Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Nhà khoa học tiêu biểu có nhiều cống hiến cho Cách mạng Việt Nam
1. Vài nét về cuộc đời của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa
Giáo sư Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13-9-1913, trong một gia đình giáo viên nghèo ở tỉnh Vĩnh Long. Mồ côi cha khi mới lên 7 tuổi, trong hoàn cảnh khó khăn, với tư chất thông minh, giàu nghị lực, ông luôn cố gắng vươn lên và luôn đạt kết quả học tập xuất sắc trong mọi bậc học. Năm 1926, ông thi đỗ hạng ưu vào Trường Trung học Mỹ Tho, được nhận học bổng 4 năm học (1926-1930). Năm 1930, ông được tuyển thẳng vào Trường Trung học Pêtrus Ký (Sài Gòn) và được học bổng 3 năm liền. Năm 1933, ông đỗ thủ khoa tú tài bản xứ và tú tài Tây; đến tháng 9-1935, ông sang Pháp du học.
Trong hoàn cảnh Chính phủ Pháp nghiêm cấm người dân thuộc địa học tại các trường dạy nghề về vũ khí hay vào làm ở các viện nghiên cứu, các nhà máy sản xuất vũ khí, với lòng đam mê khoa học kỹ thuật, nhất là kỹ thuật sản xuất vũ khí, ông đã theo học và tốt nghiệp kỹ sư, cử nhân các trường: Đại học Bách khoa, Đại học Mỏ, Đại học Điện, Đại học Sorbonne, Đại học quốc gia Cầu đường Pari, Học viện Kỹ thuật Hàng không.
Năm 1939, ông làm việc tại Nhà máy điện khí Thomson, rồi nhà máy sản xuất máy bay tại Pháp. Năm 1942, ông sang Đức làm việc trong Nhà máy chế tạo máy bayHallevà Viện nghiên cứu vũ khí, kỹ thuật hàng không. Sau đó, ông trở lại Pháp làm cho Công ty Sud Avion và một số công ty chế tạo máy bay của Pháp, tham gia Hội Việt Nam Ái hữu tại Pháp.
Tháng 9-1946, cùng với một số trí thức yêu nước, đáp lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông trở về nước tham gia công cuộc kháng chiến kiến quốc của dân tộc.
Ngày 5-12-1946, Chính phủ Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết định cử ông làm Cục trưởng Cục Quân giới. Trong buổi trao nhiệm vụ, ông vinh dự được Bác Hồ đặt tên là Trần Đại Nghĩa. Đáp lại sự tin tưởng của Bác Hồ và Chính phủ, ông cùng các cộng sự miệt mài nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều loại vũ khí, góp phần quan trọng vào những thắng lợi của quân đội ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ông được phong quân hàm Thiếu tướng đầu năm 1948. Năm 1952, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông được giao nhiệm vụ phụ trách công tác ngoài quân đội, lần lượt giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Công Thương (1954)[1]; Thứ trưởng Bộ Công nghiệp kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học chuyên nghiệp Bách khoa, nay là Đại học Bách khoa Hà Nội (1956); Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng (1960) rồi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước (1963) rồi Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (1965).
Với những cống hiến và thành tích xuất sắc về khoa học, đầu năm 1966, ông được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.
Đầu năm 1966, theo sự chỉ đạo của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông trở lại phục vụ quân đội, đảm nhận chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, chuyên trách theo dõi, chỉ đạo về mặt kỹ thuật vũ khí quốc phòng, đồng thời tiếp tục làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước và Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông được Đảng và Nhà nước phân công kiêm chức Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam từ năm 1975 đến năm 1983. Năm 1996, ông được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 về Cụm công trình nghiên cứu và chỉ đạo kỹ thuật chế tạo vũ khí (bazooka, súng không giật, đạn bay) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954.
Sau những năm tháng cống hiến cho đất nước, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa về miền Nam, sinh sống tại Thành phố Hồ Chí Minh và tạ thế ngày 9-8-1997, hưởng thọ 85 tuổi.
