Hiệp thương bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp: Chất lượng ứng viên là khâu then chốt
Đến thời điểm này, tổ chức Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) từ trung ương đến địa phương đang khẩn trương tiến hành các phần việc của mình là lựa chọn, giới thiệu người ứng cử cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp. Đây là một khâu rất quan trọng nhằm lựa chọn, giới thiệu người ứng cử bảo đảm dân chủ, chất lượng, thể hiện được cơ cấu, thành phần đại diện cho trí tuệ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Các đại biểu biểu quyết số lượng ĐBQH ở trung ương là 198 người tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Phải thực sự trở thành ngày hội của toàn dân
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc, để bảo đảm tiến độ theo quy định của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, trong tháng 2 và 3-2016, Hội đồng Bầu cử quốc gia sẽ tập trung thông qua nguyên tắc phân bổ người ứng cử ở trung ương về địa phương; cơ cấu, thành phần, số lượng người được giới thiệu ứng cử; chỉ đạo việc thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; phối hợp chỉ đạo tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất và lần thứ hai; chỉ đạo việc tiếp nhận, xem xét hồ sơ người ứng cử và lập danh sách người ứng cử… Tinh thần chung là dù tổ chức trong điều kiện nào, các địa phương đều phải thực hiện tốt các yêu cầu nhiệm vụ, bảo đảm cuộc bầu cử được tiến hành đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cùng một loạt Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố đã tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất lựa chọn giới thiệu người ứng ĐBQH khóa XIV và ứng cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
Phát biểu tại hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất bầu cử ĐBQH khóa XIV do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Quốc gia nhấn mạnh, cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp lần này là sự kiện có ý nghĩa chính trị trọng đại, là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân năm 2016. Đây là đợt sinh hoạt sâu rộng trong nhân dân để cử tri cả nước lựa chọn những đại biểu xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình tại cơ quan quyền lực của nhà nước.
Cụ thể, các cấp MTTQ tham gia nhiều việc cụ thể trong suốt quá trình bầu cử, đó là thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử. Ở nội dung này, Mặt trận cùng HĐND, UBND cùng cấp thành lập ủy ban bầu cử, ban bầu cử, tổ bầu cử. Đối với nơi không tổ chức HĐND quận, huyện thì MTTQ phối hợp với UBND cùng cấp thành lập các tổ phụ trách bầu cử. MTTQ tổ chức hội nghị hiệp thương 3 lần, lựa chọn giới thiệu người ứng cử theo đúng quy định của pháp luật, trong đó đặc biệt chú trọng chất lượng đại biểu ứng cử, không quan trọng số lượng được phân bổ hay giới thiệu tại cấp nào mà phải bảo đảm tính đại diện, trí tuệ, trình độ, xứng đáng để đưa ra nhân dân bầu vào các cơ quan dân cử.
Đối với nhiệm vụ tổ chức hội nghị cử tri ở cùng cấp, MTTQ phối hợp chặt chẽ với đoàn thể nhân dân vận động cử tri đến họp, bảo đảm đủ số lượng, tỷ lệ người họp nhằm phát huy tối đa quyền làm chủ của nhân dân. Bên cạnh đó, MTTQ đặc biệt chú trọng hoạt động giám sát và vận động nhân dân giám sát quá trình tổ chức bầu cử, nhằm mục tiêu bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra thật sự dân chủ, đúng luật.
Mặt khác, MTTQ các cấp còn có nhiệm vụ tiếp công dân về nội dung liên quan đến trách nhiệm của MTTQ trong công tác bầu cử; tiếp nhận, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử. Đôn đốc các cơ quan, tổ chức xem xét, giải quyết các đơn thư liên quan đến công tác bầu cử theo quy định. Tổng hợp tình hình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về công tác bầu cử liên quan đến quyền, trách nhiệm của MTTQ…
Tinh thần, trách nhiệm của MTTQ được phát huy mạnh mẽ thể hiện thông qua các ý kiến đóng góp sâu sắc về cơ cấu, thành phần ĐBQH.
Coi trọng chất lượng, số dư, thành phần
Để cuộc bầu cử đạt kết quả cao, công tác chuẩn bị để giới thiệu những người tiêu biểu, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có năng lực, điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia ứng cử có vai trò hết sức quan trọng. Do đó, tại các hội nghị hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử do MTTQ các cấp đứng ra tổ chức đã và đang diễn ra là khâu đóng vai trò then chốt.
