Hoàng Thúc Lý Long Tường

Hoàng Thúc Lý Long Tường
Tác giả: Khương Vũ Hạc
Số trang: 0 trang
Giá tiền: Sách không bán
Xuất bản:
  • Thông tin sách
  • Bình luận
  •  Cuốn sách có giá trị nhiều mặt. Qua tác phẩm, độc giả được chứng kiến giai đoạn lịch sử đầy biến động bão táp và số phận cam go nhưng cũng rất đỗi oai hùng của Lý ‎Long Tường, một nhân vật chưa được ghi trong sử sách. Cả một góc chìm khuất của lịch sử đã được hé lộ. Có thể xem đây chính là sự bổ sung quý báu để con người hôm nay có cái nhìn toàn vẹn, đầy đặn hơn về dòng họ Lý trong lịch sử dân tộc.

    1.
     Xét từ đặc trưng thể loại, tiểu thuyết lịch sử nằm ở điểm giao thoa giữa sử học và văn học. Lịch sử là cái đã có, khi được tái hiện đòi hỏi sự chính xác, khách quan đến tuyệt đối. Trong khi đó, tiểu thuyết lại chú trọng sự sáng tạo, hư cấu mang đậm tính chủ quan của nhà văn. Từ những tư liệu lịch sử chính xác, nhà văn dùng quyền sáng tạo, hư cấu để phục dựng lại những thời kỳ lịch sử, bổ sung, lấp đầy đời sống, tâm lý các nhân vật lịch sử mà sách lịch sử chưa nói đến, làm cho chúng trở nên đầy đặn, sinh động hơn. Lịch sử - trong trường hợp này, trở thành chất liệu để nhà văn viết tiểu thuyết. Thậm chí nhiều khi lịch sử chỉ như cái đinh đóng vào tường để người viết có thể tuỳ thích treo vào đó những bức hoạ của riêng mình (Alexandre Dumas). Đọc những cuốn tiểu thuyết lịch sử, ấn tượng về lịch sử dù vẫn tồn tại, và vẫn cần thiết nhưng đã không còn ở bình diện thứ nhất mà nổi lên trước hết là ấn tượng của tiểu thuyết với bao vấn đề thế sự, đời thường cùng những sáng tạo mới mẻ, riêng biệt. Hoàng thúc Lý Long Tường là một tác phẩm như vậy.
    Tư liệu về Lý Long Tường ở Việt Nam rất hiếm hoi, nhưng ở Hàn Quốc thì khá phong phú: những câu chuyện truyền khẩu, một số di tích và đặc biệt là bộ gia phả Hoa Sơn Lý thị tộc phổ, bài văn bia Thụ hàng môn kỷ tích bi… Theo những tư liệu này, Lý Long Tường là con vua Lý Anh Tông, em vua Lý Cao Tông và là chú của vua Lý Huệ Tông. Ông lớn lên khi vương triều Lý đang suy vong dẫn đến sự thay thế của vương triều Trần. Trước thảm họa đó, Lý Long Tường đã cùng một số tôn thất nhà Lý vượt biển ẩn tránh sang Cao Ly. Ở đây, ông được vua Cao Ly ưu ái phong cấp tước hiệu, thực ấp; nhanh chóng hòa nhập vào cuộc sống của vương quốc Cao Ly; cùng quân dân Cao Ly kháng chiến, đánh tan hai cuộc xâm lăng của quân đội Mông Cổ vào năm 1255 và 1258.  
    Từ những tư liệu lịch sử này, nhà văn, nhà Đông phương học cổ điển Hàn Quốc Khương Vũ Hạc đã sáng tạo nên tác phẩm Hoàng thúc Lý Long Tường. Tác phẩm viết về giai đoạn bão giông của cuộc chuyển đổi vương triều từ Lý sang Trần. Dường như ông đã cố tình chọn lấy một lát cắt lịch sử đầy biến động để phân tích cho tường tận những xung đột, những bi hoan vơi đầy của nhân gian: chiến tranh, quyền lực, thân phận con người,… trong thời loạn thế. Ở đây, Khương Vũ Hạc đã không nhìn lịch sử là những số liệu hàn lâm được “ướp lạnh” mà lắng kết lịch sử ở chiều sâu số phận mỗi con người, đặc biệt là qua số phận và tính cách của nhân vật lịch sử Lý Long Tường.
