Khắc họa chân dung nhà báo cách mạng qua “Chứng nhân lịch sử”
Bạn đọc cả nước, đặc biệt giới báo chí - truyền thông biết đến GS. TS. Tạ Ngọc Tấn với góc độ nhà chính trị, nhà quản lý, nhà giáo, nhà khoa học trong nhiều lĩnh vực, và nhà báo kỳ cựu của làng báo chí cách mạng nước ta. Cứ nghĩ, đảm đương nhiều trọng trách như thế, ông không còn thời gian để viết báo và đặc biệt là xuất bản sách.
Cuốn sách Chứng nhân lịch sử của GS.TS. Tạ Ngọc Tấn do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản
Thế nhưng với tình cảm và tâm huyết cho nghề làm báo và trên hết là mong muốn cung cấp nguồn tài liệu cho các nhà nghiên cứu, phóng viên, biên tập viên, cán bộ, nhân viên trong các cơ quan hoạch định chính sách, quản lý báo chí, truyền thông và bạn đọc có nhu cầu tìm hiểu về nền báo chí cách mạng Việt Nam, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn nung nấu ý định và bắt tay vào việc viết về chân dung một số nhà báo cách mạng Việt Nam tiêu biểu, mà Chứng nhân lịch sử là tập sách đầu tiên hiện thực hóa ý tưởng này, trên cơ sở tổng hợp những nghiên cứu của tác giả từ những năm 1990 đến nay.
Thực tiễn cách mạng cho thấy, xuyên suốt theo chiều dài lịch sử đấu tranh giành độc lập của đất nước, báo chí cách mạng Việt Nam gắn liền với những cuộc chiến tranh khốc liệt, nhiều hy sinh, gian khổ để bảo vệ Tổ quốc, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân và góp phần không nhỏ vào quá trình xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước ngày một bền vững đi lên như ngày nay. Trải qua chặng đường lịch sử ấy, báo chí cách mạng Việt Nam đã trở thành chứng nhân lịch sử hào hùng của dân tộc ta. Mỗi dòng tin tức về các trận đánh, về sự hy sinh không tiếc thân mình của các chiến sĩ, tin thắng trận... dưới ngòi bút của những nhà báo cách mạng trở nên vô cùng quý báu, có sức mạnh to lớn trong việc củng cố niềm tin, cổ vũ đồng bào, chiến sĩ, đặc biệt tạo ra sự gắn kết trong nhân dân ở mọi tầng lớp xã hội.
Những người làm báo chí cách mạng không chỉ là những nhà báo làm nhiệm vụ đưa thông tin đơn thuần mà họ còn trở thành những nhân vật của lịch sử, những chiến sĩ thực thụ trên chiến trường, những nhà cách mạng chiến đấu, hy sinh giành độc lập, tự do cho dân tộc, những người đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của nền báo chí nước nhà và trở thành di sản báo chí quý giá, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc. Vì vậy, việc tìm hiểu và học tập kinh nghiệm từ những “cây đại thụ” của nền báo chí cách mạng là việc làm có ý nghĩa trong bối cảnh sự phát triển của nền báo chí hiện nay.
Trong tập 1 của bộ sách, với gần 400 trang sách, bằng kinh nghiệm trải đời, trải nghề, sự tâm huyết đối với nghề báo, GS.TS. Tạ Ngọc Tấn đã khéo léo sáng tạo mỗi bài viết của mình thành một bức ký họa đơn giản về chân dung của các nhà báo thời kỳ đầu của nền báo chí nước nhà. Qua đó “bức tranh” lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam cũng được tái hiện một cách sinh động và đầy lôi cuốn.
Theo GS.TS. Tạ Ngọc Tấn, “viết về các nhà báo, nhất là những người thuộc các thế hệ tiền bối, là công việc không đơn giản, dễ dàng. Cái khó trước hết là tư liệu, tài liệu, nhất là các bộ sưu tập báo không dễ tìm thấy một cách đầy đủ. Chưa kể, các nhà báo thường sử dụng nhiều bút danh và cộng tác đồng thời với một số tờ báo khác nhau. Khó hơn chính là đánh giá, nhận định về chuyên môn, nghề nghiệp, sự đóng góp của mỗi nhà báo”.