2. Những đóng góp của Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa cho cách mạng Việt Nam
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước, Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ, Kỹ sư, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa đã thực hiện nghiêm túc lời Bác Hồ căn dặn, cống hiến hết mình cho lý tưởng cao đẹp mà ông đã theo đuổi từ tuổi thanh xuân và có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông cùng các cộng sự đã nghiên cứu, chế tạo thành công nhiều loại vũ khí cung cấp cho bộ đội, dân quân, du kích chiến đấu. Ông đã nghiên cứu kỹ đặc điểm, yêu cầu của cuộc chiến tranh nhân dân Việt Nam, đề ra phương châm tận dụng nguyên liệu sẵn có trong nước để chế tạo các loại vũ khí phù hợp với chiến trường Việt Nam, mang lại hiệu quả chiến đấu cao.
Cuối tháng 2-1947, tại Xưởng quân giới Giang Tiên, dưới sự chỉ đạo kỹ thuật của ông, các cán bộ, chiến sĩ quân giới đã sản xuất thành công súng bazooka với sức mạnh xuyên thủng 75cm tường thành gạch xây, tương đương với sức nổ của đạn bazooka do Mỹ chế tạo. Súng bazooka do Việt Nam chế tạo có ưu điểm là nhẹ, có thể vác trên vai, bắn không giật, có sức công phá lớn, giúp bộ đội tăng cường sức mạnh hỏa lực, tiêu diệt nhiều xe tăng, tàu chiến, đồn bốt kiên cố của địch. Súng đã được bộ đội sử dụng trong trận chiến đấu diễn ra ngày 3-3-1947 tại Sơn Lộ, Quốc Oai (Hà Đông). Tại trận này, đạn bazooka vừa xuất xưởng đã được bộ đội sử dụng bắn cháy hai xe tăng của quân Pháp, làm cho kẻ thù sửng sốt và là một mốc son của ngành quân giới Việt Nam.
Sau khi chuyển lên Việt Bắc, dưới sự chỉ đạo của ông, xưởng quân giới tiếp tục sản xuất hàng loạt súng bazooka và tính năng, tác dụng của loại súng này ngày càng được phát huy trong các trận chiến đấu. Nếu trước kia, súng bazooka chỉ được sử dụng tập trung đánh các loại xe tăng, thiết giáp của địch thì đến lúc này, bộ đội còn sử dụng để bắn ôtô, lôcốt, dùng thay thế lựu đạn ở những nơi đối phương tập trung đông. Trong chiến dịch Việt Bắc Thu Đông năm 1947, súng bazooka được sử dụng bắn chìm tàu chiến Pháp trên sông Lô. Việc chế tạo thành công súng bazooka và hiệu quả sát thương của nó đã gây cho địch những thiệt hại nặng nề trên các chiến trường.
Loại vũ khí tiêu biểu thứ hai mà ông cùng cộng sự nghiên cứu, chế tạo thành công là súng SKZ 50mm, đầu đạn cỡ 160mm. Trước tình hình bộ đội ta bị thương vong nhiều khi dùng bộc phá cỡ lớn, hoặc mìn lõm cỡ lớn để đánh địch cố thủ trong các lôcốt bêtông cốt thép, Trần Đại Nghĩa nghĩ đến việc chế tạo một loại súng nhẹ, có thể vận chuyển dễ dàng trên đôi vai bộ đội, nhưng lại có sức công phá lớn. Ông cùng với những cộng sự gần gũi như Nguyễn Trinh Tiếp, Hoàng Đình Phu, Bùi Minh Tiêu, Phạm Đồng Điện, Nguyễn Văn Hường… đã tự nghiên cứu, chế tạo súng không giật (SKZ) có tính năng tương tự như súng không giật của Mỹ, xuất hiện lần đầu trong trận quân Mỹ đổ bộ lên đảo Okinawa (Nhật Bản) cuối Chiến tranh thế giới thứ hai. Súng SKZ sau khi được sản xuất đã phát huy tác dụng trong các trận chiến đấu công đồn, diệt lôcốt địch, đặc biệt là các trận Phố Lu (Lào Cai), Chùa Dầu (Ninh Bình), Kông Plông (Khu V), v.v. gây cho địch những thiệt hại nặng nề. Đánh giá về súng SKZ, Lucien Bodart trong cuốn Chiến tranh Đông Dương, xuất bản tại Pari năm 1963 viết: "Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bê tông dày 60cm là những quả đạn SKZ. Chỉ cần vài quả là đã tiêu diệt được lôcốt của chúng tôi".
Sau này, dưới sự chỉ đạo của ông, các cơ sở quân giới tiếp tục nghiên cứu chế tạo thành công các loại súng SKZ cỡ 81mm, 120mm và 175mm. Bên cạnh đó, ông còn cùng các cộng sự cải tiến, chế tạo thành công nhiều loại súng cối. Riêng súng cối 120mm là loại vũ khí tầm xa, với tính năng bắn cầu vồng và bắn thẳng, đã phát huy tác dụng to lớn trong các trận phục kích trên sông của bộ đội.
Loại vũ khí tiêu biểu thứ ba mà ông cùng các cộng sự nghiên cứu, sáng chế thành công là đạn bay, trong đó có loại nặng 30kg có thể đánh phá các mục tiêu ở cách xa 4km. Đạn chống tăng AT, chuyên dùng để bắn xe bọc thép, xe ô tô của địch; đạn súng cối 40mm theo kiểu Nhật và loại súng cối cỡ 50,8mm theo kiểu của Anh. Ngoài ra còn có các loại súng lớn, súng phóng bom; các loại mìn nổ chậm…
Khắc phục hoàn cảnh khó khăn của đất nước, bên cạnh việc nghiên cứu, chế tạo các loại vũ khí có sức công phá lớn, ông còn chỉ đạo cán bộ quân giới giúp các địa phương tự chế tạo các loại vũ khí thông thường. Với phương châm "tận dụng nguyên liệu sẵn có", dưới sự chỉ đạo của ông, cán bộ, công nhân quân giới đã triển khai kế hoạch giúp các địa phương sản xuất các loại lựu đạn bằng gang, bằng sành; các loại mìn... Một mặt, ông cho vẽ các mẫu lựu đạn, mìn gửi cho các địa phương, mặt khác mở lớp bồi dưỡng kỹ thuật, đào tạo công nhân, hướng dẫn cách sản xuất, cách tháo bom nổ chậm, tháo đạn đại bác của địch để lấy thuốc nổ làm nguyên liệu chế tạo mìn, lựu đạn, thủy lôi. Cục Quân giới đảm nhiệm sản xuất và cung cấp cho các địa phương những bộ phận khó của lựu đạn như nụ xòe lựu đạn, thuốc nổ.
Phương châm sản xuất vũ khí như trên đặc biệt có ý nghĩa đối với hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn và phù hợp với đường lối kháng chiến của Đảng. Số lượng vũ khí của lực lượng vũ trang được gia tăng, góp phần đẩy mạnh chiến tranh du kích vùng sau lưng địch. Cục Quân giới, đứng đầu là đồng chí Trần Đại Nghĩa đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện đường lối chiến tranh nhân dân và phương châm "tự cấp, tự túc" vũ khí đánh giặc.
Ngoài việc chế tạo vũ khí, đồng chí Trần Đại Nghĩa còn có những đóng góp quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân đầu tiên của ngành quân giới ở nước ta. Cuối năm 1947, tại Bắc Kạn, ông đã mở lớp đào tạo ngắn ngày về nghiệp vụ, kỹ thuật sử dụng và sản xuất vũ khí cho 100 công nhân. Những người đầu tiên được ông đào tạo sau này đều trở thành những cán bộ cốt cán trong nền công nghiệp quốc phòng Việt Nam.
