Hiến pháp 1946 - Những ưu điểm cần phát huy trong hoàn cảnh mới

Ngày đăng: 27/03/2013 - 08:03

Hiến pháp là đạo luật gốc, đạo luật cơ bản của nhà nước, có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị của mỗi quốc gia. Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945 thành công đến nay, Quốc hội Việt Nam đã thông qua bốn bản hiến pháp ở những bước ngoặt lịch sử trọng đại của đất nước, trong đó Hiến pháp 1946 - Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ đạo biên soạn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. 

Chu tich HCM lam viec tai BBP nam 1946

Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại Bắc Bộ Phủ năm 1946

Ngay sau khi giành được chính quyền, trong bộn bề công việc, vấn đề lập hiến đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Chỉ một ngày sau khi tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (3-9-1945), Người đã xác định, một trong sáu nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ là xúc tiến bầu Quốc hội để lập Chính phủ chính thức và thảo Hiến pháp. Người chỉ rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”1.

Triển khai chủ trương lập hiến của Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 8-9-1945, thay mặt Chủ tịch Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký Sắc lệnh số 14/SL quy định trong vòng hai tháng kể từ khi ra sắc lệnh sẽ tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội nhằm “ấn định cho nước Việt Nam một hiến pháp dân chủ cộng hòa”.

Sau hơn một năm khẩn trương soạn thảo, với sự tham gia góp ý của nhân dân cả nước và tham khảo hiến pháp một số nước Âu - Mỹ, bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã hoàn thành và được Quốc hội khóa I kỳ họp thứ hai thông qua ngày 9-11-1946 với sự nhất trí của 240 đại biểu trên tổng số 242 đại biểu có mặt. So với các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992, Hiến pháp 1946 có nhiều ưu điểm vượt trội mà việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này cần tìm hiểu để phát huy trong hoàn cảnh mới.

Một là, Hiến pháp 1946 có sự phân biệt rất rõ giữa các văn kiện, nghị quyết trong nội bộ Đảng cầm quyền (lấy các cấp ủy, đảng đoàn, đảng viên làm đối tượng) với “bộ luật căn bản của Nhà nước” (lấy công dân làm đối tượng), không “thể chế hóa” nghị quyết của Đảng một cách giản đơn.

Hai là, kết cấu toàn bộ Hiến pháp 1946 khá gọn gàng, chặt chẽ gồm 7 chương, 70 điều, chỉ bao gồm những điều thuộc về “luật căn bản quy định chế độ chính trị, kinh tế - xã hội, quyền lợi và nghĩa vụ công dân, tổ chức bộ máy nhà nước” một cách cụ thể rõ ràng, và chỉ nêu những “quy tắc pháp lý mang tính bắt buộc”, đúng thể chế, quy phạm về một hiến pháp.

Ba là, Hiến pháp 1946 mang một lôgíc nội tại rất rành mạch: Quyền lực cao nhất trước sau vẫn thuộc về nhân dân, do Quốc hội là đại biểu, sau khi được bầu ra, Quốc hội không mặc nhiên chi phối cả hai quyền “lập hiến và lập pháp”.

Chương II của Hiến pháp 1946 - “Nghĩa vụ và quyền lợi công dân”, sau mục A “Nghĩa vụ”, mục B “Quyền lợi”, ghi nhận 5 quyền tự do của công dân Việt Nam (tự do ngôn luận, xuất bản, tổ chức và hội họp, tín ngưỡng, cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài), mục C nêu rõ công dân Việt Nam có quyền “Bầu cử, bãi miễn và phúc quyết”. Điều 20 xác định: “Nhân dân có quyền bãi miễn các đại biểu mình đã bầu ra…”, Điều 21 khẳng định: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia…”.

Những điều khoản ấy của Hiến pháp 1946, ở Hiến pháp 1992, được đổi thành Điều 53: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”.

Đứng trên chủ thể “quyền của nhân dân”, cho thấy cách tiếp cận về quyền và nghĩa vụ của công dân của hai bản hiến pháp là rất khác nhau.

