Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” đập tan mưu đồ thương lượng trên thế mạnh của chính quyền Nixon

Ngày đăng: 20/12/2012 - 16:12

40 năm trước đây, quân và dân miền Bắc Việt Nam với trí thông minh, tài mưu lược, sự sáng tạo và lòng chiến đấu quả cảm đã lập nên một chiến công vang dội: đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược của không quân Mỹ vào Hà Nội,  Phòng trong suốt 12 ngày đêm cuối năm 1972. Chiến thắng ấy được dư luận phương Tây gọi là "Điện Biên Phủ trên không", là đòn đập tan mưu đồ thương lượng trên thế mạnh của chính quyền Nixon, buộc Mỹ phải trở lại bàn đàm phán, đi đến ký kết Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bnh ở Việt Nam.

Lien-doi-truog

Liên đội trưởng Hoàng Minh Giám, Liên đội tự vệ các nhà máy Y., M., G. thành phố Hà Nội,

chỉ huy đơn vị bắn rơi một máy bay F111 bằng 19 viên đạn súng bộ binh 14ly5

Bước vào năm 1972, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam có bước phát triển mới nhưng cũng đứng trước nhiều khó khăn, phức tạp. Trên chiến trường miền Nam, quân dân ta tiến hành cuộc tiến công chiến lược tiêu diệt một bộ phận lớn sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, mở rộng vùng giải phóng. Tuy nhiên, sau những đòn choáng váng và thất bại ban đầu, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn huy động lực lượng, phương tiện chiến tranh khổng lồ, mở những cuộc phản kích hòng tiêu diệt chủ lực quân Giải phóng, tái chiếm những vùng đã mất. Cuộc đọ sức trên chiến trường miền Nam giữa hai bên diễn ra ở thế giằng co ngày càng quyết liệt.

Nhằm cứu nguy cho thất bại của chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, hỗ trợ cho các cuộc phản công ở miền Nam, từ ngày 6-4-1972, Nixon ra lệnh mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc Việt Nam. So với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất dưới thời chính quyền Johnson, cuộc chiến tranh phá hoại của chính quyền Nixon đã vượt xa về quy mô, tốc độ và cường độ đánh phá, nhất là địch đã sử dụng phổ biến, tập trung nhiều loại máy bay hiện đại như B52, F111.

Mặc dù đế quốc Mỹ ném bom đánh phá ác liệt, nhưng quân dân miền Bắc vẫn vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách do địch gây ra, tiến hành đánh trả, tiêu diệt nhiều máy bay, diệt và bắt sống nhiều giặc lái. Những thắng lợi của quân và dân ta trên hai miền Nam, Bắc Việt Nam nói riêng và trên chiến trường Đông Dương nói chung đã làm chuyển biến căn bản cục diện cuộc chiến, tác động mạnh mẽ đến các phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam.

maybay-b52

Máy bay B52 bị quân dân Thủ đô trừng trị, phơi xác trên đồng ruộng ngoại thành trong những ngày cuối tháng 12-1972

Trên thế giới, trước hành động leo thang chiến tranh của chính quyền Nixon, nhân dân, chính phủ nhiều nước và các tổ chức quốc tế tích cực ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược, sôi nổi tiến hành nhiều cuộc biểu tình, tuần hành, tổ chức những “Tuần lễ đoàn kết với Việt Nam”. Ngay tại nước Mỹ, những cuộc xuống đường đấu tranh đòi chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, đòi rút quân viễn chinh Mỹ và quân đồng minh về nước diễn ra sôi động, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đặc biệt là các cựu chiến binh Mỹ. Cùng với những thất bại to lớn trên chiến trường do chính sách hiếu chiến của chính quyền Nixon gây ra, phong trào phản chiến của các tầng lớp nhân dân Mỹ dâng cao đã tác động đến nhiều nghị sĩ ở Thượng viện và Hạ viện Hoa Kỳ. Các nghị sĩ phản đối hành động chiến tranh của chính quyền Nixon ngày càng nhiều. Trên cơ sở đó, cơ quan lập pháp Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua nhiều quyết nghị quan trọng nhằm giảm bớt quyền điều hành chiến tranh của tổng thống. Đó thực sự là những đòn giáng mạnh vào chính quyền hiếu chiến Nixon. Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn ngày càng lún sâu vào thế bị động, thất bại. Tình hình thực tế buộc chính quyền Nixon nhanh chóng tìm giải pháp đi đến ký kết một hiệp định hòa bình, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, như Bộ Quốc phòng Mỹ sau này khẳng định: “Tổng thống Nixon và ông Kissinger thừa nhận là không thể có một giải pháp quân sự cho cuộc chiến tranh, vì vậy, họ cố gắng đạt tới một trạng thái không phân thắng bại trên chiến trường, cô lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với các nước cộng sản vẫn viện trợ cho họ, và đi đến một giải pháp chính trị qua thương lượng”1. Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, Nixon tuyên bố rằng, ông ta chỉ muốn đạt được giải pháp chính trị thông qua “thương lượng trên thế mạnh”, ép buộc Việt Nam phải ký kết một hiệp định hòa bình có lợi cho Mỹ.