Không chỉ có những đóng góp trong ngành quân giới, đồng chí Trần Đại Nghĩa còn có những cống hiến trong việc xây dựng Quân đội nhân dân Việ tNam. Từ tháng 3-1949 đến tháng 6-1952, đồng chí được giao thêm nhiệm vụ là Cục trưởng Cục Pháo binh. Đồng chí đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng lực lượng pháo binh để tham gia các chiến dịch lớn. Từ các trung đoàn công binh, pháo binh những năm 1949-1950, đến năm 1951, Đại đoàn 351 - Đại đoàn Công binh - Pháo binh đầu tiên của quân đội ta đã ra đời, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Những cống hiến của đồng chí đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Năm 1948, đồng chí được phong quân hàm Thiếu tướng, trở thành 1 trong 11 vị tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam và được tặng Huân chương Quân công hạng Ba. Năm 1952, tại Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất, Giáo sư được phong danh hiệu Anh hùng lao động, là một trong ba anh hùng lao động đầu tiên của Việt Nam.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, với cương vị là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, đồng chí Trần Đại Nghĩa tiếp tục có những đóng góp lớn trong việc cải tiến và chế tạo vũ khí để cung cấp cho bộ đội trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Đối phó với những vũ khí hiện đại của Mỹ, ông đã góp phần cùng các nhà khoa học tiến hành cải tiến thành công nhiều vũ khí quan trọng như: dàn hỏa tiễn Cachiusa do Liên Xô giúp ta từ nặng, cồng kềnh, phải có xe kéo, thành gọn nhẹ, từng người có thể mang vác, phù hợp với chiến trường, chiến tranh du kích của Việt Nam mà vẫn bảo đảm công năng; cải tiến độ nổ phân mảnh của đầu đạn tên lửa SAM-2; tìm ra các kỹ thuật khắc phục thủ đoạn gây nhiễu của địch trên rađa để nhìn rõ hơn máy bay B.52 và điều khiển tên lửa SAM-2 trúng mục tiêu... Bên cạnh đó, ông còn cùng các đồng nghiệp nghiên cứu, chế tạo ra nhiều loại vũ khí, khí tài đặc biệt phục vụ các hoạt động chiến đấu hết sức phức tạp của Binh chủng Đặc công khi phải đánh tàu chiến của địch ở ngoài khơi như các loại vũ khí chống cá mập, tia hồng ngoại, rađa, siêu âm, thủy lôi,…
Những năm địch đánh phá ác liệt đường Trường Sơn, để thông đường cho các đoàn xe vận tải chở vũ khí, quân trang, lương thực, thực phẩm và bộ đội vào miền Nam, ông cùng các nhà khoa học nghiên cứu ra nhiều biện pháp chống bom từ trường, chống bom bi, chống "cây nhiệt đới", máy đếm, chống bom lade, mìn lá, lựu đạn vi điện tử... Đặc biệt, xe phóng từ trường từ xa ra đời đã chấm dứt tình trạng những đoàn xe vận tải chi viện chiến trường miền Nam bị phá hủy bởi bom từ trường của đối phương, bảo đảm thông đường để xe vận chuyển được an toàn hơn.
Để chống lại vũ khí hiện đại của Mỹ, với tư duy của một nhà khoa học, bên cạnh việc nghiên cứu trực tiếp các loại vũ khí của Mỹ, ông cùng đồng nghiệp còn nghiên cứu các loại sách, báo khoa học về vũ khí của Mỹ; các tài liệu về ngân sách của Quốc hội Mỹ chi cho lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất vũ khí để tiến hành chiến tranh Việt Nam... từ đó, giúp quân đội chủ động đối phó với các loại vũ khí của Mỹ, giảm thiểu thương vong cho bộ đội và nhân dân.
Những đóng góp của đồng chí Trần Đại Nghĩa cùng các cộng sự đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi của quân đội ta trên mặt trận quân sự, đánh bại các kế hoạch chiến tranh của đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miềnNam, thống nhất Tổ quốc.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, với cương vị là Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam[2], Giáo sư cùng với Ban Lãnh đạo Viện đã tập trung nghiên cứu, đưa Viện trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học lớn nhất cả nước nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Giáo sư cùng Ban Lãnh đạo Viện đã vạch ra phương hướng, kế hoạch phát triển dài hạn của Viện, trong đó xác định rõ vị trí, vai trò của Viện trong hệ thống các cơ quan nghiên cứu khoa học của cả nước với ba giai đoạn phát triển và năm hướng nghiên cứu chính.