Một là, Hiến pháp 1992 không ghi rõ quyền bãi miễn các đại biểu nhân dân đã bầu ra như Hiến pháp 1946, theo thể thức đã ghi rõ trong Điều 41 “Nghị viện phải xét vấn đề bãi miễn một nghị viên khi nhận được đề nghị của một phần tư tổng số cử tri tỉnh hay thành phố đã bầu ra nghị viên đó. Nếu hai phần ba tổng số nghị viên ưng thuận đề nghị bãi miễn thì nghị viên đó phải từ chức”.

Quyền bãi miễn của nhân dân không chỉ được thực hiện với các “nghị viên” (đại biểu Quốc hội) mà Điều 61 thuộc chương V - “Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính” còn viết rõ: “Nhân viên Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính có thể bị bãi miễn. Cách thức bãi miễn sẽ do luật định”. Quyền bầu cử của công dân phải đi liền với quyền bãi miễn như Hiến pháp 1946 đã viết là rất đúng đắn, để xử lý tình trạng người được bầu cử không thực hiện đúng những điều đã hứa với cử tri, đã diễn ra không hiếm, mà chính Lênin lúc sinh thời đã từng chỉ ra.

Hai là, quyền “phúc quyết” của nhân dân được Hiến pháp 1946 viết rõ tại Điều 21: “Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia” (nếu hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý - Điều 32) kể cả “Những điều thay đổi (Hiến pháp) khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết” (Điều 70). Điều đó khác với Điều 53 của Hiến pháp 1992, vì Hiến pháp 1946 quy định chủ thể của quyền bãi miễn và phúc quyết là nhân dân, còn Hiến pháp 1992 xác định chủ thể trưng cầu dân ý là Nhà nước. Điều 23 Hiến pháp 1946 nêu rõ: “Nghị viện nhân dân giải quyết mọi vấn đề chung cho toàn quốc, đặt ra các pháp luật…”, thực chất Nghị viện mới được giao quyền lập pháp, quyền lập hiến chỉ được giao dự thảo, còn quyền phúc quyết (quyết định cuối cùng) vẫn thuộc về nhân dân.

Quyền “lập hiến” và quyền “lập pháp” không phải là một. Quyền lập hiến là quyền soạn thảo, ban hành, trực tiếp biểu quyết từng chương mục, từng điều trong bộ luật căn bản của nhà nước, góp phần quyết định bản chất của chế độ kinh tế - chính trị - xã hội hiện hành, quyết định thể thức tổ chức bộ máy nhà nước, mọi quyền lợi chính đáng của công dân mà không một cơ quan nào được phép vi phạm. Còn quyền lập pháp, là quyền dựa vào “bộ luật căn bản của nhà nước” mà cụ thể hóa thành luật pháp trên từng lĩnh vực, không được trái với bộ luật căn bản.

 Ở nhiều nước, sau khi cách mạng tư sản lật đổ chế độ phong kiến chuyên chế, giành được quyền cử ra một quốc hội đại diện cho lợi ích của các tầng lớp hữu sản, đứng ra soạn thảo hiến pháp, ghi nhận những quyền cơ bản của con người, nhưng phải trải qua một quá trình đấu tranh lâu dài của các lực lượng tiến bộ, chủ quyền mới thực sự thuộc về nhân dân. Thực tế đó chứng tỏ để thực sự giành được quyền quyết định vào tay các giai tầng đang làm chủ xã hội, không chỉ căn cứ vào những điều khoản đã được ban hành mà phải có một quá trình chuyển các điều luật trong hiến pháp thành quyền lực thực tế.

Hiến pháp năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì dự thảo là bộ luật cơ bản thể hiện đầy đủ thành quả của Cách mạng tháng Tám 1945, chắt lọc được tinh hoa luật pháp của các chế độ xã hội đương thời. Đó chính là sự cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập - tự do - hạnh phúc, xác định cho nhân dân ta đầy đủ mọi quyền cơ bản của người dân một nước độc lập. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, trình độ dân trí và bối cảnh đất nước đều thuận lợi hơn trước, thiết nghĩ đã đến lúc phải thực thi các quyền làm chủ của nhân dân đúng với tinh thần Hiến pháp 1946, với tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa Mác - Lênin, mà Đảng ta nguyện lấy làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động.

Thiếu tướng, GS. Bùi Phan Kỳ

Viện Chiến lược, Bộ Quốc phòng

 

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, sđd. t. 4, tr. 7.

Bình luận