Cơ chế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, ở cả 3 cấp độ (quốc tế, khu vực và quốc gia) gắn liền với sự hình thành và phát triển của cơ chế quốc tế về bảo vệ các giá trị chung, phổ quát của nhân loại. Cả ba cấp độ cơ chế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người này được hình thành có tính hỗ trợ, bổ sung cho nhau để làm tăng tính hiệu quả của việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới.
Ở cấp độ quốc tế, cơ chế bảo vệ và thúc đẩy quyền con người quan trọng nhất chính là các cơ quan và các quy tắc, thủ tục về thúc đẩy, bảo vệ quyền con người của Liên hợp quốc. Cơ chế Liên hợp quốc bảo đảm quyền con người là hệ thống các quy phạm, chuẩn mực, nguyên tắc ràng buộc pháp lý quốc tế về quyền con người cùng với những thiết chế điều chỉnh hành vi của các quốc gia thành viên trong việc tôn trọng và thực thi các cam kết đối với các quyền con người.
Cơ chế khu vực đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người được nêu trong hệ thống pháp luật quốc tế. Sự ra đời của cơ chế khu vực, điển hình và hiệu quả là cơ chế châu Âu, là một yêu cầu tất yếu của việc đưa các chuẩn mực quốc tế áp dụng trong phạm vi quốc gia và khu vực dựa trên những điều kiện đặc thù và trình độ phát triển nhất định, sự tương đồng của khu vực.
Ở cấp độ quốc gia, nghĩa vụ bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trước hết và quan trọng nhất thuộc về nhà nước, vì vậy, bên cạnh bộ máy thực thi pháp luật thì nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đã tăng cường thành lập cơ chế quốc gia thúc đẩy, bảo vệ quyền con người. Các quốc gia đều có các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp để không ngừng tôn trọng và bảo đảm tốt các quyền con người.
Cuốn sách chuyên khảo Cơ chế quốc tế, khu vực và quốc gia về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người của tập thể tác giả thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh do PGS.TS. Tường Duy Kiên và PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Hải đồng chủ biên, cung cấp tài liệu chuyên khảo và phổ biến thông tin kiến thức về cơ chế thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở ba cấp độ quốc tế khu vực và quốc gia; đồng thời góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về vai trò bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Nội dung cuốn sách được kết cấu gồm 4 chương: Chương I tập trung phân tích khái niệm, quá trình hình thành, đặc điểm và cơ chế hoạt động của cơ chế quốc tế về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người; từ Chương II đến Chương IV đi sâu phân tích cơ chế của Liên hợp quốc, cơ chế khu vực và cơ chế quốc gia về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Đặc biệt phần quốc gia, các tác giả đi sâu giới thiệu ý tưởng hình thành, đặc điểm, chức năng, thẩm quyền của cơ quan quốc gia về quyền con người; mô hình cơ quan quốc gia về quyền con người trên thế giới và một số vấn đề gợi mở khi lựa chọn mô hình cơ quan quốc gia về quyền con người ở Việt Nam.