Hiệu quả từ một đề án phát triển văn hóa đọc
Giữa những trăn trở, lo lắng về sự mai một, xuống cấp của văn hóa đọc, trong hội nghị sơ kết một năm triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ) tổ chức vừa qua đã cho thấy sức sống và sự tồn tại không thể thay thế của văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng. Cũng trong hội nghị này, lần đầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Giải phát triển văn hóa đọc tặng 13 tập thể và sáu cá nhân, nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp tích cực của cá nhân, tập thể đối với văn hóa đọc trong năm 2018. Nhiều đại biểu tham dự hội nghị đánh giá cao giải thưởng này, đây không chỉ là sự ghi nhận mà còn có sức cổ vũ, động viên cho việc phát triển văn hóa đọc trên cả nước.
Bạn đọc nhỏ tuổi tại Thư viện tỉnh Nam Định. Ảnh: Thư viện tỉnh Nam Định
Có thể thấy, giữa thời đại công nghệ 4.0, dư luận cho rằng công nghệ sẽ lấn át văn hóa đọc truyền thống thì mạch nguồn của văn hóa đọc vẫn tồn tại theo cách riêng của nó. Sau hơn một năm thực hiện Đề án, nhiều hoạt động đã góp phần xây dựng môi trường đọc thân thiện, nhiều tiện ích giúp người dân tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin và tri thức hiệu quả. Nhiều tổ chức, cá nhân tâm huyết, cùng tình yêu với sách đã lặn lội tới các vùng miền, tạo dựng những tủ sách, phát triển các mô hình đọc sách trong cộng đồng như “Sách ơi mở ra”, dự án “Sách hóa nông thôn”, chương trình “Bán trái cây xây tủ sách”; nhiều mô hình thư viện tư nhân, không gian đọc sách, tủ sách dòng họ... tạo điểm sáng trong phát triển văn hóa đọc.
Các doanh nghiệp cũng đã đồng hành thúc đẩy văn hóa đọc với hình thức tài trợ xe ô-tô thư viện lưu động đa phương tiện mang tên “Ánh sáng tri thức” đến các tỉnh Sơn La, Nghệ An, Quảng Nam, Gia Lai... mở ra hướng mới trong hoạt động thư viện, đem lại nhiều cơ hội cho việc đọc sách của người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người khuyết tật, giúp người đọc nâng cao nhận thức, áp dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói, giảm nghèo...
Việc thực hiện Đề án cũng góp phần giúp hệ thống thư viện cả nước chuyển mình phục vụ nhu cầu đọc sách của người dân. Sự đổi mới trong phương thức hoạt động, ngoài phục vụ tại chỗ, các thư viện đã triển khai phục vụ lưu động và phục vụ qua không gian mạng; cải cách và đổi mới việc cấp thẻ thư viện; đẩy mạnh luân chuyển sách báo đến các điểm thư viện xã, điểm bưu điện văn hóa xã, trường học, đồn biên phòng..., đa dạng hóa các loại hình dịch vụ thư viện, phát triển các loại hình dịch vụ mới và làm mới những dịch vụ truyền thống… đã tạo điều kiện tiếp cận thông tin, hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần, phục vụ học tập suốt đời của nhân dân, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”...
Có thể thấy, sự chung tay vào cuộc của cộng đồng, của xã hội đã góp phần giúp Đề án đạt được những con số khích lệ, trong đó cho thấy tính hiệu quả của hệ thống thư viện công cộng. Tổng lượt bạn đọc đến thư viện trên cả nước đạt 36 triệu lượt, tăng 17% so với năm 2017, tổng lượt sách, báo phục vụ đạt 58,3 triệu lượt. Cũng trong năm 2018, tổng số thư viện, phòng đọc sách, tủ sách cơ sở là 21.084 (tăng 15% so với năm 2016). Cả nước có hơn 100 thư viện tư nhân, điển hình như Thư viện tư nhân Dương Liễu (huyện Hoài Đức, Hà Nội), Thư viện thôn Bình Vọng (Thường Tín, Hà Nội), Thư viện tư nhân Phạm Thế Cường (Thành phố Hồ Chí Minh)… Nhiều địa phương có chỉ số về hiệu quả hoạt động thư viện cao thông qua cấp thẻ người đọc như TP Hồ Chí Minh (34.725 thẻ), Hà Nội (14.096 thẻ), Đà Nẵng (11.011 thẻ). Nhiều địa phương khẳng định vị thế trong phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng với số lượng bạn đọc đến thư viện đông, lượt sách, báo phục vụ lớn như Cần Thơ (1,5 triệu lượt bạn đọc và ba triệu lượt sách, báo phục vụ), Thành phố Hồ Chí Minh (1,4 triệu lượt bạn đọc và 4,5 triệu lượt sách, báo phục vụ)...
Văn hóa đọc có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của quốc gia. Bên cạnh những thuận lợi, khó khăn mà văn hóa đọc đang phải đối diện cũng được chỉ ra như: nhiều thư viện có cơ sở vật chất nghèo nàn, kinh phí hoạt động thiếu thốn (cả nước còn năm thư viện cấp tỉnh chưa có trụ sở độc lập, khoảng 40% thư viện cấp huyện không được cấp kinh phí hằng năm để bổ sung sách, báo và tổ chức các hoạt động khác; thư viện cấp xã, thư viện trường phổ thông chưa được quan tâm...). Để góp phần phát triển văn hóa đọc rộng rãi trong đời sống xã hội, tạo điều kiện học tập suốt đời cho người dân, Đề án cần được triển khai sâu rộng hơn nữa trong các ngành, các cấp, cần tiếp tục có sự chung tay của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong triển khai xây dựng các mô hình điện tử, thư viện số cho người dân ở nông thôn cũng như cần có thêm những chính sách tạo điều kiện cho thư viện tăng cường vốn sách, báo cũng như tăng cường nguồn ngân sách cho việc triển khai kế hoạch phát triển văn hóa đọc...
Viễn Phong
Theo Báo Nhân dân
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Điện Biên Phủ - Những khoảnh khắc lịch sử”
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”
- “Nguyễn Hoàng - Người mở cõi”: Nguồn tư liệu mới nghiên cứu đầy đủ về vị Chúa Tiên - vị chúa Nguyễn đầu tiên