Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - Sự lựa chọn đúng đắn

Ngày đăng: 15/12/2015 - 15:12

Với ý đồ gây sự chú ý và dư luận không tốt trong xã hội, vừa qua trên internet, một số đối tượng thù địch, cơ hội chính trị đưa thông tin xuyên tạc với nội dung: “Đảng, Nhà nước Việt Nam gần đây không đề cập nhiều đến cụm từ “chủ nghĩa xã hội”, cho thấy có khả năng dẫn đến một sự chuyển đổi rõ hơn về ý thức hệ, để sau đó, trào lưu “cải cách thể chế” sẽ được khởi động…”. Ý đồ xấu và chiêu trò xuyên tạc đó chỉ là những giọng điệu lạc lõng, không hề có sức thuyết phục.

kien dinh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 2-9-1945. Ảnh tư liệu

Những người có tư tưởng thù địch, thậm chí “đếm chữ chẻ câu”, viện dẫn và cho rằng, một số nội dung thông báo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta gần đây đã không đề cập chủ nghĩa xã hội, và võ đoán: “Đây là lần đầu tiên diễn ra một sự thay đổi âm thầm, nhưng có tính lịch sử”. Và rằng, “những thay đổi trên hé lộ về Đại hội XII có thể mở ra triển vọng cho một sự đổi khác khá lớn”. Thâm ý của họ là nói đến sự chệch hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Trò diễn cố làm ra vẻ “khách quan”, nhưng lại rất thiếu khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể và phát triển của các thế lực thù địch không có gì khác là nhằm tạo sự chú ý của dư luận, hy vọng sẽ có người nhẹ dạ, cả tin lan truyền thông tin sai lệch, làm nảy sinh những tâm tư băn khoăn, nhận thức lệch lạc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, để từ đó họ dễ bề kích động, lôi kéo, gia tăng các hoạt động chống phá trước thềm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng cả về nhân sự và nội dung, cả về tư tưởng và tổ chức.

Một câu hỏi đặt ra là: Còn có con đường nào khác để đưa đất nước ta đến đích "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh"? Câu hỏi này đã được trả lời từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và được khẳng định lại nhiều lần, gần nhất là trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và tiếp tục được khẳng định trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng, đó là: Sẽ không có sự lựa chọn nào khác ngoài con đường xã hội chủ nghĩa, mà ý thức hệ Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho mọi hành động.

Có thể có người cho rằng, giàu mạnh, văn minh thì chủ nghĩa tư bản đã đạt tới từ lâu, nhưng cần thấy một thực tế là sự giàu có đó không phải là “dân giàu”, mà chỉ là một nhóm người giàu (hiện nay chỉ mấy trăm nhà tỷ phú đã chiếm khoảng 50% GDP của toàn thế giới). Cũng chưa thể gọi là văn minh theo nghĩa đầy đủ nhất, khi tình trạng bất công, bóc lột (một cách tận cùng và bần cùng hóa người lao động); tình trạng phân biệt chủng tộc, tội ác bắn giết người, tệ nạn xã hội… vẫn đang là vấn nạn nổi cộm ở các nước đó. Rồi những mâu thuẫn cơ bản của chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là mâu thuẫn giữa tư bản lao động và làm thuê tiếp tục gia tăng. Trong khi đó, hậu quả nặng nề của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu khởi phát từ nền kinh tế tư bản độc quyền (năm 2007), có nguyên nhân từ yếu kém trong điều hành của chính quyền, đã và đang tác động nghiêm trọng đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội các quốc gia tư bản.

Xem xét, đánh giá sâu hơn về chủ nghĩa xã hội dân chủ, do các đảng xã hội dân chủ (hình thành khoảng cuối thế kỷ XIX) cho thấy: Với chủ trương xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng con đường thương lượng và đấu tranh nghị trường, cùng lập trường cải lương, cơ hội, các đảng xã hội dân chủ rốt cuộc ngả hẳn về chủ nghĩa tư bản từ khi ở Tây Âu, tổ chức này đã bỏ phiếu thông qua ngân sách của chính phủ tư sản, mở màn cho cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất vào năm 1914. Vào thời điểm Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, một số nước Đông Âu đi lên chủ nghĩa xã hội, đảng xã hội dân chủ ở các nước này biến động mạnh, một bộ phận chạy ra nước ngoài lập đảng lưu vong, bộ phận còn lại sáp nhập đảng cộng sản, nhưng các đảng viên đảng dân chủ cũ vẫn giữ nguyên quan điểm cải lương, làm cho trong nội bộ các đảng cộng sản Đông Âu luôn luôn tồn tại hai bộ phận, hai khuynh hướng. Chính đây là nguy cơ phản trắc, tiềm ẩn của các đảng đó và rồi tai họa đã ập đến vào những năm 1989-1991 ở các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô, các đảng cộng sản đã bị tan rã. Báo Công khai (Nga) số ra ngày 18-7-1995 viết: “Mục đích chống cộng, chống Xôviết của những người “dân chủ” không phải là vì hạnh phúc của nhân dân, vì phát triển xã hội, mà chỉ để thiết lập chính quyền độc tài của mình, chiếm đoạt tài sản của nhân dân”. Mới đây, Tổng Bí thư Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Nga A.Pôberedơkin đã trình bày tại cuộc hội thảo của những người theo chủ nghĩa xã hội ở Nga bản “Tuyên ngôn xã hội chủ nghĩa”, được coi là cơ sở cho Cương lĩnh của đảng, trong đó khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội là tất yếu lịch sử và là hình thái kinh tế - xã hội duy nhất mà xã hội loài người tiến tới. Nó không có sự lựa chọn nào khác… Cũng như ở đầu thế kỷ XX, những người xã hội chủ nghĩa Nga phải đi con đường của mình. Và cả ở lần này là không được sai lầm”.

