Doanh thu của Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đạt 181 tỷ đồng trong 5 năm
Vượt lên khuôn khổ là nơi diễn ra hoạt động bán, trao đổi, trò chuyện về sách, Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh trở thành điểm hẹn văn hóa của người dân trong suốt 5 năm qua.
Điểm hẹn văn hóa của người dân Thành phố Hồ Chí Minh
Ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định trong 5 năm qua, đường sách là điểm đến thân thiện, điểm hẹn văn hóa của không chỉ người dân Thành phố Hồ Chí Minh, mà còn của du khách trong và ngoài nước.
Đây không chỉ là nơi mua, đọc, trao đổi về sách, mà còn là nơi gặp gỡ, trao đổi nghề nghiệp của các tác giả, nhà xuất bản. Nhiều sự kiện văn hóa, nghệ thuật, giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, trong nước và quốc tế cũng được diễn ra tại con đường này.
Sau 5 năm, Đường sách đón khoảng 11,5 triệu lượt khách, tổng doanh thu của các đơn vị có gian hàng đạt 181 tỷ đồng, 3,5 triệu sách được bán ra, trong đó có hơn 57.000 tựa sách mới.
Từ năm 2016 - 2019, hoạt động kinh doanh của các đơn vị tại Đường sách tăng trưởng đều và ổn định, doanh thu bình quân mỗi năm tăng khoảng 10-15%. Tuy nhiên, năm 2020, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng mọi ngành nghề, lĩnh vực, thu nhập của người dân giảm sút nên các chỉ số kinh doanh tại Đường sách bị sụt giảm. So với năm 2019, doanh thu năm 2020 giảm 28%, số bản sách giảm 37%, số tựa sách mới giảm 40%, lượt khách đến đường sách giảm 42%.
Trong 5 năm qua, Đường sách đã tổ chức 1.194 sự kiện với các loại hình hoạt động đa dạng, từ các chủ đề chính trị, xã hội đến văn hóa văn nghệ, giáo dục, khoa học.
Tuy nhiên, ông Lê Hoàng cũng thừa nhận, Đường sách còn nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến kinh phí hoạt động chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý, điều hành và phát triển.
Bãi giữ xe và nhà vệ sinh của Đường sách, từ ngày thành lập đến nay, vẫn chưa được mở rộng, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế về số lượng bạn đọc đến Đường sách ngày càng nhiều, đặc biệt là dịp lễ tết.
Đây cũng là vấn đề mà nhiều đơn vị xuất bản có gian hàng hoạt động tại Đường sách kiến nghị cần sửa chữa, chăm chút để tạo sự thuận lợi, thoải mái cho bạn đọc đến đây.
Đề xuất thành lập công viên sách Tao Đàn
Nhìn lại chặng đường 5 năm đã qua của Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, bà Quách Thu Nguyệt, nguyên Phó Giám đốc Công ty Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, nhắc lại câu chuyện trong quá trình chuẩn bị cho việc thành lập Đường sách.
Theo đó, khi quyết định chọn đường Nguyễn Văn Bình làm Đường sách, ban tổ chức chưa nhận được sự đồng thuận với nhiều lý do. Lúc đó, các thành viên Hội Xuất bản phải đi thuyết phục rất nhiều lần.
"Đến khi được duyệt, cần gấp kinh phí để thực hiện, chính anh Lê Hoàng phải đi mượn tiền để có kinh phí cải tạo con đường giao thông thành Đường sách", bà Nguyệt kể.
Bà cho rằng, sang chặng đường mới, các thành viên của đường sách phải định hướng về tương lai lâu dài của con đường đặc biệt này. Cách tốt nhất để định đoạt tương lai chính là sáng tạo, kiến tạo. Câu chuyện của Đường sách không chỉ là 5, 10 năm. Con đường này xứng đáng được lâu dài hơn nữa.
"Chúng ta cần tránh đi nhận thức thương mại hóa hoạt động của Đường sách. Đường sách phải được trân trọng, đầu tư nhiều hơn nữa vì những giá trị mà 5 năm qua nó đã làm được. Đó là tạo dựng một không gian văn hóa, lối sống văn hóa cho thành phố", bà Nguyệt nêu.
Tại buổi Tọa đàm, ông Dương Thành Truyền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhà xuất bản Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá những thành quả mà Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đạt được rất đáng tự hào và là niềm mơ ước đối với bất kỳ đơn vị hoạt động văn hóa nào.
"Cái hay, đáng tự hào nhất là sự ra đời và thành công của Đường sách đã trở thành cú hích cho văn hóa đọc. Từ Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta có thêm phố sách Hà Nội, rồi đường sách ở thành phố Vũng Tàu. Nhiều tỉnh, thành khác cũng muốn thành lập đường sách, ngay cả ở quê tôi là tỉnh Bạc Liêu cũng nghĩ đến đường sách Bạc Liêu. Tất nhiên, mức độ thành công khác nhau nhưng rõ ràng Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đã thúc đẩy mạnh mẽ văn hóa đọc trong cả nước", ông Truyền nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh đã có đường sách, cà phê sách, nhiều cửa hàng sách. Vậy tại sao chúng ta không nghĩ đến việc có một công viên sách?
"Chẳng hạn như công viên Tao Đàn (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), chúng ta biến trục đường Trương Định bên cạnh công viên Tao Đàn thành không gian sách để cho trẻ em, thanh niên đến trải nghiệm sách", Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhà xuất bản Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất.
Chung quan điểm, ông Đoàn Hoài Trung, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho rằng, công viên Tao Đàn có vị trí địa lý rất thuận lợi để tạo thành một không gian văn hóa, nghệ thuật. Nơi đây có thể làm công viên sách, kết hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tạo thành điểm nhấn cho thành phố.
Theo Zing
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Lịch sử Quân sự Việt Nam” - “Tập đại thành” về công cuộc giữ nước của dân tộc
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”