Hai thông điệp lớn từ tân Thủ tướng

Ngày đăng: 08/04/2016 - 14:04

Chính sách của tân Thủ tướngSáng 7-4, với 446 phiếu của 90,28% đại biểu Quốc hội tán thành và Nghị quyết Quốc hội được 96,15% đại biểu thông qua, đồng chí Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức tuyên thệ nhậm chức và trở thành Thủ tướng điều hành Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2020.

Đây là lần đầu tiên người dân cả nước chứng kiến lễ tuyên thệ nhậm chức của Thủ tướng. Lời tuyên thệ dù ngắn gọn và súc tích, nhưng đã bao quát và hội tụ được những tư tưởng và nhiệm vụ quan trọng hàng đầu về chiến lược và chính sách quản lý phát triển đất nước của Đảng, Nhà nước ta trong bối cảnh mới.

Đặc biệt, hai thông điệp nổi bật rất đáng chú ý là: Thứ nhất, Chính phủ và Thủ tướng sẽ nghiêm túc lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của đồng bào, cử tri cả nước, khắc phục hạn chế, yếu kém...; Thứ hai, nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí và kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an ninh, an toàn cho người dân…

Những năm gần đây, năng lực cạnh tranh, tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm được cải thiện, xã hội có không ít vấn đề bức xúc, nhất là quyền được an toàn của người tiêu dùng và quyền được bảo đảm an sinh xã hội của người dân. Một trong những nguyên nhân của mọi nguyên nhân đó là do động lực mà những cải cách trước đây tạo ra đã không còn đủ mạnh, trong khi nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân Dân ở chỗ này, việc khác chưa thực sự được tôn trọng; đặc biệt, do còn nhiều hạn chế và bất cập trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống giá trị chuẩn và cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia, sự yếu kém trong công tác cán bộ.

Thực thi dân chủ và đem lại cuộc sống ấm no, an toàn, an ninh và hạnh phúc cho người dân là đòi hỏi bức thiết và xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, vừa là mục tiêu vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Dân chủ sẽ phát huy khả năng sáng tạo của mỗi người, góp phần xóa bỏ mặc cảm, tăng cường gắn kết xã hội và khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Mọi hạn chế quyền tự do của công dân phải được xem xét cẩn trọng và chủ yếu nhằm bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và những giá trị văn hóa, lịch sử, đạo đức tốt đẹp của dân tộc.

Tân Thủ tướng từng là Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổ trưởng Tổ cải cách hành chính Chính phủ, được đánh giá cao về tinh thần bám sát thực tế, năng động, sáng tạo, quyết liệt, giản dị, gần gũi, lắng nghe và rất quyết liệt…, nên hiểu và nhấn mạnh quyết tâm chống tham nhũng, cũng như phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của Nhân Dân. Cũng vì vậy, người dân kỳ vọng rất nhiều vào Chính phủ mới, với quyết tâm và nhiệt huyết sẽ có nhiều chuyển động mạnh mẽ, thực chất, nhất là trong cải cách thể chế, cải cách hành chính, khắc phục những tồn tại, điều hành phát triển kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, trở thành anh hùng chống được tham nhũng, chống buôn lậu, giữ vững chủ quyền đất nước.

Chỉ khi dân giàu thì nước mới mạnh. Theo Hiến pháp hiện hành, người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Dân chủ trực tiếp càng sâu rộng và thực chất, thì dân chủ đại diện và cuộc chiến chống tham nhũng - kẻ thù “nội xâm” nguy hiểm và lớn nhất của đất nước - càng thực chất và hiệu quả. Người dân mong và có quyền đòi hỏi nhà nước phải xây dựng cho được bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao.

Mọi cơ quan, công chức đều phải được giao nhiệm vụ rõ ràng. Mọi quyết định quản lý của Nhà nước đều phải minh bạch. Cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Phải hoàn thiện tiêu chí đánh giá và cơ chế kiểm soát thực thi công vụ. Việc đánh giá tổ chức, cán bộ, công chức phải căn cứ vào kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Người đứng đầu cơ quan hành chính phải chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao và phải được trao quyền quyết định tương ứng về tổ chức cán bộ.

Phải tăng cường tương tác giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước và giữa bộ máy nhà nước với các tổ chức chính trị - xã hội. Mở rộng đối thoại với người dân và DN bằng nhiều hình thức để Nhà nước, cán bộ, công chức gần dân hơn và chủ trương, chính sách, pháp luật sát với thực tiễn hơn.

Sự phối hợp giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp phải trên cơ sở bảo đảm tính độc lập theo chức năng được phân công và yêu cầu kiểm soát lẫn nhau, bổ trợ cho nhau theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phát huy chủ động, sáng tạo của cấp dưới, đồng thời bảo đảm quản lý thống nhất của cả hệ thống.

Đồng thời, phải hoàn thiện cơ chế phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách và lựa chọn cán bộ. Nâng cao chất lượng hoạt động chất vấn của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan hoạch định chính sách.

Thực tiễn cho thấy, những thông điệp trong lời tuyên thệ của tân Thủ tướng đã góp phần nhận diện rõ và trúng những nút thắt và đột phá cần có trong năm 2016, nhấn mạnh và khẳng định trí tuệ, quyết tâm và bản lĩnh chính trị của Việt Nam thúc đẩy Đổi mới mạnh mẽ hơn, vượt qua những thách thức, khó khăn, khai thác có hiệu quả tiềm năng của đất nước và cơ hội trong hội nhập quốc tế, đưa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lên tầm cao mới, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa - dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…

Người dân đang và sẽ tiếp tục kỳ vọng vào tân Thủ tướng, nói như tân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi thay mặt Quốc hội ghi nhận lời tuyên thệ: "Chúc đồng chí hoàn thành nhiệm vụ và thực hiện đúng lời tuyên thệ hôm nay"!

TS. Nguyễn Minh Phong (Theo Báo Nhân Dân)


Bình luận