Yêu cầu hàng đầu là công tác lựa chọn, giới thiệu người ứng cử phải bảo đảm thực sự dân chủ, đúng luật, đúng tiến độ về thời gian quy định cho từng công việc và chất lượng, số lượng người được giới thiệu thể hiện được cơ cấu, thành phần đại diện cho trí tuệ của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Quá trình triển khai phải bảo đảm cơ cấu hợp lý về số đại biểu là người đang công tác ở cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, MTTQ và các đoàn thể nhân dân…
Hội nghị hiệp thương của MTTQ là cơ sở giúp Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Bầu cử các cấp lập và công bố danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND cùng cấp vừa bảo đảm số lượng, chất lượng, vừa thể hiện đúng cơ cấu, thành phần đại diện cho trí tuệ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trên thực tế, kết quả hiệp thương lần thứ nhất của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở trung ương được giới thiệu ứng cử ĐBQH được tổ chức ngày 16/2 cho thấy, tinh thần trách nhiệm của MTTQ được phát huy cao độ. Cùng với việc đồng tình số lượng ĐBQH ở trung ương là 198 người (bằng 39,6%, tăng 15 người so với khóa XIII), tại hội nghị, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn người ứng cử ĐBQH cần nghiên cứu điều chỉnh để tăng số người ứng cử là người dân tộc thiểu số, người ngoài Đảng, tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh tăng số ĐBQH chuyên trách và giảm đại biểu thuộc khối hành pháp. Đồng thời quan tâm lãnh đạo bảo đảm tỷ lệ phụ nữ trong danh sách chính thức những người ứng cử ít nhất là 35% và cần có giải pháp hiệu quả trong quá trình tổ chức thực hiện để bảo đảm tỷ lệ phụ nữ trúng cử đạt 30%. Bên cạnh đó, cơ cấu tôn giáo cần phân bổ hợp lý ở các địa phương, quan tâm đến cơ cấu, thành phần kinh tế tư nhân…
Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia Uông Chu Lưu cho biết, sẽ ghi nhận ý kiến của các đại biểu để tính toán cho phù hợp như tăng cường các ĐBQH chuyên trách ở Trung ương và địa phương, giảm các cơ quan hành chính ở địa phương. Đối với ý kiến đề nghị tăng tỷ lệ ĐBQH là người dân tộc thiểu số, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, thực tế có nhiều dân tộc không có người đáp ứng đủ tiêu chuẩn ứng cử và không nhất thiết phải có 54 dân tộc trong Quốc hội. Về tỷ lệ nữ, ít nhất 35% ứng cử là nữ để bảo đảm 30% đại biểu là nữ trúng cử.
Tại Hội nghị hiệp thương của MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố, tinh thần trách nhiệm của MTTQ cũng được phát huy mạnh mẽ không kém trong việc đóng góp sâu sắc về cơ cấu, thành phần ĐBQH. Cụ thể, tại Hà Nội, Hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất tổ chức ngày 16 tháng 2, các đại biểu đã tán thành nên có tỷ lệ số dư cao để nhân dân bầu. Theo đó, các đại biểu đã thống nhất đề xuất hiệp thương số lượng 60 người vào danh sách bầu cử chính thức để bầu 30 ĐBQH theo phân bổ của trung ương cho Hà Nội.
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất của Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cũng diễn ra ngày 16 tháng 2, nhiều đại biểu đã kiến nghị tăng tỷ lệ đại biểu ứng cử là doanh nghiệp do hằng năm tỷ lệ đóng góp giá trị vào kinh tế - xã hội thành phố luôn chiếm tỷ lệ cao; tăng cơ cấu đối với đại biểu ứng cử là tầng lớp công - nông vì nói đến nhân dân thì hai tầng lớp công nhân và nông dân là nòng cốt; đặc biệt quan tâm đến cơ cấu định hướng của trung ương về đại biểu nữ, đại biểu trẻ (dưới 35 tuổi), đại biểu dân tộc và tôn giáo, đại biểu ngoài Đảng và các đại biểu tự ứng cử.
Tại các địa phương, các ý kiến cũng tập trung vào phân tích, đề xuất về cơ cấu, thành phần ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp. Ý kiến tại nhiều địa phương cho rằng công tác hiệp thương nên tập trung vào những đại biểu có đức, có tài đại diện cho ý chí nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; ưu tiên ĐBQH chuyên trách, hạn chế đại diện các cơ quan hành pháp, để tránh tình trạng vừa “đá bóng vừa thổi còi”; tăng các đại biểu ngoài Đảng... Đối với đại biểu HĐND các cấp, tập trung nhiều hơn cho các đại biểu ở cơ sở, tránh tình trạng đại biểu HĐND tỉnh toàn người “thành phố”…
Theo quy định phải qua thêm 2 lần hiệp thương nữa mới “chốt” được danh sách chính thức các ứng cử viên ĐBQH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Tuy nhiên, tinh thần chung của các hội nghị hiệp thương đã được MTTQ các cấp đồng thuận là sẽ tập trung vào đảm bảo số lượng, chất lượng, thành phần, trong đó, chất lượng ứng viên sẽ là khâu then chốt… /.
Thu Hà
Theo Website Đảng Cộng sản Việt Nam
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực