Hiệp định Paris: Thắng lợi tổng hợp trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao
Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết tại Paris ngày 27/1/1973 là một sự kiện trọng đại, một thắng lợi vẻ vang trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam, và cũng là đỉnh cao của mặt trận ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh.
Các đồng chí Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Xuân Thủy,
Cố vấn Lê Đức Thọ gặp gỡ phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Hội nghị Paris
năm 1973 (Ảnh tư liệu Bộ Ngoại giao)
Cách đây 40 năm, ngày 27/1/1973, tại Paris, “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”, gọi tắt là Hiệp định Paris về Việt Nam, đã được ký kết. Hiệp định đã buộc Mỹ phải thừa nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân các nước đồng minh ra khỏi miền Nam Việt Nam. Việc Mỹ phải ký Hiệp định Paris là một thắng lợi to lớn, tạo ra cục diện có lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam.
Hiệp định là một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân ta, chưa bao giờ có cuộc đàm phán nào kéo dài như tại Hội nghị Paris, từ ngày 15/3/1968 đến ngày 27/1/1973, cụ thể kéo dài 4 năm, 8 tháng, 14 ngày, với 202 phiên họp công khai và 24 cuộc gặp riêng. Cuộc đấu tranh của nhân dân ta trên bàn thương lượng đã giành được thắng lợi quan trọng, to lớn về nhiều mặt.
Giai đoạn đàm phán dưới thời Tổng thống Mỹ Johnson diễn ra từ ngày 15/3/1968 đến 31/10/1968. Sau Tết Mậu Thân 1968, Mỹ buộc phải ngừng ném bom từ Ninh Bình trở ra phía Bắc và ngồi vào bàn đàm phán với Việt Nam tại Paris. Cuộc đàm phán giữa đoàn đại biểu Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức bắt đầu ngày 15/3/1968 tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở đường Kléber, Paris, đánh dấu một giai đoạn mới của cuộc chiến tranh Việt Nam: Đọ sức trên mặt trận ngoại giao, mở ra cục diện “vừa đánh vừa đàm”.
Nhiệm vụ của đối ngoại giai đoạn này là dùng đàm phán để tiến công cô lập địch; vạch trần âm mưu của địch kéo dài chiến tranh, tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh do Mỹ phát động; tranh thủ dư luận phục vụ cho cuộc đấu tranh quân sự, chính trị trên chiến trường; yêu cầu Mỹ chấm dứt ném bom không điều kiện miền Bắc Việt Nam.
Kết thúc giai đoạn này, Tổng thống Johnson tuyên bố chấm dứt ném bom và chấp nhận để Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) tham gia Hội nghị Paris. Tháng 1/1969, Nixon nhậm chức Tổng thống Mỹ. Đến ngày 18/1/1969, hội nghị 4 bên họp phiên đầu tiên dưới hình thức bàn tròn, đoàn đại biểu của MTDTGPMNVN xếp ngang hàng với các đoàn đại biểu khác. Trên bàn đàm phán, cuộc đấu trí diễn ra quyết liệt giữa các bên đàm phán, đặc biệt là giữa cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ và trợ lý Tổng thống Mỹ Kissinger. Ngày 8/10/1972, phái đoàn Việt Nam chuyển cho Mỹ bản dự thảo Hiệp định với những điều khoản yêu cầu Mỹ rút hết quân khỏi miền Nam Việt Nam.
Lúc đầu, bản dự thảo được các bên nhất trí, nhưng đến ngày 22/10/1972, phía Mỹ lật lọng viện dẫn chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đòi sửa đổi bản dự thảo. Ngày 12/12/1972, cuộc đàm phán phải tạm dừng. Đêm 18/12/1972, tổng thống Nixon ra lệnh ném bom huỷ diệt Hà Nội và Hải Phòng bằng B52. Cuộc đụng đầu lịch sử trong 12 ngày đêm, Việt Nam đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược, lập nên chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không", gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng không quân chiến lược Mỹ. Đây là đòn quyết định nhất buộc Nixon phải tuyên bố ngừng ném bom từ bắc vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị cho phía Mỹ gặp đoàn đại biểu Việt Nam tại Paris để ký hiệp định chấm dứt chiến tranh. Ngày 23/1/1973, cố vấn Lê Đức Thọ cùng trợ lý Tổng thống Mỹ Kissinger đã ký tắt văn bản Hiệp định. Ngày 27/1/1973, đã diễn ra lễ ký chính thức Hiệp định tại Paris, buộc Mỹ phải cuốn cờ rút quân khỏi miền Nam.
Hiệp định Parisl à thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao. Với Hiệp định, Mỹ buộc phải chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, rút khỏi Việt Nam và Đông Dương, chấm dứt dính líu quân sự, tạo thuận lợi cho cách mạng phát triển; ngụy mất chỗ dựa về quân sự, bị suy yếu và lún sâu vào khủng hoảng chính trị; Mỹ phải lùi về chiến lược, đi sâu vào xu thế rút lui về quân sự khỏi Đông Dương và tránh một Việt Nam thứ hai. Hiệp định Paris là cơ sở pháp lý không cho phép Mỹ tiếp tục dính líu và can thiệp trở lại.
Hiệp định cũng xác nhận thực tế miền Nam có hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát; xoá ngụy một bước về pháp lý, ta giữ vững lực lượng quân sự, chính trị của ta, làm cơ sở cho cách mạng miền Nam tiến lên.
