Giải thưởng Văn học ASEAN 2015: Vinh danh “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”

Ngày đăng: 16/12/2015 - 23:12

Tối 14-12, tại Bangkok, Lễ trao Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015 cho các nhà văn xuất sắc của 11 nước thành viên khu vực Đông Nam Á đã được tổ chức trọng thể với sự chứng kiến của Hoàng gia Thái Lan.

Tran mai Hanh1 

Nhà văn Trần Mai Hạnh với cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành, là đại diện của Việt Nam vinh dự nhận giải thưởng năm nay.

Tới dự Lễ trao giải có đông đảo các giới chức lãnh đạo Thái Lan, nhiều Đại sứ các nước. Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Thái Lan Nguyễn Tất Thành đã tới dự và nhiệt liệt chúc mừng nhà văn Trần Mai Hạnh. 

Giải thưởng Văn học ASEAN (SEA Writer Awards) do Hoàng gia Thái Lan thành lập năm 1979. Giải được trao hằng năm nhằm tôn vinh các nhà văn, nhà thơ có sáng tác văn học tiêu biểu tại các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam bắt đầu tham gia Giải thưởng Văn học ASEAN từ năm 1996 đến nay, mỗi năm có một nhà văn hoặc một nhà thơ tiêu biểu được đề cử và vinh danh tại Lễ trao Giải thưởng Văn học ASEAN được tổ chức trọng thể tại Thủ đô Bangkok, Thái Lan. 

Trong số các nhà văn, nhà thơ Việt Nam đã được trao Giải thưởng Văn học ASEAN có các tên tuổi: Tố Hữu (1996), Ma Văn Kháng (1998), Hữu Thỉnh (1999), Nguyễn Khải (2000), Nguyễn Đức Mậu (2001), Nguyễn Kiên (2002), Bằng Việt (2003), Đỗ Chu (2004)...

Hội đồng Giải thưởng Văn học Đông Nam Á của Hội Nhà văn Việt Nam gồm toàn thể Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam cùng Chủ tịch 4 Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành (Văn xuôi, Thơ, Lý luận phê bình, Văn học dịch) trong phiên họp ngày 22/10 đã thảo luận, bỏ phiếu kín và với 100% số phiếu bầu, “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là tác phẩm duy nhất được đề cử đại diện cho văn học Việt Nam vinh danh và nhận Giải thưởng Văn học ASEAN năm 2015. 

Nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh sinh năm 1943 tại TP. Hải Dương. Ông đã có nửa thế kỷ viết báo, viết văn, kể từ năm 1965 sau khi  tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Quốc gia Hà Nội về công tác tại Thông tấn xã Việt Nam. Trong chiến tranh, ông là phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại nhiều mặt trận, chiến trường. Ông từng được cử tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử từ đầu, may mắn có mặt chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút lịch sử trưa 30-4-1975 tại Dinh Độc lập. Ông có nhiều sáng tác văn học và tác phẩm báo chí có tiếng vang rộng rãi đăng trên các báo và tạp chí. Ông từng được Giải thưởng cuộc thi truyện ngắn của Báo Văn Nghệ năm 1970-1971 và đã có 5 cuốn truyện, tiểu thuyết được xuất bản. Ông nguyên là Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội nhà báo Việt Nam và nhiều năm là thành viên Ban Lãnh đạo Liên đoàn báo chí các nước ASEAN (CAJ.) 

Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của ông dày gần 600 trang với những tài liệu nguyên bản, trong đó có nhiều tài liệu tuyệt mật lần đầu dược công bố toàn văn đã phục dựng lại trung thực sự thật đã diễn ra trong những ngày tháng cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu). Cuốn sách do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành năm 2014, tái bản có bổ sung năm 2015 và đang chuẩn bị tái bản tiếp vào đầu năm 2016. “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là tác phẩm duy nhất của thể loại văn xuôi đã giành được Giải thưởng Văn học năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam cũng với số phiếu bầu tuyệt đối. 

Trong lời phát biểu tại Lễ trao giải, nhà văn Trần Mai Hạnh, nói: “Cuộc chiến tranh nào rồi cũng qua đi và trở thành một phần của lịch sử. Nhưng lịch sử không yên nghỉ, mà nó luôn thức với ánh sáng chiếu rọi mách bảo chúng ta cần phải làm gì trong cuộc đấu tranh bảo vệ những phẩm giá tốt đẹp của hiện tại và tương lai trong một thế giới đang trĩu nặng lo âu vì những tham vọng, chiến tranh và xung đột...”.

Trả lời phỏng vấn của Báo Điện tử Chính phủ, từ Bangkok, ngay sau Lễ trao giải, nhà văn Trần Mai Hạnh xúc động nói: “Trong giờ phút đáng nhớ này, lòng biết ơn sâu sắc là điều tôi mong muốn được bày tỏ tới Thông tấn xã Việt Nam - mảnh đất đã nuôi dưỡng tôi trưởng thành từ những năm tháng làm phóng viên chiến tranh trên các mặt trận, chiến trường, tới các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội đã tạo điều kiện cho tôi tiếp cận những tài liệu quý giá, cùng tình cảm và sự quan tâm của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật đã dành cho tôi trong việc thẩm định và xuất bản tác phẩm này. Tôi cũng xin chân thành biết ơn sự đón nhận của bạn đọc cùng sự quan tâm của các cơ quan thông tấn báo chí đã dành cho Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”.

 Phương Liên

(Theo http://baochinhphu.vn)

 

Bình luận