Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII thành công và bế mạc

Ngày đăng: 13/04/2016 - 09:04

* Các đồng chí: Nguyễn Phú Trọng, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, Trần Đại Quang, Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng, Nguyễn Thiện Nhân dự

* Thông qua hai Nghị quyết

* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đọc diễn văn bế mạc

kỳ họp 1112

 Các đại biểu tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII

Ngày 12-4, kỳ họp thứ 11, Quốc hội (QH) khóa XIII đã thành công tốt đẹp và bế mạc. Đến dự phiên bế mạc, có các đồng chí: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư: Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Chủ tịch nước: Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch QH: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam: Phạm Thế Duyệt, Huỳnh Đảm; các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước; các đồng chí lão thành cách mạng; nhiều đại biểu QH các khóa trước và các đại biểu QH khóa XIII.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Kỳ họp thứ 11 - kỳ họp cuối cùng của QH khóa XIII đã thành công tốt đẹp. Chúng ta đã tổng kết sâu sắc nhiệm kỳ, rút ra những bài học kinh nghiệm quan trọng và bổ ích, đã quyết định mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước và quyết định điều chỉnh, kiện toàn các chức danh lãnh đạo của bộ máy nhà nước…, kịp thời triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và chuẩn bị các điều kiện tiền đề cho bước phát triển tiếp theo của QH nước CHXHCN Việt Nam. Với truyền thống và kinh nghiệm tích lũy qua 70 năm, với ý thức trách nhiệm trước nhân dân và tiền đồ của đất nước, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, QH khóa XIV sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trước phiên bế mạc, các đại biểu QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Tiếp theo, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết này.

Sau đó, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, với 462 đại biểu tán thành, bằng 93,52% tổng số đại biểu QH. Nghị quyết nêu rõ mục tiêu tổng quát về phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020 là: Bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển văn hóa, thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và chủ động hội nhập quốc tế.

Trong đó, các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế là: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm đạt 6,5 đến 7%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 3.200 đến 3.500 USD; tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP năm 2020 khoảng 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm khoảng 32 đến 34% GDP; bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 dưới 4% GDP; năng suất lao động xã hội bình quân tăng khoảng 5%/năm.

Các chỉ tiêu về xã hội là: Tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội năm 2020 khoảng 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 đạt khoảng 65 đến 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị năm 2020 dưới 4%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2020 đạt hơn 80% dân số; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1,0 đến 1,5%/năm.

Về nhiệm vụ và giải pháp, Nghị quyết nhấn mạnh các nhóm giải pháp về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ. Phát triển bền vững văn hóa, xã hội, y tế trên cơ sở gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tập trung phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Tiếp theo, QH biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của QH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước, với 465 đại biểu tán thành, bằng 94,13% tổng số đại biểu QH. Nghị quyết nêu rõ, QH yêu cầu trong thời gian tới, các cơ quan cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được; khắc phục những hạn chế, yếu kém; tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát, nỗ lực hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và các Nghị quyết của QH.

Trong đó, chú trọng tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của QH để QH phát huy dân chủ, chủ động, sáng tạo, tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm QH thật sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước CHXHCN Việt Nam. Chủ tịch nước tiếp tục phát huy vai trò là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước CHXHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại, thực hiện nhiệm vụ thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh; góp phần củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; thúc đẩy quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả nhằm nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của nước ta, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tập trung lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành; xây dựng Chính phủ hành động, trong sạch, vững mạnh, đoàn kết, trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; nỗ lực phấn đấu, có giải pháp hiệu quả thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.

Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; tuân thủ chặt chẽ và bảo đảm thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong hoạt động tố tụng; khẩn trương triển khai thi hành các đạo luật về tư pháp; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phát hiện vi phạm pháp luật, bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Kiểm toán Nhà nước tiếp tục đổi mới để nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đẩy mạnh kiểm toán hoạt động để đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, tính hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo quy định của pháp luật; nâng cao hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán; thực hiện nghiêm Luật Kiểm toán nhà nước.
Tại Nghị quyết này, QH kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước nêu cao truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, các Nghị quyết của QH; trước mắt là tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, mở rộng đối ngoại, hợp tác và hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao đời sống nhân dân; góp phần củng cố và hoàn thiện bộ máy nhà nước để Nhà nước ta thật sự trở thành Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

* Ngay sau khi bế mạc, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký QH, Chủ nhiệm Văn phòng QH đã chủ trì buổi Họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII. Cùng dự, có đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH, các cơ quan hữu quan và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế.

Tại buổi họp báo, đại diện Ban Tổ chức cho biết, sau 19 ngày làm việc, với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII đã kết thúc tốt đẹp. QH đã hoàn thành chương trình đề ra với nhiều nội dung quan trọng về công tác xây dựng pháp luật; tổng kết nhiệm kỳ khóa XIII; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác nhân sự Nhà nước. Trong đó, QH đã xem xét, thông qua bảy đạo luật và Nghị quyết phê chuẩn Công hàm Thỏa thuận về cấp thị thực giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. 

Tại buổi họp báo, đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc đã trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo chí về các vấn đề liên quan kỳ họp. Đồng thời, ghi nhận sự tham gia đưa tin kịp thời, đầy đủ, chính xác của các cơ quan thông tấn báo chí trong nước và quốc tế, góp phần vào thành công chung của kỳ họp.

Theo Báo Nhân Dân

 

Bình luận