Nửa sau năm 1972 là thời điểm rất nhạy cảm khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống của nước Mỹ. Cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn là một chủ đề được đông đảo người dân Mỹ quan tâm nhất. Để thu được lá phiếu của cử tri, Nixon đã dùng nhiều thủ đoạn để cho người dân Mỹ cảm thấy rằng, tổng thống của họ trong nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được những tiến bộ rõ rệt trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Ông ta nhấn mạnh rằng, hai bên sắp đạt được một thỏa thuận nhằm đi đến ký kết một hiệp định hòa bình. Ngày 8-10-1972, ta đưa ra bản dự thảo Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và đề nghị thảo luận đi đến ký kết. Nội dung bản dự thảo Hiệp định đã thể hiện rõ thiện chí của ta, đáp ứng được sự mong muốn hòa bình của đông đảo các tầng lớp nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới. Điều này làm cho Mỹ rất lúng túng. Do đấu tranh của ta, hai bên đã đạt được một thỏa thuận sơ lược để đi đến ký kết chính thức. Nhưng Nixon là một con người rất hiếu chiến. Ông ta không thể dễ dàng chấp nhận một bản Hiệp định như vậy. Một mặt, Mỹ liên tục đưa ra nhiều lý do nhằm trì hoãn việc ký kết, thực chất là một sự đối phó của Nixon nhằm phục vụ cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp diễn ra, mặt khác, âm mưu tiếp tục kéo dài và mở rộng cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Từ giữa tháng 11-1972, sau khi trúng cử tổng thống nhiệm kỳ hai, Nixon ngày càng thể hiện rõ bản chất của mình khi ráo riết xúc tiến kế hoạch leo thang chiến tranh. Trên chiến trường miền Nam, Mỹ lập cầu hàng không tăng cường viện trợ quân sự cho chính quyền ngụy Sài Gòn, ồ ạt đưa vào một khối lượng lớn vũ khí đạn dược, phương tiện chiến tranh, đồng thời đốc thúc quân đội Sài Gòn mở nhiều cuộc phản kích lấn chiếm vùng giải phóng dưới sự chi viện tập trung hỏa lực của không quân, hải quân và pháo binh Mỹ. Đối với miền Bắc, Mỹ cho không quân và hải quân tăng cường đánh phá dữ dội các tuyến giao thông trên địa bàn Quân khu 4 hòng ngăn chặn sự chi viện từ Bắc vào Nam của ta. Các hoạt động trinh sát bằng máy bay không người lái của không quân Mỹ trên vùng trời Hà Nội, Hải Phòng ngày càng ráo riết, nhằm chuẩn bị sẵn sàng tiến công chiến lược khi cần thiết. Hỗ trợ cho đường lối hiếu chiến, chính quyền Nixon tiến hành đẩy mạnh chính sách ngoại giao nước lớn vô cùng xảo quyệt. Trên cơ sở thỏa hiệp về những “lợi ích chung” toàn cầu, Mỹ hối thúc Liên Xô, Trung Quốc tác động để ép chúng ta ký kết một hiệp định có lợi cho Mỹ. Tình hình đó làm cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta gặp thêm nhiều khó khăn. Do mưu đồ muốn thương lượng trên thế mạnh của chính quyền Nixon, cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán Pari ngày càng diễn ra phức tạp.

Phản ánh sự lật lọng trắng trợn của phía Mỹ, nhà sử học Mỹ Jeffrey Kimball đã bình luận rằng: “Bất luận thế nào, từ ngày 5-12, Nixon và Kissinger vẫn luận bàn liệu khi nào và làm thế nào để “cắt đứt” các cuộc đàm phán trong lúc vẫn làm cho có vẻ như phía bên kia là kẻ phải chịu trách nhiệm”2.  Để dọn đường cho việc sử dụng vũ lực hòng khuất phục nhân dân Việt Nam, tại bàn đàm phán Pari, Nixon yêu cầu Kissinger đòi phía Việt Nam xem xét, sửa đổi những điều khoản đã được hai bên thỏa thuận trước đây, mà chính Kissinger sau này đã phải thú nhận rằng: “Đó là một sai lầm nặng nề về chiến thuật. Danh sách đó quá vô lý, nó vượt quá những điều mà chúng tôi đã dự tính công khai cũng như trong nội bộ và chắc chắn nó làm tăng thêm ý đồ vốn mạnh mẽ của Hà Nội giữ nguyên lập trường cũ của họ và đợi cho chúng ta bị nghẹt thở về thời gian mà Quốc hội định ra cho chúng ta”3.