Để đưa Viện phát triển, Giáo sư đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học, xây dựng cơ sở vật chất cho Viện. Đội ngũ cán bộ khoa học của Viện ngày càng lớn mạnh về số lượng và chất lượng, trong đó có nhiều chuyên gia được đào tạo từ các trường đại học, các học viện, viện nghiên cứu có uy tín ở Liên Xô và các nước Đông Âu. Giáo sư đưa ra những tiêu chí, nguyên tắc khoa học để thành lập một đơn vị nghiên cứu mới, trong đó bốn nguyên tắc không thể thiếu là: phải có nhiệm vụ và đề tài nghiên cứu; có cán bộ đầu ngành; có trang thiết bị cần thiết và có cơ sở vật chất. Trên cơ sở đó, căn cứ vào nhu cầu nghiên cứu thực tế, nhiều trung tâm nghiên cứu khoa học trong Viện được hình thành, tạo bước phát triển mạnh mẽ cho Viện. Nhờ đó, các lĩnh vực nghiên cứu của Viện ngày càng phong phú, đa dạng như: vấn đề tài nguyên thiên nhiên, điều kiện tự nhiên của đất nước; vấn đề sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp và cuộc sống; kỹ thuật xử lý thông tin phục vụ công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội; nghiên cứu toán học, vật lý học, cơ học…
Trong chỉ đạo nghiên cứu khoa học, Giáo sư luôn đề cao nguyên tắc bảo đảm tính ứng dụng trong nghiên cứu khoa học. Giáo sư chỉ rõ: nghiên cứu khoa học phải nhằm phục vụ cuộc sống và sự phát triển của xã hội, trước mắt tập trung phục vụ sản xuất, trong đó, sản xuất nông nghiệp là chủ đạo.
Giữa năm 1980, phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban nghiên cứu vũ trụ Việt Nam, cùng với Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Giáo sư đã trực tiếp nghiên cứu, xây dựng chương trình khoa học cho chuyến bay vào vũ trụ của Anh hùng Phạm Tuân, đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên của châu Á và là quốc gia thứ tám trên thế giới có người bay vào vũ trụ, có khả năng tiếp cận với khoa học vũ trụ hiện đại.
Có thể nói, từ năm 1975 đến năm 1983, vượt lên hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước, Giáo sư và Ban Lãnh đạo Viện đã có những nỗ lực to lớn để xây dựng Viện Khoa học Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học lớn nhất cả nước, có vị trí đối với giới khoa học trong nước và trên thế giới.
3. Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa - Một tấm gương về đạo đức cách mạng
Không chỉ là một nhà khoa học uyên bác, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa còn là một tấm gương sáng về lòng yêu nước và đạo đức cách mạng.
Từ khi còn là một cậu học trò ở Mỹ Tho, chứng kiến cảnh đồng bào bị thực dân Pháp đàn áp dã man, lòng yêu nước, chí căm thù giặc Pháp đã nhen nhóm và được nuôi dưỡng trong Giáo sư. Đây chính là động lực thôi thúc Giáo sư ra sức học tập, nghiên cứu, tìm cách chế tạo vũ khí phục vụ cho cuộc chiến đấu chống xâm lược, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trong những năm du học ở Pháp, mặc dù bị cấm đoán nhưng ông vẫn bí mật nghiên cứu, tích lũy kiến thức về chế tạo vũ khí để trở về phục vụ đất nước. Đến năm 1946, sau 11 năm học tập, nghiên cứu, Giáo sư đã ghi chép được hơn 30.000 trang tài liệu về vũ khí.
