Hoàn thiện bộ máy nhà nước và chính sách, pháp luật vì lợi ích của nhân dân

Ngày đăng: 13/11/2012 - 10:11

Tuần qua, trong chương trình nghị sự của kỳ họp thứ tư, Quốc hội (QH) khóa XIII, nhiều nội dung quan trọng liên quan việc xây dựng, hoàn thiện thể chế chính trị, kinh tế và những vấn đề liên quan đời sống thiết thân của đại bộ phận người dân như đất đai, thuế thu nhập cá nhân đã được đem ra bàn thảo, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước.

Hoan thien bo may nha nuoc

Quang cảnh phiên khai mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XIII. Ảnh: Hoàng Long

Các ý kiến đóng góp đề cập nhiều khía cạnh, nhưng đều vì mục tiêu cao nhất là xây dựng bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, phục vụ nhân dân một cách tốt nhất và vì cuộc sống của nhân dân.

Hoàn thiện thể chế gắn với nâng cao hiệu quả bộ máy nhà nước

Bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 mặc dù lần đầu đưa ra QH thảo luận, cho ý kiến trong khuôn khổ các cuộc họp tổ, nhưng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu QH. Theo tổng hợp ý kiến tại các đoàn, hầu hết các ý kiến phát biểu cho rằng, dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cơ bản đáp ứng các yêu cầu tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn những nội dung cơ bản có tính bản chất của chế độ ta đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992 về phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm sự lãnh đạo của Ðảng, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; thể chế hóa kịp thời những quan điểm, chủ trương lớn được nêu trong cương lĩnh và các văn kiện khác của Ðảng; hoàn thiện kỹ thuật lập hiến, bảo đảm để Hiến pháp thật sự là đạo luật cơ bản, có tính ổn định, lâu dài.

Các ý kiến thống nhất cao với bản dự thảo, trong đó các quy định đã làm rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; xác định rõ hơn chức năng của cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và điều chỉnh lại một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này. Các đại biểu cho rằng, đây là những định chế quan trọng thể hiện vai trò của các cơ quan nhà nước trong việc đại diện cho nhân dân tham gia đầy đủ vào hoạt động của bộ máy nhà nước các cấp, thực hiện đầy đủ các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Liên quan việc bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của con người trong dự thảo Hiến pháp, các đại biểu cho rằng, điều này là kết quả của quá trình đổi mới 25 năm qua ở nước ta, phù hợp các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước ta là thành viên. Một trong những điểm đáng chú ý, nhận được sự đồng tình cao của các đại biểu là Ban soạn thảo đổi tên chương năm của Hiến pháp 1992 về Quyền và nghĩa vụ của công dân thành Chương Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và đưa lên vị trí thứ hai, sau Chương Chế độ chính trị. Cùng với đó là việc bổ sung quyền được sống trong môi trường trong lành và được thông tin về chất lượng môi trường sống; Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của con người vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Các đại biểu cũng đánh giá cao những quy định nhằm làm rõ hơn tính chất, quy mô của nền kinh tế. Trong đó, các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật.

Cùng với việc đóng góp ý kiến vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, QH đã thảo luận về dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người do QH, HÐND bầu hoặc phê chuẩn. Nhiều ý kiến cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm là việc làm cần thiết, có tác dụng quan trọng, góp phần xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, lựa chọn những cán bộ có đủ năng lực, phẩm chất và loại bỏ những cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ đối với nhân dân, qua đó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Qua thảo luận, mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, chung quanh việc nên mở rộng hay thu hẹp đối tượng lấy phiếu tín nhiệm, cách thức thực hiện cụ thể như thế nào, nhưng theo Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, việc lấy phiếu tín nhiệm là bước đi quan trọng, nhằm thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của nhân dân, thể hiện tính dân chủ trong việc giám sát, đánh giá chất lượng và bổ nhiệm cán bộ thông qua các cơ quan dân cử, với mục tiêu mọi quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. 

Thảo luận dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), phần lớn các ý kiến phát biểu cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) thời gian qua chưa đạt yêu cầu. Tuy nhiên, có hai nguyên nhân cơ bản, là do chúng ta chưa có cơ quan PCTN độc lập và việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức chưa được thực hiện nghiêm túc. Ðể công tác PCTN đạt hiệu quả cao, nhiều ý kiến đề nghị, nên chuyển Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN từ Chính phủ sang trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban, đồng thời kiện toàn các cơ quan PCTN các cấp. Mặt khác, cần đưa ra các quy định cụ thể về việc kê khai và công khai tài sản của cán bộ, công chức tại nơi làm việc và nơi cư trú, cũng như có chế tài nghiêm khắc đối với hành vi gian dối trong việc kê khai tài sản, thu nhập.

Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau chung quanh việc tạo cơ chế để cơ quan PCTN hoạt động độc lập, hiệu quả; những đối tượng thuộc diện kê khai tài sản, thu nhập và những chế tài nhằm thực hiện công tác này một cách nghiêm túc, các đại biểu đều thống nhất cao và cho rằng, chúng ta cần huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân vào công tác PCTN và cần coi đây là quyết tâm chính trị, cần coi tham nhũng là quốc nạn và có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu.

Giải quyết đồng bộ các vấn đề về kinh tế - xã hội

QH đã dành thời lượng đáng kể để thảo luận công tác giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai và dự án Luật Ðất đai (sửa đổi). Qua thảo luận, các đại biểu đã chỉ ra những nguyên nhân cơ bản dẫn đến khiếu nại, tố cáo trong vấn đề đất đai và gợi mở hướng giải quyết đối với công tác này trong thời gian tới.

Qua giám sát của Ủy ban Thường vụ QH cho thấy, hiện nay có tới 70% số vụ khiếu nại, tố cáo liên quan vấn đề đất đai và trong số đó có gần 48% số vụ khiếu nại, tố cáo đúng và có đúng có sai; cá biệt có địa phương tỷ lệ này chiếm tới 70%. Nguyên nhân của những khiếu nại, tố cáo về đất đai chủ yếu do chính sách, pháp luật về vấn đề này chưa đồng nhất, nhiều nội dung quy định giữa các luật còn chồng chéo, thậm chí trái ngược nhau. Cùng với đó, chất lượng cán bộ, công chức tham gia giải quyết những vấn đề về đất đai còn hạn chế, yếu kém. Thực tế cho thấy, phần lớn những khiếu kiện về đất đai phát sinh do lợi ích của người dân không được bảo đảm khi bị thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Do chính sách chưa đồng bộ, chưa có giá đất chung, thống nhất cho nên mỗi nơi thực hiện một kiểu, mỗi dự án áp dụng một giá. Bên cạnh đó, do chính sách, pháp luật về đất đai thiếu đồng bộ cho nên có nhiều trường hợp cán bộ, công chức trong quá trình thực thi công vụ cố tình làm sai để sách nhiễu người dân, nảy sinh tiêu cực.

Theo nhiều đại biểu, thời gian tới, Nhà nước cần tiếp tục  hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật Ðất đai phù hợp yêu cầu thực tế. Việc sửa đổi Luật Ðất đai cần đưa ra những quy định bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp tại các vùng dự án. Xây dựng giá đất thống nhất, sát với thị trường và ổn định trong thời gian từ ba đến năm năm và việc định giá đất để bồi thường cho người sử dụng đất phải theo mục đích sử dụng tại thời điểm thu hồi, có tính đến công sức đầu tư, bồi bổ của người sử dụng đất. Ngoài giá đất bồi thường, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để ổn định đời sống, việc làm cho người có đất bị thu hồi.

Trong tuần làm việc vừa qua, QH đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2013. Theo đó, mục tiêu tổng quát cho năm 2013 là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Ðẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tăng cường quốc phòng, an ninh và bảo đảm ổn định chính trị - xã hội. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo. Các chỉ tiêu cụ thể gồm: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 5,5%. Kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%. Tỷ lệ nhập siêu khoảng 8%. Bội chi ngân sách nhà nước không quá 4,8% GDP. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 8%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 30% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%. Tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động. Nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 như đã nêu trên là phù hợp điều kiện hiện nay và bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh xã hội.

Thảo luận về dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân, nhiều đại biểu tán thành với quy định nâng mức khởi điểm chịu thuế lên chín triệu đồng/người/tháng và mức giảm trừ gia cảnh lên 3,6 triệu đồng/người/tháng. Nhiều đại biểu cho rằng, đây là quy định phù hợp điều kiện hiện nay và với việc nâng mức khởi điểm chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh, QH đã gián tiếp tăng lương cho người lao động, góp phần nâng cao chất lượng sống của nhân dân, nhất là trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế mà chúng ta đang phải đối mặt.

Nguyễn Văn Thái

Theo Nhân dân điện tử

Bình luận

Bài viết liên quan | Xem tất cả