Tuy nhiên, với bản lĩnh kiên định, vững vàng, quân dân ta từng bước làm thất bại chính sách “gây sức ép ngoại giao nước lớn” của tập đoàn Nixon. Trên bàn Hội nghị Pari, chúng ta kiên quyết giữ vững lập trường, vạch trần và tố cáo âm mưu phá hoại đàm phán của phía Mỹ. Đồng thời, quân và dân miền Bắc được lệnh chuẩn bị sẵn sàng đối phó với mọi hành động leo thang chiến tranh mới của địch.

Thực hiện mưu đồ thương lượng trên thế mạnh, chính quyền Nixon đi đến “cố gắng cuối cùng” bằng quân sự: tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược (chủ yếu bằng máy bay B52) đánh vào Hà Nội, Hải Phòng mang tên chiến dịch Linebacker II. Nixon tin rằng, qua đòn đánh có tính chất hủy diệt tiềm lực kinh tế, quốc phòng của miền Bắc, uy lực và sức mạnh quân sự của Mỹ sẽ “nhanh chóng buộc Chính phủ Việt Nam phải trở lại Hội nghị Pari, chấp nhận các đòi hỏi của Mỹ”4, hay như chính Nixon đã nói: “Tôi muốn họ phải bò lê đến bàn Hội nghị”. Để thể hiện quyết tâm đó của mình, ngày 14-12-1972, ông ta đã ra lệnh cho Đô đốc Thomas Moorer - Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ tiến hành cuộc tập kích sau 3 ngày và khẳng định: “Đây là cơ hội để ông sử dụng sức mạnh quân sự của chúng ta một cách có hiệu quả để thắng cuộc chiến tranh này; nếu ông không làm được việc đó, tôi cho rằng ông phải chịu trách nhiệm”5. Như vậy, cuộc tập kích chiến lược vào Hà Nội, Hải Phòng tháng 12-1972 hoàn toàn nằm trong sự tính toán của Nixon, thể hiện bản chất ngoan cố, hiếu chiến của chính quyền Mỹ, bất chấp sự phản đối, lên án mạnh mẽ của dư luận trong và ngoài nước. Đó như là sự nỗ lực cuối cùng  và cao nhất của chính quyền Nixon nhằm cụ thể hóa mưu đồ đàm phán trên thế mạnh, nhưng đồng thời, nó cũng phản ánh sự bất lực của Mỹ trong cuộc đấu trí, đấu lực với nhân dân Việt Nam, đúng như nhà sử học Mỹ Gabriel Kolko đã nhận xét: “Điều duy nhất mà Nhà trắng đã làm là tỏ ra có đầy đủ khả năng để dùng sức mạnh không quân hòng ép buộc một hiệp định hòa bình. Đó là mục tiêu chủ yếu của việc ném bom”6. Còn Nixon đã cho biết đó là “quyết định khó khăn nhất” mà ông ta phải làm trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ diễn ra từ ngày 18 đến 29-12-1972. Trong 12 ngày đêm tiến hành cuộc tập kích, Mỹ đã huy động ở mức cao sức mạnh không quân chiến lược và không quân chiến thuật của hai quân chng không quân và hải quân với 663 lần chiếc B52, cùng 3.920 lần chiếc máy bay chiến thuật (có cả loại hiện đại nhất F111), ném gần 15.000 tấn bom đánh phá tập trung, ồ ạt xuống các mục tiêu quân sự, trường học, bệnh viện, khu phố đông dân, gây những tội ác vô cùng dã man đối với nhân dân ta; đỉnh điểm là việc sử dụng máy bay B52 ném bom rải thảm mang tính hủy diệt vào các khu đông dân cư ở Thủ đô Hà Nội trong những ngày từ 26 đến 29-12-1972. Dư luận trong nước Mỹ và trên thế giới kịch liệt lên án tội ác của chính quyền Nixon. Làn sóng đấu tranh chống chính quyền Mỹ dâng cao mạnh mẽ. Phản ánh sự lên án của dư luận trong nước và thế giới với tội ác của chính quyền Nixon, trong cuốn sách bàn về cuộc chiến tranh Việt Nam của mình, George C. Herring đã viết: “Cuộc ném bom vào lễ giáng sinh cũng gây nên sự căm phẫn trên khắp thế giới. Liên Xô và Trung Quốc giận dữ phản đối, thật trái ngược hẳn với thái độ kiềm chế của họ vào tháng 5. Còn phản ứng trong nước thì đầy choáng váng và tức giận. Các nhà phê bình lên án Nixon là “điên dại” và buộc tội ông ta đã tiến hành chiến tranh để thỏa mãn cơn giận”7.

