Khai mạc Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Sáng 10-3, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị.
Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII bàn về: Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020; việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết: Từ sau Đại hội XII của Đảng đến nay, Bộ Chính trị đã khẩn trương chỉ đạo việc hoàn chỉnh các văn kiện của Đại hội để sớm công bố; chuẩn bị ban hành Chỉ thị của Bộ Chính trị về học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; chuẩn bị xây dựng các quy chế làm việc, cùng một số nội dung quan trọng khác.
Bộ Chính trị đã thông qua chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2016; tiến hành phân công các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; bước đầu bố trí và sắp xếp lại nhân sự một số cơ quan Trung ương; đồng thời tích cực chuẩn bị giới thiệu nhân sự thuộc diện Trung ương quản lý ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV; bàn việc thực hiện một số chế độ, chính sách đối với cán bộ.
Ưu tiên những vấn đề bức xúc cần tháo gỡ, những khâu đột phá
Căn cứ vào Nghị quyết, văn kiện của Đại hội XII, xem xét ý kiến đề xuất của các ban, bộ, ngành, địa phương và của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị chuẩn bị dự thảo Chương trình làm việc toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương.
Đây là công việc quan trọng của Hội nghị Trung ương đầu nhiệm kỳ, xác định những nội dung, bước đi, định hướng của việc cụ thể hóa, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội.
Với tinh thần tiếp tục đổi mới, cải tiến cách ban hành nghị quyết, đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, chỉ đạo thực hiện, Trung ương tập trung thảo luận, lựa chọn đưa vào Chương trình những vấn đề lớn, quan trọng và cần thiết nhất, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ các nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa, xây dựng con người, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu tổng quát và 6 nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới mà Đại hội XII đã xác định.
Về Chương trình làm việc toàn khóa, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh ưu tiên những vấn đề bức xúc, khó khăn cần tháo gỡ, giải quyết, những khâu cần đột phá, các nhiệm vụ trọng yếu, như: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ); đổi mới mô hình tăng trưởng; chú trọng giải quyết tốt vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, xử lý nợ xấu và bảo đảm an toàn nợ công; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế...
Đổi mới công tác kế hoạch hóa phù hợp với cơ chế thị trường
Tại Hội nghị lần này, Báo cáo về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm, Kế hoạch tài chính trung hạn 2016-2020 và Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020, trình Trung ương là nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, bảo đảm triển khai thực hiện thành công nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ khóa XII.
Điểm mới quan trọng của Hội nghị lần này là, khi xem xét, cho ý kiến chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, đồng thời xây dựng kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch đầu tư công trung hạn nhằm đổi mới mạnh mẽ hơn nữa công tác kế hoạch hóa phù hợp với cơ chế thị trường, bảo đảm cân đối thu chi ngân sách, kế hoạch vay và trả nợ công cho cả nhiệm kỳ; đồng thời sớm khắc phục tình trạng đầu tư công dàn trải, chậm tiến độ, thất thoát, lãng phí, hiệu quả thấp, gây nhức nhối xã hội trong nhiều năm qua.
Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Trung ương căn cứ vào Nghị quyết Đại hội và tình hình thực tế đất nước, nghiên cứu, thảo luận thật kỹ các vấn đề nêu trong Tờ trình và các báo cáo, đặc biệt là các vấn đề Ban cán sự đảng Chính phủ xin ý kiến Trung ương. Chú ý cập nhật tình hình thế giới, trong nước, phát hiện những vấn đề mới nảy sinh để kịp thời có những điều chỉnh phù hợp. Tập trung vào những nội dung đổi mới, các vấn đề thuộc về quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, các cân đối lớn và các khâu đột phá, cơ chế, chính sách, biện pháp nâng cao tính khả thi của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung và Kế hoạch đầu tư công gắn với Kế hoạch tài chính công trung hạn nói riêng.
Giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước
Về việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo cấp cao của các cơ quan Nhà nước, Tổng Bí thư cho biết: Ngay sau Đại hội XII của Đảng, Bộ Chính trị đã tiến hành phân công một bước các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chuẩn bị và giới thiệu các đồng chí Ủy viên Trung ương ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ ở cấp mình.
Bộ Chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước ngay sau Đại hội toàn quốc của Đảng, và thống nhất cao là cần sớm kiện toàn, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan Nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Bộ Chính trị đề nghị Trung ương cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình Trung ương quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử các chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội là những chức danh lãnh đạo cao nhất của Nhà nước ta, đồng thời báo cáo xin ý kiến Trung ương trước khi Bộ Chính trị chính thức giới thiệu nhân sự đối với các chức danh khác để Quốc hội xem xét, bầu hoặc phê chuẩn theo thẩm quyền.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Vấn đề nhân sự mà Hội nghị Trung ương quyết định và tham gia ý kiến lần này cần quán triệt và thực hiện nhất quán Phương hướng công tác nhân sự do Đại hội toàn quốc của Đảng thông qua, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, hài hòa của Đảng trên các lĩnh vực, địa bàn và tạo ra sức mạnh tổng hợp chung. Cố gắng xem xét một cách tổng thể, sắp xếp hợp lý nhất trong điều kiện cho phép; căn cứ vào tiêu chuẩn chung của cán bộ, cần chú trọng năng lực, sở trường, chuyên môn được đào tạo, kinh nghiệm công tác và chiều hướng phát triển; kết hợp yêu cầu trước mắt với bước chuẩn bị cho các khóa tiếp theo, bảo đảm tính kế thừa và phát triển.
Công tác nhân sự cần được tiến hành theo đúng các quy định của Đảng, quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, đúng với nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, đồng thời phù hợp với các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động của các cơ quan nhà nước.
Tổng Bí thư đề nghị các đồng chí Trung ương phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ đóng góp ý kiến để Hội nghị thành công tốt đẹp.
Theo chương trình, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII sẽ làm việc đến ngày 12-3.
Nguồn: TTXVN
Bài viết liên quan | Xem tất cả
- Đồng chí Hoàng Văn Thụ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần
- Đồng chí Nguyễn Văn Tố - Nhà lãnh đạo tài năng, học giả uyên bác của Việt Nam
- Đồng chí Hoàng Đình Giong, lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam
- Đồng chí Đào Duy Tùng với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Đồng chí Nguyễn Lương Bằng - Người chiến sĩ cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “Cây tre Việt Nam”
- Sách đồng hành cùng doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số
- Đồng chí Lương Khánh Thiện - người chiến sĩ cộng sản kiên trung, trọn đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc
- Kỷ niệm 116 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07/4/1907 - 07/4/2023): Nhà lãnh đạo kiệt xuất trọn đời vì nước, vì dân
- Đồng chí Chu Huy Mân - Người cộng sản kiên cường, nhà chính trị xuất sắc của Đảng và Quân đội nhân dân Việt Nam (17/3/1913 - 17/3/2023)
- Đồng chí Huỳnh Tấn Phát - Người cộng sản kiên trung mẫu mực