Tác giả: PGS.TS. Trần Quốc Toản (Chủ biên)
Số trang: 356tr
Giá tiền: 77.000đ
Cuốn sách Đổi mới quan hệ sở hữu đất đai - Lý luận và thực tiễn được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật xuất bản dựa trên kết quả của Đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước "Chính sách ruộng đất ở nông thôn" (KX-08-02) thuộc Chương trình nghiên cứu KX-08, thực hiện từ năm 1993. Đề tài được Tiểu ban soạn thảo Luật đất đai (sửa đổi) khi đó đánh giá là đã "góp phần quan trọng vào việc luận chứng cơ sở khoa học và các giải pháp thực tiễn cho việc đổi mới quan hệ sở hữu đất đai ở nước ta". Đến nay, kết quả nghiên cứu của Đề tài về cơ bản vẫn còn giá trị đối với những vấn đề lớn đang được thảo luận sôi nổi về đổi mới quan hệ sở hữu đất đai.
Bốn chương đầu của cuốn sách trình bày kết quả nghiên cứu của Đề tài (tác giả có bổ sung, cấp nhật một số tư liệu mới), khái quát thực trạng quan hệ sở hữu đất đai trong cơ chế cũ và phân tích nội dung của sự vận động quan hệ ruộng đất trong cơ chế mới - cơ chế thị trường. Chương 5: "Về tiếp tục hoàn thiện quan hệ sở hữu đất đai và cấu trúc quan hệ sở hữu đất đai" - chương cuối của cuốn sách - trình bày những vấn đề cơ bản đặt ra trong bối cảnh thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Luật đất đai năm 2003.
Theo các tác giả, việc tiếp tục đổi mới quan hệ sở hữu đất đai hiện nay cần dựa trên ba nội dung chủ yếu là: bản chất của quan hệ sở hữu đất đai; tính quy định của quá trình lịch sử thay đổi quan hệ sở hữu đất đai ở nước ta tạo nên thực trạng hiện nay; chế định chế độ sở hữu toàn dân về đất đai trong Hiến pháp năm 1992.
Có thể nói, cuốn sách như một bức tranh xuyên suốt quá trình hình thành chế độ sở hữu đất đai ở Việt Nam, nhưng là một bức tranh có nhiều tầng, nhiều lớp ý nghĩa, bởi bên trong sự khái quát là những phân tích rất sâu sắc về cấu trúc, bản chất, các hình thái vận động của quan hệ sở hữu đất đai, đặc biệt là những vấn đề được các tác giả rút ra cũng như những kiến nghị, đề xuất trong việc tiếp tục hoàn thiện chế độ sở hữu đất đai ở Việt Nam hiện nay.
Giao Linh