Hầu hết các bài viết về các nhà báo cách mạng đã được đăng tải trên các tạp chí: Báo chí và Tuyên truyền (từ năm 2007 được đổi tên là Lý luận chính trị và Truyền thông), Người làm báo và một số báo, tạp chí khác. Trong cuốn sách này, các bài viết đó đã được tác giả chỉnh sửa những chi tiết không còn phù hợp, cập nhật, bổ sung một số tư liệu mới.
Chân dung nhà báo Việt Nam đầu tiên được giới thiệu trong tập sách này là nhà báo Hồ Chí Minh, người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Các nhà báo tiếp theo được sắp xếp theo ngày, tháng, năm sinh để thuận lợi cho bạn đọc theo dõi dòng chảy của lịch sử, lần lượt là các nhà báo: Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Tất Tố, Nguyễn An Ninh, Trần Huy Liệu, Trường Chinh, Phan Thanh, Hải Triều, Võ Nguyên Giáp, Xuân Thủy…
Hơn 98 năm qua (kể từ thời điểm số báo đầu tiên của tờ báo Thanh niên được xuất bản), lịch sử báo chí dân tộc đã trải qua biết bao thăng trầm và biến động, nhưng những bài học kinh nghiệm về lập trường, quan điểm của người làm báo, sự giác ngộ đường lối cách mạng, những phẩm chất cần có của người làm báo, lòng yêu nghề và sự dấn thân trong Chứng nhân lịch sử vẫn còn nguyên giá trị, đã trở thành “cẩm nang” vô giá đối với những nhà báo trẻ và những người đang chuẩn bị bước vào nghề báo. Bằng giọng văn mộc mạc, mang đậm hơi thở cuộc sống, cuốn sách không chỉ giúp độc giả có cái nhìn chân thực, cùng hồi tưởng về những năm tháng gian khổ thuở mới làm nghề của những nhà báo gạo cội, khơi gợi những kinh nghiệm trong công việc làm báo cao cả nhưng cũng nhiều khó khăn, thách thức, mà còn nhắc nhở mỗi thế hệ người làm báo bài học về tinh thần sáng tạo, ý thức trách nhiệm, ý chí và bản lĩnh trong quá trình lao động và cống hiến. Đặc biệt, đối với lớp thế hệ các nhà làm báo trẻ, hẳn sẽ tìm thấy nhiều câu chuyện ý nghĩa về nghề trong cuốn sách này, để từ đó hiểu thêm về trách nhiệm xã hội cũng như cái tâm của người cầm bút đối với cuộc đời và nghề nghiệp. Và đúng như tên gọi, cuốn sách sẽ là “chứng nhân” sống mãi với thời gian, là những trang viết hấp dẫn mà bạn đọc, đặc biệt là bạn đọc trẻ tuổi nên đọc, không chỉ để biết, để hiểu hơn nghề báo mà còn có thể rút ra những bài học nghề nghiệp, làm giàu có vốn tri thức và quan trọng hơn là truyền đến họ “lửa nghề”, động viên họ bước tiếp trên “cánh đồng chữ nghĩa” đầy nhọc nhằn.
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- “Trở về trong giấc mơ” - đọc để cảm nhận lý tưởng sống cao đẹp, tình yêu lứa đôi trong sáng của người lính
- Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới (Xuất bản lần thứ hai)
- “Người bạn đường du lịch văn hóa Hội An”
- Đọc “Sa Pa giữa trời mây trắng” để khám phá vẻ đẹp kỳ lạ của “thành phố trong sương”
- Viết về Điện Biên Phủ
- Nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam qua các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
- Xuất bản sách “Văn hóa phải soi đường quốc dân đi” nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Võ Nguyên Giáp - Vị tướng của nhân dân
- Người trẻ có sợ trách nhiệm
- “Nguyễn Hoàng - Người mở cõi”: Nguồn tư liệu mới nghiên cứu đầy đủ về vị Chúa Tiên - vị chúa Nguyễn đầu tiên
- Truyện về Hồ Chí Minh - Cuốn sách quý về cuộc đời Bác Hồ
- Cuba - Việt Nam: Hai dân tộc, một lịch sử