Cuộc đàm phán Pari – Nhìn lại và suy ngẫm

Ngày đăng: 30/01/2013 - 14:01

Cuộc đàm phán Pari kéo dài và quyết liệt. Con đường đi tới Hiệp định rất gian nan. Cuộc chiến tranh không trận tuyến, hai bên đều quyết thắng, cuộc đàm phán liên quan đến nhiều bên, lập trường, lợi ích rất xa nhau. Các vấn đề phải bàn bạc rất nhiều.

Nhin lai va suy ngam

Hai nền ngoại giao - đối chọi và thỏa hiệp

Nền ngoại giao Mỹ rất hùng mạnh, có nhiều kinh nghiệm trên các vấn đề quốc tế. Các nhà ngoại giao Mỹ đều khôn khéo, sắc sảo. Mỹ có chiến lược đàm phán rõ ràng: dùng đàm phán kết hợp với thế mạnh áp đảo trên chiến trường để buộc Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải chấm dứt ủng hộ nhân dân và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, giữ chế độ Sài Gòn trong phạm vi ảnh hưởng của Mỹ.

Ngoại giao Việt Nam rất non trẻ. Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, từ chiến khu trở về Hà Nội, ngoại giao Việt Nam hầu như tay trắng, không có các nhà ngoại giao chuyên nghiệp. Trên tinh thần vừa làm, vừa học hỏi, chúng tôi đến Pari với ý thức dân tộc và ngoại giao đạo lý để chống chọi với ngoại giao trên thế mạnh của Hoa Kỳ. Chiến lược của chúng tôi là vận dụng ngoại giao và đàm phán để phục vụ đấu tranh quân sự, chính trị ở chiến trường, tập hợp bạn bè quốc tế, tác động vào nước Mỹ và hỗ trợ phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh. Việt Nam kiên trì đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân mà không được đòi điều kiện gì. Hoa Kỳ không ngừng đòi hỏi hai bên cùng rút quân, khôi phục khu phi quân sự để cắt đường tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam. Phía Hoa Kỳ nêu mạnh khẩu hiệu "hai bên cùng xuống thang chiến tranh", nhưng suốt gần 5 năm, họ không giành được kết quả nào. Phía Việt Nam không đưa khẩu hiệu đó, nhưng xoáy vào thế khó của Mỹ, đã nhiều lần tìm cách kéo được Mỹ xuống thang đơn phương:

- Năm 1967, Việt Nam dùng đòn ngoại giao đòi Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc để đàm phán, tạo sức ép lớn. Rồi đòn Tết Mậu Thân tác động mạnh, Mỹ buộc phải xuống thang lần thứ nhất, hạn chế ném bom miền Bắc (31-3-1968).

- Tháng 10-1968, lợi dụng khó khăn và yêu cầu của chính quyền Johnson trong năm bầu cử, đàm phán đã đưa tới thoả thuận Mỹ chấm dứt hoàn toàn ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Mỹ xuống thang lần thứ hai. Một thắng lợi lớn của Việt Nam.

- Từ năm 1969, Việt Nam bước vào thời kỳ vừa chiến đấu vừa củng cố lực lượng. Phía Mỹ bắt đầu chính sách "Việt Nam hoá chiến tranh". Ban lãnh đạo Hà Nội chỉ thị cho đoàn đàm phán: "Nhiệm vụ chủ yếu là đẩy địch xuống thang một bước trên chiến trường chính, ép Hoa Kỳ đơn phương rút một bộ phận quân Mỹ"1. Suốt ba năm giằng co, ngoại giao Việt Nam nỗ lực để thúc đẩy điều đó. Sau ba năm Mỹ đơn phương rút trên 400.000 quân, mở ra một thế trận mới thuận lợi cho Quân giải phóng. Chúng tôi coi đây là bước xuống thang thứ ba rất quan trọng của Mỹ.

- Suốt quá trình đàm phán, Mỹ luôn đòi "hai bên cùng rút quân". Mùa Thu 1971, trong đề nghị hòa bình ngày 10-11-1971, phía Mỹ gác yêu sách đòi "hai bên cùng rút quân". Chúng tôi coi đây là lần thứ tư Mỹ xuống thang - lần này là về lập trường đàm phán.

Những thắng lợi từng bước đó cùng với cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè 1972 đã tạo thời cơ để Việt Nam đưa đàm phán đi vào thực chất từ tháng 7-1972. Ngày 8-10-1972, Việt Nam lật bài, gác vấn đề lật đổ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và các vấn đề chính trị nội bộ miền Nam, đưa tới thoả thuận ngày 20-10-1972. Nguyễn Văn Thiệu phá, Mỹ đề nghị đàm phán lại rồi dùng B52 gây sức ép, đến ngày 22-1-1973, đạt thoả thuận cuối cùng, ký tắt, nội dung cơ bản vẫn là thoả thuận ngày 20-10-1972.

Sau hơn 30 năm, nay nhìn lại Hiệp định thì thấy đó là một công trình của nghệ thuật thoả hiệp sau một thời gian dài mặc cả, đổi chác khó khăn. Hiệp định có 23 điều khoản thì có tới 21 điều phản ánh sự thoả hiệp, mà thoả thiệp bao trùm nhất là duy trì nguyên trạng ở miền Nam Việt Nam với hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát. Chỉ có hai điều khoản Mỹ nhận đơn phương: Điều 5, Mỹ đơn phương rút hết quân Mỹ và Điều 21, Mỹ nhận đóng góp hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chiến tranh kết thúc, quân Mỹ cũng không còn lý do gì để ở lại. Còn vấn đề Mỹ nhận đóng góp khắc phục hậu quả chiến tranh là một sự tính toán dùng viện trợ kinh tế để kiềm chế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhằm duy trì chế độ Sài Gòn ít nhất là trong một khoảng thời gian thích hợp. Nói vậy để thấy với Hiệp định, mỗi bên mới đạt yêu cầu tối thiểu. Cái chưa giành được hoặc phải nhân nhượng là do tương quan, do tình thế, chứ không phải do đàm phán sơ hở hay vụng tính.

Những điều đáng tiếc và nguyên nhân thật sự

Phần trên đã đề cập trí tuệ và nghệ thuật đàm phán của hai bên. Tuy vậy, cũng có những điều đáng tiếc đã xảy ra mà chúng ta cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn, cũng là để rút kinh nghiệm chung.

Về phía các nhà đàm phán Hoa Kỳ, tôi nghĩ họ đã làm việc và phối hợp với chính quyền Sài Gòn không tốt. Cuối tháng 10-1968, họ đã để cho Nguyễn Văn Thiệu ngáng đường, chống lại việc Johnson chấm dứt ném bom miền Bắc Việt Nam, đưa tới thất bại của ông Humphrey trong bầu cử, mặc dầu phía Việt Nam đã cố gắng "hỗ trợ". Hồi tháng 10-1972, Thiệu lại ngáng đường Nixon không ký được thoả thuận ngày 20-10. Một lần nữa, các nhà đàm phán Mỹ không hiểu và không lường được Thiệu. Trong Hiệp định, điều khoản về khu phi quân sự không có gì quan trọng. Suốt mấy phiên họp phía Mỹ đòi ghi cho được theo yêu cầu của mình làm cho đàm phán gián đoạn giữa tháng 12-1972. Lúc này, cả Hà Nội và đoàn đàm phán đều lường trước việc Mỹ sẽ làm mạnh, gây sức ép, nên Lê Đức Thọ cố tình báo cho Kissinger biết ông đi về mất bảy ngày, hàm ý nói với phía Mỹ rằng ông sẽ sớm sang để kết thúc... Thế nhưng, Mỹ vẫn dùng B52 đánh Hà Nội để gây sức ép. Đây là một sai lầm lớn, sai lầm toàn diện của Mỹ về chính trị và chiến lược, về ngoại giao và đạo lý.

Về phía Việt Nam, chúng tôi cũng có những thiếu sót trong nghiên cứu tính toán. Mùa Thu 1972, ở Mỹ đang vận động bầu cử tổng thống quyết liệt. Chúng tôi đánh giá hiện tượng McGovern không được sát nên có phần chần chừ trong đàm phán, chậm ngả bài, mãi đến ngày 8-10-1972 mới đưa đề nghị hòa bình cuối cùng, chỉ cách bầu cử ở Mỹ non một tháng.

Với điều khoản về khu phi quân sự, đến ngày 12-12-1972, hai bên chỉ khác nhau hai chữ "qua lại" và "qua lại dân sự". Hà Nội không chấp nhận dùng chữ "qua lại dân sự" như Mỹ muốn. Lê Đức Thọ phải về Hà Nội xin ý kiến nên mất khả năng kết thúc đàm phán trước Noel và năm mới. Học giả Asselin trong một cuộc hội thảo ở Texascho rằng: "Thời đó Việt Nam kiên trì không chịu nhận vì cho rằng thời gian ủng hộ mình". Trên thực tế thì không phải như vậy. Sự thật là Hà Nội đã muốn kết thúc sớm. Từ tháng 11-1972, Hà Nội đã nhận định: "Ta tranh thủ kết thúc chiến tranh sớm thì tốt nhưng nếu Mỹ ngoan cố thì ta sẵn sàng chiến đấu". Lý do không chấp nhận công thức của Mỹ, Hà Nội giải thích cho đoàn đàm phán như sau: "Ta kiên quyết không ghi vấn đề khu phi quân sự theo cách của Mỹ vì như vậy sẽ đẻ ra nhiều vấn đề phức tạp. Đây là một âm mưu rất lớn của Mỹ nhằm chia cắt lâu dài Việt Nam, tạo cho Sài Gòn trở lại vấn đề "rút quân miền Bắc" về phía Bắc khu phi quân sự... Hà Nội đã thảo luận kỹ vấn đề này... còn ta không nên vì muốn giải quyết sớm mà bỏ vấn đề nguyên tắc này"2.

Trong khi Hà Nội nhấn mạnh mưu đồ của Mỹ trong vấn đề này, thì Lê Đức Thọ, nhà đàm phán chính, có ý kiến: "Tôi cho rằng vấn đề này (khu phi quân sự) không có nghĩa lý gì. Quân của mình đóng 40 kilômét sâu bên trong vĩ tuyến 17 rồi và cả quân đoàn của mình cũng đã ở đó rồi. Ý kiến của đoàn Pari và Hà Nội khác nhau ở điểm này. Không dùng điện tín được mà tôi phải về mới trình bày rõ được. Thông tin cách trở khó khăn là vậy. Khi tôi thảo luận xong với Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đồng ý rồi thì nó ném bom"3. Đây là sự thật về vấn đề khu phi quân sự và nguyên nhân Mỹ ném bom để gây sức ép. Ngày 22 tháng 12, Bộ Chính trị Việt Nam nhận định: "Mỹ ném bom để ép ta trở lại văn bản ngày 23 tháng 11, nhưng thất bại, nay dùng con bài ngừng ném bom để nối lại đàm phán"4.

Đàm phán và Hiệp định Pari trong lịch sử Việt Nam

Từ ngày thành lập, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bốn lần đàm phán và ký kết các hiệp định về độc lập, chủ quyền. Cuộc đàm phán Pari là cuộc đàm phán lâu dài và quyết liệt nhất. Chúng tôi coi đàm phán Pari là một sự kiện lớn trong lịch sử Việt Nam hiện đại. Đàm phán đã hoàn thành xuất sắc vai trò phục vụ và phối hợp với đấu tranh quân sự, chính trị. Vừa đánh, vừa đàm là phương thức tốt nhất để thực hiện sự phối hợp ấy và cũng là bài học quan trọng nhất của chúng tôi về nghệ thuật đàm phán. Hiệp định Pari là một mốc son trong nền ngoại giao Việt Nam, liên quan đến con đường thắng lợi và vận mệnh của đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam đã tính con đường và cung cách giành thắng lợi. Từ năm 1963 đến năm 1972, Ban lãnh đạo Việt Nam đã ba lần trù tính phương thức "Giành thắng lợi quyết định".

- Năm 1964, định đánh đổ chế độ Sài Gòn trước khi
Mỹ vào.

- Năm 1968, định giành thắng lợi quyết định với đòn Tết Mậu Thân.

- Năm 1972, định giành thắng lợi quyết định với cuộc tiến công chiến lược Xuân - Hè.

Cả ba lần ấy đều có thắng lớn nhưng chưa mang tính quyết định. "Hiệp định Pari đạt được trên cơ sở làm phá sản chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh", đánh thắng cuộc bắn phá bằng B52, đi tới ký hoà ước Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân. Chúng tôi coi thắng lợi tổng hợp này là "thắng lợi quyết định". Nó quyết định cục diện của chiến tranh. Nó mở đường cho thắng lợi cuối cùng vào mùa Xuân 1975.

Như vậy, phương thức giành "thắng lợi quyết định" trong cuộc chiến đấu với một kẻ thù mạnh là tổng hoà thắng lợi quân sự, chính trị, ngoại giao chứ không chỉ có thắng lợi trên chiến trường.

 

(Lược trích: Nghệ thuật ngoại giao Việt Nam với cuộc đàm phán Pari, Nxb.CTQG, H, 2012, tr.165-172)

Nguyễn Khắc Huỳnh

Nguyên Đại sứ, thành viên Đoàn đàm phán Pari về Việt Nam

Chú thích:

 1. Ngoại giao Việt Nam 1945 - 2000, Nxb.CTQG, H, 2002, tr.236.

2.  Lưu Văn Lợi - Nguyễn Anh Vũ: Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Pari, Nxb.CAND, H, 2002, tr.375.

3, 4. Hồ sơ của tác giả.

 

Bình luận