Tháng 9-1946, khi được Chủ tịch Hồ Chí Minh động viên về nước phục vụ kháng chiến, Giáo sư đã từ bỏ cuộc sống sung túc, đầy đủ ở Pháp, sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn, gian khổ để trở về quê hương. Lòng yêu nước và tinh thần quyết tâm phụng sự Tổ quốc của Giáo sư được thể hiện sâu sắc qua dòng suy nghĩ: Đồng bào ta bị thực dân đè nén khổ nhục ở nước nhà. Trong chiến tranh này, ngay trên đất Pháp, kiều bào ta cũng bị hai tầng bóc lột của Đức và bọn Pháp tay sai của chúng. Chúng đẩy anh em ta đi chết không công cho chúng ở mặt trận. Chúng ăn cướp sức lao động của người mình ở các cơ xưởng, các trại trồng trọt, chăn nuôi. Có anh làm ruộng muối mùa đông, bị nó đánh ức quá, để hai bàn tay lên đường ray cho xe lửa nghiền đứt đôi, rồi nằm chết cóng trong vũng máu. Dân mình thế nào cũng có ngày nổi dậy; mình phải có súng đạn, phải ra công tự làm súng đạn một phần nào. 80 năm nay, chúng nó không cho một người Việt Nam nào được học trường chế tạo vũ khí cả.
Giáo sư đã nêu một tấm gương về lối sống thanh bạch, giản dị, đồng cam cộng khổ cùng cán bộ, chiến sĩ, đồng nghiệp và nhân dân, cống hiến sức lực và trí tuệ cho ngành công nghiệp quốc phòng của Việt Nam, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng, xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong bài Trần Đại Nghĩa, đăng trên báo Nhân Dân, số ra ngày 12-6-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh C.B đã viết: "Là một đại trí thức, đi học ở châu Âu đã nhiều năm, mang một lòng nhiệt tình về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến, đó là Anh hùng lao động trí óc Trần Đại Nghĩa… kỹ sư Nghĩa luôn luôn cố gắng làm đúng lời hứa: Khắc phục mọi khó khăn, đào tạo nhiều cán bộ, đưa những học thức rộng rãi ở châu Âu áp dụng vào điều kiện eo hẹp của nước ta. Đồng chí rất giỏi về khoa học máy, nhưng lúc thực hành thì không "máy móc".
Kỹ sư Nghĩa đã có công to trong việc xây dựng quân giới, luôn luôn gần gũi, giúp đỡ, dạy bảo và học hỏi anh em công nhân, đã thắt chặt lý luận với thực hành"[3].
Ngưỡng mộ tài năng, đức độ của một nhà khoa học quân sự tài ba, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gọi Giáo sư Trần Đại Nghĩa là "Ông Phật làm súng". Giới khoa học quân sự, nhân dân Việt Nam và bạn bè đã mệnh danh Giáo sư là "Ông Vua vũ khí". Với những thành tích xuất sắc đạt được về khoa học quân sự trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, tên tuổi của ông đã trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ người Việt Nam, nhận được sự cảm phục, kính trọng của bạn bè quốc tế.
Trong những năm tháng cuối đời, lúc nằm trên giường bệnh, Giáo sư Trần Đại Nghĩa vẫn một lòng hướng về Đảng và Bác Hồ kính yêu. Giáo sư nói: Bác Hồ luôn là hình ảnh rất gần gũi với tôi. Bất cứ lúc nào tôi muốn gặp, nếu không bận, Bác sẵn sàng tiếp. Mãi cho đến bây giờ, Bác vẫn vô cùng gần gũi và như vẫn còn sống trong tôi như ngày nào. Trong tâm khảm tôi, một bên là ba má và chị tôi, còn một bên là Bác Hồ.
Cuộc đời hoạt động và sự nghiệp của nhà khoa học lớn, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa là một tấm gương sáng về lòng yêu nước, về lý tưởng, sự cống hiến cho dân tộc và đạo đức cách mạng cho các thế hệ hôm nay, đặc biệt cho đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học học tập và noi theo.
GS. TS. TẠ NGỌC TẤN
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh
Chú thích:
1. Viện Khoa học Việt Nam thành lập ngày 20-5-1975.
2. Ông đã giữ chức này từ năm 1950.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.6, tr.506.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực