Tác giả: Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước – Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV
Số trang: 952 trang
Như vậy, công trình khoa học đồ sộ gồm 4 quyển sách nói về Khoa bảng toàn quốc khắc trên Mộc bản triển Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới đã được hoàn thành. Đó là các cuốn sách: Khoa bảng Thăng Long – Hà Nội qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn; Khoa bảng Bắc Bộ và Thanh Hóa qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn; Khoa bảng Nghệ An – Hà Tĩnh – Quảng Bình qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn và đến nay là Khoa bảng Trung Bộ và Nam Bộ qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn. Cả 4 công trình trên đều do Cục Văn thư và Lưu trữ - Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV sưu tầm, biên soạn và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản.
Trước đây, toàn bộ kho tàng tư liệu quý về Khoa bảng nước ta đã được nhiều nhà nghiên cứu sưu tầm, dịch thuật và khảo cứu. Bởi vì, đây là một bộ phận rất quan trọng của nền văn hóa Việt Nam xưa, lấy khoa cử để lựa chọn nhân tài. Do đó, các sách khoa bảng biên soạn từ Mộc bản triều Nguyễn nói chung và cuốn sách Khoa bảng Trung Bộ và Nam Bộ qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn nói riêng, có thể nói là bộ tài liệu gốc (chữ Hán Nôm khắc ngược trên gỗ), chính quy và chính xác của triều đình, nên có một giá trị riêng, đặc biệt. Các tác giả đã làm việc đối chiếu, khảo cứu công phu để xác định những thông tin mới, nâng cao độ tin cậy của tư liệu.
Dưới triều Nguyễn, Trung Bộ và Nam Bộ (tính từ Thừa Thiên – Huế trở vào) có một vị trí quan trọng. Đó là cố đô Huế và kèm theo đó là Trường thi (thi Hội, thi Đình). Còn từ Quảng Nam trở vào, suốt dọc dải đất hẹp miền Trung, tiềm năng học hành, thi đỗ rât lớn, nên đã sản sinh ra nhiều bậc khoa bảng lỗi lạc. Đọc Khoa bảng Trung Bộ và Nam Bộ qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn, chúng ta thấy chỉ một mình tỉnh Quảng Nam, ngoài kỳ tích "Ngũ Phụng Tề Phi" (5 chim Phụng cùng bay – 5 sĩ tử đỗ Đại khoa cùng một khoa thi) và vinh dự hơn đó là đã sản sinh ra Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp..., những nhà khoa bảng lãnh tụ của phong trào Duy Tân đầu thế kỷ XX. Họ là những người làm vẻ vang cho trí thức khoa bảng nước nhà. Bởi vì, nếu chỉ đỗ đạt, làm quan thì cuộc đời cũng bình thường, nhưng ở họ đó là những con người yêu nước, đấu tranh chống lại chế độ thực dân phong kiến. Cuốn sách đã thống kê dược 1.571 người đỗ khoa thi Hương; 136 người đỗ khoa thi Hội; 01 người đỗ khoa thi Đình tại Trung Bộ và Nam Bộ, cùng với những thông tin quan trọng khác. Về phạm vi, cuốn sách này giới thiệu các nhà khoa bảng ở 10 tỉnh (Quảng Trị, Thừa - Thiên – Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Định Tường, Gia Định, Vĩnh Long và An Giang. Kết cấu cuốn sách gồm 3 phần:
Phần I: Các nhà Khoa bảng Trung Bộ và Nam Bộ đỗ Đại khoa qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn
Phần II: Các nhà Khoa bảng Trung Bộ và Nam Bộ đỗ khoa thi Hương qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn
Phần III: Bản dập Mộc bản triều Nguyễn về Khoa bảng Trung Bộ và Nam Bộ
Ngoài ta còn có phụ lục, tài liệu tham khảo.