Đến đây, xin được hỏi, chủ nghĩa xã hội dân chủ và chủ nghĩa tư bản lúc này thực chất có gì khác nhau, để rồi từ đó, nhìn vào thực tế hiện nay, một vài đảng do các nhóm người gốc Việt phản động, lưu vong “tự xưng” ở nước ngoài có hơi hướng “dân chủ”, với thành phần hỗn tạp, tư tưởng tiêu cực, bản chất cơ hội chính trị, nhận thức lầm lạc… thì lấy đâu ra lý trí, nhân tâm để làm điều tốt đẹp cho đất nước và càng không thể có được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân Việt Nam.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là con đường duy nhất đúng mà toàn Đảng, toàn quân cũng như mọi người dân Việt Nam đã và đang kiên trì, bền bỉ, quyết tâm thực hiện cho bằng được. Sẽ không có khó khăn, thách thức nào, không có thế lực chống đối nào có thể ngăn cản chúng ta thực hiện lý tưởng cao đẹp đó, bởi vì, đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Sự nghiệp xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa được Đảng ta lãnh đạo thể hiện trong nội dung của Cương lĩnh Chính trị, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm tính định hướng chính trị cho sự phát triển đất nước, tạo cơ sở cho tổ chức và hoạt động của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội hướng tới mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo bằng Cương lĩnh, chiến lược, các định hướng về chính sách và chủ trương lớn; có lộ trình, bước đi và phương thức lãnh đạo phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể; được thể hiện rõ trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng theo nhiệm kỳ. Trong mỗi nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Trung ương đều có Quy chế hoạt động và Chương trình toàn khóa, nhằm cụ thể hóa Cương lĩnh của Đảng, Nghị quyết của đại hội. Theo đó, khóa XI của Đảng đến nay đã diễn ra 12 hội nghị Ban Chấp hành Trung ương với gần 70 nội dung, văn bản quan trọng đã được bàn thảo, quyết định, thông qua, trong đó gồm 13 nghị quyết, 13 kết luận, hầu hết có tính chất chuyên đề, chuyên sâu trên các lĩnh vực trọng yếu, liên quan trực tiếp đến sinh mệnh chính trị của Đảng, của đất nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng dành phần lớn thời gian thảo luận, thông qua Dự thảo các văn kiện trình đại hội, bàn kỹ từ chủ đề, phương châm chỉ đạo đại hội; kết cấu Báo cáo Chính trị; về nội dung 15 vấn đề lớn của dự thảo… Đến Hội nghị lần thứ 12, Trung ương tập trung thảo luận cho ý kiến về: Tình hình kinh tế - xã hội năm 2015, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; công tác chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021… Những nội dung đó nhìn tổng thể, biện chứng không lẽ “nằm ngoài” chủ nghĩa xã hội như luận điệu xuyên tạc của những người có tư tưởng thù địch từng đưa ra? Chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam không phải cứ “hô khẩu hiệu” là có, như kiểu một vài nhóm chống đối, cơ hội chính trị đang làm với cái gọi là “đảng” của họ. Đồng thời cũng cần khẳng định: Mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, với truyền thống đại đoàn kết dân tộc “triệu người như một”, với bề dày truyền thống đấu tranh, hy sinh đã xây dựng nên thành quả cách mạng tươi đẹp hôm nay, sẽ luôn đề cao cảnh giác, phòng, chống và làm thất bại mọi âm mưu chống phá, mọi chiêu trò tuyên truyền xuyên tạc, đánh tráo khái niệm của các thế lực thù địch đã và sẽ còn tiếp tục diễn ra. Đó cũng là nhận thức và thực tế được Giôn Báchten (John Bachtell) - một trong những nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Mỹ, cũng như nhiều nhà cộng sản trên thế giới tán đồng và cho rằng: “Bài học chủ yếu trước hết mà chúng ta phải rút ra được từ lịch sử phong trào cộng sản - là chúng ta phải chiến đấu vì chủ nghĩa xã hội, chiến đấu về chính trị và tư tưởng. Tôi nghĩ đó bài học cách mạng của Cuba và Việt Nam”.

Theo Báo Quân đội nhân dân 


Bình luận