Ở Việt Nam, quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh và phát huy dân chủ, bảo đảm, bảo vệ và phát huy quyền con người trong quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng đang đặt ra yêu cầu phải xây dựng, hoàn thiện hơn nữa mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân, thiết lập vị thế bình đẳng, hợp tác giữa hai chủ thể thông qua những cơ chế pháp lý thiết thực và hiệu quả. Nguyên tắc thượng tôn pháp luật trong Nhà nước pháp quyền cũng đòi hỏi việc thiết lập một cơ chế bảo hộ công dân trên các nền tảng pháp lý vững chắc như một cam kết về trách nhiệm từ phía Nhà nước đối với người dân nhằm kiến tạo môi trường để họ có thể chủ động, tích cực hơn khi sử dụng, bảo vệ các quyền cơ bản của mình.
Cuốn sách Cơ chế pháp lý về bảo hộ công dân ở Việt Nam tập trung làm rõ một cách có hệ thống những vấn đề lý luận và thực tiễn của cơ chế pháp lý về bảo hộ công dân và cơ chế pháp lý bảo hộ công dân ở Việt Nam; thực trạng cơ chế pháp lý về bảo hộ công dân ở Việt Nam qua các bản Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992, 2013, những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, vướng mắc, từ đó, đưa ra các quan điểm, giải pháp nhằm xây dựng và hoàn thiện cơ chế pháp lý về bảo hộ công dân ở Việt Nam.