Lịch sử loài người đã chứng kiến nhiều quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú - một loại tài sản hữu hình, nhưng vẫn bị xếp vào các quốc gia nghèo, ngược lại có những quốc gia ít đất đai, nghèo tài nguyên thiên nhiên nhưng lại thuộc nhóm giàu có. Đạt được như vậy là do các quốc gia này đang sở hữu nguồn tài sản vô hình to lớn, đó là các thành tựu của khoa học công nghệ, sáng tạo nghệ thuật, bí quyết kinh doanh... Tỷ trọng của các tài sản vô hình ngày càng tăng so với tài sản hữu hình, cho thấy vai trò quan trọng của tài sản vô hình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Chính vì vậy, từ đầu thế kỷ XXI, các nền kinh tế phát triển bắt đầu đầu tư nhiều vào tài sản vô hình hơn là vào tài sản hữu hình như trước đây và nền kinh tế vô hình trở thành nguồn lực chính cho sự thành công lâu dài sau này. Tuy nhiên, nền kinh tế vô hình cũng gây ra những hệ quả không nhỏ đối với kinh tế - xã hội mỗi quốc gia phát triển.
Kinh tế Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung của kinh tế thế giới, tuy nhiên sự quan tâm dành cho tài sản vô hình và nền kinh tế vô hình còn chưa tương xứng với tầm quan trọng của chúng.
Cuốn sách Chủ nghĩa tư bản không có tư bản: Sự trỗi dậy của nền kinh tế vô hình của hai tác giả Jonathan Haskel và Stian Westlake, do Nhà xuất bản Đại học Princeton ấn hành năm 2018, đi sâu phân tích các đặc tính quan trọng của tài sản vô hình và những tác động của chúng đến nền kinh tế, từ đó chỉ ra cách các nhà quản lý, nhà đầu tư và nhà hoạch định chính sách có thể khai thác các đặc điểm của nền kinh tế vô hình để phát triển doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.