    Trong tác phẩm, Lý Long Tường là hiện thân cho phẩm đức thanh cao, lòng nhân ái, bao dung, sự nhạy cảm, phong tình và yêu thích trau dồi học vấn. Chính vì vậy, ông đã tự đặt mình ra khỏi sự cám dỗ của lợi danh, lánh xa chuyện tranh ngôi đoạt vị. Trong lúc nỗi đau nước mất nhà tan tưởng không gì sánh được, trái tim nhân hậu của ông vẫn không quên xót xa cho đám tùy tùng vì mình mà phải chịu phiền lụy. Trên hành trình phiêu bạt, hai lần trái tim đa cảm, phong tình của ông đã rung ngân những nhịp đập say đắm trước Ngô Anh Cơ và Trịnh Anh Cơ, hai thiếu nữ thuộc về hai dân tộc cách xa nhau hàng ngàn cây số nhưng lại giống nhau như giọt nước. Không những thế, ông còn là một người anh hùng đa mưu, túc trí. Phẩm chất anh hùng của ông được phát lộ mạnh mẽ trong những tình huống khốc liệt: vượt lên nỗi đau “quốc phá, gia vong” để giữ gìn đồ thờ cúng của tổ tiên; bình tĩnh đối mặt với bao khó khăn để tập hợp khối đoàn kết quân dân, khích lệ, thổi bùng ngọn lửa yêu nước, quyết tâm diệt giặc của quân và dân Ủng Tân, dùng trí mưu để hai lần chặn đứng vó ngựa bạo tàn của quân Mông Cổ. Ấn tượng sâu đậm nhất mà người đọc cảm nhận được ở nhân vật Lý Long Tường chính là tấm lòng yêu nước Việt tha thiết. Vương triều sụp đổ, trách nhiệm gìn giữ đồ thờ cúng của tổ tiên đè nặng lên vai buộc ông phải từ bỏ Tổ quốc mà đi. Nhưng trên bước đường phiêu dạt, nỗi niềm nhớ nước lúc nào cũng canh cánh, vò xé trái tim ông. Ngay cả khi đã ổn định gia quyến tại Ủng Tân, nhận được sự ân sủng của vua nước Cao Ly và sự mến yêu của dân chúng nhưng chưa lúc nào trong trái tim ông phai nhạt tình yêu cố quốc và khát vọng hồi hương. “Các miền đất xung quanh huyện trấn đều được ông đổi thành địa danh của nước Đại Việt”. Hình ảnh Lý hằng đêm trằn trọc bên ngọn đèn, hằng ngày dậy thật sớm “leo lên tảng đá có tên Việt Thanh nham trên đỉnh Việt Thanh sơn, bao quát cả biển Tây, nhìn các thuyền buồm tới lui trên biển cả,… chỉ muốn bay lướt qua đầu của vô vàn những ngọn sóng xanh để tìm đến các phu thuyền hỏi han tin tức nơi cố quốc…” đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc.
    Tác giả đã không miêu tả toàn vẹn hình tượng Lý ngay từ đầu theo lối truyền thống mà chân dung ông được hiện dần qua từng trang sách. Để làm nổi bật hình tượng của Lý, Khương Vũ Hạc đã sáng tạo ra hàng loạt nhân vật phụ không hề được ghi chép trong sử sách nhưng lại hoàn toàn ăn nhập với guồng chuyển động của tâm lý và tính cách nhân vật. Đó là một Lý Quân Bật trung thành, chu đáo, một Tiêu Vĩnh Vạn văn võ song toàn,… Đặc biệt, tác giả đã rất chú ý đặt nhân vật trong những hoàn cảnh gay cấn, dữ dội để phơi mở, khắc họa diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật: nỗi đau xót, chán chường trước cảnh tha hương, sự thổn thức của trái tim đa cảm trước cảnh sắc thiên nhiên mỹ lệ, trước vẻ yêu kiều của các thanh nữ, tấm lòng nhớ nước luôn đè nặng, canh cánh trong lòng.
    Hoàng thúc Lý Long Tường được kết cấu theo mô hình kết cấu truyền thống của tiểu thuyết cổ điển phương Đông. Tác phẩm chia làm nhiều chương, đầu mỗi chương có một câu thâu tóm toàn bộ nội dung sẽ được triển khai. Thời gian là trục chính để tổ chức tác phẩm, có sự vận động theo chiều tuyến tính của thời gian thực tế ngoài đời từ quá khứ tới hiện tại, tương lai. Nương dựa vào sự vận động của thời gian, tác giả kết nối, triển khai hệ thống sự kiện và nhân vật. Câu chuyện được kể lại từ nhân vật người kể chuyện ở ngôi thứ ba, giấu mặt, lặng lẽ quan sát mọi diễn biến của câu chuyện và kể lại cho độc giả, hoàn toàn không can dự vào logic câu chuyện. Chính lối kết cấu và cách kể chuyện tôn trọng sự kiện và nhân vật lịch sử đã khéo léo dẫn dụ người đọc nhập vào thế giới nghệ thuật của tác phẩm, tạo cho họ cái ảo giác “như thật” về con người và sự kiện lịch sử được tái hiện trong tác phẩm.
    2. Trong tác phẩm đây đó còn có những miêu tả, hư cấu chưa thật phù hợp với bối cảnh lịch sử, văn hóa và địa lý‎ của nước Đại Việt thế kỷ XIII. Một số nhân vật lịch sử tính xác thực chưa cao như Tể tướng Trần Nhật Chiếu,… Trong quá trình sáng tạo tác phẩm, logic tính cách của một vài nhân vật chưa thật hợp lý, điển hình là Tri huyện Ủng Tân Lý Hoàn Khuê. Đặc biệt, Khương Vũ Hạc dường như bị chi phối bởi quan điểm “ủng L‎ý, phản Trần” (ủng hộ nhà Lý, phản đối nhà Trần) nên đã chưa thật khách quan khi miêu tả các nhân vật của nhà Trần như Tể tướng Trần Nhật Chiếu, Tướng quân Trần Vũ… Dưới ngòi bút của ông, các nhân vật này đều là những kẻ “dối đời để tiếm ngôi” với sự thâm hiểm, tàn bạo. “Màn kịch chuyển đổi vương triều” của nhà Trần quả có sự dàn dựng công phu và khá tàn nhẫn nhưng lại hàm chứa cái lý sòng phẳng của cuộc sống. Giai đoạn cuối của triều Lý vắng bóng những vị vua kiệt hiệt, đủ tài đức để chấn hưng đất nước. Việc làm của nhà Trần là muốn “thay máu” cho cả dân tộc đang ốm yếu, trì trệ, đầy mầm bệnh nan y, không còn khả năng tự cường. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi vương triều từ Lý sang Trần là nhu cầu chính đáng, hợp quy luật, và phải biết chấp nhận những đau đớn của cuộc chuyển vần nhưng điều quan trọng là phải giữ được hồn núi sông, chấn hưng được dân tộc. Trên thực tế, nhà Trần đã làm tốt điều ấy. Những hạn chế này cũng là điều dễ hiểu khi Khương Vũ Hạc mới chỉ dựa vào nguồn tư liệu của Hàn Quốc chứ chưa tiếp cận và có cái nhìn đối sánh với những tư liệu lịch sử của Việt Nam trong quá trình sáng tác. Bản thân những tư liệu của dòng họ Lý ở Hàn Quốc mà ông tiếp cận được, không phải tư liệu nào cũng khả tín, khả kiểm.
    Mặc dù vậy, Hoàng thúc Lý Long Tường vẫn là một cuốn sách có giá trị nhiều mặt. Qua tác phẩm, độc giả được chứng kiến giai đoạn lịch sử đầy biến động bão táp và số phận cam go nhưng cũng rất đỗi oai hùng của Lý ‎Long Tường, một nhân vật chưa được ghi trong sử sách. Cả một góc chìm khuất của lịch sử đã được hé lộ. Có thể xem đây chính là sự bổ sung quý báu để con người hôm nay có cái nhìn toàn vẹn, đầy đặn hơn về dòng họ Lý trong lịch sử dân tộc.Vì vậy, đây là tác phẩm rất có ‎ý nghĩa hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nó cũng chứng tỏ “con mắt xanh” của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia khi xuất bản tác phẩm này cách đây không lâu (1996) đã cho tái bản lần 1 với số lượng 10.500 cuốn.  

    Sản phẩm cùng loại

    Tác giả: Ban Liên lạc Cựu chiến binh Tiểu đoàn 59
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chỉ huy Quân sự huyện Cờ Đỏ (Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Cần Thơ)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ xã Nam Vân (Đảng bộ Thành phố Nam Định)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ phường Nguyễn Trung Trực (Đảng bộ quận Ba Đình, thành phố Hà Nội)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Hải Lăng (Đảng bộ tỉnh Quảng Trị)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ thị trấn Cửa Tùng
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ phường Xuân Đài (Đảng bộ thị xã Sông Cầu)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ phường Xuân Phú (Đảng bộ thị xã Sông Cầu)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ xã Xuân Lâm (Đảng bộ thị xã Sông Cầu)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ phường Xuân Yên (Đảng bộ thị xã Sông Cầu)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ phường Xuân Thành (Đảng bộ thị xã Sông Cầu)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ xã Xuân Bình (Đảng bộ thị xã Sông Cầu)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ xã Vũ Lạc (Đảng bộ Thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ xã Hành Đức (Huyện ủy Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi)
    Giá tiền: Liên hệ
    Tác giả: Ban Chấp hành Đảng bộ xã KDang (Đảng bộ huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai)
    Giá tiền: Liên hệ