Chiến lược xuất bản cho đô thị 4.0: Bao giờ mới đến?
Ngành xuất bản TPHCM (tính chung cả xuất bản, in và phát hành) chiếm vị trí chủ đạo trong cả nước. Thế nhưng, cho đến nay, lĩnh vực xuất bản tại thành phố vẫn chưa có một định hướng phát triển cụ thể, một hướng đi rõ ràng đáp ứng các nhu cầu chung của thành phố.
Sách nhiều nhưng vẫn ít
Theo thống kê của Cục Xuất bản, năm 2017, 59 nhà xuất bản (NXB) trên cả nước đạt doanh thu khoảng 300 tỷ đồng. Thế nhưng, chỉ tính riêng 3 NXB của TPHCM gồm NXB Trẻ, Tổng hợp TPHCM và Văn hóa - Văn nghệ đã đạt doanh thu khoảng 150 tỷ đồng, tức là chiếm gần phân nửa doanh thu khối xuất bản.
Về phát hành, hiện TPHCM đang là nơi đặt trụ sở chính của những nhà phát hành lớn nhất cả nước, như Công ty CP Phát hành sách TP (Fahasa), Phương Nam… Chỉ tính riêng Fahasa đã chiếm hơn phân nửa doanh thu toàn ngành xuất bản trong năm 2017, với hơn 2.700 tỷ đồng, trên tổng số gần 4.000 tỷ đồng doanh thu toàn ngành.
Thế nhưng, cũng chính Cục Xuất bản khi đánh giá về thực trạng xuất bản chung của cá nước trong năm 2017 đã thẳng thắn thừa nhận, bên cạnh những thành tựu đạt được, xuất bản Việt Nam cũng gặp nhiều vấn đề.
Những vấn đề đã có từ lâu chưa có giải pháp xử lý triệt để, như sách lậu, tình trạng vi phạm bản quyền, sai sót trong khâu biên tập…, nay còn một vấn đề mới nảy sinh là rất hạn chế trong việc cung cấp ra thị trường những đầu sách đáp ứng các nhu cầu phát triển thực tế.
Trẻ em chọn mua sách tại Đường sách TPHCM
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, cho biết thành phố nhắc nhiều đến đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Thế nhưng, cần làm gì để có được đô thị như vậy, cần làm gì để nêu cao những tấm gương điển hình, phê phán những điều còn chưa được?
Rồi hiện nay, mọi người nhắc nhiều đến cách mạng công nghiệp 4.0, vậy nó là gì; chúng ta cần làm gì để đón nhận, ứng dụng, khai thác; cần làm gì để không bị tụt hậu trong cuộc cách mạng công nghiệp này?
Báo chí đóng vai trò quan trọng, nhưng báo chí bản chất là thông tin thời sự, khó có thể chuyên sâu vào từng lĩnh vực cụ thể.
Đó là trách nghiệm của sách. Có thể lấy một ví dụ đơn giản, khoảng những năm 2000 - 2010, khi thế giới nhắc nhiều đến khái niệm không biên giới, toàn cầu hóa…, đa số người Việt đều khá mù mờ về những khái niệm này. Phải đến khi các đơn vị xuất bản trong nước cho ra mắt hàng loạt tác phẩm như: Thế giới phẳng, Chiếc Lexus và cây oliu…, bạn đọc trong nước mới dần hình dung ra bản chất sự biến đổi của thế giới, cả những ưu và nhược điểm của quá trình biến đổi này.
Trong khi đó, hiện thành phố vẫn hoàn toàn thiếu hụt mảng sách cung cấp kiến thức về những điều đã và đang diễn ra, cùng cả những dự báo về tương lai phát triển của TPHCM. Thậm chí, trong cuộc tuyển chọn “100 cuốn sách thanh niên TPHCM nên đọc” do Thành đoàn TNCS TPHCM phát động, cũng vắng bóng những cuốn sách mang tính thời đại, nhất là những cuốn sách cung cấp kiến thức cho giới trẻ để chung tay phát triển thành phố.
Ngay cả mảng sách thiếu nhi - mảng sách được coi là nền tảng cũng đang có sự mất cân đối nghiêm trọng. Thiếu nhi thành phố vẫn tiếp xúc chủ yếu là sách dịch, sách trong nước yếu và thiếu. Phụ trách vị chuyên về làm sách thiếu nhi, ông Nguyễn Minh Nhựt cho rằng, lẽ ra nếu có sự hỗ trợ thích hợp, thành phố có thể thực hiện những bộ sách thiếu nhi hay, hấp dẫn, phù hợp với tâm sinh lý, thực tế xã hội của thiếu nhi thành phố và trên cả nước.
Cơ hội bị lãng quên
Trên thực tế, bản thân các đơn vị xuất bản thành phố cũng không ngồi im chờ đợi. NXB Trẻ giới thiệu các tủ sách kiến thức như: “Cách cửa mở rộng”, “Nhất nghệ tinh”, tủ sách về phát triển kinh tế hiện đại… NXB Văn hóa - Văn nghệ xây dựng tủ sách văn học của các tác giả trẻ ở thành phố, tủ sách lịch sử… NXB Tổng hợp TPHCM đầu tư cho các đầu sách nghiên cứu văn hóa, danh nhân, giáo dục…
Một hoạt động giao lưu tại Hội sách TPHCM
Thế nhưng, rõ ràng với khả năng của các NXB, việc xuất bản các đầu sách đáp ứng được nhu cầu, nhất là các nhu cầu mang tính tương lai còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, như đại diện một NXB cho biết, do là đơn vị kinh doanh, các NXB còn phải đảm bảo doanh thu, lợi nhuận để tồn tại nên họ phải dồn nhiều nhân lực, vật lực để thực hiện các đầu sách có lợi nhuận cao.
Tuy nhiên, có một giải pháp đã được nhắc đến khá nhiều nhưng đến nay vẫn chưa có sự quan tâm đúng mức, là mô hình sách điện tử (ebook). TPHCM là địa phương có thế mạnh đặc biệt về mô hình này, 2/3 số NXB của thành phố là những đơn vị đi đầu về ebook.
Trong đó, NXB Tổng hợp là NXB đầu tiên của cả nước mở mô hình kinh doanh sách điện tử và đến nay vẫn là đơn vị đa dạng nhất trong việc kinh doanh lĩnh vực này, như cho thuê ebook, cho đọc thử… NXB Trẻ được ghi nhận là đơn vị làm ebook chuyên nghiệp nhất trong khối các đơn vị xuất bản, với một công ty riêng là Ybook, có số lượng sách số hóa, có tiêu chuẩn cao thuộc loại nhiều nhất hiện nay.
TPHCM còn là nơi đi đầu với mô hình thư viện ebook công cộng, với thư viện thực tế đi vào hoạt động đầu tiên là thư viện tài liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là mô hình đầy hứa hẹn, bởi chỉ cần đầu tư một lần (xuất bản, số hóa, trang bị máy đọc…) thì sau này, việc lưu trữ, phổ biến, cập nhật, bổ sung… lại thuận tiện hơn rất nhiều so với sách giấy.
Vừa qua, tại TPHCM đã diễn ra cuộc tọa đàm có chủ đề “Báo chí - Xuất bản TPHCM nỗ lực, sáng tạo, đồng hành cùng cả nước, vì cả nước” trong thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông và Hội Nhà báo TPHCM tổ chức.
Tại tọa đàm, ý kiến được nhiều đại biểu nêu ra là thành phố cần sớm xây dựng một chiến lược về xuất bản, bởi xuất bản là một trong những bước đi đầu tiên, quan trọng nhất để xây dựng thói quen đọc sách, nhất là đối với bạn đọc nhỏ tuổi.
Hiện nay, việc xây dựng thói quen đọc sách được quy về 3 nơi: gia đình, nhà trường và xã hội. Thế nhưng, 3 nơi đều có những vấn đề. Tại nhà trường, hệ thống thư viện hiện mang tính tạm bợ, thủ thư ở nhiều nơi chưa nhận được sự quan tâm phù hợp để có thể làm đúng chức năng. Tại gia đình, vai trò sách vẫn đang bị xem nhẹ, điển hình là hệ thống tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, thiếu tiêu chí về tủ sách gia đình. Ở mặt xã hội, vẫn thiếu những môi trường dành cho thiếu nhi để đọc sách, vui chơi với sách.
Một chiến lược sách, không chỉ là chuyện làm sách, mà còn được cho là mang tính tổng thể hơn, từ việc đọc sách gì, đọc như thế nào, đọc ở đâu… Thậm chí, một số người lạc quan còn cho rằng, nếu có chiến lược sách cụ thể, thành phố có thể xây dựng cả những công viên sách, như dự án công viên sách tại Công viên Tao Đàn đã được nêu lên từ rất lâu nhưng đến nay vẫn chỉ là một ước mơ.
Ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Công ty CP Phát hành sách TPHCM, cho rằng thành phố cần sớm có chiến lược cho lĩnh vực xuất bản, in và phát hành ngay trong thời gian tới. Lý do là sau năm 2020, Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ hội nhập sâu rộng, các đơn vị xuất bản, phát hành nước ngoài sẽ vào Việt Nam. Và với tiềm lực, kinh nghiệm của họ, nếu không có một chiến lược cụ thể từ bây giờ để phát triển thì các đơn vị trong nước sẽ rất khó cạnh tranh. |
TƯỜNG VY
Theo SGGP.VN
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Lịch sử Quân sự Việt Nam” - “Tập đại thành” về công cuộc giữ nước của dân tộc
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”