Cuốn sách Định vị các ngành công nghiệp văn hóa trong phát triển bền vững ở Việt Nam do PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương chủ biên tập trung vào ứng dụng lý thuyết, cập nhật các khung đánh giá vào việc nhận diện sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong phát triển bền vững từ góc độ thể chế. Cuốn sách gồm 3 phần, trong đó nội dung chính tập trung vào Phần II: Định vị, bao gồm: Chương 1. Công nghiệp văn hóa, phát triển bền vững và những chuyển biến tại Việt Nam; Chương 2. Các mô hình quốc tế và gợi mở về sự lựa chọn của Việt Nam; Chương 3. Các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong phát triển bền vững: Thực tại và thách thức liên ngành; và Phần III: Những sáng kiến cho hiệ tại và tương lai, bao gồm: Chương 4. Thành phố sáng tạo: Sự hội tụ và lan tỏa của các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng bền vững; Chương 5. Chỉ số Văn hóa 2030 của UNESCO và những gợi mở cho Việt Nam về phát triển công cụ hoạch định chính sách công nghiệp văn hóa dựa trên các bằng chứng; Chương 6. Đổi mới để phát triển, hướng tới sự kết nối các vấn đề để định vị các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong phát triển bền vững. Thông qua sáu nội dung cơ bản này, cuốn sách chia sẻ với độc giả các góc nhìn khác nhau để tìm kiếm sự đồng thuận trong việc từng bước định vị sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam theo hướng phát triển bền vững; từ đó đề xuất các tiêu điểm sáng tạo như những giải pháp căn cốt tạo nên các bước đột phát cho các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, góp phần thức đẩy phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng của nước nhà theo hướng bền vững và hội nhập hơn. Cuốn sách là công trình phản ánh đúng bước chuyển mới về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam vào thời điểm được đầu tư đúng mức, được phát triển có trọng tâm và trở thành động lực, mục tiêu của sự phát bền vững. Đây là tài liệu tham khảo hữu ích với độc giả và các nhà nghiên cứu trong việc lựa chọn con đường phù hợp trong tương lai.