Cuộc chiến giá dầu gây nhiều hệ lụy

Ngày đăng: 27/05/2016 - 08:05

Cuộc chiến giảm giá dầu để thống lĩnh thị trường "vàng đen" thế giới giữa một số nước xuất khẩu dầu mỏ, mà tiêu biểu là Arập Xêút và Mỹ, đang đẩy giá dầu liên tục lao dốc trong hơn một năm qua và khiến chính những "người trong cuộc" phải trả giá đắt. Theo đó, ngân sách quốc gia của Arập Xêút, Nga, Venêxuêla và nhiều nước Trung Đông đã bị thu hẹp đáng  kể khi giá dầu  giảm; các đại gia trong ngành sản xuất dầu khí của Mỹ cũng thua lỗ năng khi giá bán dầu và khí đốt nhiều thời điểm thấp hơn giá thành. Trong khi đó giới phân tích dự báo giá dầu chưa thể tăng mạnh trong ngắn hạn do cung vẫn vượt cầu và "cuộc chiến" nói trên chưa thể sớm ngã ngũ.

cuoc chien255

Cuộc chiến tranh giành thị phần dầu lửa giữa các “đại gia” dầu lửa Trung Đông, mà cụ thể là Arập Xêút với các “ông vua dầu lửa” của Mỹ đã diễn ra khốc liệt trong hơn một năm qua. Trước sự phát triển mạnh mẽ của ngành sản xuất khí đốt đá phiến ở Mỹ, phía Arập Xêút đã thực thi các chính sách để tăng nguồn cung, đẩy giá dầu giảm mạnh.

Giá dầu giảm, ngân sách các quốc gia "co lại"

Tính đến nay, giá dầu đã giảm hơn 70% từ mức đỉnh điểm 116 USD/thùng hồi tháng 6-2014. Nguyên nhân chính khiến giá dầu lao dốc là do dư thừa nguồn cung. Thứ trưởng thứ nhất Bộ Năng lượng Nga Alexey Texler mới đây nhận định rằng, thị trường dầu mỏ toàn cầu hiện dư thừa khoảng 1,8 triệu thùng/ngày.

Việc giá dầu liên tục “lao dốc” đã khiến tất cả các nước xuất khẩu dầu mỏ lâm vào cảnh khó khăn khi ngân sách bị “bốc hơi” mạnh mẽ. Việc giá dầu giảm đang trở thành đòn “gậy ông đập lưng ông” với chính Arập Xêút. Tại nước này, nơi vốn nổi danh là vùng đất xa hoa, giàu có, giờ đây, chính phủ đã bắt đầu phải hạn chế nhiều khoản chi, trong bối cảnh ngân sách quốc gia đang khó khăn vì giá dầu giảm. Thống kê cho thấy, ngân sách của Arập Xêút với 90% từ dầu mỏ đã giảm đáng kể khiến thâm hụt ngân sách  năm 2015 vượt 20% GDP. Sau nhiều năm không phát hành trái phiếu kể từ năm 2007, mới đây Arập Xêút đã phải vay 15 tỷ USD từ người dân qua trái phiếu địa phương. Đây là lần đầu tiên Arập Xêút phát hành trái phiếu kể từ năm 2007. Quốc vương Salman cũng đã phải chỉ đạo các bộ ngưng dự án mới, chấm dứt mua xe, đồ nội thất và các trang thiết bị…

Một số nước xuất khẩu dầu mỏ khác ở Trung Đông cũng lâm vào cảnh khó khăn. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các nước xuất khẩu dầu mỏ ở Trung Đông và Bắc Phi (MENA) đã thiệt hại hơn 340 tỷ USD nguồn thu ngân sách trong năm 2015, tương đương 20% GDP của các nước này do giá dầu giảm mạnh.

Trong khi đó, đối thủ chính tranh giành quyền thống lĩnh thị trường dầu khí với Arập Xêút và các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) khác là các công ty sản xuất dầu lửa của Mỹ đã phải liên tục tìm cách “thắt lưng buộc bụng” và không ít trong số đó đã phá sản. Baker Hughes Inc. vừa cho biết, trong bối cảnh giá dầu lao dốc, các công ty dầu khí của Mỹ đã cắt giảm chi tiêu nhiều đến nỗi chỉ có 502 giàn khoan dầu còn đang hoạt động ở nước này. Paul Hornsell, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa ở Standard Chartered Bank, cho biết trong những tuần tới, con số trên còn có thể tụt xuống dưới 488, mức thấp kỷ lục tính từ năm 1948.

Không phải đối thủ lớn nhất tranh giành thị phần với Arập Xêút và các quốc gia thành viên OPEC, nhưng Nga là nước “bị vạ lây” và thiệt hại nặng nề. Trả lời phỏng vấn truyền hình, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov vừa cho biết, tình trạng tụt dốc của giá dầu sẽ khiến nguồn thu ngân sách của Nga hao hụt 3.000 tỷ rúp (38,6 tỷ USD) trong năm nay. Bản dự toán ngân sách 2016 của Nga được tính toán dựa trên mức giá dầu Ural là 50 USD/thùng. Tuy nhiên, mặt hàng xuất khẩu chủ chốt này của Nga đã rơi xuống 27 USD/thùng hôm 16 tháng 1.

Theo ông Siluanov, Nga có thể phải sử dụng một phần của Quỹ Tiền tài quốc gia (NWF) để bù đắp cho ngân sách thâm hụt trong năm 2016, nếu không thực thi các biện pháp điều chỉnh ngân sách tương ứng với giá dầu mới. Giá dầu giảm khiến Chính phủ Nga phải cắt giảm chi tiêu công và thậm chí điều chỉnh lại dự báo kinh tế vĩ mô cho năm 2016. Giá dầu giảm cũng đang gây sức ép đối với đồng rúp Nga. Gần đây, giá đồng rúp đã giảm mạnh với mức gần 86 rúp/1 USD, trong khi vào thời điểm giá dầu còn trên mức 100 USD/thùng năm 2014, tỷ giá là 35 rúp/1 USD.  Kế hoạch chống khủng hoảng kinh tế ở Nga được cho là đã hoàn thiện vào giữa tháng 2 vừa qua, nhưng buộc phải kéo dài sau báo cáo của Bộ Tài chính Nga, vì không đủ ngân sách để thực hiện. Theo kế hoạch, Chính phủ Nga cần 250 tỷ rúp (khoảng 3,3 tỷ USD) để thực hiện kế hoạch nói trên, trong khi quỹ chống khủng hoảng chỉ còn lại 120 tỷ rúp, tức là chưa đến một phần hai. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Nga ước tính đã suy giảm 4,3% trong năm 2015 và tiếp tục rơi vào suy thoái trong năm nay.

Một “nạn nhân” khác của cuộc chiến giá dầu nói trên là Vênêxuêla. Giá dầu giảm đã khiến ngân sách của quốc gia xuất khẩu dầu mỏ này ngày càng cạn kiệt và nền kinh tế lâm vào khủng hoảng. Cuối tháng 2 vừa qua, Vênêxuêla đã phải phá giá đồng nội tệ ở mức 37% và chuyển hệ thống ba tỷ giá hối đoái chính thức thành hệ thống gồm hai tỷ giá hối đoái như một phần của gói biện pháp giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Vênêxuêla sẽ suy giảm 6% trong năm nay, và đây là quốc gia có chỉ số tăng trưởng tồi tệ nhất thế giới.

Cuộc chiến giá dầu chưa có hồi kết

Một số chuyên gia nhận định, với việc giảm giá dầu sâu để giành thị phần, Arập Xêút đã phải gánh chịu các hậu quả kinh tế lớn, bởi nước này đã đánh giá thấp khả năng chịu đựng bền bỉ của các đối thủ là công ty sản xuất khí đốt đá phiến của Mỹ. Các nhà sản xuất khí đốt đá phiến ở Mỹ đã cắt giảm ngân sách, tập trung vào các giếng dầu có chi phí thấp nhất và sinh lãi nhiều nhất và cải tổ mạnh mẽ để có hiệu suất cao hơn. Điều này cho phép họ giảm sâu giá hòa vốn và ổn định sản lượng. Kết quả là sản lượng của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) gần như không đổi trong năm qua - từ 26 đến 27 triệu thùng/ngày bất chấp giá dầu đã giảm 70%. Sau những sai lầm như trên, Arập Xêút đang ở tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, vì mục tiêu đánh bật các đối thủ cạnh tranh đã hoàn toàn thất bại cho đến thời điểm này, nhưng nếu từ bỏ chiến lược trên sẽ đồng nghĩa với việc ném hàng tỷ đôla Mỹ xuống biển. Tuy nhiên, nước này cũng không dễ dàng từ bỏ cuộc chiến với các đối thủ trên thị trường dầu mỏ, bởi nền tảng kinh tế cùng lượng dự trữ ngoại hối lớn khoảng 600 tỷ USD vẫn cho phép nước này gây khó khăn thêm, hy vọng các công ty khí đốt đá phiến của Mỹ phá sản hàng loạt.

Giới phân tích nhận định, trong bối cảnh nêu trên, cuộc chiến giá dầu chưa thể có “hồi kết” trong tương lai gần. Bên cạnh đó, các nước xuất khẩu dầu mỏ vẫn chưa thể đưa ra các giải pháp toàn diện, căn bản để ngăn dầu giảm giá. Để đối phó tình trạng dầu giảm giá do dư thừa nguồn cung, tại cuộc họp ngày 16 tháng 2 vừa qua ở Đôha, Cata, Nga - nhà sản xuất lớn nhất ngoài OPEC và Arập Xêút - nhà sản xuất lớn nhất OPEC, đã đồng ý “đóng băng” sản lượng ở mức tương đương của tháng 1-2016 nhằm bình ổn thị trường dầu mỏ. Một số nhà sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ lớn như Cata, Côoét, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE) và Vênêxuêla cũng nhất trí tham gia đề xuất này.

Tuy nhiên, đa số các nhà phân tích nhận định, thỏa thuận “đóng băng” sản lượng dầu mỏ giữa Arập Xêút và Nga chưa thể thắp lên hy vọng về một tương lai ổn định cho thị trường năng lượng quốc tế. Tổ chức tư vấn, nghiên cứu kinh tế Capital Economics (Anh) khuyến cáo các nhà đầu tư trên thị trường năng lượng quốc tế cần thận trọng, vì dù một số nước nhất trí “đóng băng” sản lượng, thì sản lượng dầu mỏ của OPEC và Nga vẫn ở mức cao, trình trạng dư cung vẫn tồn tại. Theo Bộ Năng lượng Nga, Nga và OPEC đã bơm dầu ở gần mức cao kỷ lục trong tháng 1-2016, với sản lượng của Nga là 10,88 triệu thùng/ngày, hơn với mức bình quân 10,72 triệu thùng/ngày năm 2015.  Nếu thỏa thuận “đóng băng” sản lượng ở mức của tháng 1-2016 được thực thi, mức này vẫn sẽ cao hơn 1,5% so với mức trung bình của năm 2015.

Bên cạnh đó, Iran chưa sẵn lòng “đóng băng” sản lượng và thị trường dầu mỏ thế giới vẫn đang tiếp nhận một nguồn cung dầu lớn từ Iran. Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Dầu khí Iran vừa cho biết, nước này sẽ không cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ mà thay vào đó sẽ tiếp tục tăng cường xuất khẩu dầu thô cho đến khi đạt ngưỡng tương đương trước khi bị áp đặt các lệnh trừng phạt quốc tế. ViệcIrankhông giảm sản lượng khai thác sẽ làm giảm đáng kể tác dụng của thỏa thuận “đóng băng” sản lượng để tăng giá dầu mà Nga và Arập Xêút vừa nỗ lực để đạt được hồi tháng 2.

Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết, sản lượng dầu thô của Iran gần như đi ngang trong suốt ba năm qua, ở mức trung bình khoảng 2,8 triệu thùng/ngày trong năm 2015, bằng 9% tổng sản lượng khai thác dầu mỏ của OPEC. Sau khi các cường quốc quyết định dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran dựa trên những bước tiến của nước này trong việc thực thi thỏa thuận đạt được hồi năm ngoái, Tehran đã lên kế hoạch tăng cường khai thác nguồn “vàng đen” này trong vài tháng tới nhằm bù lại những thiệt hại kinh tế trong thời gian bị cấm vận. Tháng 1-2016, Công ty Dầu mỏ quốc giaIranđã quyết định tăng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày. Báo cáo của EIA về Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) dự đoán, sản lượng khai thác dầu thô trung bình của Iran sẽ ở mức 3,1 triệu thùng/ngày trong năm 2016 (tương đương 10% tổng sản lượng khai thác mỗi ngày của OPEC) và khoảng 3,6 triệu thùng/ngày năm 2017. Theo đó, sản lượng khai thác dầu thô trung bình của Iran sẽ đạt 3,3 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2016, và 3,7 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2017. Thứ trưởng Bộ Dầu mỏ Iran Roknoddin Javadi cho biết, sản lượng khai thác dầu mỏ của nước này sẽ tăng lên mức 4,7 triệu thùng/ngày trong những năm tới. 

Các nước xuất khẩu dầu mỏ lo ngại rằng động thái của Iran sẽ càng làm cho nguồn cung dầu mỏ thế giới tiếp tục tăng cao và đẩy giá dầu chạm “đáy” mới. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, nhiều khả năng giá dầu chỉ giảm sâu trong quý I năm 2016, sau đó sẽ hồi phục dần dần cho đến cuối năm nay.

Tuy nhiên, một số tổ chức khác lại cho rằng, giá dầu sẽ giảm dần cho đến cuối năm 2016. Tập đoàn tài chính Barclays của Anh nhận định, thị trường dầu mỏ vẫn trong tình thế khó khăn. Ngày 22 tháng 2, phát biểu tại Diễn đàn Tài chính Arập đang diễn ra tại Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), người đứng đầu IMF - bà Christine Lagarde nhận định, giá dầu “có khả năng duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài”. Trong khi đó, các chuyên gia khu vực Trung Đông nhận định giá dầu thô trên thị trường thế giới cũng sẽ tiếp tục xu thế ảm đạm trong năm 2016, song có thể phục hồi mạnh từ giữa năm 2017. 

Với việc giá dầu chưa thể tăng mạnh trong ngắn hạn, các nước xuất khẩu dầu mỏ chắc chắn sẽ còn phải trả giá đắt hơn nữa và điều này không phải tin tốt lành trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa hết “ốm yếu” như hiện nay.

Quốc Trung




Bình luận