Tuy nhiên, cuộc tập kích bằng không quân chiến lược của Mỹ đã bị thất bại nặng nề. Quân, dân ta đã kiên cường đánh trả, làm nên một trong những chiến công oanh liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc: bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B52, 5 máy bay F111. Dư luận phương Tây ví chiến thắng này như một trận “Điện Biên Phủ trên không”. Lần đầu tiên trong chiến tranh, quân dân Việt Nam đã tổ chức và thực hiện thành công một chiến dịch phòng không quy mô lớn, đánh thắng cuộc tập kích của không quân chiến lược Hoa Kỳ bằng một đòn tiêu diệt nặng nề nhất trong lịch sử. Chiến công vang dội này gây một sự bất ngờ và kinh hoàng lớn cho Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn, như chính Nixon đã thú nhận: “Mối lo lớn nhất của tôi không phải là làn sóng phê phán đến từ trong nước cũng như ngoài nước như đã dự kiến mà là tầm quan trọng của những tổn thất bằng B52”8.

Bị thất bại nặng nề, ngày 30-12-1972, Nixon ra lệnh chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược, sẵn sàng cử đại diện trở lại đàm phán với ta. Đầu tháng 1-1973, Hội nghị Pari được nối lại. Ta trở vào bàn đàm phán trên tư thế của người chiến thắng. Ngược lại, “nước Mỹ ở thế bất lợi nghiêm trọng trong cuộc tranh chấp với một đối thủ mạnh và quyết tâm trên vũ đài “vừa đánh vừa đàm”9. Ngày 15-1-1973, Chính phủ Mỹ đơn phương tuyên bố chấm dứt hoàn toàn việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 27-1-1973, Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Mỹ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, phải rút hết quân viễn chinh và quân đồng minh về nước. Đó là một trong những bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta, tạo điều kiện quyết định cho công cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà trong chặng đường tiếp theo.

Như vậy, với việc đập tan cuộc tập kích đường không chiến lược của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng cuối năm 1972, quân dân ta đã làm phá sản hoàn toàn ý đồ thương lượng trên thế mạnh của Mỹ, là đòn đánh quyết định cuối cùng buộc chính quyền Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari. Thắng lợi đó không chỉ có sức cổ vũ lớn quân dân ta, cổ vũ nhân dân tiến bộ trên thế giới mà còn góp phần phát triển phong phú thêm lý luận nghệ thuật quân sự nói chung của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Về phía Mỹ, thất bại trong trận “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 là một thất bại nặng nề cho thấy “sức mạnh của Mỹ cũng có những giới hạn. Dù là một nước siêu cường với kho vũ khí hạt nhân và tên lửa hùng hậu, với lực lượng vũ trang mạnh, hiện đại, cộng với sức mạnh kinh tế, kỹ thuật, nhưng chưa đủ đảm bảo cho một chính sách đối ngoại nhằm phát huy sức mạnh đó cũng như các nguồn sức mạnh quốc gia khác giành thắng lợi”10.

 Thượng úy, ThS. TRẦN HỮU HUY

Viện Lịch sử quân sự Việt Nam

 

1, 9, 10. Tóm tắt tổng  chiến tranh Việt Nam của Bộ Quốc phòng Mỹ, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam dịch, 1982, t. 5 - Vạch kế hoạch chiến lược,  tr. 16; t. 6 - Tiến hành chiến tranh, tr. 2;  t. 5 - Vạch kế hoạch chiến lược, tr. 19.

2. Henry A. Kissinger: White House Years, Fayard, Paris, 1979, p. 1476.

3. Jeffrey Kimball: Hồ sơ chiến tranh Việt Nam - Tiết lộ lịch sử bí mật của chiến lược thời kỳ Nixon, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007, tr. 514.

4. Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2007, t. 7 - Thắng lợi  định năm 1972, tr. 306.

5. Hồi ký Richard Nixon, Nxb. Công an nhân dân, 2004, tr. 904.

6.  Gabriel Kolko: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2003, tr. 533.

7. George C. Herring: Cuộc chiến tranh dài ngày của nước Mỹ, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1998, tr. 326.

8. Hồi ký Nixon, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2004, tr. 907.

 

Bình luận