tháng 8-1973, đồng chí được cử đi nghiên cứu sinh Khoa Kinh tế - Chính trị, Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Sau khi kết thúc khoá học, đồng chí tiếp tục công tác tại Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản.
Từ tháng 9-1981 đến tháng 7-1983, đồng chí được cử đi thực tập sinh và bảo vệ luận án phó tiến sĩ Khoa Xây dựng Đảng, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Liên Xô.
Tháng 8-1983, đồng chí về nước, tiếp tục công tác tại Ban Xây dựng Đảng, Tạp chí Cộng sản.
Tháng 10-1983, đồng chí được cử làm Phó trưởng ban rồi Trưởng ban Xây dựng Đảng (9-1987). Từ năm 1985 đến năm 1991, đồng chí là Phó Bí thư rồi Bí thư Đảng ủy Tạp chí Cộng sản. Từ tháng 3-1989 đến tháng 8-1996, đồng chí là ủy viên Ban Biên tập, Phó Tổng biên tập rồi Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Năm 1992, đồng chí được phong học hàm phó giáo sư và 10 năm sau được phong học hàm giáo sư.
Tháng 1-1994, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, tiếp tục được các đại hội VIII, IX, X bầu làm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ tháng 8-1996 đến tháng 2-1998, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, kiêm Trưởng ban Cán sự đại học, trực tiếp phụ trách Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội.
Tháng 12-1997, tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị. Tại các đại hội IX và X, đồng chí tiếp tục được bầu làm Uỷ viên Bộ Chính trị. Đồng chí là Uỷ viên Thường trực Bộ Chính trị từ tháng 8-1999 đến tháng 4-2001.
Từ tháng 2-1998 đến tháng 1-2000, đồng chí được phân công phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa và khoa giáo của Đảng. Tháng 3-1998, đồng chí được cử làm Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, phụ trách công tác lý luận của Đảng từ tháng 11-2001 đến tháng 8-2006. Đồng chí là Trưởng ban soạn thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011).
Từ tháng 1-2000 đến tháng 6-2006, đồng chí liên tục là Bí thư Thành ủy Hà Nội các khóa XII, XIII, XIV.
Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa XI, XII, XIII. Từ tháng 6-2006 đến tháng 7-2011 là Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, Uỷ viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (1-2011), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Tổng Bí thư của Đảng.
Trên cương vị đứng đầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trọng trách trên vai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hết sức nặng nề, cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân "thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI của Đảng, đưa nước ta từng bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội, mà trước mắt là phấn đấu tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại".
ThS. Võ Văn Bé
(Theo tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Tổng Bí thư của Đảng)
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực