Hệ thống tài khoản quốc gia hay Hệ thống hạch toán quốc gia (SNA) là một mô hình quản lý vĩ mô nền kinh tế của một quốc gia, hiện nay đã được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các nước trên thế giới. So với nhiều nước đã áp dụng SNA qua 50 - 60 năm, thì ở Việt Nam việc áp dụng SNA vẫn còn là mới mẻ.
Hơn mười năm qua, kinh tế thế giới biến đổi và phát triển không ngừng, nhất là sự phát triển ứng dụng của tin học trong đời sống kinh tế - xã hội đã nảy sinh những hiện tượng mới trong hoạt động kinh tế và các mối hệ chính trị - xã hội. Tổ chức Thống kê Liên hợp quốc cũng công bố tài liệu mới về SNA qua các năm 1993 và 2008. Ở Việt Nam, tuy SNA được áp dụng từ năm 1993, song cho đến nay việc áp dụng SNA chưa thực sự hiệu quả, còn nhiều hạn chế, bởi chúng ta thực hiện SNA chưa đầy đủ và đồng bộ, mới chỉ xác định được một số tài khoản và chi tiêu của cả nước theo SNA với độ chính xác chưa cao.
Để cung cấp thêm thông tin nhằm khắc phục những tồn tại trong việc áp dụng SNA ở Việt Nam và cập nhật, bổ sung những kiến thức mới phát sinh về SNA. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản cuốn sách Hỏi - đáp về Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) và ứng dụng ở Việt Nam của tác giả Phạm Đình Hàn. Ông là thành viên tham gia các dự án VIE 88/032 về việc áp dụng Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) vào Việt Nam từ năm 1990, là người trực tiếp thực hiện việc thiết lập SNA ở Việt Nam trong nhiều năm qua. Ông còn được đi khảo sát, học tập về SNA ở nhiều quốc gia trên thế giới và nghiên cứu, giảng dạy về SNA tại nhiều địa phương, tại các viện nghiên cứu và một số trường cao đẳng, đại học kinh tế trong nước.
Nội dung chính của cuốn sách là 100 cầu hỏi và trả lời về SNA. Thông qua những câu hỏi và trả lời, bạn đọc sẽ được cập nhật nhiều điều mới về SNA: Cấu trúc mang tính khoa học cao của mô hình; nội dung các phạm trù mới phát sinh (như các phạm trù tài sản cố định vô hình, tài sản không do sản xuất ra, tài sản vô hình tài chính và vô hình phi tài chính; hoạt động sản xuất chưa quan sát được, hoạt động sản xuất ngầm, hoạt động sản xuất không định hình…); nội dung và phương pháp hạch toán các điều khoản trong SNA; nội dung và phương pháp xác định các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp GDP, GNI, NNI, NNDI,… những nội dung về sự khác biệt của nền kinh tế theo SNA so với các nền kinh tế khác qua 100 câu hỏi và trả lời… Bên cạnh đó, cuốn sách cũng chỉ ra những tồn tại và hạn chế trong nhận thức và ứng dụng SNA ở Việt Nam để có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo tốt cho lãnh đạo các cấp, các nhà quản lý và điều hành nền kinh tế, các nhà khoa học, giảng viên và sinh viên các trường cao đẳng, đại học kinh tế hiểu biết thêm về Hệ thống tài khoản quốc gia.