Hiệp định mở ra giai đoạn mới, tạo điều kiện cho việc hoàn thành giải phóng miền Nam. Hiệp định buộc Mỹ rút hết, ngụy mất chỗ dựa và suy yếu, ta giữ nguyên lực lượng và lớn mạnh lên, xuất hiện cục diện mới, so sánh lực lượng mới ở miền Nam. Đây là điều kiện cơ bản rất thuận lợi cho ta. Với Hiệp định Paris, nhân dân Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu “đánh cho Mỹ cút”, mở ra một giai đoạn mới, tạo so sánh lực lượng mới, thuận lợi cho mục tiêu “đánh cho ngụy nhào”, hoàn thành giải phóng miền Nam. Mỹ rút quân nhưng Việt Nam vẫn giữ nguyên lực lượng chính trị và vũ trang ở miền Nam Việt Nam. Vì vậy, chiến thắng mùa Xuân 1975 hoàn toàn giải phóng miền Nam không tách khỏi thắng lợi của Hiệp định Paris.
Hiệp định Paris 1973 phản ánh thắng lợi ở mức cao trong bối cảnh quốc tế có thuận lợi nhưng cũng phức tạp. Việt Nam đã tranh thủ được cả Liên Xô, Trung Quốc, các nước XHCN, các nước Không liên kết, nhân dân thế giới và hình thành trên thực tế “mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược”.
Sự hình thành của mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam đã thể hiện phương châm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh dân tộc với sức mạnh quốc tế, kết hợp ngoại giao nhà nước với ngoại giao nhân dân. Hiệp định Paris và thắng lợi của nhân dân Việt Nam góp phần mở ra một chương mới trong cục diện Đông Nam Á: Mỹ rút lui về quân sự khỏi Đông Dương và Đông Nam Á; khối SEATO giải tán; xu thế hoà bình, trung lập phát triển mạnh trong khu vực, mở ra khả năng thiết lập một khu vực hoà bình, hữu nghị ổn định.
Hiệp định Paris phản ánh được ở mức cao nhất thắng lợi và xu thế cuộc đấu tranh của nhân dân ta là Mỹ chấp nhận thất bại, rút lui, ta đứng vững và mạnh lên. Với Hiệp định Paris, ta phát huy thắng lợi trên chiến trường, giành thắng lợi quyết định, buộc Mỹ chấm dứt chiến tranh, rút hết quân. Ta giành thắng lợi trong bối cảnh quốc tế phức tạp, trên chiến trường có nhiều khó khăn nên thắng lợi càng có ý nghĩa to lớn.
Nhân tố đóng vai trò quyết định đưa đến thắng lợi của cuộc đàm phán Paris, đó là sự lãnh đạo sáng suốt, đầy trí tuệ, rất bản lĩnh của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã đề ra đường lối kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đúng đắn, sáng tạo.
Nghệ thuật ngoại giao “Đánh kết hợp với đàm”, hoạt động ngoại giao đã góp phần tranh thủ dư luận thế giới, cô lập kẻ thù, hỗ trợ chiến trường và ngược lại, chiến thắng trên chiến trường đã hỗ trợ to lớn cho công tác vận động quốc tế trong các cuộc đàm phán; buộc địch xuống thang từng bước, làm thay đổi so sánh lực lượng, thế trận trên chiến trường.
Một nhân tố quan trọng góp phần tạo ra chiến thắng chính là chúng ta đã chủ động thúc đẩy hình thành được mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ. Đó là nêu cao chính nghĩa của cuộc đấu tranh của ta, vạch trần tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ; quyết tâm giành độc lập, thế tất thắng của ta và thế thất bại của Mỹ; nêu cao thiện chí hòa bình của Việt Nam; tố cáo tội ác chiến tranh, âm mưu xuyên tạc, lừa bịp của Mỹ.
Cùng với đó là sự chỉ đạo sát sao, sáng suốt của Bác Hồ, Bộ Chính trị và đóng góp to lớn, sáng tạo của Đoàn đàm phán. Đoàn đàm phán đã tìm tòi, xây dựng lập luận sắc bén, có sức tấn công, thuyết phục về những vấn đề quan trọng như quân miền Bắc ở lại miền Nam và quân Mỹ và đồng minh phải rút khỏi Việt Nam; đưa ra nhiều sáng kiến như: Giải pháp đồng bộ 10 điểm, 8 điểm, 7 điểm..; tranh thủ thời cơ và tạo thời cơ, biết nhân nhượng trên cơ sở “dĩ bất biến, ứng vạn biến".
Thắng lợi của Hiệp định Paris khẳng định, chỉ có thể thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ của mình nếu kiên định tinh thần độc lập, tự chủ, tự mình quyết định công việc của mình; đồng thời luôn coi trọng và ra sức tranh thủ sự đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ của bạn bè quốc tế; xem ngoại giao là một mặt trận để huy động, phối hợp mọi lực lượng tham gia đấu tranh giành thắng lợi hoàn toàn. Chủ động, linh hoạt sử dụng nhiều hình thức tổ chức, nhiều phương thức đấu tranh, huy động nhiều lực lượng, phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và đối ngoại nhân dân; với hai nền ngoại giao miền Bắc và miền Nam phối hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn ở trong nước cũng như trên quốc tế và đặc biệt tại bàn đàm phán Paris.
Hiệp định Paris thắng lợi, đó là việc quán triệt sâu sắc tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, kiên trì quan điểm độc lập, tự chủ; đánh giá và dự báo thời cuộc; nghệ thuật đánh - đàm; tranh thủ dư luận, tập hợp lực lượng tác động vào nội bộ đối phương; xác định rõ mục tiêu, biết giành thắng lợi từng bước, tiến tới thắng lợi cuối cùng; nhân nhượng có nguyên tắc; kiên trì nguyên tắc, linh hoạt sách lược; chủ động tạo thời cơ, nắm bắt thời cơ, xây dựng lập luận khoa học, lý lẽ sắc bén, thuyết phục; chủ động tiến công giành thế chủ động; tuyên truyền, vận động dư luận...
Mạnh Hùng
Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực